Tháng ngày ngất ngưởng
Posted at 27/09/2015
414 Views
Nó cười, bảo tại cả đêm thức chơi bài với bố, mất ngủ nên mới thế. Tôi cười, mắng nó cái tội ham chơi quên hết cả nhan sắc. Nó cũng cười, nhưng trong nụ cười đó, tôi cảm thấy có gì đó lành lạnh. Tôi hơi giật mình, nhưng chợt nghĩ, chắc tại mình cả nghĩ quá thôi, nếu có vấn đề gì nó sẽ nói với tôi ngay, trước giờ nó có giấu tôi điều gì đâu.
Cả ngày hôm đó, Sâm Cầm chỉ nằm ngủ, thi thoảng nó trở dậy uống nước rồi lại quay về giường nằm, tôi hỏi nó xem thực sự đã có chuyện gì, nó chỉ lắc đầu bảo “Tao đau đầu!” rồi ngồi nghịch điện thoại và lờ tôi đi. Ngay cả khi tôi kể chuyện Ria Mép hiểu nhầm tối qua, nó cũng chỉ nhếch mép cười một cái rất nhẹ rồi trùm chăn đòi đi ngủ. Tôi biết ngay có chuyện chẳng lành, nhưng dù tôi có cố cạy miệng nó, nó vẫn không buồn đáp lời. Thôi vậy, một khi Sâm Cầm đã không thích thì không thể ép được nó nói, chỉ còn cách chờ bao giờ nó cần, nó nhất định sẽ lôi tôi ra để “xả” cho bằng hết, lần nào chẳng giống lần nào. Nghĩ vậy nên tôi yên tâm để nó ngủ tiếp mà không căn vặn thêm điều gì nữa.
Mấy ngày sau, tâm trạng của Sâm Cầm có vẻ khá lên, nhưng nhìn vào mắt nó, tôi vẫn thấy có gì đó rất lạ... Trong thâm tâm, tôi thầm cầu mong dù đó là chuyện gì đi chăng nữa, nó sẽ mạnh mẽ đứng dậy như từ trước đến nay vẫn thế. Sâm Cầm mà tôi biết không dễ buông xuôi và đầu hàng vậy đâu.
Chương 6: Không thể gục ngã!
Chương 6.1
Vài tuần sau đó, tâm trạng của Sâm Cầm vẫn thất thường, lúc vui vẻ, lúc trầm ngâm. Tôi hỏi nó liệu có phải nó lại tiếp tục thất tình không, nó cười ha hả tuyên bố là vừa để trôi một “cục tình” rất to, có khả năng không bao giờ vớt lại được. Tôi cũng “phán” rằng thất tình là trạng thái không còn xa lạ gì với nó, vì thế, việc gì phải xoắn nhỉ? Sâm Cầm gật gù vỗ vỗ vai tôi vài cái rồi ôm túi đi ra khỏi phòng. Tôi nhìn điệu hất tóc kiêu hãnh của nó mà lòng chợt dâng lên cảm giác bất an kỳ lạ. Đã từ lâu, mọi niềm vui hay nỗi buồn của Sâm Cầm đều khiến tôi lo âu và thắc thỏm như nó là một phần ruột thịt của tôi vậy. Mà suy cho cùng, ngoài bà nội ra, tôi chỉ còn Sâm Cầm là người thân thiết nhất, không vui buồn với nó thì biết chia sẻ cùng ai bây giờ?
Sâm Cầm vừa đi khỏi, tôi cũng dắt xe đến thăm bà nội, đã lâu lắm rồi mới có dũng khí để đến thăm bà. Hồi bà còn ở dưới quê, mỗi ngày cuối tuần tôi đều hí hửng nhảy lên xe buýt về nhà, đôi khi chỉ để nghe bà thủ thỉ dăm ba câu chuyện ngày xưa hay ngủ lại với bà một đêm, dụi đầu vào má bà để ngửi mùi cay cay, nồng nồng của miếng trầu bà nhai. Với tôi, bà là cả một vùng ký ức, một trời yêu thương và một nơi chốn bình yên cho tôi trở về sau mỗi lần mỏi gối chồn chân. Tôi ước được quay lại ngày đó, lúc bà còn khỏe mạnh và minh mẫn, ngày mà chỉ cần nghe thấy tiếng bước chân từ xa là bà biết tôi đã về.
Bà nội giờ chuyển hẳn lên thành phố sống với chú thím, sau một cơn đột quỵ, hai chân bà đi lại khó khăn và mất trí nhớ, bà chỉ nhớ những gì thuộc về quá khứ. Có đôi lúc, bà lảm nhảm gọi tên bố tôi, mẹ tôi rồi cả tôi nữa, nhưng khi tôi ngồi trước mặt bà, bà lại không biết tôi là ai. Mỗi lần đến thăm, tôi thường vùi đầu vào ngực bà để mặc nước mắt thấm ướt chiếc áo đã lâu không còn thoang thoảng hương trầu ngày xưa nữa.
Tôi yêu bà hơn bất cứ điều gì trên đời, nhưng tôi rất sợ mỗi khi phải đến thăm bà, không phải vì tình cảnh của bà khiến tôi quá đau lòng, mà vì thím tôi. Tôi không muốn gặp người đàn bà ấy, không muốn nghe những lời bà ta nói và càng ngày, tôi càng không muốn liên quan gì đến con người tệ hại ấy. Mà, chẳng phải mình tôi nghĩ thế, chính bà ấy cũng chả mong mỏi gì sự có mặt của tôi ở đó. Còn nhớ, hồi tôi học đại học, mỗi lần thấy tôi đến chơi, thím thường than nghèo kể khổ vì nghĩ tôi đến xin tiền là chính. Sau này, mỗi lần chú tôi từ trong miền Nam ra, chú gọi tôi về nhà ăn cơm thì bà ấy theo sát tôi từng bước, sợ tôi thiếu thốn quá mà ăn cắp đồ đạc trong nhà. Tôi nhận ra rằng, trong mắt một người tham lam, hẹp hòi như thím tôi thì chẳng có ai không mê của cải cả. Bà luôn coi của cải là thước đo cho lòng tự trọng của con người, và tôi, đương nhiên là đứa không có một chút tự trọng nào rồi, vì trong túi làm gì có xu nào!
Từ hồi bà nội đổ bệnh, chú đón bà lên thành phố ở với thím cho tiện chăm sóc, tôi bất đắc dĩ phải đến đây hằng tháng, chủ yếu để thăm bà và góp một ít tiền cho thím. Do chú tôi làm việc ở miền Nam, năm về vài lần nên không hề biết việc thím đối xử với bà như thế nào, chú ấy vẫn tự hào rằng vợ mình là một cô con dâu hiếu thảo với mẹ chồng. Nhiều lần tôi định nói, nhưng nhìn ánh mắt tự hào, tin tưởng của chú dành cho bà ta, tôi không đành lòng.
Nhiều lần đến thăm bà, nghe những lời bóng gió chì chiết của thím dành cho bà mà tôi thấy chua xót vô cùng. Tôi đã thề là sẽ tích lũy tiền bạc, làm việc chăm chỉ để một ngày nào đó đón bà về sống với mình, dù nghèo khổ, hay khó khăn đến mấy, chỉ cần có bà ở bên, tôi tin mình sẽ làm được.
Cứ nhìn thấy tôi là thím đã đưa đẩy ngay việc tôi lâu rồi không đến thăm bà, không chịu gửi thêm quà cáp gì cho bà cả. Biết tính bà ta, tôi không giải thích gì nhiều, nhanh chóng dúi vào tay thím túi cam kèm theo chiếc phong bì chuẩn bị sẵn. Thím liếc cái phong bì rồi đút nó vào túi quần, đi thẳng lên nhà. Tôi cũng chả lấy thế làm buồn, thím tôi vốn là con người ưa vật chất, không có gì khiến bà ta vui bằng có tiền và cũng chả có gì khiến bà ta đau khổ hơn là mất tiền. Thế đấy, trong cuộc sống này, nhiều lúc đồng tiền có thể biến tình máu mủ thành một thứ lạnh lùng, tàn nhẫn và tanh lợm mùi kim tiền như vậy đấy.
Bà vẫn đòi ngồi cạnh cửa sổ để ngắm trăng bất kể là ngày hay đêm, có lẽ trong tiềm thức của mình bà vẫn luôn nhớ đến những đêm trăng dịu dàng ở quê ngày nào. Tôi lau mặt và bóp chân cho bà, kể vài ba câu chuyện vu vơ, thi thoảng bà lại nheo mắt nhìn tôi một cách xa lạ rồi hỏi “Cô là ai?”. Mỗi lần như thế, tôi lại nắm tay bà thật chặt, nhìn sâu vào mắt bà.
“Bà ơi! Cháu là Trăng Thanh đây!”
Bà ngồi gật gù, xoa đầu tôi như ngày còn bé và thì thầm:
“Trăng Thanh! Trăng Thanh! Bà nhớ cháu lắm.”
Tôi úp mặt lên lòng bàn tay bà khóc rưng rức, có rất nhiều điều tôi muốn nói cùng bà, có rất nhiều yêu thương tôi muốn dành cho bà, nhưng làm sao để bà hiểu đây? Khi nước mắt ướt đẫm tay, tôi thấy bà giật mình rụt tay lại, đẩy tôi ra và hỏi một cách vô hồn.
“Cô là ai?”
Tôi nhẹ nhàng lau khô tay bà rồi đáp lại một cách kiên nhẫn “Cháu là Trăng Thanh”, bà gật gật đầu rồi hỏi lại:
“Cơm đâu? Ăn cơm đi.”
Cả ngày hôm ấy, khi thì bà gọi tên tôi, khi bà gọi tên cô giúp việc, chốc chốc lại gọi mẹ tôi. Trí nhớ của bà giờ lộn xộn và rối rắm như một miếng bùi nhùi treo trên xó bếp. Dù bà không còn nhớ nổi khuôn mặt tôi, không nhớ rõ tên tôi, nhưng mỗi khi được nói chuyện cùng bà, được vuốt ve đôi bàn tay nhăn nheo của bà là tôi cảm thấy hạnh phúc và bình yên hơn bao giờ hết.
Trước khi về, tôi thì thầm vào tai bà “Bà ơi, bà chờ cháu nhé, cháu sẽ cố gắng để hai bà cháu mình được sống cùng nhau”. Chẳng biết bà có hiểu những gì tôi nói không mà bà gật đầu mỉm cười với tôi một cách trìu mến. Tôi thơm lên vùng trán nhăn nheo của bà, ôm bà thật lâu trước khi rời khỏi căn phòng ngây ngây mùi nước hoa xịt phòng rẻ tiền ấy.
Tôi xuống bếp, dúi cho chị giúp việc một ít tiền nhờ chị chăm sóc bà. Ở nhà này, ngoài người giúp việc cho bà ăn, tắm rửa cho bà thì không một ai bước vào phòng bà nữa. Chỉ những lúc chú tôi từ xa về, bà thím quý hóa mới đảo qua phòng bà vài phút để chứng minh với chú là mình vẫn hoàn thành tốt trách nhiệm của một người con dâu. Tôi biết, thím sợ chú tôi sẽ cắt ngay khoản “viện trợ” hằng tháng nếu chú biết việc bà ta bỏ mặc bà nội tôi, vì thế, dù khó chịu và tiếc tiền đến mấy thím cũng cắn răng thuê một cô giúp việc để vừa làm việc nhà, vừa chăm sóc bà cho thím rảnh nợ.
Tôi vừa dắt xe ra cổng, thím đã vội vàng chạy theo kéo tay than nghèo kể khổ như hàng trăm lần trước. Nào là dạo này giá thực phẩm tăng, thuốc tăng và cả lương osin cũng tăng cao, thím khó lòng chi trả nổi, nào là chú mày làm ăn khó khăn nên tiền gửi về cũng vơi đi nhiều lắm... Tôi hiểu ngay ra vấn đề, liền móc ví lấy thêm ít tiền dúi vào tay bà ta.
“Đây, cháu đóng thêm tiền ăn cho bà.”
“Ừ, phải thế chứ! Cháu cũng là cháu của bà, cũng phải có trách nhiệm nuôi dưỡng bà chứ, bỏ cho một mình thím lo sao được.”
“Vâng!”
“Mà này, thím đang định mấy nữa đưa bà về quê sống thôi, ở đây chật chội lại đắt đỏ, thím sợ không kham nổi.”
“Nhưng mà... ở quê bà đâu còn ai nữa ạ?”
“Ối giời, không còn ai thì thuê một người chăm nom là được, ở quê thuê giúp việc rẻ lắm, mày lo một một nửa, thím lo một nửa. Thế cho thím đỡ phiền mà mày cũng rảnh nợ để còn lấy chồng.”
Tôi lạnh người, không nói thêm được câu gì nữa, đành dắt xe ra khỏi cổng mà lòng nặng trĩu. Trời ơi, nếu bà còn minh mẫn, bà nghe được những lời này chắc là đau lòng lắm. Lần đầu tiên, tôi cảm thấy may mắn vì bà bị mất trí khi sống trong ngôi nhà này, có lẽ việc nhớ nhớ quên quên ấy sẽ khiến đầu óc bà thanh thản và dễ chịu hơn nhiều. Khi tôi chuẩn bị lên xe nổ máy, thím tôi vẫn cố thò cổ ra nhắc nhở.
“Này, nghĩ cho kỹ vào nhớ! Tao sợ mấy nữa bà qua đời trong nhà tao thì xui xẻo lắm.”
Tôi gật đầu, phóng xe đi và những giọt nước mắt lăn tràn trên gò má. Sao tình yêu thương trong thế giới nhỏ bé này lại xa xỉ đến vậy? Sao trên đời này lại xuất hiện những kẻ có trái tim làm bằng hơi lạnh của tiền như vậy? Tôi cay đắng cho cả cuộc đời tần tảo vì con vì cháu của bà, cay đắng cho niềm hạnh phúc bị dối lừa của chú và cay đắng luôn cho cả những gì tôi phải chứng kiến mà không biết thổ lộ cùng ai. Trên đường về, tôi bắt đầu nhẩm tính những khoản chi phí và cách sắp xếp công việc như thế nào để sớm đưa bà ra khỏi đó càng nhanh càng tốt. Tôi muốn những ngày cuối đời, bà được sống trong yêu thương và trân trọng, tôi sẽ làm được. Bà ơi, hãy chờ cháu nhé.
Tôi nằm vật xuống giường, nước mắt khô lại làm hai bên má dường như căng ra. Tôi muốn đón bà về ngay lập tức, tiền có thể cố gắng thu xếp được, nhưng còn người trông nom thì sao, bà không thể ở nhà một mình, còn tôi thì không thể bỏ việc để ở nhà chăm sóc bà được, như thế hai bà cháu sẽ sống bằng gì? Những lo lắng luẩn quẩn trong đầu khiến tôi không thể nào chợp mắt được.
Đêm nay, một đêm dài với bao bộn bề tính toán, Sâm Cầm vẫn chưa về dù đã hơn một giờ đêm. Tôi nghĩ, có khi nó ngủ lại chỗ bố nó nên không gọi điện hỏi han gì nữa. Loay hoay mãi không ngủ được, tôi ngồi dậy, với tay mở laptop rồi ngồi khoanh chân trên giường. Lâu lắm rồi không có thói quen chat chít vào ban đêm, cũng không tham gia bất cứ mạng xã hội nào như các bạn cùng trang lứa, có lẽ, tôi quá già so với cuộc sống sôi động của những người trẻ khác. Tôi chẳng quan tâm, miễn mình tự cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại là đủ. Cuộc sống của ta sẽ trở nên hạnh phúc hơn nếu ta tự biết thế nào là đủ cho bản thân, đúng không?
Mở tờ báo điện tử quen thuộc, tôi lướt qua vài tin tức giải trí trong ngày, chợt khựng lại vì một bức ảnh, ảnh của một người đàn ông quá đỗi quen thuộc đang bị còng tay. Tôi dụi mắt thêm vài lần nữa để chắc chắn rằng mình không nhìn nhầm. Không, không thể nhầm, tôi đưa mắt liếc nhìn dòng “tít” báo phía trên bức ảnh “Một giám đốc doanh nghiệp bị bắt vì tội buôn lậu và lừa đảo”. Tôi bàng hoàng ngồi xuống rồi vội vã cầm lấy điện thoại gọi cho Sâm Cầm, tiếng nhạc chờ quen thuộc vang lên nhưng Sâm Cầm không nhấc máy, thêm nhiều hồi chuông nữa, vẫn không thấy động tĩnh gì.
Tôi như ngồi trên đống lửa, trời ơi, không biết Sâm Cầm đã biết việc bố nó bị bắt chưa? Tôi linh cảm có điều gì đó rất tồi tệ sắp xảy ra mà không thể làm gì. Sâm Cầm, mày đang ở đâu? Tôi bấn loạn đi lại liên tục trong phòng và không ngừng gọi nó nhưng đáp lại tôi chỉ là những hồi chuông dài lạnh lẽo. Tôi vội vã khoác thêm áo, đẩy cửa bước ra ngoài, tôi sẽ đi tìm Sâm Cầm, chắc nó đang buồn lắm, đang ngồi khóc ở đâu đó ngoài kia.
Vừa đẩy cửa ra, tôi thấy Ria Mép đang đứng hút thuốc trước cửa tự lúc nào, tôi không có nhiều thời gian để hỏi anh ta đứng đây làm gì, chỉ lặng lẽ lách qua người Ria Mép để đi ra cổng. Ria Mép kéo tay tôi.
“Gia Cầm chưa về đúng không?”
“Ừ, tôi đang định đi tìm nó!”
“Cô biết cô ấy ở đâu à?”
“Không! Nếu biết tôi đã không phải đi tìm.”
Ria Mép vứt điếu thuốc xuống sân, bước lên trước kéo tay tôi cùng đi...