Tháng ngày ngất ngưởng
Posted at 27/09/2015
413 Views
Sâm Cầm để cho Ria Mép dựa vào mình trông có vẻ rất tình cảm, trông thấy hình ảnh đó tự nhiên tôi thấy cái gì đó thật... khó chịu. Cái con bé Sâm Cầm này sao mà dễ tính thế không biết, anh ta bị thương thật đi nữa thì chỉ bị ở mông thôi, chứ có bị ở chân đâu mà đến nỗi không đứng được kia chứ. Trông thấy tôi, cả hai hỏi han xem bác sĩ nói gì, tôi khoát tay tỏ ý là không có gì cả, cả hai thở phào nhẹ nhõm mà không thèm để ý gì đến thái độ của tôi. Cuối cùng thì chúng tôi cũng lết được về đến nhà vào lúc hai giờ sáng. Đẩy được Ria Mép về phòng, hai đứa tôi leo lên giường ngủ một giấc thẳng cẳng đến mười giờ trưa hôm sau mới dậy.
Từ hôm Ria Mép bị chó cắn, nghiễm nhiên anh ta cứ sang phòng chúng tôi ăn vạ, đòi được chăm sóc. Thật không may cho anh ta, đúng dịp tôi bận nhất nên thường xuyên vắng nhà, nhiệm vụ chăm sóc anh ta được tôi trân trọng giao lại cho Sâm Cầm. Mấy ngày đầu, anh ta luôn than thở là cơm sống, canh mặn rồi đủ các kiểu, nhưng những ngày sau dường như mọi thứ tốt đẹp hơn. Anh ta có vẻ vui ra mặt. Còn Sâm Cầm thì từ chỗ bị ép buộc đến chỗ vui vẻ phục vụ như không có vấn đề gì. Nhìn họ càng ngày càng thân thiết khiến tôi có cảm giác như mình đang đố kỵ. Đôi lúc tôi không hiểu mình sợ phải chia sẻ tình bạn thân thiết giữa tôi với Sâm Cầm cho một người khác, hay vì điều gì nữa. Tôi chỉ mơ hồ thấy mình buồn buồn thôi. Nhưng, dù có buồn đi chăng nữa, tôi vẫn luôn cảm thấy hai con người đó thật đáng yêu, hai người mỗi người hiểu và sẻ chia với tôi theo những cách khác nhau và tôi biết, họ yêu quý tôi thật sự.
Ba người chúng tôi càng ngày càng gắn bó hơn, không tránh khỏi những lúc chảnh chọe, khó chịu với nhau nhưng làm lành cũng rất nhanh. Bà Vịt Bầu thấy không khí chung sống hòa bình thế cũng lấy làm hài lòng, thi thoảng bà xách xuống cho ít hoa quả hay ít thức ăn rồi tiện thể buôn chuyện đầu làng cuối phố cho chúng tôi nghe. Cuộc sống cứ thế trôi, và tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, một ngày nào đó, tất cả sẽ không còn được hồn nhiên như bây giờ nữa. Ôi, giữa cuộc sống xô bồ này, sự hồn nhiên thật hiếm hoi, vì thế, những ai đã hồn nhiên xin hãy cứ hồn nhiên như cây cỏ để thấy đời còn nhiều thứ hay ho mà yêu thương, mà hưởng thụ.
Tôi cũng thi thoảng gặp tay bác sĩ Bắp Ngô, chủ yếu là hắn gọi điện hẹn gặp, hay đón đường tôi về. Chỉ loanh quanh dăm ba câu chuyện vặt nhưng dần dần, tôi có cảm giác hắn đã bớt kiêu ngạo hơn, nhưng không hiểu sao tôi vẫn có cảm giác có gì đó ở hắn khiến mình cần phải đề phòng. Mà không đề phòng sao được, biết người, biết mặt, nhưng ai hiểu rõ trong lòng họ nghĩ gì? Với một người mình không biết nhiều về họ thì tốt nhất hãy giữ khoảng cách an toàn để tránh gây ra những tổn thương không đáng có cho bản thân.
Chương 4.2
Sau hoạn nạn của Ria Mép thì đến lúc Sâm Cầm ngã bệnh. Nó bị sốt virut một tuần, người lả đi. Tôi không còn cách nào khác liền gọi điện cho Bắp Ngô đến xem xét, hắn đến khám và truyền nước cho Sâm Cầm rất đều đặn. Những ngày đó, tôi và Ria Mép thay nhau nghỉ việc để trông nom Sâm Cầm. Thi thoảng, trong cơn ngủ mê, tôi thấy Sâm Cầm ứa nước mắt gọi “Mẹ! Mẹ!”.
Những lúc đó, tôi thấy thương bạn vô cùng, Ria Mép hỏi tôi nhiều hơn về Sâm Cầm. Lúc đầu tôi còn giấu, nhưng sau đó tôi quyết định kể cho Ria Mép nghe. Dù gì, với chúng tôi, Ria Mép đâu phải là người xa lạ nữa. Sâm Cầm có mẹ, nhưng mẹ cô bỏ ra nước ngoài cùng với nhân tình, bố cô ở Hà Nội, nhưng Sâm Cầm không muốn sống cùng bố, bố cô có cuộc sống riêng với bồ, cứ vài tháng ông lại thay một cô bồ khác nhau, hơn nữa, Sâm Cầm phát hiện ông làm ăn phi pháp nên cô chuyển ra ngoài để sống tự lập và không muốn dựa dẫm vào ông, mặc dù tình yêu của cô đối với bố mình chưa từng phai nhạt.
Ria Mép nghe xong, thở dài nói “Sao trời run rủi thế nào mà ghép ba chúng ta ở cùng nhau nhỉ? Chúng ta gần giống nhau, cô không có bố mẹ, Sâm Cầm cũng chẳng khá hơn, còn tôi mất mẹ, bố lấy vợ mới sinh con mới và quên bẵng tôi...”. Ừ, có lẽ chính vì thế mà chúng ta thân với nhau, có thể vì thế mà chúng ta chia sẻ được với nhau. Chúng tôi không giống nhau về hoàn cảnh, mà chúng tôi giống nhau về thái độ sống, không ủy mị, không phiền não, chúng tôi sống kiêu hãnh và không ngừng vươn lên. Tôi nghĩ rằng, bạn đối mặt với cuộc sống bằng thái độ như thế nào, thì cuộc sống sẽ trả lại bạn xứng đáng với cách sống đó. Và thế là, tôi, Sâm Cầm, Ria Mép, cả ba chúng tôi vẫn học tập, vẫn làm việc, vẫn yêu, vẫn sống ngất ngưởng giữa cuộc đời này mà chưa phút giây nào có ý định đầu hàng số phận.
Những ngày sau đó, Sâm Cầm dường như yếu hơn. Bắp Ngô mỗi ngày đều dành thời gian qua khám cho nó, hắn nói tại Sâm Cầm suy nhược, không ăn uống gì nhiều nên mới lả đi như thế, chứ cơn sốt đã hạ từ vài ngày trước rồi.
Nghe đến đó, Ria Mép quay sang hỏi tôi xem có nên gọi điện cho bố Sâm Cầm không. Tôi im lặng một lúc rồi lắc đầu, cả Ria Mép lẫn bác sĩ Bắp Ngô đều ngạc nhiên nhìn tôi. Ria Mép hỏi “Sao không gọi, cô ấy ốm thế này thì bố cũng có quyền được biết chứ?”. Tôi lặng lẽ bước ra khỏi phòng, Ria Mép và Bắp Ngô theo sau, họ đóng nhẹ cửa phòng, dường như cả hai vẫn chờ đợi ở tôi một câu trả lời. Tôi nói nhỏ như sợ Sâm Cầm nghe thấy “Sâm Cầm không muốn đâu, nó chỉ muốn gặp bố khi vui thôi, còn những lúc buồn hay ốm đau nó đều lánh mặt”. Ria Mép im lặng, còn bác sĩ buột miệng hỏi “Tại sao?”. Tôi nhìn vào khoảng không trước mắt, nói với hắn, nhưng thực chất cũng là nói cho chính mình nghe “Khi yêu thương ai đó, anh chỉ muốn người đó thấy yên tâm về mình nhiều hơn là lo lắng cho mình, Sâm Cầm cũng vậy đấy!”. Không ai nói gì nữa, cả ba người chúng tôi đứng dưới mái hiên nhà trọ khi những hạt mưa cuối mùa hè bắt đầu rơi lộp bộp trên mái nhà. Vẫn là sự im lặng, ba người, mỗi người đang theo đuổi những ý nghĩ khác nhau, chỉ có mưa là rơi càng lúc càng nặng hạt dần cho đến khi ào xuống, vỡ tan tác dưới sân.
Sâm Cầm cuối cùng cũng lấy lại sức sau hai tuần vật vã vì bệnh tật. Nó lại cười tươi như chưa bao giờ có những ngày ốm rũ rượi. Từ hồi Sâm Cầm ốm, Ria Mép trở nên quan tâm đến nó hơn, ít chảnh chọe hơn, mà nếu có thì hắn sẽ nhường nhịn Sâm Cầm chứ không quang quác miệng đòi “công lý” như những lần trước nữa. Cuộc sống của chúng tôi lại trở lại vui vẻ như trước đây, vẫn chơi cá ngựa, vẫn thi thoảng cứu ông Châu Chấu bị nhốt ngoài cổng, vẫn nịnh nọt bà Vịt Bầu mỗi khi bà tức giận. Tất cả vẫn vậy, duy chỉ có một thứ, thứ duy nhất khiến lòng tôi chênh chao là những cử chỉ quan tâm của Ria Mép dành cho Sâm Cầm. Đôi lúc, sự ích kỷ trong tôi trỗi dậy, tôi chỉ muốn Ria Mép chưa từng xuất hiện ở đây, chưa từng có sự thân thiết giữa chúng tôi để tôi và Sâm Cầm vẫn tiếp tục cuộc sống ngất ngưởng của hai đứa con gái ất ơ, phớt đời như trước. Nhưng, nhiều cuộc gặp gỡ trong cuộc đời này đều nằm trong chữ “duyên”, đã có “duyên” thì khi có ghét nhau đến mấy vẫn có ngày cảm thấy thương nhau không biết để đâu cho hết. Chúng tôi cũng vậy, ghét nhau rồi thương nhau, tưởng bỏ mặc nhau nhưng lại cưu mang nhau như người thân từ bao giờ. Suy cho cùng, khi được dựa vào nhau, được chia sẻ cùng nhau thì cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn và những sóng gió ngoài kia chẳng có gì đáng sợ nữa.
Sau trận ốm của Sâm Cầm, tôi lại bắt đầu quay trở lại với những bản thảo sách chuyên ngành khô khan và buồn chán. Đôi lúc nhìn lại, chính tôi cũng không hiểu được vì sao mình chọn công việc này và gắn bó với nó tận bốn năm qua mà không chút phàn nàn. Có lẽ, vì tôi là người dễ hài lòng với bản thân, dễ thỏa hiệp với những thứ mình đang có hoặc nói một cách trực diện hơn là tôi không có chí tiến thủ trong công việc. Tôi sẵn lòng chấp nhận một công việc tẻ nhạt, thiếu đam mê để nhận lại sự ổn định, tôi ngại di chuyển, ngại thay đổi và tôi sợ phải bắt đầu lại từ đầu. Ôi, một tôi bạc nhược, một tôi hèn nhát, một tôi cố khép kín những khao khát của mình. Tôi nhận thấy mình dần cùn mòn đi, nhưng tôi chưa hề nghĩ đến việc phải thay đổi, mặc cho Sâm Cầm suốt ngày gào thét rằng tôi phải bỏ việc, tôi phải thế này, tôi phải thế kia. Nó càng nói, càng thất vọng nên dần dần nó không thèm nói nữa.
Một buổi tối, khi tôi vừa dừng xe trước cổng khu trọ với cái bụng đang gào rú đòi ăn thì một bàn tay nắm lấy tay tôi. Nhìn lên, chẳng ai xa lạ, chính là Bắp Ngô, hắn mỉm cười hỏi tôi có đói không. Đã tiếp xúc với hắn nhiều nên tôi chẳng ngại ngần gì mà gật đầu lia lịa. Hắn kéo tay tôi, vẫn cái kiểu nói như ra lệnh:
“Thế thì đi ăn, tôi mời!”
Tôi loạng choạng trước lực kéo của hắn, nhưng đủ bình tĩnh để đáp lại:
“Từ từ, tôi phải cất xe đã, để xe đây để cho bọn trộm nó xơi mất à?”
“Cất cái gì mà cất, cô định đi bộ à? Tôi làm gì có xe mà đi.”
Ái chà! Đến lúc này tôi mới để ý là hắn đi bộ thật, tôi lụi cụi lùi xe ra miệng vẫn lầm bầm khó chịu:
“Không có xe thì anh đến đây bằng gì?”
“Bằng taxi!”
“Thế sao giờ anh không mời tôi đi taxi đi, lại đòi đi xe của tôi?”
“Cho nó tiết kiệm! Mà sao cô nhiều lời thế nhỉ? Tránh ra để tôi chở cô.”
Bắp Ngô đẩy tôi xuống rồi leo lên xe tôi ngồi, ngoái lại đưa mắt liếc sang tôi, ý chừng ra lệnh là lên được rồi. Tôi ngồi lên xe, lòng thầm nghĩ không hiểu cái con người này nghĩ gì nữa, tiết kiệm tiền đi taxi nhưng lại mời tôi đi ăn hàng. Ôi, thật là mâu thuẫn, nhưng dù có mâu thuẫn đến mấy đi chăng nữa, tôi vẫn cứ vui vì đang lúc đói mà có người dâng cơm tận miệng thế này thì đời còn gì sướng hơn nữa.
Bắp Ngô nổ máy xe đến lần thứ ba mới được, trong ánh trăng lờ mờ, tôi thấy vài giọt mồ hôi vương trên trán hắn. Tôi chẳng có chút thương cảm gì, vì bình thường một đứa con gái yếu mềm như tôi đã có lúc phải dốc hết sức bình sinh đạp lên đạp xuống cả chục lần thì con xe kiêu hãnh này nó mới chịu nổ cho cơ mà. Đạp có mỗi ba cái như hắn mà đã ăn thua gì. Chiếc xe vừa nổ, hắn quệt mồ hôi rồi vít ga, vì quá bất ngờ và ga mạnh quá nên người tôi tí nữa thì ngã bổ chửng ra đằng sau, thật là hú hồn.
Ra đến đầu ngõ, chiếc xe cứ thế phóng đi mà không có dấu hiệu giảm tốc độ. Tôi bắt đầu cảm thấy bất an, chẳng lẽ hắn không biết đi xe số? Hay hắn cố tình dọa cho tôi sợ chết khiếp? Không được, dù là lý do gì đi nữa, tôi không muốn hắn làm gì tổn hại đến “con ngựa già” của tôi đâu, tôi hét toáng lên kêu hắn dừng lại. Bắp Ngô cũng hét toáng lên với tôi “Tôi đang cố đây, phanh mãi mà không được”... Sau câu nói đó của Bắp Ngô là một tiếng thét chói tai, tôi loáng thoáng thấy Bắp Ngô đánh lái đâm vào góc tường để tránh bà bán hàng rong trước mặt. Thôi xong, chiếc xe của tôi, con ngựa già hom hem còm cõi của tôi đã yếu hèn lắm rồi mà đo đường một cú trời giáng như thế này thì còn gì là xe nữa. Tôi bật dậy, đứng nhìn “con ngựa già” đầy vẻ xót thương rồi thét lên “Giời ơi, xe ơi là xe, mày đừng có làm sao nhé!”.
Bắp Ngô do nhảy xuống khỏi xe nên bị văng ra nằm một góc, thấy tôi hét lên thì lồm cồm bò dậy, lao đến hỏi thăm tình trạng của tôi một cách đầy lo lắng. Giời ạ, giờ này tôi chỉ quan tâm đến “con ngựa già” có sao không thôi. Nhỡ nó bị làm sao thì tôi lấy gì mà đi làm, rồi còn chi phí sửa chữa nữa chứ, sao mà xót xa thế này. Bắp Ngô dường như đọc được suy nghĩ của tôi, hắn hậm hực lao đến dựng cái xe lên.
“Người ngã thì không xót lại đi xót cái xe! Cô đúng là có một không hai đấy!”
“Kệ tôi, xe này là mồ hôi nước mắt, là bạn thân của tôi đấy.”
“Vâng, bạn thân, mồ hôi nước mắt! Này, tôi khâm phục cô lắm đấy, xe như thế mà cô cũng đi được, đúng là quá siêu.”
“Vâng, anh giàu, tôi nghèo nên tôi mới đi xe cũ.”
“Ý tôi không phải thế, cô đi xe mà không biết xe phanh lúc được lúc không, đèn xi nhan bị cháy, ắc quy bị yếu và cần đạp số bị đơ à?”
Ô, chẳng lẽ “con ngựa già” của tôi lại lắm bệnh thế ư? Ngày thường tôi vẫn cưỡi lên nó vi vu khắp phố phường mà? Dù thi thoảng tôi thấy nó hơi giở chứng khiến tôi khó đi một chút nhưng tôi không nghĩ nó tơ tướp đến mức ấy chứ. Tôi ngó nghiêng cái xe rồi chống chế:
“Tôi có phải thợ sửa xe đâu mà biết nó hỏng nhiều thế!”
“Thế bình thường cô không đưa xe đi bảo dưỡng à?”
“Không! Chỉ lúc nào nó không đi được nữa thì tôi mới mang đi sửa thôi.”
Bắp Ngô lắc đầu, bĩu môi rồi dắt xe đi. Tôi lếch thếch đi theo, lòng vẫn không thôi xót xa cho con ngựa già của mình...