Tháng ngày ngất ngưởng
Posted at 27/09/2015
436 Views
Tháng ngày ngất ngưởng là câu chuyện hài hước của cô nàng Trăng Thanh cùng ba người bạn Sâm Cầm, Ria Mép và Bắp Ngô. Họ là bốn con người với xuất thân, hoàn cảnh sống khác nhau nhưng lại tình cờ gặp nhau và trở thành những người bạn thân thiết.“Mãi sau này, khi trải qua nhiều biến cố, tôi vẫn thích cách chúng tôi gọi nhau là ngất ngưởng ngày nào. Tôi thường nhắc đến thời gian đó và gọi nó là những tháng ngày ngất ngưởng , ở đó, chúng tôi đã sống, đã yêu, đã vui , đã buồn, đã chia sẻ và đã vươn lên trước nhiều sóng gió, tất cả có nhau và tất cả vì nhau.”
Trăng Thanh là một cô gái với bề ngoài khá rụt rè nhưng bên trong lại rất cá tính. Trong khi đó, Sâm Cầm - người bạn gái cùng phòng thân thiết của cô lại sở hữu tính cách “bốc lửa” với bề ngoài xinh xắn, ưa nhìn. Họ chỉ có điểm chung duy nhất là thích đồ nướng và hay hóng chuyện. Hai cô gái tưởng chừng như hoàn toàn trái ngược đó đã trở thành những người bạn nâng đỡ nhau trong suốt những năm tháng tuổi trẻ, chia sẻ và động viên đối phương bất cứ khi nào. Cuộc sống “bình tĩnh” của họ trong khu nhà trọ đã bị phá vỡ bởi sự xuất hiện của anh chàng Ria Mép, cháu trai yêu quí của bà chủ nhà. Lần đầu gặp mặt chàng Ria Mép vô cùng đặc biệt khi anh vào nhầm phòng của Trăng Thanh và ăn một cú “đập” đến ngất xỉu từ cô vì bị nhầm là trộm. Đó cũng là nguyên nhân khiến Bắp Ngô trở thành một phần của nhóm nhỏ bốn người, anh là bác sĩ đã khám cho Ria Mép.
Bốn con người trẻ tuổi ấy đã gặp nhau, cùng vẽ lên bức tranh về tình yêu, gia đình, công việc, truyền cho nhau nghị lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Trăng Thanh và Bắp Ngô, Sâm Cầm và Ria Mép, hai cặp đôi đi từ tình bạn đến tình yêu một cách rất tự nhiên và chân thật. Trăng Thanh sở hữu sợi dây tình cảm khá “thô” nên Bắp Ngô đã có một quá trình theo đuổi rất dài với bao tình huống “dở khóc dở cười”. Trong khi đó, cặp đôi Sâm Cầm và Ria Mép lại yêu nhau theo một cách riêng, cả hai đều biết rõ tình cảm của đối phương dành cho mình, đối với họ lời nói nhiều khi đã trở nên thừa thãi. Cuối cùng mỗi người trong số họ đều tìm được hạnh phúc và tương lai của chính mình. Con đường phía trước còn không ít chông gai nhưng cả Trăng Thanh, Sâm Cầm, Ria Mép và Bắp Ngô đều đã sẵn sàng đón nhận và bước đi vững vàng hơn bao giờ hết: “…chúng tôi không chỉ có một mình, chúng tôi có nhau”.
Chương 1: Trăng Thanh và Gió Mát
Chương 1.1
“Nắng như thiêu, nóng như rang và buồn còn buồn như chấy cắn nữa!”
Sâm Cầm lôi tờ tạp chí bìa bóng ra trước cửa phòng trọ và quay lại lầm bầm câu đó với tôi. Tôi định không đáp lời nó, nhưng nếu tôi không há mồm ra an ủi nó câu nào thì kiểu gì nó cũng nhai đi nhai lại câu đó cả ngày cho mà xem, thôi thì thà mỏi mồm một chút còn hơn là điếc tai. Tôi uể oải há miệng ra định nói vài câu cho có vẻ quan tâm thì đột nhiên nghe tiếng loảng xoảng đinh tai nhức óc từ bên ngoài dội vào và ngay sau đó chất giọng tru tréo méo giật của Vịt Bầu, tức bà chủ khu trọ, kêu lên đầy phẫn uất. Ngay lập tức, tôi và Sâm Cầm phi như tên bắn ra sân với tinh thần hóng hớt chất cao như núi.
Một cảnh tượng “sexy” và “kiêu hùng” hiện ra trước mặt chúng tôi. Giữa sân, bà Vịt Bầu đứng hiên ngang, oai dũng, một tay cầm gậy chọc quần áo, tay kia là cái bát đã vỡ mất một nửa. Chiếc quần ngắn cũn cỡn ngự trên cặp đùi bắp chuối của bà không đủ dài để che đi cặp chân vòng kiềng cứ khuỳnh xuống như võ sĩ tập đứng tấn. Một đống lổn nhổn những mảnh bát vỡ văng tung tóe dưới chân “tượng đài” chân khuỳnh ấy. Trời, mới chưa đầy một phút mà bà Vịt Bầu đã “tả xung, hữu đột” khiến mọi thứ tan hoang thế này sao? Nhìn bãi chiến trường này, tôi bất giác cảm thấy thương cho kẻ vô phúc nào đó trót chọc giận bà, có lẽ kẻ đó không biết hết sự lợi hại có một không hai của “tượng đài chân khuỳnh” này rồi, cả khu này có ai dám thở mỗi khi bà nổi giận đâu! Bà Vịt Bầu bừng bừng khí thế, lừ mắt chỉ mặt hai đứa tôi.
“Vác xác lại đây!”
Ôi, bà Vịt Bầu ơi, tha cho cháu, cháu đã cố ngậm cười rồi, cái con bé Sâm Cầm kia cũng đã mím môi bịt mõm rồi, có hở ra cái răng nào đâu, chúng cháu thề là chúng cháu không hề cười cợt bà một phút một giây nào. Chúng cháu có thể cười cả đêm sau lưng bà, nhưng trước mặt thì chưa bao giờ chúng cháu làm cái điều “đại nghịch bất kính” đó. Bà ơi, cháu làm gì nên tội?
Mặc cho tôi kêu la, van vỉ, bà Vịt Bầu vẫn nghiêm nghị chỉ gậy chờ đợi. Ôi, “thôi thì cũng liều nhắm mắt đưa chân, trầy da tróc vảy một lần rồi thôi”, chúng tôi lấm lét tiến từng bước một về phía bà Vịt Bầu mà “tim đập chân run”. Bà Vịt Bầu lại vung gậy, hét lên một tiếng trời long đất lở.
“Ra ngay đây! Còn đứng đó à?”
Sâm Cầm và tôi lấm lét nhìn nhau rồi lấy hết can đảm gào lên.
“Bọn cháu vô tội!”
Bà Vịt Bầu khựng lại nhìn chúng tôi mấy giây rồi cũng gào bằng cái chất giọng uy dũng vốn có của mình.
“Tao không nói chúng mày, tao bảo cái lão khọm già kia cơ!”
Ơ, lão khọm già nào nhỉ? Cả sân khu trọ này, giữa buổi trưa thanh vắng chỉ có mỗi ba mống là tôi, Sâm Cầm và bà Vịt Bầu, kiếm đâu ra ông lão nào? Trong khi hai con giời đang ngơ ngác liếc ngang liếc dọc thì bà Vịt Bầu vẫn kiên trì tay phải cầm bát, tay trái cầm gậy và chân vẫn khuỳnh ra đứng tấn, dáng vẻ oai phong như sư tử rừng xanh, bà xoay xoay gậy, nhón chân đá mảnh bát vỡ dưới chân về phía chúng tôi.
“Ra ngay! Ông hèn thế hả?”
Nếu tôi là ông lão đang bị bà Vịt Bầu truy đuổi thì dù thiên hạ có bảo tôi hèn đến mấy tôi cũng chấp nhận, miễn sao bảo toàn được long thể.
Vịt Bầu vẫn đứng với tư thế như sẵn sàng ăn tươi nuốt sống kẻ thù. Trông dáng vẻ đường bệ tầm hơn một tạ của bà, những bắp thịt dưới lớp áo mỏng đẫm mồ hôi trong nắng nóng khiến tôi thấy buồn nôn ghê gớm, bà nhíu mày gằn giọng.
“Đấy, ra đối mặt với tôi như thế có phải anh hùng hơn là núp sau lưng hai đứa con gái yếu đuối kia không hả?”
Cái gì? Nấp sau lưng á? Hai đứa tôi quay phắt lại. Quả nhiên là chuẩn, lão già còm nhom mà bà Vịt Bầu ác ma nói đến đang đứng run rẩy sau lưng chúng tôi, lão chẳng phải ai xa lạ, chính là chồng của Vịt Bầu. Ông gầy nhom, cặp kính to đùng như kính phi công đậu trên mặt, hai cái chân cứ như hai cái que tăm cắm vào người, trông bộ dạng ông rất giống một con châu chấu già xám ngoét chỉ có da bọc xương. Vì thế chúng tôi thường gọi ông bằng nick name là ông Châu Chấu. Ông cười cầu cứu chúng tôi rồi lách người ra, vừa nói vừa cúi xuống gỡ hai chiếc dép dưới chân lên.
“Bà cứ bình tĩnh, tôi chỉ mới hỏi cô ta có hai câu thôi chứ có tỏ tình tỏ tiếc gì đâu. Nói thật, cả đời tôi, chỉ có bà thôi... Bà tha cho tô... ô... ôi!”
Ông Châu Chấu vội vã đội dép lên đầu chạy biến ra cổng, bà Vịt Bầu lạch bạch chạy theo hò hét inh ỏi cả phố. Đôi vợ chồng già chạy mất hút, để lại bãi chiến trường đầy mảnh bát vỡ và hai con bé ngơ ngác đứng nhìn nhau. Ôi, đời thật lạ, nhà có mỗi hai ông bà, già như nhau, xấu như nhau, bủn xỉn như nhau mà còn bày đặt suốt ngày ghen tuông, cấu chí ỏm tỏi cả phố lên, thật là hại não.
Nói chung, ở đời chả có cái gì hoàn hảo cả, nếu bạn đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối thì chắc chỉ có ở trong tưởng tượng mà thôi. Chúng tôi xác định “sống chung với lũ” từ lâu rồi, đại loại như khi ông bà chủ mắng thì mình nghe, khi đuổi thì mình chạy, còn khi hai ông bà “chọc trời khuấy nước” vì ba cái chuyện ghen tuông thì mình phi ra mà xem rồi hóng hớt buôn dưa lê cho rôm rả xóm giềng, tóm lại là chả có gì phải xoắn!
Sâm Cầm và tôi, hai đứa con gái ở chung phòng trọ, điểm chung duy nhất là thích ăn đồ nướng và độ hóng hớt “thần nhanh”. Còn lại thì trái ngược nhau hoàn toàn, tôi nhỏ bé và nữ tính, còn Sâm Cầm thì cao ráo và tomboy; tôi nhìn có vẻ trầm tính nhưng nghịch ngầm, còn Sâm Cầm thì đanh đá và cá tính. Tóm lại, chúng tôi là hai đứa chả liên quan gì đến nhau, chẳng may bị bà chủ bắt ở ghép từ hồi mới lơ ngơ đến đây thuê trọ nên dần quen và thân nhau từ lúc nào chẳng biết... Mấy năm ở cùng nhau, chúng tôi lập ra lời thề rằng, đứa nào lấy chồng trước thì phải đóng cho đứa còn lại sáu tháng tiền nhà mới được chuyển đi. Chẳng biết có phải vì xót tiền phải cống nạp hay không mà cả hai đứa, xấp xỉ đầu ba rồi mà vẫn ý tứ nhường nhau chuyện chồng con, mặc cho thiên hạ suốt ruột lời ra tiếng vào.
Sâm Cầm bằng tuổi tôi, nó làm biên tập viên ở công ty quảng cáo, lương lậu ổn định, vóc dáng ưa nhìn, mỗi tội tính tình ngang bướng nên giai nào cũng muốn né. Còn tôi, tên là Trăng Thanh, tên lấp lánh, lãng mạn nhưng vóc dáng nhỏ bé và không thích nổi bật giữa đám đông. Tôi làm ở một nhà xuất bản nhỏ, lương ba cọc ba đồng, gương mặt có vẻ khó gần và ít thể hiện ra ngoài nên các anh chàng liệt tôi vào dạng chả có gì mà cũng kiêu. Tóm đi tóm lại, tôi và Sâm Cầm vẫn là hai đứa ế một cách hoành tráng nhất trong cái khu trọ bốn phòng ở, mỗi phòng vỏn vẹn mười hai mét vuông và được lợp bằng ngói “Fibro xi măng” siêu bền, siêu nóng kinh điển ở cái đất Hà Nội này.
Ở đây, tính về thâm niên và độ kiên trì bám trụ thì hai đứa tôi là bậc trưởng lão, bởi hầu hết những người đến thuê trọ đều sợ hãi cuốn gói ra đi chỉ sau vài lần chứng kiến những pha rượt đuổi ngoạn mục của ông Chấu, bà Vịt. Vì sự kiên trung đó, nên vài năm trở lại đây, ông bà chủ không tăng giá nhà nữa, không những thế, hai người còn tỏ ra thân thiện hơn rất nhiều và ngược lại, chúng tôi cũng tỏ ra mến mộ ông bà chủ hơn bất kỳ ai.
Nếu ông bà có việc gì cần, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ, những hôm ông đi đánh bài về khuya, tôi sẽ lén lút mở cổng và bắc thang cho ông trèo lên ban công tầng hai mà không để bà phát hiện, còn Sâm Cầm sẵn sàng vác gậy “tháp tùng” bà Vịt đi lùng sục khắp phố để lôi cổ ông Chấu về. Nhưng đến đêm khi nhìn thấy tôi rón rén bắc thang cho ông chủ leo lên nhà, Sâm Cầm sẵn sàng hỗ trợ mà không hé răng nói một lời với bà chủ. Tóm lại, chúng tôi hoạt động theo kiểu điệp viên hai mang nhưng hết sức cẩn trọng và trung thành. Vì phẩm chất đạo đức và uy tín ngời sáng của hai đứa nên ông bà chủ chưa bao giờ phật lòng, mà nếu có phật lòng đi chăng nữa cũng chả ai dám nói, bởi hai người có những bí mật chôn giấu mà chỉ mình hai đứa tôi biết, nói ra có khi còn rách việc gấp bội phần.
Đúng như dự đoán của tôi, mười hai giờ đêm hôm đó, nghe thấy tiếng gọi khe khẽ từ ngoài cổng vọng vào “Trăng Thanh! Trăng Thanh!”, biết ngay là ông Châu Chấu về, tôi vơ vội chìa khóa cổng và lao ra ngoài, Sâm Cầm cũng nhiệt tình lao theo. Ông Châu Chấu người rũ như lá chuối héo, đứng ôm bụng rên rỉ:
“Nhanh lên, tao buồn... buồn không chịu nổi.”
Tôi vừa mở cổng vừa cố an ủi ông:
“Bị đuổi ra khỏi nhà từ trưa đến giờ, không buồn sao được, khổ thân bác.”
“Ối giời, tao bảo buồn là buồn cái kia cơ... Ôi giời ơi, nhanh cái tay lên!”
Ông Châu Chấu nhảy tưng tưng bên ngoài, tôi càng hốt hoảng xoay mạnh chiếc chìa khóa. Sâm Cầm chống nạnh sốt ruột, nó ghé cổ ra phía ngoài cổng rồi nói nhỏ với ông Châu Chấu:
“Ông cứ đi đại ngoài đấy đi, có ai biết đâu mà sợ.”
“Nhưng tao đi... nặng...”
“Nặng nhẹ gì cũng thế tất, sáng mai ai mà nhìn thấy cùng lắm thì bảo là con chó nó bậy ra đấy!”
“Dở hơi à, thế còn ra thể thống gì!”
Tôi vừa cố xoay cái chìa khóa đang mắc kẹt trong ổ vừa lên tiếng phản bác. Sâm Cầm im lặng, ông Châu Chấu không ngừng xuýt xoa giục tôi nhanh tay lên, ông càng giục thì tôi càng cuống, xoay qua xoay lại đến sái cả tay mà vẫn không “xi nhê” gì, thật là căng thẳng. Trong lúc nước sôi lửa bỏng đó, ông Châu Chấu lại nghĩ khôn nghĩ dại gì mà hạ giọng xuống thì thầm với chúng tôi:
“Này, có phải mụ Vịt mua chuộc hai đứa mày để chúng mày giở trò không mở được cổng cho ông không? Nói cho mà biết, chúng mày về phe bà ta là thiệt đấy, thiệt đơn thiệt kép.”
“Thế về phe ông thì có lợi chắc?”
Sâm Cầm bĩu môi chống nạnh dáng y hệt bà chủ, mỗi tội trông nó mảnh khảnh nên nhìn cứ như con muỗi vằn giữa đêm trăng ấy. Ông Châu Chấu tinh quái:
“Mai tao dẫn thằng cháu đến đây ở trọ, cao to, đẹp trai, vui tính, tao sẽ giới thiệu cho...”
Sâm Cầm nghe đến trai đẹp thì nhảy bổ đến, hỏi dồn hỏi dập xem đẹp trai cỡ nào, có bằng anh Johnny Depp của nó không. Đương nhiên là ông Châu Chấu gật lia lịa, còn khuyến mại thêm rằng anh ta có một bộ ria mép rất nghệ sĩ...