Những ngón tay đan
Posted at 27/09/2015
511 Views
Phụng Anh rùng mình một cái, trừng mắt với anh. Hoàng Anh lập tức cười, ngồi dính sát vào cô, sau đó to gan vòng tay ôm lấy vai cô, nói:
- Thế này thì có phải cả hai cùng ấm không?
Phụng Anh muốn giãy ra nhưng anh lại càng siết chặt hơn. Ngấm ngầm đấu tranh một hồi, cuối cùng cô cũng hậm hực lườm anh một cái, sau đó cứ để Hoàng Anh ôm lấy vai mình mà chìm vào giấc ngủ.
Phụng Anh thức dậy lần thứ hai khi nghe tiếng cười nói ồn ào của mọi người. Cô khẽ cựa mình, chỉ thấy cánh tay của Hoàng Anh vẫn đang ôm lấy mình, chăn được quấn chặt lên tận cổ. Thật may, ở hoàn cảnh này thì người khác nhìn vào cũng không biết được cái cảnh gần gũi đầy ám muội này giữa hai người. Cô vội ngồi thẳng dậy, cái chăn từ trên cổ tuột xuống bụng. Hoàng Anh đã thức giấc và quay sang nhìn cô.
- Dậy rồi? – Anh cười hỏi, khó khăn thu tay về. Bị cô tựa vào một đêm, cả cánh tay của anh bây giờ đã gần như không còn cảm giác gì nữa.
- Ừ… Mấy giờ rồi thế anh? – Phụng Anh ngáp dài một cái, đan hai tay vào nhau kéo căng về phía trước làm một động tác vặn mình nhẹ nhàng, sau đó mới nhìn ra ngoài trời.
- Gần bảy giờ rồi.
Ngoài khung cửa kính còn mờ mờ hơi sương, trong tầm mắt của Phụng Anh toàn là núi cao, có thể nhìn thấy rõ ràng cả mây đen mù mịt che phủ các đỉnh núi. Trời không mưa nhưng cũng không có dấu hiệu hửng nắng trong ngày hôm nay. Lần nào tới Tây Bắc, Phụng Anh đều có cảm giác choáng ngợp trước những dãy núi cao vút, trọc đá, lừng lững như những người khổng lồ án ngữ nơi cửa Tây Bắc của đất nước. Cái vẻ thâm trầm mỗi ngày mưa rừng như trút, mây đen che mờ khắp các đỉnh núi càng cho cô có cảm giác như mình đã đi tới tận cửa trời, nơi mà con người chẳng thể nào đi tới được. Núi Tây Bắc cô độc như chính cõi lòng cô vậy.
- Khoảng mấy giờ mình tới nơi vậy em? – Hoàng Anh uể oải vươn vai một cái, cả người anh mỏi nhừ sau một đêm ngồi trong tư thế gần như bất động trên xe.
- Chắc hơn bảy giờ. Để em gọi báo cho các anh ở Ban chấp hành Đoàn địa phương để hỏi xem đường sá ở đó như thế nào? Em sợ là chúng ta sẽ không được ngồi ô tô vào tận trong sân ủy ban đâu.
- Sao thế?
- Đường đi vào xã là đường đất, mới mưa xong nên rất trơn và lầy lội, lại một bên là vực núi rất nguy hiểm nên chúng ta sẽ dừng ở ngoài đường nhựa, sau đó di chuyển vào trong bằng xe trâu…
- Xe trâu? – Hoàng Anh trố mắt, sau đó thích thú nói. – Lâu lắm rồi anh mới lại được ngồi xe trâu đấy. Hồi nhỏ ở quê anh cũng hay cưỡi trâu lắm.
- Nếu như thế thì đến chiều chúng ta mới có thể đi phát quà cho các hộ nghèo trong các bản được. Và sáng mai mới có thể tiến hành phát quà cho các cháu ở trường cấp I và cấp II của xã.
- Không sao, miễn là mọi người cảm thấy vui và chuyến đi này ý nghĩa, an toàn là được rồi. – Hoàng Anh động viên cô.
Đúng lúc này, Uyên từ trên đầu xe đi xuống. Thấy hai người ngồi chung ghế, chiếc chăn mỏng vẫn còn đắp hờ trên người cả hai thì trong mắt cô xẹt qua một ánh nhìn khó hiểu, nhưng cái cảm xúc ấy trôi qua rất nhanh. Cô nở nụ cười thật tươi, sau đó chìa ra ổ bánh mì và chai nước cho Hoàng Anh rồi cười nói đầy áy náy với Phụng Anh:
- Tớ tưởng chỉ có mỗi anh Hoàng Anh ở dưới này nên chỉ lấy một phần bánh mì thôi. Cậu đợi tí tớ lên lấy cho một cái nữa.
- Không cần đâu, tí tớ ăn tớ sẽ lấy. – Phụng Anh lắc đầu cười đáp lại, vừa nói cô vừa cố gắng ngồi xích người ra xa Hoàng Anh một chút. – Cậu lấy bánh cho chị Hạnh ăn giúp tớ với nhé! Tớ phải gọi cho mấy anh bên Ban chấp hành đoàn ở xã báo là chúng ta sắp tới cái đã.
- Ừ. – Uyên gật đầu, cũng không biết nói gì nữa nên lại quay trở về chỗ ngồi của mình.
- Này… làm gì mà tự nhiên em ngồi xa như anh đang mắc bệnh truyền nhiễm thế? – Hoàng Anh quay sang trêu cô.
- Được rồi, tí nữa xuống xe anh cứ chăm sóc tốt bản thân mình và chị Hạnh đi, đừng có dính lấy em là em tạ ơn anh rồi. – Phụng Anh vừa gấp chăn vừa càu nhàu, rõ ràng là Hoàng Anh đang cố tình trêu chọc cô.
- Em buồn cười nhỉ? Rõ ràng là em nói chúng ta không liên quan gì tới nhau. Anh cũng không tán tỉnh em, tại sao em lại cứ phải ngại với mọi người như thế? Hay lòng em có quỷ? – Hoàng Anh cười gian xảo, dạo này dường như anh nắm được yếu điểm của Phụng Anh nên rất thích bắt bẻ cô.
- Thế thì đã sao? – Phụng Anh buột mồm nói ra một câu, sau đó cô lập tức im bặt vì biết mình nói hớ.
Nhưng thật may là hình như Hoàng Anh không để ý, cô thấy anh vẫn đang mải gặm ổ bánh mì, sau đó mở chai nước, ngửa cổ lên mà tu ừng ực. Sau khi cảm thấy đã được ăn uống thỏa mãn cái bụng rồi, anh mới lại quay sang hỏi cô:
- Em vừa nói gì ấy nhỉ?
- Không có gì. – Phụng Anh đứng dậy, rời khỏi chỗ ngồi, bước qua trước mặt Hoàng Anh và đi lên phía đầu xe. Cô biết nếu còn ngồi đây thì anh sẽ còn dây dưa không dứt.
Người đàn ông này thật biết cách làm người ta trở nên rối loạn.
Bảy giờ mười lăm, cuối cùng xe cũng tới được đầu con đường đất để đi vào trong xã, đã có vài người đàn ông, có cả những cô gái vẫn mặc nguyên váy áo của dân tộc mình đã đứng đợi sẵn bên đường. Cũng may trời không mưa nên sau màn chào hỏi đầu tiên, đồ đạc nhanh chóng được mọi người chất lên những xe trâu, xe ba gác đã được đưa tới từ sớm. Sau khi đồ đạc đã được chất gọn lên xe, một vài thành viên cũng được đưa lên chiếc xe trâu cuối cùng để đi vào trong xã, một vài người ngồi sau mấy chiếc xe minsk đi trước. Còn lại vài người không thể lên hết được nên đành đứng lại. Hạnh đã mang theo chiếc máy ảnh ngồi tót lên xe từ trước rồi, chỉ còn Hoàng Anh, Phụng Anh, Uyên, Mạnh và hai thành viên nam khác là chưa lên. Phụng Anh tất nhiên muốn nhường cho mọi người lên trước, Hoàng Anh nãy giờ cứ luẩn quẩn bên cô mãi nên cũng không lên, Uyên thì nhất quyết bám theo anh, còn Mạnh thì lúc nào cũng lo lắng săn sóc cho Uyên nên càng không muốn đi trước, điều này khiến cho Phụng Anh lúc này không biết nên cười hay nên khóc nữa. Rốt cuộc, cô vẫn phải lên tiếng nhắc nhở:
- Chúng ta cố gắng đi bộ vào trước thôi, đường vào xã khá xa, chắc cũng phải mất một lúc mới có xe quay lại đón.
- Nhưng đường lầy lội quá, hay mình cứ đợi chút đi, xe máy đi vào với đi ra thì cũng nhanh thôi. – Uyên nhìn con đường lầy lội phía trước, có phần ái ngại.
- Thôi, vận động đi cho ấm em ạ, đứng một chỗ lạnh quá! – Hoàng Anh vừa run lập cập vừa nói. Phụng Anh thầm bĩu môi trong lòng, người này thật giỏi giả vờ.
Như để chứng minh cho lời nói của mình, Hoàng Anh hùng hổ đi lên trước, men theo vệ cỏ bên đường để đi cho đỡ trơn trượt và đất cũng sẽ ít bám lên giầy hơn. Vì đất đường ở đây chủ yếu là đất sét nên một khi bám vào giầy sẽ rất khó gột rửa, đối với những đôi giầy nhiều vải một chút thì đúng là không khác gì sẽ phải mang một cục đất to đùng theo bên chân, có muốn rửa cũng không được. Uyên lon ton chạy theo sau, vừa bước lên song song với anh vừa nói:
- Ba lô nặng quá, anh đeo giúp em với nhé!
- Em mang gì mà nhiều thế, sao không mang nhẹ nhàng thôi? – Hoàng Anh đón lấy chiếc ba lô, không quên cười trêu.
- Cũng chỉ có quần áo với đồ giữ ấm thôi mà anh. – Uyên bám lấy cánh tay anh để nhảy qua một vũng nước đọng lầy lội, sau đó hai người nói qua nói lại, làm cho quãng đường vắng cũng trở nên vui vẻ hẳn.
- Phụng Anh, đi thôi. – Mạnh nhìn theo hai người, không biết nghĩ gì trong đầu, sau đó xốc ba lô lên vai và giục Phụng Anh.
- Ừ, mọi người đi cẩn thận, đi sát mép cỏ nhưng vẫn không tránh khỏi trơn trượt, tốt nhất đi sát bên mép núi, đừng đi sát bên mép vực sẽ rất nguy hiểm. – Phụng Anh gật đầu, sau đó cũng tiến lên theo Mạnh. Hai cậu sinh viên cao to thì đi sau cùng.
Phụng Anh không hiểu được, rõ ràng là vừa nãy khi thấy Hoàng Anh và Uyên cười nói vui vẻ với nhau cô còn thở phào một cái, nhưng sao giờ đã lại có cảm giác không vui rồi? Rõ ràng cô rất không thích anh cứ luẩn quẩn bên chân mình, sao bây giờ khi anh đi cùng người khác, cô lại khó chịu trong lòng chứ? Rõ ràng trong lòng cô vẫn muốn tác hợp cho họ, tại sao đến lúc họ vui vẻ với nhau rồi thì trong đầu cô lại xuất hiện hai chữ ‘không nỡ’ chứ?
Con đường đất đi vào xã tương đối nhỏ. Phụng Anh nhớ lần trước tới đây đã phải tự đi bộ tận bốn cây số để vào đó. Một bên là vách núi đá dựng đứng, cao sừng sững, những vệt vạt ngang xẻ dọc khiến cho núi lộ ra những mảng xanh xám gồ ghề, lại có những mảng trắng nhợt xen lẫn, rong rêu không thể bám nổi để sinh sống. Suốt quãng đường vào trong xã sẽ luôn có những vách núi cao như thế. Khi tới đây lần trước để tiền trạm, Phụng Anh còn được biết, có những lần đá lở từ trên núi lăn xuống chắn kín cả con đường khiến cho giao thông từ trong xã đi ra bị đình trệ hoàn toàn, mỗi lần như thế nhân dân lại phải tự ra để dọn lại đường, chứ đợi xe xúc, ủi từ ngoài vào thì không biết tới bao giờ mới có. Có những lần dọn đường do đá lở phải mất đến cả tuần. Còn có những đợt đá lớn lở lăn xuống làm con đường cũng vẹo hẳn sang bên phía vực, mọi người lại phải cùng nhau đắp đất cho đường bằng phẳng, nếu không vào những ngày mưa di chuyển qua đoạn đó sẽ rất dễ dàng gặp tai nạn và lao xuống vực núi sâu cả trăm mét bên dưới.
Bên trái vệ đường chính là vực núi sâu, lại trơ ra toàn đá và chỉ có những cây lá rộng mọc rải rác, lưa thưa trên sườn. Có thể nhìn thấy một con suối nhỏ chảy ở bên dưới, con suối ấy chảy xuôi về tận đầu xã, ở đó nó tạo thành dòng lớn hơn, vào mùa mưa nước lũ đổ về suối tạo thành một biển nước mênh mông, đục ngầu và dữ dội. Một anh bên đoàn xã nói với cô rằng, con suối ấy do dòng thác cách nơi này tầm mấy mươi cây số đổ về, tít trong những dãy núi đá sâu, nơi cuộc sống của con người không bao giờ vươn tới. Người dân trong xã thỉnh thoảng đi vào rừng tìm măng, một lần men theo con suối dữ đã phát hiện ra dòng thác ấy. Lần trước, nếu không phải cũng tới đây vào những ngày mưa phùn thì Phụng Anh cũng quyết tâm theo chân dân bản đi vào thăm con thác ấy. Với cô, thiên nhiên Tây Bắc luôn là một nguồn cảm hứng vô tận. Cô yêu núi, yêu rừng như chính mỗi con người lớn lên ở đất này.
Xã nằm ở bên kia suối, con đường duy nhất để đi vào là một cây cầu treo bằng sắt thép có sơn màu đỏ, được làm nhờ vào một dự án cho vùng cao. Cách cầu sắt không xa vẫn còn một cây cầu treo nữa được làm từ gỗ, mặc dù đã bỏ ngỏ nhưng người dân vẫn giữ lại chứ không phá bỏ. Xã tương đối nhỏ, chỉ có năm bản, lại sinh sống rải rác nên cuộc sống nơi đây còn tương đối nghèo, khoảng 20% hộ dân của các bản sống tập trung là có điện, còn lại những bản sâu trong núi và 100% mười mấy hộ dân tộc H’Mông đều hoàn toàn không biết tới ánh sáng của đèn điện là gì. Lần đầu tới đây, Phụng Anh không khỏi bồi hồi trước cuộc sống gần như hoang dã nơi này. Vùng này toàn là núi đá, diện tích đất có thể khai thác làm nương rẫy rất ít, hầu hết nương rẫy đều nằm rất xa, vì không tiện chăm bón nên bà con thường bỏ ngỏ, tới mùa lúa chín thì đi thu hoạch mà thôi, thu hoạch được chăng hay chớ, vì không chăm bón gì nên thường mất mùa quá nửa.
Trẻ con nơi này cũng lớn lên như thế. Đứa lớn địu đứa nhỏ, đứa biết đi cõng đứa mới biết bò, quần áo tả tơi, chỉ còn nhìn ra một màu xám xám bẩn bẩn, nhàu nhĩ, rách tơ tướp khắp chỗ. Thậm chí, có nhà có tới mấy anh em, mà tất cả chúng nó chỉ có một cái quần để mặc chung, thường sẽ ưu tiên đứa được đi học. Nếu không tận mắt thấy, có lẽ Phụng Anh cũng chẳng thể nào tin, đối lập với mảng màu sáng của những áo trắng tinh tươm của học trò nơi thành thị lại là mảng màu xám ngoét của trẻ nhỏ vùng cao, xám từ nước da, từ mái tóc tới những gì chúng thấy hằng ngày.
- Này, đi cẩn thận đấy, chỗ này trơn lắm. – Mạnh đi ở phía trước, quay lại cẩn thận dặn dò.
Phụng Anh lập tức thoát khỏi trạng thái lơ đễnh, liếc mắt nhìn về phía trước, chỉ thấy Hoàng Anh và Uyên đã ở cách khá xa. Xem ra họ vừa đi vừa nói chuyện nên quãng đường cũng trở nên đỡ buồn chán hơn rất nhiều.
Cả nhóm đi bộ được chừng hơn 1km thì có mấy chiếc xe minks, sau khi chở người trong đoàn về tới nơi đã quay lại để đón nhóm cuối cùng. Chỉ có bốn chiếc xe nên cuối cùng mọi người thống nhất sẽ để Phụng Anh và Uyên ngồi một xe, Mạnh và một cậu sinh viên khóa dưới tên Tuấn người nhỏ con nhất ngồi chung một xe, hai người còn lại mỗi người một xe. Mặc dù cũng có chút rợn người khi phải ngồi xe máy trong hoàn cảnh đường sá như thế này, nhưng cuối cùng cả bọn cũng đã về đến nơi an toàn. Đi dọc đường, Phụng Anh thấy đoàn xe trâu chở đồ vẫn còn cách ủy ban khoảng hai km nữa, đám sinh viên tình nguyện ở trên xe trâu hò hét không ngừng, tiếng cười rộn rã, còn vẫy tay gọi rối rít khi mấy chiếc xe minks phóng qua.
Sân ủy ban xã sau mấy ngày mưa dầm, cỏ dại đã mọc lan tràn khiến cho người đi không chú ý có thể dẫm chân lên những vũng nước đọng lớn, ngập đến nửa giầy...