XtGem Forum catalog

Những ngón tay đan

Posted at 27/09/2015

515 Views



– Nhưng chẳng lẽ tôi lại đẩy Uyên ra ư? – Hoàng Anh cau có, vẫn cảm thấy rất khó chịu khi lòng tốt của mình bị từ chối, còn mình thì gần như chết rét khi lên tới đây.

Lúc này, Phụng Anh cùng với Mạnh, Uyên và Thào đang cùng trang trí sơ qua lớp học để chút nữa sẽ làm lễ phát quà và trao học bổng cho các em nhỏ, còn Hoàng Anh và Hạnh thấy chẳng giúp được gì cho họ nên đành đứng sang một bên thì thầm to nhỏ.

– Người đàn ông lịch thiệp và nhã nhặn như ông làm sao có thể làm như thế được. – Hạnh bĩu môi. – Nhưng ít nhất sau này ông cũng phải nói rõ với Uyên về tình cảm của ông, đồng thời giải thích rõ cho nàng của ông biết chứ. Định cứ để không nói lời nào mà chờ mọi chuyện qua đi sao. Phụ nữ bọn tôi vốn rất thù dai đấy nhé!

– Bà là phụ nữ hả, sao tôi không thấy? – Hoàng Anh mắt tròn mắt dẹt quay sang nhìn cô bạn mình một lượt từ đầu xuống chân, rồi lại ngược từ chân lên đầu, giống như đang cố săm soi từng milimet một trên cơ thể cô để tìm ra cái mà anh gọi là “phụ nữ”.

Ngay khi Hạnh vừa vung tay lên định ra đòn thì Hoàng Anh lập tức cười rộ lên, sau đó nhảy tránh sang một bên, vội vàng tiến về phía Phụng Anh đang sắp xếp chỗ áo bông ấm mới theo cỡ lớn nhỏ, hoa chân múa tay tỏ ý muốn giúp đỡ cô.

Gọi là cụm trường II nghe có vẻ khoa trương, nhưng thực chất ở đây chỉ có một dãy gồm hai phòng nhỏ lợp mái lá, được dựng lên bằng gỗ rừng, xiêu xiêu vẹo vẹo, vách cũng được làm tạm bợ bằng những cây nứa không biết đã dầm qua bao nhiêu mùa nắng cháy, mưa phùn và sương muối, vách thủng lỗ chỗ, có chỗ toang hoác đủ cho cả một đứa bé chui qua. Trong hai phòng chỉ có vài cái bàn gỗ chân gãy xiêu vẹo, được chắp vá lại chân bằng những ống tre lớn, vài cái ghế đẩu mục và một cái bảng gỗ nhỏ sơn đen đầy vết ăn mòn của thời gian, cũng không biết đã tồn tại bao nhiêu năm tháng, đi qua cuộc đời học sinh của bao nhiêu con người. Học sinh học ở trong cụm này chủ yếu là con em của bản người Mông, học ở cấp tiểu học. Những em học lên cấp hai sẽ phải xuống tận trường trung tâm xã, em nào ở quá xa sẽ được tạo điều kiện ở nội trú ngay trong trường.

Lúc mọi người lên tới cụm trường, các em học sinh đã tới và đang đợi ở một trong hai phòng học, còn có hai cô giáo phụ trách trông coi nữa. So với ở dưới trung tâm xã, tình hình các em nhỏ trên này còn đáng thương hơn nhiều. Vì trời mưa nên tóc đứa nào đứa nấy bết lại, bốc mùi chua loét như cứt mèo, chẳng biết bao lâu rồi chúng chưa gội đầu và tắm nữa? Nhưng có một điều là chúng rất ngoan, khi mọi người đến, cả lũ đang ngồi trong một căn phòng, cùng hát bài hát “Đi học” theo sự bắt nhịp của cô giáo, khi thấy đoàn thanh niên tình nguyện đi vào chúng cũng chỉ hơi nhốn nháo nhìn ra ngoài, vài đứa còn cười nói với nhau bằng tiếng của dân tộc mình, vài đứa khác thì tròn mắt nhìn một cách tò mò, có phần hiếu kỳ.

– Bọn nhỏ này đáng thương lắm anh chị ạ! Có đứa học lớp một, mấy anh em chỉ có một cái quần nhường cho nó đi học. Có hôm nó ị đùn ra quần, cô giáo bảo về nhà thay rồi chẳng thấy nó đến lớp nữa. Đến nhà hỏi mới biết quần bẩn, giặt xong chẳng còn cái mặc nên nó xấu hổ không dám đi học. – Lúc Phụng Anh, Uyên, Mạnh và Thào đang tổ chức trò chơi cho các em học sinh sau khi đã mặc cho chúng những chiếc áo ấm và tổ chức liên hoan bằng vài gói bánh kẹo, còn Hoàng Anh và Hạnh thì đứng trò chuyện cùng một trong hai cô giáo ở đây và nghe cô kể chuyện.

Cô giáo vừa nói tên là Lệ Na, là một cô gái trẻ dân tộc Thái, người địa phương, sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm thì về bản dạy, tính tới nay cũng đã được hơn năm năm. Tính ra Lệ Na vẫn còn kém tuổi Hoàng Anh và Hạnh. Còn một cô giáo nữa tên Pơ Ni, người H’Mông đã bám cụm trường này cả chục năm nay, từ khi xã quyết định lập thêm cụm II cho các em tiểu học ở sâu trong này có điều kiện biết cái chữ để xóa đói giảm nghèo. Trước khi vào đây, cô đã có hơn ba mươi năm gắn bó ngoài trường chính. Nghe nói, cô chính là cô gái người H’Mông đầu tiên biết đọc chữ ở xã này, chính vì vậy cô luôn khát khao được truyền dạy cái chữ cho con em dân tộc mình, hy vọng rằng tương lai của chúng nó sẽ đỡ khổ hơn. Lúc Lệ Na đang nói chuyện với hai vị khách thì cô Pơ Ni đang cố gắng giữ trật tự đám học sinh trong lúc chơi trò chơi.

– Ở đây bọn em cái gì cũng thiếu, nên các anh chị mang cả sách, báo lên cho bọn em đọc là bọn em mừng lắm. Muốn đi mua một cuốn sách mới đọc thì phải xuống tận hiệu sách của huyện, cách đây cũng mấy chục cây ấy. Có khi một năm bọn em mới đi một, hai lần để mua sách về dạy học.

– Các cháu có đủ sách giáo khoa học chứ em? – Hoàng Anh chợt hỏi, anh vừa nảy ra ý định sẽ vận động ban giám đốc hằng năm tặng sách giáo khoa cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất của trường.

– Đến tiền đi học còn không có, tiền đâu mà mua sách giáo khoa chứ anh, toàn là bọn em chắt chiu sách cũ từ năm này qua năm khác, mỗi năm dù có đổi mới nội dung sách thế nào thì bọn em cũng chỉ có thể dạy theo sách cũ thôi. – Lệ Na lắc đầu thở dài. – Tiền học phí của các cháu hoàn toàn được miễn giảm, thế mà có khi cũng chẳng có đứa nào đi học, bọn em lại tới tận nhà vận động từng gia đình một. Như tháng trước, đúng mùa thu, trẻ con bỏ học đi nương hết, em với cô Pơ Ni phải chia nhau đi vào trong bản làm công tác tư tưởng, mà có những đứa đi nương phải mấy ngày mới về, nên thành ra mình cũng phải đi tới mấy lần mới gặp được các em.

Ở bên cạnh, Hạnh vừa nghe, tay vẫn không ngừng bấm máy, ống kính luôn hướng về phía các em nhỏ đang chơi đùa. Lệ Na lại chỉ vào một em nam nhỏ thó chừng chín, mười tuổi, cổ đeo khăn quàng đỏ, mặc bộ quần áo của người H’Mông đã cũ kĩ, còn vài chỗ vá chằng vá đụp đang chơi trò chơi cùng các bạn, có vẻ rất hào hứng, cô kể tiếp:

– Như em nam kia, em ấy tên là Giàng A Sinh, nhà ở nơi xa và cao nhất của bản, tới nhà em ấy phải đi hết hơn hai tiếng đồng hồ, leo lên tận đỉnh núi cao chót vót, thế nhưng ngày nào em ấy cũng có mặt ở lớp sớm nhất. Em ấy nói ngày nào cũng đi học từ bốn giờ sáng. Nhà neo người, chỉ có bà nội, mẹ và dưới có một em trai mới bốn tuổi. Bố em ấy cách đây ba năm đi rừng rồi không thấy về nữa, dân bản cứ kháo nhau là anh ấy bị hổ tha đi mất, cũng không rõ thực hư thế nào. Sinh hiếu học lắm, nhưng nhà thuộc diện nghèo nhất xã, lại neo đơn nên cứ vào mùa đi nương là em ấy lại phải nghỉ học đi cùng mẹ. Mới đây, khi bọn em lên nhà Sinh, ở nhà chỉ có bà nội và đứa em trai nhỏ của Sinh ở nhà. Trời lạnh, bà nội thì ngủ ở trong nhà không biết gì, còn đứa bé bốn tuổi kia thì cởi truồng tồng ngồng, mặc mỗi chiếc áo mỏng được cắt ra từ một mảnh váy của bà hay của mẹ gì đó, nó ngồi trước cửa nhà, ôm cái cột nhà, cứ thế mà ngủ.

Hạnh đang bấm máy, nghe kể tới đoạn này thì lập tức dừng lại, đặt sự tập trung vào câu chuyện của Lệ Na.

– Trời lạnh như thế mà đứa trẻ ấy lại ngủ ngoài cửa sao? Còn không mặc gì nữa? – Hạnh thốt lên có vẻ không tin.

– Mấy hôm đó trời rét, ở trên núi còn có cả băng mỏng, lúc bọn em đến thì người thằng bé đã tím tái cả lại, thở yếu ớt như không thở ấy. Bọn em vội cởi áo bọc nó lại rồi mang nó vào trong nhà, xoa chân xoa tay một hồi nó mới ấm áp trở lại. Bà nội nó thì gọi cả nửa tiếng mới tỉnh dậy được. Lần ấy thật sự hú hồn hú vía, sau đó bọn em phải đi xin áo cũ, áo rách bỏ đi của vài hộ khá giả hơn để mang lên cho họ. Làm cô giáo ở đây như bọn em, đâu chỉ đơn giản là dạy cho dân biết cái chữ đâu, còn phải không ngừng quan tâm, sát sao với cuộc sống của các em nữa, rồi còn phải làm công tác dân vận,… Buổi tối thì bọn em tổ chức dạy xóa mù chữ cho bà con nữa…

Hoàng Anh vừa nghe xong, lập tức làm ra một quyết định, đó là sẽ về xin hỗ trợ từ công ty để tặng những hộ gia đình nghèo trên này một cái Tết ấm no với gạo và một vài nhu yếu phẩm cần thiết. Có Hạnh ủng hộ, chắc chắn dự định này của anh sẽ được thông qua. Còn cậu bé Giàng A Sinh kia nữa, anh cũng sẽ xin cho cậu một phần học bổng đủ để cậu có thể học tới hết cấp ba, và có thể sẽ học lên nữa nếu cậu muốn. Với những mầm non không muốn chết yểu, không ngừng muốn vươn lên, chẳng tội gì người ta không bỏ một chút đầu tư chăm bón vào đó cả, biết đâu sau này, mầm non ấy sẽ trở thành một cây đại thụ chở che cho bao nhiêu mầm xanh khác.

***

– Mệt không?

Sân giếng chỉ có hai người, Hoàng Anh lập tức có cơ hội thể hiện sự ga lăng của mình bằng cách tranh bơm nước cho Phụng Anh rửa chân tay.

Bây giờ là gần bảy giờ tối, cả bọn vừa về tới Cụm trường Tiểu học – Trung học cơ sở trung tâm xã. Mọi người đã được sắp xếp sẽ ngủ lại tại hai phòng học ở đây bằng cách ghép bàn và ghép ghế lại làm chỗ ngủ. Chăn ấm cũng được các thanh niên của Ban chấp hành đoàn xã sắp xếp đâu vào đấy. Mặc dù cả bọn đã chuẩn bị tinh thần buổi tới sẽ mượn bếp nấu của dân bản để nấu mì gói ăn tạm, nhưng không ngờ xã lại mời mọi người cơm ngay ở Ủy ban. Thào có nói qua với Phụng Anh và Huân là chính quyền xã quyết định mua lại một con lợn đen do nhà trường nuôi để làm cơm tiếp đón mọi người. Sau trường có một khu đất nhỏ để các cô giáo nội trú trồng rau, các cô có nhờ thanh niên xã quây cho một cái chuồng, rồi lên núi mua lấy hai con lợn đen của một hộ gia đình người H’Mông để nuôi nhằm tăng gia sản xuất. Vừa nghe thấy vậy Huân và Phụng Anh đều tỏ ra rất áy náy, bởi mọi người làm việc này không phải muốn đổi lấy một bữa ăn như thế. Thào nói đây là tấm lòng của nhân dân trong xã, trong bản, cảm ơn mọi người đã không quản ngại trời mưa, giá lạnh để đem những tấm chăn ấm, áo ấm, những đôi tất ấm về tận đây tặng cho bà con, một bữa cơm này cũng chỉ là muốn cùng đoàn được giao lưu, uống chút rượu cho ấm lòng mà thôi. Lợn cũng đã thịt, cơm rượu cũng đã được sắp sẵn ra rồi, Huân cũng không có lý do để từ chối, cuối cùng anh phải thay mặt cả đoàn nhận lời tham gia bữa cơm giao lưu này.

Vì đoàn của Phụng Anh đi xa nhất nên khi trở về trời cũng đã tối mịt. Mưa đã tạnh nhưng sương cũng đã giăng dầy đặc khắp các chân núi, nẻo đường. Các thành viên khác trong đoàn đều đã về từ sớm, rửa ráy chân tay và hiện đang ở bên nhà văn hóa xã, nơi tổ chức liên hoan. Hạnh, Uyên, Mạnh và Hoàng Anh cũng đã sớm rửa chân tay xong, chỉ còn Phụng Anh, vừa trở về đã lọ mọ đi gặp Huân để bàn bạc tình hình, cũng như lên kế hoạch để sang hôm sau sẽ tổ chức phát học bổng và số áo ấm còn lại cho các em học sinh ở hai trường ngoài trung tâm xã này.

Khi Phụng Anh lọ mọ đi ra giếng rửa chân tay thì mọi người gần như đã xuống tập trung ở bên ủy ban cả, không ngờ Hoàng Anh lại lù lù xuất hiện và hỏi một câu cụt ngủn khiến cô vừa giật mình, vừa cảm thấy kinh ngạc. Đáng lẽ anh đã phải rồng rắn theo hai người con gái suốt ngày thay nhau ở bên cạnh anh là Hạnh và Uyên sang nhà văn hóa rồi chứ, không biết anh thoát khỏi họ bằng cách nào nữa?

Không gian vắng tanh, chỉ có hai người đứng lẻ loi ở đó. Đây là một giếng khoan được đặt hệ thống bơm tay, chỉ cần kéo cần trục bằng gỗ vài lần là sẽ có nước chảy ra. Đây là nguồn nước sinh hoạt chính của toàn bộ các thầy cô cũng như các em học sinh trong trường.

– Mệt chứ, nhưng có cảm giác không bằng lần đầu em tới đây. Lần này mặc dù phải di chuyển nhiều hơn nhưng bù lại tinh thần rất phấn chấn, có lẽ cảm thấy vui vì những gì mình đã làm được.

– Anh cũng thế. Đến giờ còn lâng lâng trước cảm xúc kỳ lạ của ngày hôm nay. – Hoàng Anh cười để lộ hàm răng trắng bóc, dường như những giận hờn vô lý đã tan biến đi hết. So với những gì Phụng Anh đã nỗ lực suốt ngày hôm nay thì bản thân anh lại cứ theo đuổi những tình cảm cá nhân một cách ích kỷ.

– Mà sao anh còn chưa xuống kia với mọi người?

– Điện thoại anh hết pin nên anh muốn đợi sạc một chút. – Anh nói dối, thực tế thì anh không ngừng rời mắt khỏi cô từ lúc cô bận rộn bàn bạc với Huân tới lúc cô một mình đi ra sân giếng tối om ở ngay đầu hồi dãy phòng học bên phải nhà hiệu bộ. Cả ngày nay, bây giờ anh mới có cơ hội được nói chuyện riêng với cô.

Phụng Anh không nói gì, lại cặm cụi kì cọ những vết đất bám đầy trên bắp chân trắng ngần của mình.

– Nói thật là anh cũng không biết phải làm sao với Uyên bây giờ nữa. – Chợt nghe anh thở dài, Phụng Anh ngẩng đầu nhìn anh, rồi lại tiếp tục cúi xuống, không nói gì.

Thấy cô không nói gì, Hoàng Anh cũng không vô duyên tới mức tiếp tục lải nhải. Anh bật đèn pin ở chiếc điện thoại cục gạch của mình để Phụng Anh có thể nhìn thấy những vết bẩn dễ dàng hơn.

– Thực ra anh đâu nhất thiết phải đẩy cậu ấy ra. Uyên có gì không tốt đâu chứ? – Phụng Anh sau một hồi im lặng, lại đột nhiên nói, giọng cô lành lạnh, thản nhiên khiến Hoàng Anh không khỏi hoảng hốt trong lòng.

– Vậy anh có gì không tốt không? – Hoàng Anh hỏi lại.

– Anh cũng rất tốt. – Phụng Anh không hiểu câu hỏi của anh nên đáp lại như một lời an ủi. Cô không thể nói thẳng với anh rằng ‘thực ra có vài điểm anh rất tệ’. Ví dụ như không dám thành thật đối diện với tình cảm của mình, ví dụ như luôn lôi cô ra làm trò vui cho mình, hoặc ví dụ như lúc nào cũng muốn làm vừa lòng tất cả mọi người…

Hoàng Anh buông cần bơm nước ra, kéo cô đứng thẳng dậy, giữ chặt cánh tay cô, ép cô phải nhìn vào mắt mình và hỏi:

– Vậy em cũng đâu nhất thiết phải đẩy anh ra?

Phụng Anh nhìn anh, giả vờ như bị anh dọa cho shock đến đứng hình không nói được gì, trong lòng lại thầm thở dài, loanh quanh một hồi, cuối cùng vẫn không tránh thoát được cái chủ đề nhức đầu này.

Cô nhẹ nhàng thoát ra khỏi anh, sau đó hơi lùi lại, rồi mới bình tĩnh trả lời:

– Anh không thể đánh đồng em với Uyên, giữa một người rất yêu anh và một người không thích anh được.

Hoàng Anh cảm thấy như đang rơi trong vực sâu thăm thẳm, đó cũng chính là khoảng cách giữa ‘rất yêu’ và ‘không thích’ mà anh có thể cảm nhận được. Ngay cả ‘thích’, thứ tình cảm nhẹ nhàng mà con người ta sẽ trải qua khi bắt đầu rung động trước người khác cô cũng không có, vậy thì còn bao xa mới tới được tình yêu?

– Em nói thật? – Hoàng Anh buông thõng cánh tay xuống, nhìn cô tràn đầy thất vọng, hỏi lại. – Em thực sự không thích anh, ngay một chút cũng không có?

– Nguyên tắc của em là không hẹn hò với khách hàng của mình. – Phụng Anh gật đầu.

– Anh không hỏi nguyên tắc của em, anh cũng chưa mất đồng nào cho em để em hẹn hò với anh cả. Nguyên tắc của anh cũng là không bao giờ thích một cô gái bám vào sự háo sắc của đàn ông để kiếm tiền…

– Vậy thì anh vui lòng giữ đúng nguyên tắc đó của anh và tránh xa em ra. – Phụng Anh lạnh lùng cắt ngang lời anh, đôi mắt cô ánh lên vẻ sắc lạnh.

– Em đừng lúc nào cũng không chịu nghe người khác nói hết như thế. Anh còn chưa nói hết cơ mà...