Hương Vị Đồng Xanh
Posted at 27/09/2015
792 Views
Tình yêu là một thứ gì đó không thể chiếm giữ cũng không có cách nào chiếm giữ, càng muốn nắm lấy nó thì nó lại càng xa khỏi tầm tay của mình hơn. Có tình yêu là em sẽ có tất cả ba điều còn lại nhưng đôi khi trong tình yêu, em không chỉ có chiếm giữ mà phải có cho đi, cho đi mà không cần nhận lại. Đôi khi tình yêu là phải biết hy sinh, hy sinh sự ích kỷ của bản thân để cho người mình yêu được hạnh phúc.
Em có hiểu hạnh phúc là gì không? Hạnh phúc không phải là cái hạnh phúc nhỏ nhoi của chính bản thân, mà là chứng kiến những người mình yêu mến có được hạnh phúc. Tình yêu cũng vậy, cái thứ tình yêu bất tử hoàn toàn không hề có trên cõi đời đâu. Tình yêu thật sự không phải nhờ ta được yêu mà nhờ ta biết hy sinh cho người mình yêu.
Tuy là hai chị em sinh đôi nhưng tính cách của Việt Phương và Việt Tình hết sức khác biệt. Nếu Việt Tình được sống trong tình yêu thương của cha mẹ từ nhỏ khi theo lên thành phố, thì cô em gái Việt Phương lại bị bỏ lại nơi thôn quê và do vậy cô luôn mặc cảm bởi hoàn cảnh của mình. May mắn thay, Việt Phương đã gặp Thiên Phong, cậu bé đã giúp cô bé có lại được hi vọng và tìm thấy niềm vui trong cuộc đời. Nhưng rồi Thiên Phong cũng trở lại nơi thành phố xô bồ kia, để đến lúc quay trở lại khi đã lớn, anh chẳng còn nhớ gì về cuộc sống trước kia...
Sâu lắng, nhẹ nhàng, cuốn truyện sẽ mở ra trước mắt người đọc khung cảnh êm đềm của tuổi thơ nơi thôn quê, và những tiếng cười trong trẻo hồn nhiên của trẻ thơ. Quá khứ luôn chất chứa thứ kỷ niệm dịu ngọt trong lòng mỗi người, liệu có lẽ nào dễ dàng tàn phai đến thế? Nếu Thiên Phong cứ tiếp tục cuộc sống nơi thành phố của anh, nếu Việt Phương cứ ôm lấy những hoài niệm xưa cũ một mình, chỉ coi mọi thứ như một hồi ức đẹp, thì mọi chuyện đã khác. Nhưng định mệnh đã cho họ gặp lại nhau, trong một hoàn cảnh trớ trêu nhất, để thử thách tình cảm của mỗi người.
Một câu chuyện tình yêu sâu sắc đang chờ đợi các bạn mở ra.
Mời các bạn đón đọc.
Chương 1: Nét buồn tuổi thơ
Ở bờ hồ, nơi mà những hàng dừa đang rũ bóng in soi dưới mặt nước. Phía xa xa, mấy mươi con vịt đang tung tăng bơi lội lặn hụp dưới nước thật bình yên. Ánh nắng dát xuống mặt hồ phản chiếu lấp lánh đầy màu sắc, chỉ có những cơn gió nhẹ hòa vào làn nước khiến nó lăn tăn.
Đứa bé gái ở dưới hồ vùng quẫy thật lâu, nó trồi lên rồi ngụp xuống, hết lần này đến lần khác, miệng chẳng thể thốt nên lời. Mái tóc dài bị dính nước bết lại phủ lên mặt càng trông nó thảm hại hơn bao giờ hết. Hai hốc mắt bị nước làm đau xót cùng nỗi hoảng sợ đến phát khóc nhanh chóng đỏ ngầu lên. Mặt nước vốn phẳng lặng dưới trưa nắng hè gay gắt đã bị phá vỡ bởi những cú va đập tung tóe một góc hồ.
Đứa bé gái ở phía trên sợ hãi dõi mắt nhìn xuống, nó lui về sau vài bước, tay giữ lấy miệng, hoảng sợ nhìn đứa bé có gương mặt giống mình y hệt đang vẫy vùng dưới hồ đầy hoang mang. Cuối cùng cô bé nhìn thấy đứa bé kia chìm xuống nước lần nữa thì mới kinh hãi hét lên:
- Cứu với... ba ơi, mẹ ơi... cứu với!!
Mọi người trong nhà đang bận rộn nấu đồ chuẩn bị đám giỗ, nghe tiếng kêu cứu thì hoảng loạn bỏ hết mọi thứ chạy ra bên ngoài tìm kiếm nơi phát ra tiếng kêu cứu yếu ớt kia. Mọi người thấy đứa bé gái đang khóc thét lên thì chạy đến lo lắng hỏi:
- Chuyện gì vậy, con bị làm sao à? Có phải bị ong đốt rồi hay không? - Bà mẹ lo lắng chạy đến ngó xung quanh con gái hỏi chuyện.
Đứa bé gái đứng trên thấy mọi người đến, trong đó có cả ba mẹ mình thì mặt càng tái mét hơn nữa. Cả thân người nó run lên, ánh mắt lấm lét, chần chừ một lúc rồi cô bé chỉ tay về phía bờ hồ, bị ẩn khuất bởi hàng dừa và lá dừa che phủ nói:
- Chị Việt Tình bị rơi dưới nước.
Mọi người kinh hoàng nhìn ra hồ, thì chỉ còn thấy được những vòng nước đang lan truyền ra khắp phía. Ngay tức khắc, một người thanh niên nhảy xuống hồ, lao nhanh về phía nơi đó rồi lặn hụp xuống, mau chóng ôm lấy đứa bé bị ngất xỉu vì ngộp nước trồi lên mặt nước. Nhanh chóng đưa nó vào bờ với sự trợ giúp của nhiều người nữa.
Mọi người ai cũng hoảng hốt lo lắng, nháo nhào ầm ĩ cả lên, bu quanh người thanh niên và đứa bé gái. Một tiếng hét vang lên:
- Mọi người tránh ra, để thằng Nhân làm hô hấp cho nó, nhanh lên!
Đứa bé gái nhanh chóng được đặt dưới đất. Cả thân người nó ướt nhẹp. Mẹ nó lo lắng nhào đến ôm lấy nó gào thét gọi tên con:
- Việt Tình, Việt Tình con sao rồi? Đừng làm mẹ sợ!
- Em à, mau tránh ra cho thằng Nhân làm hô hấp cho con! - Chồng bà cũng lo lắng cho con gái, ông ôm lấy vợ kéo ra đứng một bên để thằng em họ hô hấp nhân tạo cho con gái mình.
Nhân lập tức áp tay vào ngực ấn mạnh xuống, thao tác tốt từng bước, thổi ngạt ép ngực. Sau vài cái, đứa bé cuối cùng cũng chịu ói nước trong bụng ra. Mọi người vui mừng trào nước mắt khi con bé được cứu sống.
- Mau đem nó vào nhà! Thay quần áo ra kẻo nó bị lạnh. - Bà nội của bé gái lập tức lên tiếng thúc giục.
Ba Việt Tình vội vã cúi xuống ôm chặt lấy đứa con gái bé bỏng vừa mới được 8 tuổi của mình chạy nhanh vào nhà. Mọi người cũng vội vã vào theo, không ai còn chú ý đến đứa bé kia đang hoảng hốt đứng nép một góc kia nữa. Đứa bé gái còn lại nhìn theo mọi người, trong lòng nó phập phồng lo sợ, chuyện gì sẽ xảy ra khi mọi người biết được sự thật đây.
- Việt Phương, chị xin lỗi! - Cô bé nhìn theo bóng mọi người đang khuất dần vào trong nhà mà nhủ thầm.
Trong lúc hoảng sợ, cô bé đã nói dối mọi người. Thật ra người té xuống nước chính là Việt Phương em gái cô bé chứ không phải cô bé - Việt Tình.
Sở dĩ Việt Tình nói dối vì cô bé rất sợ mẹ, mẹ so với ba thì rất hay nổi nóng, hễ giận lên là mẹ lại đánh đòn. Cô bé rất sợ bị mẹ đánh, cô bé rất sợ mẹ không thương mình nữa vì không chịu nghe lời mẹ dặn. Khi về đây, mẹ đã dặn đi dặn lại cả hai chị em rằng: ”Không được ra hồ chơi khi không có người lớn đi cùng!” Vì tính ham vui nên Việt Tình đã rủ Việt Phương lén lút ra hồ chơi, nhân lúc ba mẹ và mọi người lo nấu tiệc làm giỗ.
Việt Tình không thích mấy anh chị em của mình dưới quê tí nào cả bởi vì nhìn chúng dơ bẩn, lôi thôi lếch thếch không chịu nổi. Có đứa cứ chảy mũi lòng thòng nhìn phát gớm, lại thích chơi mấy trò chơi vận động đầy mồ hôi rích trịch khó chịu. Việt Tình chẳng chút hứng thú nào với chúng, vậy mà Việt Phương, em của cô bé lại rất hòa hợp với bọn trẻ dưới quê.
Chán nản, cuối cùng Việt Tình lôi Việt Phương lén lút đi ra ngoài chơi, mặc dù nhìn thấy vẻ mặt luyến tiếc của Việt Phương với bọn trẻ. Từ xưa đến nay, Việt Phương luôn là đứa em ngoan, rất biết nghe lời chị. Việt Tình bảo cái gì Việt Phương đều làm theo cái đó, chưa bao giờ thắc mắc hỏi lại, cũng không làm trái ý bao giờ.
Hai chị em giống nhau y như khuôn đúc, đến nỗi cả ba mẹ nhiều khi còn nhầm lẫn. Có thể nói Việt Tình thông minh hơn Việt Phương, lại khỏe mạnh hơn. Nghe mẹ kể lại, ngày xưa, mẹ sinh Việt Tình xong thì kiệt sức, không thể sinh tiếp Việt Phương ra. Bác sĩ phải lập tức tiến hành mổ, Việt Phương cũng xém tí nữa là bị ngộp chết. Vì thiếu oxi nên khi sinh ra Việt Phương rất yếu, hay bệnh tật, lớn rồi nhưng rất chậm chạp, không thông minh lanh lợi như Việt Tình. Đi đến đâu, người ta cũng khen Việt Tình hết lời, nhiều lúc khiến mẹ cô bé vui mừng hớn hở, có thể ưỡn ngực tự hào. Việt Phương ngoài vẻ ngoài xinh xắn giống chị ra thì mọi thứ đều thua xa, kể cả việc học.
Tuy nhiên, Việt Phương hiền hậu, ngoan ngoãn, lại rất hiếu Thảo, không vòi vĩnh như Việt Tình nên ba cô bé rất thương. Mẹ cô bé thì lại thương Việt Tình nhiều hơn, bởi nhiều lý do. Lý do thứ nhất: Việt Tình có thể khiến mẹ tự hào hãnh diện với mọi người; thứ hai: Việt Phương khờ khạo, bị Việt Tình dụ dỗ, mỗi khi Việt Tình làm sai chuyện gì Việt Phương đều đứng ra nhận lỗi, bởi vì cô bé rất thương chị, sợ chị bị đánh đòn đau, cũng sợ chị giận dỗi không thèm chơi với mình nữa. Cho nên trong mắt người mẹ nghiêm khắc nóng tình của mình, cô bé so với Việt Tình thua xa.
Hai chị em cũng thường chơi trò tráo đổi thân phận cho nhau rất nhiều lần, nhiều lúc khiến ba mẹ điên đầu vì chẳng biết đứa nào là Việt Phương, đứa nào là Việt Tình.
Lần này vì sợ hãi nên Việt Tình cố gắng đổ hết mọi tội lỗi cho Việt Phương, coi như mình mới là nạn nhân.
Việt Phương bị té xuống nước cũng là do Việt Tình nằng nặc đòi bứt lá dừa ở đằng ngọn để chơi. Cô đứng đu tàu dừa cho nó rũ xuống, Việt Phương đi đến mà bứt lấy. Nào ngờ lá dừa quá gần mép bờ hồ, Việt Phương chẳng may bị trượt chân nên rơi tõm xuống hồ như thế.
Khi Việt Phương tỉnh lại, bà Thu Hà hỏi rõ đầu đuôi sự việc. Việt Phương nghe mẹ gọi mình là Việt Tình, cô bé hiểu ra hai người lại tiếp tục chơi trò chơi tráo đổi thân phận cho nên cũng nhận mình là Việt Tình. Vì là ngày giỗ, cũng có nhiều người khuyên giải nên bà Thu Hà không nổi giận la mắng hay phạt đòn Việt Tình. Cô bé thở phào nhẹ nhõm mừng rỡ.
Tuy nhiên đêm đó, bà Thu Hà lại cùng chồng là ông Việt Tuyên bàn bạc chuyện hai cô con gái. Bởi vì công việc của bà dạo gần đây rất bận, bà đang chuẩn bị để được đề bạt thăng tiến, mà hai đứa con lại chiếm gần hết thời gian chăm lo của bà. Bà lại không thích người giúp việc vì dạo gần đây, người giúp việc không trở thành kẻ thứ ba phá hoại hạnh phúc của người ta thì cũng trộm tiền của chủ nhà bỏ trốn. Vì vậy quyết định gửi Việt Phương ở lại nhà nội.
Mặc dù ông Việt Tuyên không đồng ý để lại Việt Phương nhưng công việc của ông cũng khá bận, công ty ông đang trong giai đoạn đổi mới, bận rộn liên tục cho nên dù không muốn, ông cũng đành chấp nhận nghe theo lời vợ. Nhưng ông không nỡ để Việt Phương một mình dưới quê.
Bà Thu Hà cũng đưa ra nhiều lý do để chọn Việt Tình sống chung thay vì Việt Phương với chồng:
- Việt Phương thật thà, khờ khạo, bình thường phải nhờ Việt Tình chăm sóc; bây giờ tách riêng ra, lấy ai chăm sóc Việt Phương. Chương trình học ở thành phố lại nặng hơn ở dưới quê, Việt Phương sợ rằng khó nắm bắt kịp. Vả lại, hai vợ chồng bận rộn không có thời gian chăm sóc con cái, Việt Tình có thể tự biết đi đến nhà hàng xóm chơi trong khi chờ ba mẹ về; còn Việt Phương từ trước đến giờ chỉ toàn bám theo Việt Tình mà thôi, không có Việt Tình chỉ sợ nó chỉ thui thủi một góc. Ở dưới quê thì còn ba mẹ, cô dì chú bác chăm sóc giúp. Hơn hết là Việt Tình vốn không thích sống dưới quê.
Bà Thu Hà suy tính rất nhiều mới đưa ra quyết định thế này. Không phải bà không thương Việt Phương, bà cũng hiểu là tại mình kiệt sức mới khiến con gái khờ khạo như thế. Bà thấy Việt Phương thích hợp ở dưới quê hơn mới ra quyết định này. Xa con, làm mẹ như bà cũng chua xót, bà nhất định sẽ cố gắng gửi nhiều tiền về bù đắp cho con gái.
Ông Việt Tuyên cuối cùng cũng bị thuyết phục, chấp nhận để Việt Phương ở lại quê. Trước khi trở về thành phố, ông dặn dò Việt Phương rất nhiều, nhìn thấy cô bé khóc lóc đòi theo dù đau lòng cũng đành nhắm mắt quay lưng bỏ đi.
Việt Phương biết ba mẹ bỏ rơi mình ở nhà nội, cô khóc thét nắm chặt lấy áo ba mẹ không buông, cầu xin đừng bỏ rơi mình...