Anh có thích nước Mỹ không
Posted at 27/09/2015
766 Views
Coi như cứu cho Trịnh Vi một bàn thua.
Mẹ anh đi ngủ sớm, chưa đến mười giờ ba mươi phút đã ngủ rồi, Trịnh Vi và Trần Hiếu Chính cũng không tiện ngồi riêng ở phòng khách. Căn hộ có hai phòng ngủ, một phòng khách, mẹ anh để con trai ngủ trên chiếc sofa ở phòng khách, nhường phòng ngủ cho Trịnh Vi.
“Ga trải giường và chăn đều là mới cả”, bà nói với Trịnh Vi như vậy.
Trịnh Vi vội vàng cảm ơn, “Bác vất vả quá ạ”.
Đêm đến, Trịnh Vi nằm trên giường suy nghĩ liên miên, không tài nào chợp mắt được, cô lạ nhà, rất khó làm quen với những nơi xa lạ, nhưng làm sao có thể nói đây là nơi xa lạ? Mặc dù cô chưa từng đặt chân đến đây nhưng căn phòng này là căn phòng Trần Hiếu Chính đã từng sống, nền nhà là nơi anh đã đi qua, giường là chỗ ngủ của anh, mỗi tấc đất ở đây đều chứng kiến dấu chân trưởng thành của anh, còn có điều gì khiến cô cảm thấy gần gũi hơn? Cô đã đến đây, mặc dù sự khách khí của mẹ anh khiến cô thấy hơi khó thích nghi nhưng dù sao cũng tốt hơn gấp nhiều lần so với những gì cô dự đoán.
Đang mơ màng, Trịnh Vi nghe thấy có tiếng gõ cửa khe khẽ, đêm hôm khuya khoắt, căn nhà cũ này lại phát ra âm thanh đó khiến cô bất giác rùng mình. Tiếng gõ cửa vẫn tiếp tục vang lên, cô đành khoác áo xuống giường, lấy hết can đảm ra mở cửa, Trần Hiếu Chính ngủ ngoài phòng khách, cô còn sợ gì.
Khi cửa mở ra, nhìn thấy bóng dáng quen thuộc đang đứng trước cửa, cô vui mừng khẽ gọi “Anh…”, chưa kịp nói hết câu, người đáng ra phải ngủ trên sofa đó đã nhanh tay bịt mồm cô lại, “Suỵt!”. Anh khẽ ra hiệu, cô lập tức hiểu ngay ý, cũng bắt trước đặt một ngón tay lên môi, cửa phòng khẽ khép lại, trong bóng tối, bóng đen đó liền ôm chặt lấy cô. Trịnh Vi cảm nhận hơi thở mà mình quen thuộc, cảm thấy yên tâm và hạnh phúc, kèm thêm cả sự hồi hộp vì làm chuyện xấu sau lưng người lớn.
Trong trường, cơ hội được ở gần nhau trong không gian vắng lặng như thế này không nhiều, hai người vội vàng chia sẻ cho nhau cảm giác hồi hộp, ngọt ngào quen thuộc mà lạ lẫm đó. Trịnh Vi hỏi Trần Hiếu Chính, “Có phải mẹ anh không thích em lắm đúng không? Em có làm sai điều gì không?”. Trần Hiếu Chính khẽ vuốt mái tóc cô, “Không đâu, em thể hiện rất tốt, bình thường mẹ anh đã như thế, nhưng bà không xấu bụng đâu”.
Hai người thì thầm nói chuyện và cố gắng nói thật khẽ, chỉ sợ làm mẹ anh thức giấc, cả đêm lúc ngủ lúc tỉnh. Năm giờ sáng Trần Hiếu Chính đã tỉnh dậy và quay trở lại phòng khách, anh nói mẹ anh có thói quen dậy sớm, nếu không thấy anh ngủ trên sofa sợ sẽ không hay.
Sau khi Trần Hiếu Chính ra ngoài, một đêm sống trong thấp thỏm, hồi hộp, Trịnh Vi lại tiếp tục say sưa trong giấc nồng, lúc tỉnh dậy vén rèm cửa sổ thì trời đã sáng rõ, cô nhìn đồng hồ trên đầu giường, mới biết đã hơn chín giờ. Cô bất giác giật mình, vội thay quần áo, thầm mắng mình không chịu để ý, anh nói mẹ anh có thói quen dậy sớm, kiểu này thì gay to rồi.
Lúc cô mở cửa bước ra, Trần Hiếu Chính và mẹ anh đã ngồi trước bàn đợi cô, trên bàn đặt sẵn bát đũa, cháo hoa và đồ ăn sáng. Vẫn chưa ai đụng bát đũa, xem ra họ đã đợi cô khá lâu rồi.
Trịnh Vi thẹn thùng chào: “Bác ạ, anh ạ”, rồi cúi đầu chạy vụt ra đánh răng rửa mặt. Cuối cùng khi đã ngồi xuống bàn ăn, vẫn là mẹ anh nói vài câu với chỗ trống bên cạnh, sau đó mới bắt đầu ăn sáng.
Đã qua bữa cơm tối hôm qua, Trịnh Vi không còn thấy lạ trước thói quen kỳ dị này của nhà anh nữa, ngược lại, cô còn thấy hơi cảm động, một người phụ nữ ở góa hơn hai mươi năm, nuôi đứa con của người chồng đã khuất lớn khôn, vẫn không giây phút nào quên người đã mất, chắc chắn những tình cảm bà dành cho chồng phải sâu nặng biết bao.
Cô ăn một miếng cháo, đã nguội hết rồi, điều này càng chứng tỏ họ đã đợi cô rất lâu, cô ngại ngùng nói: “Cháu xin lỗi, cháu ngủ say quá”. Nói xong lại quay sang người đang cúi đầu ăn, trách, “Đáng lẽ anh phải gọi em một tiếng mới phải!”. Trần Hiếu Chính chỉ cười mà không nói gì, cuối cùng mẹ anh lại can khéo, “Không sao, không sao, thanh niên thích ngủ là chuyện rất bình thường, hồi bác bằng tuổi cháu cũng thèm ngủ lắm, bây giờ muốn ngủ cũng không ngủ được”.
“Ơ thế hôm nay bác không phải đi làm ạ?” Trịnh Vi sực nhớ mặc dù trường đã cho nghỉ, nhưng hôm nay không phải là ngày nghỉ cuối tuần, mẹ anh vẫn đang đi làm, giờ này đáng lẽ không có mặt ở nhà mới phải.
“Là thế này, Chính vừa mới về, nhà lại có khách nên bác xin nghỉ hai ngày. Sáng sớm bác đã đi chợ, buổi trưa và tối bác còn phải nấu cơm cho hai đứa.”
Ăn xong bữa sáng, dường như mẹ anh vẫn bận rộn với công việc trong bếp, Trịnh Vi không có việc gì làm, lòng cũng cảm thấy thực sự ái ngại, nghĩ lúc này không chịu thể hiện còn đợi lúc nào? Cô bèn chủ động đi vào trong bếp, “Bác ạ, cháu làm việc vặt hộ bác nhé”.
“Ấy chết, cháu đừng vào bếp, chỗ nào cũng đầy dầu mỡ, bẩn quần áo thì khổ đấy.”
Trịnh Vi vội nói không sao, Trần Hiếu Chính cũng bước vào nói với mẹ, “Mẹ, không sao đâu, hơn nữa cũng có phải người ngoài đâu, mẹ để cô ấy giúp một tay đi”.
Mẹ anh nhìn thấy vẻ thành khẩn gật đầu liên hồi của Trịnh Vi, đành phải lấy ra một chiếc tạp dề sạch sẽ cho cô mặc vào, “Mệt thì phải nói đó nhé, một mình bác cũng làm được mà”.
“Bác ơi, cháu rửa rau nhé!” Hồi ở nhà Trịnh Vi đâu có cơ hội được vào bếp, bây giờ mặc tạp dề vào, cảm thấy cái gì cũng mới lạ thích thú.
Mẹ anh thấy Trịnh Vi nhấc rổ rau bên cạnh bồn rửa lên, vội nói, “Không cần, không cần, cái đó bác đã rửa rồi.”
“Thế cháu thái rau bác nhé, việc này cháu biết làm.” Trịnh Vi quay sang mấy quả dưa chuột đang để trên thớt.
“Thôi để bác làm cho, cẩn thận không đứt tay đấy”, mẹ anh nói với vẻ không yên tâm.
“Không sao đâu ạ, việc này bác giao cho cháu”, Trịnh Vi hứa hẹn.
Lúc đầu Trần Hiếu Chính tựa người vào khung cửa bếp và nhìn với vẻ lo lắng, một lát sau liền bị mẹ và Trịnh Vi hùa vào đuổi ra. Anh vừa ngồi xuống sofa thì nghe thấy trong bếp vọng lại tiếng kêu thất thanh một trước một sau của Trịnh Vi và mẹ anh, anh vội chạy vào. Thấy con dao Trịnh Vi vừa cầm nằm chỏng chơ trên thớt, tay phải cô đang nắm chặt ngón tay trái, máu không ngừng nhỏ từng giọt qua kẽ tay, mẹ anh nhìn thấy máu, mặt biến sắc, vội túm lấy bàn tay vừa bị thương của Trịnh Vi đặt dưới vòi nước xả cho sạch, sau đó giục Trần Hiếu Chính đi lấy cồn và cuộn băng. Trần Hiếu Chính cũng hết hồn, lúc mở ngăn kéo tìm cuộn băng, trán anh đã lấm tấm mồ hôi, mẹ anh đón lấy cuộn băng rồi vội rửa vết thương và băng bó cẩn thận lại cho Trịnh Vi, vừa làm còn vừa trách mình, “Chỉ tại bác, bác không nên để cháu làm việc đó”.
Sau khi được băng bó, Trịnh Vi được dìu ngồi xuống sofa trong phòng khách, hai mẹ con anh ngồi bên cạnh cô. Vết đứt khá sâu, may mà chưa vào xương, cô không hề biết quả dưa chuột tròn sẽ lăn trên thớt khi thái, thế là cô liền cắt ngay vào ngón tay mình. Họ đều hỏi cô có đau không với vẻ lo lắng. Thực ra giây phút này đây, ngoài đau đớn ra, cô còn trách mình vô tích sự nhiều hơn, cô đã làm hỏng hết mọi việc, giờ thì mẹ anh làm sao còn tin rằng cô là một cô gái đảm đang biết tề gia nội trợ nữa.
Cô nghĩ như vậy, những giọt nước mắt lúc mới đứt tay chưa xuất hiện giờ đã ngân ngấn, cô không dám nhìn mẹ anh, cô cảm thấy mình đã để anh mất mặt. Lúc mẹ anh đi thu dọn đám bông băng, cô mới ngẩng đầu lên, nước mắt vòng quanh nhìn anh, “Em xin lỗi, anh Chính, em vụng về quá, em chẳng làm được gì ra hồn cả”.
Trần Hiếu Chính ngồi bên cô, dường như không nghe thấy gì mà nhẹ nhàng đặt bàn tay vừa bị đứt của cô vào lòng bàn tay mình, chỉ sợ làm cô đau, lúc tay cô chảy máu, anh như người hồn vía trên mây. Một đôi tay như thế này, đôi tay mà anh nâng niu nhất lại được băng bó xấu xí ở nhà anh. Anh không nói gì mà chỉ nhìn bàn tay cô, nhìn trân trân không rời, đó là nhát dao cứa vào trái tim anh.
Chương 12: Tớ không khóc, tớ sẵn sáng đánh cược, chịu thua
Trịnh Vi chơi ở nhà Trần Hiếu Chính hai ngày, vì Tết mỗi ngày một gần, nên không thể ở mãi nhà anh được.
Lúc cô về, Trần Hiếu Chính và mẹ anh tiễn cô ra bến xe, mãi cho đến khi xe khách chuyển bánh mới quay về.
Tối đến, dưới ánh đèn không mấy sáng sủa trong phòng mình, Trần Hiếu Chính tỉ mỉ lắp ráp mô hình, anh đã tự tay lắp không ít mô hình, chỉ có cái này là không giống, đây không phải là tòa nhà vừa có thể ở vừa có thể làm văn phòng cho thuê kiểu mới, cũng không phải là biệt thự ven hồ, mà là một căn nhà nhỏ anh dự định sẽ tặng cho Trịnh Vi. Anh chưa bao giờ tặng cô hoa, cũng không thể tặng cô những món quà đắt tiền, anh chỉ có thể tặng cô cái này - căn nhà của họ, như một lời hứa trong tương lai.
Những chi tiết nhỏ trong căn nhà từ chiếc ghế, chiếc bàn đều phải làm rất tỉ mỉ, anh thực sự mải mê với công việc của mình, đến nỗi
có người đứng sau lưng cũng không hề hay biết.
“Chính.”
Mãi cho đến khi nghe thấy âm thanh quen thuộc, anh mới giật mình quay đầu lại, không biết mẹ đã vào phòng từ lúc nào, cũng không biết đã nhìn anh bao lâu.
“Mẹ, mẹ vẫn chưa đi ngủ à?” Từ trước đến nay mẹ anh có thói quen đi ngủ sớm, vì thế lúc này nhìn thấy bà, Trần Hiếu Chính hơi bất ngờ.
“Mẹ đã đi ngủ nhưng không ngủ được, thấy đèn phòng con vẫn sáng nên sang đây xem. Con làm cái gì mà say mê thế, mô hình này dùng để làm gì vậy?”
Trần Hiếu Chính muốn tránh chủ đề này, bèn nói: “Muộn lắm rồi, mẹ đi ngủ trước đi, ngày mai mẹ còn phải đi làm nữa chứ”.
Mẹ anh không đi ra, bất giác bà nở một nụ cười khó hiểu, lấy tay sờ vào mô hình trong tay cậu con trai, “Ngôi nhà đẹp quá”.
Đột nhiên anh dừng tay và chăm chú nhìn mẹ, “Mẹ, có phải mẹ có chuyện gì muốn nói với con không?”
“Chính, con ra đây.”
Anh hơi ngần ngừ nhưng vẫn bước theo mẹ tới trước ảnh cha. Anh đứng một bên, nhìn mẹ châm một nén hương, sau đó lại lau chùi cẩn thận khung ảnh.
“Quỳ xuống, Chính”, bà nói. Một lát sau, mới quay đầu lại nhìn cậu con trai vẫn đứng im, mặt không biểu lộ cảm xúc.
“Ngay cả mẹ nói con cũng không chịu nghe nữa hả?”, giọng nói mệt mỏi của bà còn xen lẫn một nỗi chua xót. Từ nhỏ, Trần Hiếu Chính sợ nhất là nhìn thấy mẹ như thế, mỗi khi bà làm như vậy, những cảnh buồn đau trong quá khứ lại hiện ra trước mắt nhưng anh vẫn không có ý định quỳ xuống.
“Con không quỳ đâu ạ vì con không làm sai chuyện gì. Mẹ, tất nhiên con phải nghe lời mẹ nhưng con có sự nhìn nhận của mình.”
“Đúng vậy, con đã lớn rồi, bắt đầu có sự nhìn nhận mà con cho là đúng, vì thế sau khi nộp đơn đăng ký, con đã bắt đầu cảm thấy hối hận.”
Trần Hiếu Chính thấy mẹ nói thế bèn cười đau khổ, anh biết mình không thể giấu được bà, bà không bao giờ bỏ thói quen liên lạc với nhà trường, với thầy cô giáo bằng mọi cách, kể cả khi anh đã vào đại học. Chắc là bà đã gọi điện cho thầy giáo chủ nhiệm lớp anh, chuyện lớn như thế, chắc chắn bà đã biết. Chỉ có điều, anh đã biết trước sẽ có ngày này nên không cảm thấy bất ngờ lắm.
“Đúng ạ, con đã hối hận, con cảm thấy mình có thể có sự lựa chọn khác, ra nước ngoài không nhất thiết là con đường bắt buộc phải đi”, anh hạ thấp giọng.
“Xét cho cùng, vẫn là vì Trịnh Vi đúng không?”, giọng mẹ anh thẫn thờ.
Hóa ra bà đã biết từ lâu nhưng hai ngày Trịnh Vi ở lại chơi, bà không hề tỏ thái độ gì cả, Trần Hiếu Chính không biết mình có nên cảm kích hay không nhưng anh không có cách nào phủ nhận giả thiết này của mẹ, anh đành nói: “Vâng ạ, con thừa nhận cô ấy là lý do quan trọng nhất trong chuyện này”.
“Trước đây con không bao giờ như vậy, con trai mẹ là một người có chí tiến thủ, bắt đầu từ ngày đầu tiên vào đại học, đi du học không phải luôn là mục tiêu của con đó sao. Nếu không phải như thế thì con chịu khó học ngoại ngữ, vất vả làm thêm như thế để làm gì? Những năm tháng qua mẹ con mình sống khó khăn, tiết kiệm từng xu từng hào là để làm gì? Đến bây giờ có được cơ hội, thầy chủ nhiệm lớp con bảo, năm nay cả nước cũng chỉ có ba nghìn chỉ tiêu đi du học, giờ con lại nói với mẹ rằng vì yêu nên con từ bỏ cơ hội để được ở bên cô ấy. Chính, con hãy nhìn vào bố mẹ và nói rằng, nói thật to rằng, đây là sự lựa chọn của con?”
“Đúng là con luôn muốn được đi nước ngoài, ở đó có kỹ thuật tiên tiến và môi trường học tập tốt hơn nhưng lúc đó con không hề nghĩ rằng mình sẽ gặp Trịnh Vi. Sau khi ở bên cô ấy, con mới biết rằng mình cũng có thể có những niềm vui đơn giản.” Anh nhìn vào người đã sinh thành dưỡng dục mình, “Mẹ, con biết những năm tháng qua mẹ rất vất vả, con cũng luôn cố gắng để mình làm được tốt nhất nhưng kể cả đứng trước mặt bố, con cũng không sợ nói thật, có lẽ con không giỏi giang như bố mẹ kỳ vọng, con rất hạnh phúc với niềm vui mà cô ấy mang đến cho con”.
Bàn tay mẹ anh xoa lên mặt kính khung ảnh lạnh lẽo một cách vô thức, giọng thều thào như đang thở dài, “Chính, con nói niềm vui với mẹ? Không phải mẹ không hiểu thế nào là niềm vui. Hồi bố con còn sống, con ở trong bụng mẹ, ba người nhà mình ở bên nhau, mẹ cảm thấy mẹ hạnh phúc hơn bất kỳ người phụ nữ nào trên thế gian này. Sự nghiệp của bố con thuận buồm xuôi gió biết bao, một công ty lớn của nhà nước với hai nghìn công nhân, chưa đầy ba mươi tuổi, từ Trưởng phòng Kỹ thuật của công ty, bố con đã lên làm Kỹ sư trưởng. Hồi đó, những dịp lễ tết người đến chơi nhà, chưa kịp về đã có người khác đến, gặp nhau dưới sân, không ai không cười nói hỏi han. Nhưng mẹ vô phúc, chẳng giữ được cái gì lâu, con mới được ba tháng trong bụng, bố con ra công trường thì bị tai nạn và không trở về nữa. Lễ truy điệu được tổ chức rất long trọng, vòng hoa bày kín nhà tang lễ, nhưng lễ truy điệu kết thúc, mọi thứ cũng kết thúc, tình người cũng trở nên nhạt nhẽo. Khoản tiền tuất lĩnh được, khi con chưa đầy tháng thì ốm nặng một trận nên cũng chẳng để lại được gì. Chỉ thế thôi thì cũng không sao, cái khó là mẹ một mình nuôi con, hồi nhỏ sức khỏe con không tốt, công việc của mẹ lại thay đổi liên tục, vị trí mỗi ngày một tụt hậu, thời gian chăm sóc con càng ngày càng ít, mẹ đi tìm Giám đốc, tìm Chủ tịch Công đoàn, chỉ xin họ chuyển mẹ tới bộ phận không phải đi làm ca, họ là những người bạn thân coi nhau như anh em trước kia của bố con nhưng hồi đó họ chỉ cười ái ngại kể ra những khó khăn của cơ quan, bảo mẹ phải cống hiến, hạn chế đòi hỏi. Một góa phụ như mẹ, chỉ xin có thời gian chăm sóc đứa con chưa gửi được nhà trẻ vào ban đêm, yêu cầu đó cũng quá đáng hay sao? Hồi con đi trẻ nửa đêm sốt cao, phòng y tế của cơ quan không chữa được, một mình mẹ cõng con đi gần ba cây mới đến được bệnh viện, vì số tiền viện phí đó mà mẹ phải gõ cửa không biết bao nhiêu nhà họ hàng, họ chỉ nói, thôi tìm một ông chồng đi, việc gì phải chịu khổ một mình. Chính ạ, trước linh cữu cha con, mẹ đã hứa sẽ sống một mình suốt đời, mẹ không thể tìm một người đàn ông khác, mẹ còn có những kỷ niệm và một đứa con trai với cha con. May mà từ nhỏ con đã có chí tiến thủ, hồi con đỗ đại học, tất cả số tiền có trong nhà, cộng với tiền lương được lĩnh trước của mẹ cũng không đủ đóng tiền học, phải hỏi vay chú con 500 tệ, may mà chú chịu giúp mình nhưng sau khi cho vay tiền lại bê chiếc tivi của nhà mình đi, một cái tivi cũ thì đáng bao nhiêu tiền, chẳng qua là chú nghĩ không biết bao giờ mình mới trả nổi số tiền đó nên vớt vát được cái gì hay cái đấy… Những chuyện này con đều biết chứ? Mẹ ôn nghèo kể khổ nhiều, con chỉ thấy khó chịu, nhưng đây chính là cuộc sống. Chính ạ, mẹ nói ra những điều này là muốn cho con biết rằng nghèo hèn không có niềm vui đâu”.
Những chuyện mẹ nói, Trần Hiếu Chính đều ghi nhớ trong lòng, anh không thể quên nỗi gian nan vất vả hồi nhỏ, vì thế mới muốn giữ chặt niềm hạnh phúc nhỏ nhoi đang có trong tay. Anh cố gắng để cho giọng mình bình thản, “Những chuyện đó con vẫn còn nhớ, mẹ ạ, nhưng con không cho rằng việc không ra nước ngoài chắc chắn sẽ khiến con nghèo hèn. Mẹ hãy tin con, đợi sau khi con tốt nghiệp, cuộc sống của chúng ta chắc chắn sẽ tốt hơn, mẹ cũng sẽ có ngày được hưởng hạnh phúc”.
Mẹ quay đầu nhìn anh, đôi mắt đỏ ngầu nhưng khô khốc...