Anh có thích nước Mỹ không
Posted at 27/09/2015
605 Views
Trịnh Vy, một cô gái vô tư, cuộc sống dường như không có gì khiến cô phải buồn. Trịnh Vy quyết định thi vào Học viện Kiến trúc của thành phố G vì một lời hẹn ước với Lâm Tịnh - chàng trai sống cùng khu nhà tập thể với cô và hơn cô 5 tuổi. Từ khi còn rất nhỏ cô đã nói trước mặt mọi người là sẽ lấy Lâm Tịnh. 17 năm cô mải miết theo anh trên mọi con đường anh đi, đến cuối cùng cô tưởng như mình đã được ở gần anh sẽ không phải xa cách. Nhưng Lâm Tịnh đã chọn con đường ra đi, sang Mỹ bỏ cô ở lại với bao câu hỏi ngổn ngang.
Trong những năm học đại học, Trịnh Vy lao vào cuộc theo đuổi anh chàng Trần Hiếu Chính lạnh lùng khô khan, chỉ biết cắm đầu vào học. Tình yêu của cô đã được đền đáp, họ trở thành một đôi rất nổi tiếng trong trường đại học. Bốn năm đại học của cô trôi qua trong hạnh phúc của tình yêu, nhưng một lần nữa nước Mỹ lại cướp đi người cô yêu. Trần Hiếu Chính quyết định đi Mỹ mà không cho Trịnh Vy một lời hẹn ước, cả cơ hội chờ đợi cũng không có.
Thời gian vẫn trôi, con người vẫn phải sống, Trịnh Vy mạnh mẽ tiếp tục bước tiếp con đường mình phải đi. Cô làm thư ký cho Giám đốc Công ty 2 trực thuộc Tập đoàn Kiến trúc Trung Quốc, trước kia cô nộp hồ sơ vào đây vì Trần Hiếu Chính cũng nộp hồ sơ. Nhưng nay không còn anh cô vẫn đi làm vì cô thấy đây là cơ hội cô có thể phát triển sự nghiệp. Dưới sự dìu dắt của Giám đốc Chu Cù, một Trịnh Vy sốc nổi, bốc đồng, bừa bãi đã trở thành thư ký Trịnh điềm đạm trong giao tiếp, cẩn trọng trong công việc. Cô thử gặp gỡ với nhiều người, người thích cô thì cô không thích, mà người cô thích lại chẳng có tình cảm với cô, trước những chàng trai xa lạ cô luôn có một câu hỏi “kinh điển”: “Anh có thích nước Mỹ không?”
7 năm trôi qua từ khi Lâm Tịnh ra đi, Trịnh Vy tình cờ gặp lại anh trong đám cưới của Nguyễn Quản, một sự trùng hợp nữa thời gian đó Trần Hiếu Chính về nước trở thành trợ lý giám đốc của Công ty 2, anh trở thành đồng nghiệp, cấp trên của cô. Trong cô diễn ra sự giằng co đau đớn, giờ đây cô phải lựa chọn, một người là niềm mơ ước từ nhỏ, một tình cảm kéo dài 17 năm; một người là tình yêu nồng thắm, gắn bó những kỷ niệm đẹp nhất của tuổi xuân. Cô có một ước nguyện là được cùng người mình yêu đến làng Vụ Nguyên, ở đó có cây hòe già đã chứng kiến sự gặp gỡ và chia ly mối tình đầu của mẹ cô. Cô cũng mong muốn cây hòe già cũng làm chứng cho tình yêu của cô, nhưng hai lần đến cô đều phải đi một mình, cô phát hiện ra rằng cây hòe già không phải là niềm mơ ước của riêng cô nữa. Dưới gốc cây hòe già đã có bao cuộc gặp gỡ cũng có bao cuộc chia ly, nó là dấu ấn tuổi xuân của bao người.
Cuối cùng người đàn ông mà cô chọn sẽ gắn bó suốt cuộc đời, người sẽ ở bên chăm sóc, bao bọc cho cô là Lâm Tịnh, niềm mơ ước 17 năm đã trở thành hiện thực.
Chẳng thích cái kết thúc này, nhưng mà thích cái cách viết truyện, thích các câu triết lý nhẹ nhàng, và đúng như tác giả nói "Mình tặng tác phẩm này cho những năm tháng thanh xuân sẽ mất, hoặc đã mất của chúng ta" "Cố hương là nơi để người ta ôn lại thuở hàn vi, tuổi xuân là quãng thời gian để con người nhớ nhung hoài niệm, khi ôm nó vào lòng nó sẽ chẳng đáng một xu, chỉ khi dốc hết nó quay đầu nhìn lại, tất cả mới có ý nghĩa"
Chương 1: Những ngày mới nhập trường
Ngày mùng Mười tháng Chín, một ngày hè nóng nực và oi ả trên đất phương Nam.
Tân sinh viên Trịnh Vi mặt đỏ gay cùng anh lái xe taxi lôi hai chiếc va li to đùng ra khỏi cốp xe. Cô ngẩng đầu, lấy mu bàn tay quệt mồ hôi, ánh nắng gay gắt xuyên qua kẽ lá khiến Trịnh Vi cảm thấy trước mắt như tối lại, cô không quen lắm với thời tiết nóng bức như thế này. Trịnh Vi móc trong túi quần bò ra ít tiền lẻ mà mẹ đã chuẩn bị cho trước khi tới trường và đưa cho anh lái xe, khẽ cười nói, “Cảm ơn chú ạ”.
Anh lái xe xem chừng chưa đầy ba mươi tuổi, thấy cô gọi mình là chú thì đỏ mặt tía tai, vội vàng trả lại tiền, số lẻ cũng không dám lấy.
Trịnh Vi đứng dưới một tán cây to để tránh nắng, vừa lấy tay phe phẩy cho đỡ nóng vừa ngó nghiêng vùng đất mà cô sẽ sống và “chiến đấu” trong bốn năm. Cô đang đứng trên con đường trải dài trong trường, hai bên là hàng cây của vùng cận nhiệt đới mà cô không biết tên gọi là gì, có thể tưởng tượng vào những buổi hoàng hôn, được đi dạo trên con đường này thì thật thú vị biết bao. Nhưng giờ đây, hai bên vỉa hè dành cho người đi bộ đã bị mọi người và những chiếc bàn to nhỏ đủ loại chen chật ních. Thỉnh thoảng có những chiếc ô tô con, xe taxi chạy đến gần nơi cô đang đứng và không tiến thêm được mét nào nữa. Đương nhiên, xe chở khách của trường đi đón tân sinh viên từ ga về vẫn nhiều hơn cả, hết tốp này đến tốp khác, tất cả đều là những gương mặt non nớt, khệ nệ xách va li lớn nhỏ. Ngoài ra còn có cả các bậc phụ huynh đưa con nhập trường, gương mặt lộ rõ vẻ bồn chồn, lo lắng hơn cả tân sinh viên.
Trông thấy vẻ mặt của họ, Trịnh Vi liền bật cười. Cô thầm nghĩ nếu mẹ mà đưa mình đến nhập trường, chắc cũng có cái vẻ “Hoàng đế chưa vội mà thái giám đã vội” này đây. Cả bố và mẹ đều muốn đưa cô đi nhưng trước mặt bố mẹ, Trịnh Vi đã vỗ ngực nói, “Không cần đâu ạ, một cô gái mười tám tuổi, thông minh như con, lẽ nào chỉ mỗi việc nhập trường cũng không giải quyết được ư? Bố mẹ cứ theo con như thế khác gì coi thường con, bố mẹ đừng quên là hồi tám tuổi, một mình con đi ô tô ba tiếng đồng hồ để về nhà bà nội. Bố mẹ yên tâm, yên tâm đi!”.
Mặc dù vậy, bố mẹ Trịnh Vi không yên tâm lắm nhưng vì cũng bận, Trịnh Vi lại cam đoan, hứa hẹn đủ điều, lớp cấp ba của cô cũng có ba bạn thi đỗ đại học ở thành phố này, có thể đi cùng và giúp đỡ lẫn nhau nên sau khi được nghe những lời dặn dò, dạy bảo thấm thía của cha mẹ về việc đề phòng kẻ gian lừa bắt, Trịnh Vi háo hức cùng mấy người bạn đáp chuyến tàu xuôi về vùng đất phương Nam. Trên tàu, mọi người cười nói rôm rả nên cô cũng không cảm thấy lẻ loi.
Sau khi xuống tàu, mấy người bạn đi cùng đều được xe ô tô của trường ra đón. Trịnh Vi vẫy tay tạm biệt bạn bè, một mình đứng đợi ở ga nhưng mãi không thấy bóng dáng chiếc xe nào ra đón tân sinh viên tựu trường của Đại học G cả. Cô vốn là người hay sốt ruột, thấy tình hình đó bèn gọi một chiếc taxi, một mình tới trường G.
Chưa kịp bao quát hết môi trường xung quanh thì đã có bốn, năm nam sinh viên bước đến với nụ cười nhiệt tình tỏ vẻ ta đây rất thông thuộc địa hình chỉ có ở các anh sinh viên năm trên. Một cậu trong đám hỏi: “Em là sinh viên mới hả? Khoa nào vậy?”.
“Em ạ? Khoa Xây dựng”, Trịnh Vi thật thà trả lời. Lâm Tĩnh đã dặn dò cô rất nhiều lần, lần đầu tiên đặt chân đến nơi xa lạ, ngoan ngoãn một chút sẽ tốt hơn. Lâm Tĩnh - nghe như tên của một cô gái ngoan hiền nhưng thực tế đó không phải là bạn học của Trịnh Vi, cũng chẳng phải một cô gái nào cả mà là người có vai trò quan trọng nhất trong mười bảy năm qua của Trịnh Vi - người mà cô quyết tâm sau này sẽ lấy làm chồng. Cha của Lâm Tĩnh thuộc tốp sinh viên khóa đầu tiên tham gia kỳ thi đại học sau cuộc Cách mạng Văn hóa, chữ “Tĩnh” mà ông đặt tên cho con trai, nghe nói bắt nguồn từ hai câu thơ trong Kinh Thi “Nghi ngôn ẩm tửu, dữ tử giai lão. Cầm sắt tại ngự, mạc bất tĩnh hảo.” (Bữa ăn uống rượu cho say, hẹn nhau chung sống đến ngày tóc sương. Hầu buổi tiệc du dương cầm sắt, thì an vui tương đắc hợp hòa). Lâm Tĩnh hơn Trịnh Vi năm tuổi, hai nhà có chung một cái sân rộng, cha mẹ của Lâm Tĩnh và Trịnh Vi đều là công nhân viên chức, công việc rất bận nên có thể nói tuổi thơ của Trịnh Vi gắn liền với Lâm Tĩnh. Trong ký ức của cô, bắt đầu từ khi đi mẫu giáo, người đến đón cô về nhà mỗi ngày đều là anh Lâm Tĩnh. Những lời dạy bảo của cha mẹ, Trịnh Vi thường hay sao nhãng, vào tai trái ra tai phải nhưng những gì Lâm Tĩnh nói đều được cô lưu giữ trong đầu.
“Khoa Xây dựng à?”, thấy Trịnh Vi trả lời như vậy, một cậu sinh viên mặt đầy trứng cá mắt sáng lên, “Thế thì coi như em là em gái của bọn anh rồi, bọn anh phụ trách việc đón tiếp sinh viên mới, em đi theo bọn anh, bọn anh sẽ đưa em đi làm thủ tục nhập học”.
Nói xong, mấy cậu nam sinh không chần chừ đỡ ngay hành lý cho Trịnh Vi.
Mọi ấn tượng về con trai của Trịnh Vi chỉ dừng lại ở những năm tháng học cấp ba, đám bạn trai trong lớp thích gọi con gái bằng biệt hiệu, thường xuyên chỉ vì một bài tập mà tranh cãi đỏ mặt tía tai, không chịu chủ động lau bảng, thích bình phẩm sau lưng con gái nhưng lại không thích chơi cùng họ, chẳng ra dáng nam nhi chút nào. Vì thế, cô cảm thấy hơi bất ngờ trước sự ân cần và chu đáo của các sinh viên nam trong trường đại học.
Cậu sinh viên mặt đầy trứng cá chủ động kéo chiếc va li của Trịnh Vi thì phát hiện thấy có gì đó bất thường, bèn cúi xuống nhìn. Trịnh Vi cười ngại ngùng: “Em xin lỗi, bánh xe của va li bị hỏng rồi ạ”. Trong lúc thu dọn đồ đạc, cô đã nhét vào đó gần ba mươi quyển truyện tranh, bố phải thuê một ông cửu vạn mới chuyển được hành lý của cô lên tàu. Ai ngờ, vừa xuống tàu được một lúc, vì quá tải nên bánh xe đã hỏng, việc chuyển chiếc va li lại càng khó khăn hơn. Cô cảm thấy hơi ái ngại cho cậu sinh viên hào hiệp này.
“Không sao, đừng tưởng bọn anh gầy, cơ bắp cũng không đến nỗi, có mỗi cái va li thì ăn thua gì.” Cậu sinh viên đó khẽ cười rồi vỗ vào vai một cậu thấp hơn với vẻ rất tự nhiên, “Vừa nãy không phải cậu cứ đòi bê hành lý cho các em đó sao? Cơ hội đến rồi đó”.
Cậu người thấp thử nhấc chiếc va li bằng một tay, nó không nhúc nhích, cậu ta hơi sững người và cũng có chút ngại ngùng, rồi lại thử bằng cả hai tay, cuối cùng cũng nhấc được nó lên. Trịnh Vi và mấy cậu còn lại đi đằng sau thấy rõ bước chân của cậu ta rất loạng choạng. Theo lời đề nghị của nhóm nam sinh, trước hết đi lấy chìa khóa phòng ở ký túc xá, chuyển hành lý và sắp đặt giường chiếu gọn gàng rồi mới đi làm các thủ tục khác, Trịnh Vi đồng ý. Vừa đi được mấy bước, đột nhiên cô nhìn thấy một tấm biển tiếp đón với hàng chữ: “Khoa Xây dựng Học viện Công trình Kiến trúc”, cô chợt nghĩ đây mới là địa điểm cô cần tìm. Trịnh Vi đang định bước tới thì cậu sinh viên mặt trứng cá bèn nói, “Không sao đâu, bọn anh cũng ở Học viện Công trình Kiến trúc, bọn anh đón tiếp em cũng được mà”.
Mấy cậu sinh viên đứng cạnh tấm biển nhìn thấy bọn họ liền cười cười nháy mắt, “Lão Trương, số các ông cũng xuân nhỉ, em gái học ở khoa nào vậy?”.
Vừa nói xong thì có người kêu lớn, “Lão Trương “cáo” quá đấy. Vừa nãy bốn, năm tên trong khoa Công nghệ Môi trường các ông xuống xe xong đứng bên vệ đường chẳng ai thèm ngó ngàng, em gái khoa Xây dựng bọn tôi, người của khoa chưa trông thấy thì đã bị các ông chộp trước rồi…”
“Đều là một cả mà, khoa Công nghệ Môi trường bọn tôi đã sáp nhập vào Học viện Công trình Kiến trúc rồi, đều là anh em một nhà, gì phải phân biệt”, cậu sinh viên họ Trương vừa cười vừa thanh minh.
Trịnh Vi cười thầm và lấy tay phe phẩy quạt, giả vờ không nghe thấy bọn họ cãi nhau như đám thú đói tranh mồi, lúc này im lặng là sự lựa chọn tốt nhất cho một thiếu nữ thông minh.
Kết quả là lập luận “anh em một nhà” của anh chàng sinh viên họ Trương đã thắng. Họ đã bảo vệ thành công chiến lợi phẩm ‐ Trịnh Vi của mình. Trên đường đi về ký túc xá, mấy anh sinh viên tranh nhau hỏi cô, tìm hiểu tên tuổi, khoa, ngành học, quê quán của cô và cũng không bỏ lỡ cơ hội tự giới thiệu mình. Đáng phục nhất phải kể đến anh chàng họ Trương, anh ta đưa cho cô một tấm card tự làm, trên đó ghi đầy đủ tên tuổi, ngành học, điện thoại liên hệ, số phòng, ngay cả nhóm máu, sở thích cũng đều có cả, rất cô đọng, đầy đủ. Trịnh Vi xuýt xoa đón lấy tấm card và cất vào chiếc túi xách tay của mình, lòng thầm phục anh chàng sinh viên năm thứ ba của khoa Công nghệ Môi trường này, thật đúng là ngôn ngữ tuôn chảy như nước sông Hoàng Hà. Thực lòng mà nói, Trịnh Vi đã quen với cảnh gọi mày tao, đập bàn đập ghế với đám con trai trong lớp, ngày đầu tiên đặt chân đến trường đại học lại được nâng như nâng trứng, cô cảm thấy có đôi chút ngỡ ngàng. Chỉ có điều đi gần hết đường trong trường, đâu đâu cũng thấy người nhưng sinh viên nữ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, giờ đây Trịnh Vi mới tin tỷ lệ 9:1 giữa sinh viên nam và sinh viên nữ ở trường đại học Tự nhiên nổi tiếng nhất miền Nam này không phải là lời đồn thổi và cũng không thể trách vẻ thèm khát của đám nam sinh kia.
Sinh viên nữ ở các trường đại học Tự nhiên vốn là động vật quý hiếm và phần lớn nhan sắc đều khá khiêm tốn. Mặc dù Trịnh Vi không phải là tuyệt mỹ giai nhân và so với người mẹ xinh đẹp thì vẫn còn thua xa nhưng cô có một gương mặt tròn trĩnh đáng yêu, chiếc cằm xinh xắn, đôi mắt to tinh nhanh, chiếc mũi nhỏ nhắn, cao thẳng, đặc biệt là làn da trắng ngần ‐ đây là điều mà mẹ cô cũng thừa nhận hồi còn trẻ không bì được với con gái. Vì thế, qua vô số lần soi gương tự đánh giá, Trịnh Vi chắc chắn mình là một cô gái xinh đẹp, đáng yêu giống như nhân vật nữ chính dưới ngòi bút của nữ sĩ Quỳnh Dao. Mặc dù tiểu thuyết của bà đã lỗi thời nhưng thẩm mỹ quan của bà vẫn bền vững với thời gian, nhìn các nhân vật nữ được bà lựa chọn trong các bộ phim truyền hình ngày càng nổi tiếng là biết. Ngay cả Lâm Tĩnh vốn rất kiệm lời khen cũng đã từng nói rằng những lúc yên lặng, nhìn Trịnh Vi rất hấp dẫn, có thể gọi là “trầm tư như thục nữ”. Dĩ nhiên, Trịnh Vi đã tự bỏ nửa câu sau “ồn ào như thỏ phi” của anh và coi đó là lời khen anh dành cho cô.
Trịnh Vi đi sau anh chàng họ Trương, cô vừa nhìn cậu sinh viên đang thở dốc vì phải vác chiếc va li với vẻ ái ngại vừa tự bấm bụng cười thầm, xem ra học đại học ở trường Tự nhiên cũng có cái hay riêng của nó, ở nơi mà lợn sề cũng được nâng niu như Marilyn Monroe này, những ngày tháng tươi đẹp vẫn còn ở phía trước.
Sau khi nhận được chìa khóa từ bà quản lý ký túc xá, Trịnh Vi nhanh chóng tìm thấy căn phòng có tấm biển 402. Cô đẩy cửa bước vào, đó là một phòng nhỏ dành cho sáu người, hơi chật một chút nhưng ban công, nhà vệ sinh đầy đủ. Trịnh Vi vốn không hay kén chọn, cô nhìn khắp một lượt, sáu giường thì ba chiếc đã có hành lý, xem ra cô là người thứ tư. Nghe bà quản lý ký túc xá nói, do thiếu phòng nên không thể sắp xếp chỗ ở cho cô theo khoa nên phòng cô đang ở là phòng của các sinh viên học ở các khoa khác nhau. Trịnh Vi chưa sống trong ký túc xá bao giờ, cô rất hào hứng với cuộc sống tập thể sắp tới, cô chọn một chiếc giường tầng dưới gần nhà vệ sinh, từ nay trở đi đây sẽ là địa bàn của cô.
Mấy anh sinh viên vẫn đứng đợi cô, trong đó có cả anh chàng phải lao động cật lực nhất, mồ hôi vã ra như tắm. Lâm Tĩnh dặn cô ra ngoài phải biết khéo ăn khéo nói và thế là Trịnh Vi vừa cười vừa cảm ơn bọn họ. Chiêu này quả là hiệu nghiệm, anh chàng họ Trương còn xua tay, “Có gì đâu, chuyện nhỏ ấy mà”. Vẻ hào hiệp đó dường như khiến người ta quên mất vừa nãy trên đường đi anh ta chỉ là người hoạt động mồm và đi tay không.
Trên đường đi làm thủ tục nhập học, anh chàng vác va li mới hồi lại sức, khẽ khàng hỏi một câu, “Anh có thể biết trong va li của em đựng cái gì không?”.
Trịnh Vi cười bẽn lẽn, “Toàn bộ gia sản của em”.
Người đến làm thủ thục nhập học vẫn còn rất đông, may mà lão Trương có tài ngoại giao, dẫn cô đi vòng vo mấy nơi, cuối cùng cũng tránh được cảnh phải xếp hàng nhiều lần. Mặc dù vậy, sau khi làm xong mọi thủ tục và lại một lần nữa đứng dưới gốc cây
tránh nắng, Trịnh Vi đã phải thốt lên: “Chốn quỷ này sao nóng thế nhỉ?”. Cô tưởng mình đã có thể được coi là người miền Nam đích thực nhưng ai ngờ, đến thành phố cận nhiệt đới này mới phát hiện ra khí hậu ở quê hương cô, vùng đất nằm ở phía đông của tỉnh, thực sự mát mẻ, dễ chịu biết bao. Nhưng không sao, cô đã thỏa lòng mong ước được đặt chân đến chốn này, được đứng dưới bầu trời trong cùng một thành phố với Lâm Tĩnh, những ngày tháng tới, cô có thể được gần bên anh như trước kia...