Anh có thích nước Mỹ không
Posted at 27/09/2015
663 Views
Hướng Viễn vui vẻ nhận lời, cái giá mà cô đưa ra để đào hố là hai mươi tệ, nhưng Hướng Viễn nói, nếu Trịnh Vi cho cô năm mươi tệ, cô sẽ thay cô bảo vệ món đồ dưới hố này.
Trịnh Vi cảm thấy đây là một cuộc trao đổi có lợi. Cô chôn cuốn Truyện cổ Andersen và chú tiểu long bằng gỗ dưới gốc cây hòe già.
Lúc đứng trên đỉnh núi, Trịnh Vi nhìn cây hòe già dưới chân núi, nghe thấy Hướng Viễn hét về phía xa, “Ta muốn phát tài!”.
Cô cũng bắc loa tay, lấy hết sức bình sinh hét: “Nước Mỹ, đất nước Chủ nghĩa Tư bản gian ác, ta hận ngươi, trả lại người yêu cho ta…”.
Vách núi vọng lại, “Phát tài… phát tài… trả lại cho ta… trả lại cho ta…”.
Trịnh Vi và Hướng Viễn cùng cười ngặt nghẽo. Cuối cùng, tại vùng đất mà cô mơ ước được đặt chân đến này, trước mặt một người không hề quen biết, cô gái Trịnh Vi hai mươi hai tuổi đã khóc như mưa.
Chương 13 - Cười say ngất ngây cùng khanh ba vạn bữa, không cần trút bầu tâm sự
Trịnh Vi ngồi trên nền xi măng bên cạnh công trường, trời tháng Mười nắng chói chang, trước mặt là một vùng trắng xóa. Công trình vẫn đang dừng lại ở giai đoạn thi công dưới mặt đất, sau khi làm xong khâu xây dựng cơ sở hạ tầng, ngay cả chỗ tránh nắng cũng không có. Một giọt mồ hôi lẫn vào bùn đất trên tay, biến thành màu xám đục, những chỗ mũ bảo hộ bám sát vào tóc, dính bết và ngứa ngáy. Hơn một tháng lăn lộn dưới nắng, tối đến tắm rửa soi gương, cô thấy gương mặt trắng trẻo của mình chẳng khác gì Bao công tái thế. Đen thì đã đành, đằng này khi cởi mũ ra, lớp da dưới quai mũ bảo hộ vẫn trắng ngần, nhìn từ xa giống như bị ai quệt lên hai đường màu trắng dưới hàm, trông rất nực cười, vì chuyện này mà cô bị đám công nhân trên công trường trêu chọc. Cô uống một ngụm nước, lấy tay phe phẩy nhưng chẳng thấm gì so với cái nóng. Ngày đầu tiên đến công trường, nếu quản đốc điều hành, nhân viên phụ trách kiểm tra an toàn và sư phụ hướng dẫn cô không nhắc đi nhắc lại, trong công trường bắt buộc phải đội mũ bảo hộ, thì cô đã có ý định cởi phắt mũ ra, để cho đầu và cổ mình được giải phóng.
Ý định ban đầu của cô khi tìm công việc này là muốn được ngày ngày ở bên cạnh người mình yêu, người đi rồi, cơ hội làm việc thì ở lại, Trịnh Vi không biết nên cảm thấy nực cười hay may mắn. Nhưng được vào Tập đoàn Kiến trúc Trung Quốc, nghe nói là đáp được chuyến xe cuối cùng trước khi tập đoàn danh tiếng này thay đổi cơ chế tuyển dụng viên chức. Trong mắt hầu hết bạn bè của cô, đây là một điều may mắn, đặc biệt là sau khi tập đoàn này đưa ra thông báo "Không tuyển dụng nhân viên nữ" ngay từ rất sớm trong năm nay, việc cô trúng tuyển không thể không nói là một bất ngờ khiến nhiều người phải ghen tị.
Kể ra thì cũng buồn cười, hồi đầu lý do khiến cô chọn học ngành xây dựng, cũng chỉ vì cô rất ngây thơ nghĩ rằng, nếu được chứng kiến những tòa nhà cao tầng mọc lên từ đôi tay mình, cảm giác đó chắc chắn sẽ rất thú vị. Giờ đây, khi đã được làm việc thực sự trong môi trường này, mới biết không phải tự nhiên mà công việc này có sự phân biệt về giới tính, bởi dẫu có xét về thể lực hay khả năng chịu đựng gian khổ, con gái đều thua xa con trai. Sau khi đi Vụ Nguyên về không lâu, cô liền nhận được thông báo thi tuyển vòng sau của Tập đoàn Kiến trúc Trung Quốc. Thời gian đó, cô như người mất hồn, cũng không hiểu thế nào mà lại trúng tuyển. Sau khi đăng ký, cô và mấy chục nhân viên nam khác phải trải qua một lớp học bồi dưỡng nghiệp vụ kéo dài nửa tháng ở trụ sở chính của Công ty, sau đó tất cả được phân đến các tổ chuyên môn ở các công trình. Theo quy định của phòng nhân sự, tất cả các sinh viên mới được tuyển vào đều phải có 6 tháng kinh nghiệm đi thực tế ở công trường trở lên, sau khi sát hạch, đạt yêu cầu mới được phân vào các vị trí chính thức. Sáu tháng này nói dài cũng không phải là dài, nói ngắn cũng không phải là ngắn, đến khi thực sự đi vào thực tế, mới thấy chẳng có gì đơn giản. Hôm Trịnh Vi vừa được phân đến tổ chuyên môn này, tất cả các đồng nghiệp trên công trường vừa nhìn thấy cô liền thi nhau lắc đầu, ai cũng nói đưa cô gái chân yếu tay mềm này đến đây, khác gì hành hạ người ta. Cô làm được hai ngày, cũng thầm kêu khổ trong bụng, nhưng tính cô ngang ngạnh, đặc biệt là không cam chịu lép vế trước mặt người khác, sự việc đã đến nước này thì phải vui vẻ chấp nhận, mọi người đều nói cô không chịu được cảnh khổ này, cô lại muốn cho mọi người thấy, làm sao Ngọc diện Tiểu Phi Long như cô lại có thể dễ dàng để người khác khinh thường như thế?
Lời lẽ hùng hồn đã buông ra, nhưng để đạt được đến mức nếm mùi khổ ải mà vẫn coi như nếm mật ngọt cũng không phải dễ dàng gì. Sư phụ vừa nói mọi người có thể giải lao một lát, cô liền ngồi phịch xuống chẳng muốn đứng dậy nữa. Cô đang nghĩ bụng kéo dài được phút nào hay phút nấy, thì nhìn thấy một người đang cầm bản vẽ phụ đuổi theo sư phụ để hỏi.
Đôi khi sẽ là như vậy, một giai đoạn nào đó trong cuộc đời của bạn sẽ xuất hiện một người như thế, cái gì cô ta cũng không chịu thua bạn, cái gì cũng muốn tranh giành với bạn, cái gì cũng thích gây sư với bạn.
Đối với Trịnh Vi, người này có tên là Vi Thiếu Nghi. Ngoài Trịnh Vi ra, Vi Thiếu Nghi là nhân vật nữ cũng được tập Đoàn kiến trúc tuyển dụng trong năm nay, nhưng các giai đoạn thi vòng loại của cô ta lại không giống Trịnh Vi. Trịnh Vi nghe nói cô ta là họ hàng của một vị lãnh đạo mới về hưu của Tổng Công ty, đáng lẽ Công ty không nhận, nhưng một là do vị lãnh đạo này trước khi về hưu đã giới thiệu, hai là chuyên ngành của cô ta cũng phù hợp, trường đại học mà cô ta tốt nghiệp và hồ sơ đều không thể chê ở một điểm nào; để vị lãnh đạo không có cảm giác vừa về hưu tiếng nói đã mất trọng lượng, Công ty mới miễn cưỡng dành một chỉ tiêu cho cô ta.
Thời gian Vi Thiếu Nghi vào làm việc tại Công ty muộn hơn Trinh Vi, không phải trải qua giai đoạn bồi dưỡng nghiệp vụ mà được phân thẳng vào tổ chuyên môn của Trịnh Vi. Lần đầu tiên gặp Thiếu Nghi, Trịnh Vi đã có linh cảm rằng chắc chắn cô giá này không thể trở thành bạn tri kỉ của cô. Cô ghét nhất những người luôn tự cho mình là thanh cao, quá mức chi li tính toán, và rất không may là, dường như Thiếu Nghi lại là một người điển hình như vậy, cô cũng nhận ra rằng, dường như Thiếu Nghi cũng không có thiện cảm với cô lắm. Người ta nói không phải oan gia không chạm trán, ban ngày cùng làm ở công trường cũng không sao, đáng sợ nhất là tối đến quay về khu tập thể của Công ty vẫn phải đối mặt với gương mặt lạnh như tiền đó - Công ty đã dành cho các nhân viên mới được tuyển dụng như Trịnh Vi một căn hộ tập thể ở được hai người, có hai phòng ngủ, một phòng khách, năm nay trong số các nhân viên mới, chỉ có cô và Thiếu Nghi là con gái, việc trở thành bạn cùng phòng cũng là điều không thể lựa chọn.
Trịnh Vi không thể hiểu, đều là những đứa trẻ được lớn lên dưới những ngọn cờ của nước Trung Quốc mới, tại sao có người lại mang vẻ mặt thù hằn đến thế, lỡ mồm nói nhiều hơn người khác hai câu cũng tưởng mình bị thiệt, người khác kể chuyện cười, cô ta cũng không cười, không phải ra vẻ ta đây thì còn là gì? Cũng chỉ vì có mối quan hệ mà đi cửa sau rồi vào Công ty, đến mức phải kiêu như thế ư? Sống chung một nhà với Thiếu Nghi không lâu, Trịnh Vi và cô ta đã bắt đầu có va chạm, cô không chịu được tính quá mức sạch sẽ của Thiếu Nghi, Thiếu Nghi cũng ghét tính bừa bộn của cô, may mà sau khi đi làm về hai người đóng chặt cửa phòng mình lại, không ai ngó ngàng tới ai, nếu không cả hai đều không chịu nhau, chắc chắn sẽ có ngày đánh nhau to.
Nhưng rồi nói đi rồi phải nói lại, Trịnh Vi vốn tính xuề xòa, trong lòng cô chỉ mong tất cả mọi người trên thế gian này đều không có chí lớn như cô, sống như thế nào hay thế đấy, như thế cảm giác có tội của cô mới có thể giảm tới mức thấp nhất. Sự cần cù chăm chỉ dường như có phần hơi miễn cưỡng của Thiếu Nghi đã gây cho cô áp lực rất lớn. Cùng là thực tập ở công trường, không bao giờ Thiếu Nghi tỏ ra lười nhác, cô ta hiếu thắng như đàn ông, việc gì cũng cầu toàn, càng là những việc khó khăn, vất vả, cô ta càng tranh làm, kể cả những lúc giải lao, cô ta cũng vẫn cầm bản vẽ hỏi han các đồng nghiệp có thâm niên công tác, không hiểu ra vấn đề quyết không chịu thôi, và cô ta luôn tỏ ra coi thường cô bạn đồng nghiệp thinh thoảng lại tranh thủ nghỉ ngơi như Trịnh Vi.
Một lần hai người to tiếng cãi nhau trong phòng tập thể vì một chuyện nhỏ. Hình như đầu tiên là do chưa đến 9 giờ tối, Trịnh Vi nghe nhạc lớn bằng loa làm ảnh hưởng đến công việc vẽ kĩ thuật của Thiếu Nghi. Tóm lại là đến lúc cuối, nội dung tranh cãi đã xa hẳn chủ đề ban đầu, hai bên buông ra những lời khó nghe nhất, Trịnh Vi chỉ vào Thiếu Nghi nói: "Tôi không thể hiểu, cậu có gì mà huênh hoang như thế, cậu đừng tưởng rằng ngày ngày cậu cần cù học hỏi như vậy mà mọi người không biết cậu nhờ đi cửa sau mới vào được vào Công ty". Thiếu Nghi liền trả đũa ngay: "Còn tôi lại càng không thể hiểu, tại sao phòng nhân sự của Tập đoàn Kiến trúc Trung Quốc lại có thể tuyển dụng một người như cậu, nếu trong quá trình tuyển dụng, cậu không giở trò gì thì tôi cảm thấy tự hào vì không vào Công ty cùng con đường như cậu". Nói xong hai người đều hằm hằm về phòng đóng sầm cửa lại, từ đó cả hai càng như nước với lửa, kể cả những lúc giáp mặt nhau cũng mặt lạnh như tiền không chào hỏi, thỉnh thoảng còn nói kháy nhau vài câu. Mọi người đều biết hai cô bất hòa, xét về kiến thức chuyên ngành và độ chăm chỉ chịu khó thì Thiếu Nghi hơn hẳn Trịnh Vi, nhưng Trịnh Vi tính tình lại xởi lởi, hòa đồng, được mọi người quý mến, kể cả cô mắc lỗi nhỏ, các sư phụ đều bao che cho cô, vì thế trong công việc hai người cũng gọi là hòa.
Vừa đi làm, không những Trịnh Vi phải nếm ngay mùi vất vả của công việc, mà còn cảm thấy ức chế, bức xúc vì mối quan hệ bất hòa với Thiếu Nghi. Hết giờ làm việc, một mình lẻ loi chán chường, cô càng thấy nhớ những tháng ngày đã trở thành quá khứ. Bỏ qua những kỷ niệm buồn cô không muốn nhớ lại, đến giờ nhìn lại, mọi chuyện xảy ra trong trường đại học đều đẹp biết bao. Những lúc rỗi rãi, cô thích nấu cháo điện thoại với Nguyễn Nguyễn, trút hết mọi nỗi ấm ức cho bạn nghe, trong lòng cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Nguyễn Nguyễn đã làm việc chính thức ở Viện thiết kế kiến trúc của thành phố S, dù đã hứa sẽ không rời xa cô, nhưng cuối cùng Triệu Thế Vĩnh vẫn không tránh được sự sắp đặt của gia đình, ngoan ngoãn quay về thành phố mà cha mẹ anh đang sống, vào làm việc ở một ban ngành có tiếng. Đối với phụ nữ, tình yêu là toàn bộ cuộc sống, nhưng đối với đàn ông, đó chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống của họ, cho dù lúc đầu họ hứa hẹn thế nào, nhưng khi phải đối mặt cho sự lựa chọn, họ luôn luôn thực tế và lý trí hơn phụ nữ. Có lẽ câu nói đó đúng.
Trịnh Vi cảm thấy bất bình và phẫn nộ thay cho Nguyễn Nguyễn, cô không thể hiểu, tại sao gia đình Triệu Thế Vĩnh lại phản đối anh ta yêu một cô gái thông minh, xinh đẹp, tính tình không thể chê ở điểm nào như Nguyễn Nguyễn. Rõ ràng Nguyễn Nguyễn là niềm mơ ước của bao người, lẽ nào chỉ vì anh ta sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều là cán bộ làm ở tỉnh, còn cha mẹ Nguyễn Nguyễn chỉ là giáo viên tiểu học bình thường mà thôi?
Không phải Nguyễn Nguyễn không đau khổ, nhưng cô vẫn tha thứ cho người con trai mà cô yêu; sau khi Triệu Thế Vĩnh chuyển từ nhà cha mẹ anh ra sống ở ngoài, mỗi dịp được nghỉ, cô đều từ thành phố S về thăm anh. Thỉnh thoảng Trịnh Vi thấy bực liền hỏi, "Cậu định ngồi tàu đến bao giờ mới kết thúc? " Nguyễn Nguyễn chỉ cười, "Có thể phải đợi đến ngày tớ không thể ngồi được nữa? " Thế là Trịnh Vi bèn thở dài, không biết tình yêu là cái gì mà có thể khiến một người thông minh như Nguyễn Nguyễn cũng phải mụ mẫm.
Cô thường nhớ đến cảnh diễn ra trong buổi liên hoan chia tay của sinh viênc năm thứ tư, sau một hồi ăn uống ồn ào vui vẻ, rất nhiều sinh viên trong lớp đã uống say, không biết uống say như thế là do cảm thấy nao lòng trước buổi chia tay hay là phải từ biệt những năm tháng vô tư vui vẻ của mình. Sau khi buổi liên hoan kết thúc, sáu người trong phòng họ lại khoác vai nhau ngả nghiêng đi tới tiệm ăn ở cổng trường mà họ thường hay lui tới.
Không ai ngờ rằng, trước cổng tiệm ăn đó, Trịnh Vi nhìn thấy Hứa Khai Dương- người đã tốt nghiệp trước cô một năm, sau đó không còn liên lạc gì nữa, cô vui mừng bước về phía anh, chợt phát hiện ra đứng cạnh anh là một cô gái xinh xắn. Bọn họ đều biết cô gái, cô sinh viên khoa Vật Lý điện tử kém Khai Dương hai khóa, ở cùng dãy ký túc xá với Trịnh Vi.
Cô cười và gọi một tiếng "Khai Dương", nhưng vẻ mặt của anh ta đã khiến cô mãi mãi không thể nào quên. Đó là vẻ cảnh giác, đề phòng, anh nhìn cô một cái, rồi ôm chặt cô gái đứng bên. Vẻ cảnh giác và đề phòng đó khiên Trịnh Vi đau lòng hơn cả sự lạnh lùng rất nhiều. Cô đã hiểu, trước đây mọi người đều biết việc anh theo đuổi cô, mọi người đều biết Hứa công tử giàu có say Ngọc diện Tiểu Phi Long như điếu đổ, nhưng cô lại đem lòng yêu một chàng trai nghèo. Giờ thì mọi chuyện đã rõ, chàng trai nghèo ngày xưa đã cao chạy xa bay, cô lại lẻ loi một mình, Hứa công tử cũng đã tìm thấy người thương của mình, ngõ hẹp tương phùng, anh cảnh giác đến vậy, chắc là sợ người yêu hiểu lầm, sợ nhắc lại chuyện cũ, khiến người thương của anh canh cánh bên lòng.
Nụ cười rạng rỡ của Trịnh Vi ngượng ngùng tắt ngấm, một cảm giác chua xót trào dâng trong cô, thực ra cô rất muốn nói với anh rằng: "Khai Dương, em chỉ rất vui vì được gặp anh thôi", thật đấy, chỉ vậy mà thôi. Nhưng cuối cùng cô im lặng, chỉ hướng về phía hai người gật đầu rồi theo Nguyễn Nguyễn và đám bạn cùng phòng đi vào tiệm ăn. Lúc đi ngang qua, vô tình bờ vai cô chạm vào cánh tay anh, đôi tay này đã từng nhẹ nhàng nhấc từng con cờ trước mặt cô, chàng trai này đã từng nức nở trước mặt cô.
Cái gọi là đi lướt qua nhau, chỉ có như vậy mà thôi.
Thế gian này có ai mãi mãi chờ đợi bạn? Không có. Trịnh Vi hiểu điều đó, nhưng cô vẫn không thể coi như không có chuyện gì xảy ra. Sau đó rất lâu, ánh mắt của Khai Dương vẫn làm cô đau đớn, một thời họ đã từng là bạn tốt của nhau, hóa ra sự xa cách giữa con người với con người bao giờ cũng vững bền hơn sự thấu hiểu.
Cô không nhớ mình đã uống bao nhiêu cốc bia, nhưng điều đó thì có liên quan gì, có thể đây là lần uống cuối cùng của Lục đại Thiên Hậu, cùng với sự kết thúc của buổi tối hôm nay, thời gian của họ sẽ một đi không trở lại. Uống đã ngà say, Duy Quyên không nhìn thấy Nguyễn Nguyễn đưa mắt ra hiệu liên hồi, lại bắt đầu điệp khúc của mình với Trịnh Vi: "Vi Vi, tớ thấy hận thay cho cậu, thằng cha Trần Hiếu Chính là đồ đểu, tớ đã nói từ lâu, càng là những thằng xuất thân từ cảnh nghèo hèn càng bạc tình bạc nghĩa, nhưng cậu không chịu nghe tớ nên mới thiệt thòi như thế".
Trịnh Vi khẽ chấp mắt, cười ngặt nghẽo: "Tớ thiệt thòi cái gì? Có ai giơ súng ép tớ đâu, đừng nói linh tinh, chẳng có ai ép gái lành làm đĩ cả, việc này là do đôi bên tình nguyện. Tớ tình nguyện ngốc, anh ấy tình nguyện đi, chẳng ai nợ ai cả... Cho dù anh ấy đi rồi, bao niềm vui của tớ trong những năm tháng đó cũng không làm thức ăn cho chó".
Nói được mấy câu đó cô lại bắt đầu thấy buồn, Duy Quyên nhiều chuyện, Duy Quyên đáng ghét, nhưng dù sao đi nữa cô ấy cũng là người quan tâm đến cô, cô liền mượn vẻ ngà ngà say rồi ôm vai Duy Quyên khóc, " Quyên, từ nay trở đi không có cậu làm phiền, tớ cũng sẽ thấy không quen... còn cậu nữa, Trư Bắc, cậu đi đâu không đi, lại về chốn khỉ ho cò gáy Tân Cương làm gì, nhỡ tớ nhớ cậu thì làm thế nào? " Duy Quyên không thi đỗ cao học, bèn tìm một công việc ở Bắc Kinh, còn Tiểu Bắc gần như đã nắm chắc phần đỗ trong tay, nhưng trường cô dự định học cao học lại ở Urumxi[11'>, cô nói ở đó có chàng trai mà cô yêu thầm."
Tiểu Bắc liền đẩy Trịnh Vi, "Cậu đừng có làm tớ khóc, tớ đang vui đây này, tớ phải đi ăn nho khô Thổ Lỗ Phan[12'> với người tớ yêu thầm chứ, tớ không muốn trở thành người như cậu đã từng nói, đến khi gặp anh ấy trong trường đại học dành cho người cao tuổi mới biết hóa ra hồi trẻ anh ấy cũng từng yêu thầm tớ thì đã quá muộn. Cây búa tớ cho cậu, cậu đừng vứt đi, nếu ai bắt nạt cậu thì cứ giáng cho hắn một cú vào đầu". Cô cố tỏ ra vẻ đùa cợt nhưng mắt lại ướt, dường như muốn xóa đi bầu không khí não nề đó, Tiểu Bắc liền giơ cao cốc nói: "Các đồng chí, các chị em, chúng ta phải nói cái gì tích cực, hào hùng một chút, hôm nay chúng ta là sinh viên giỏi của trường, ngày mai chúng ta là trụ cột của xã hội..." Trước những tiếng nôn khan của bạn bè, cô hào hứng nói tiếp: "Tớ tặng các cậu một bài từ của Tô Thức để quét sạch những suy nghĩ yếu mềm của các cậu.Bao giờ công thành danh toại trở về quê hương, cười say ngất ngây uống cùng khanh ba vạn bữa, không cần trút bầu tâm sự, uống thỏa thích..."
Có thể sau khi uống say, chúng ta mới làm được việc bất chấp yêu ghét, bất chấp được mất, cũng bất chấp mọi nỗi buồn hợp tan.
Ký ức cuối cùng để lại trong đầu Trịnh Vi là gục đầu vào vai Nguyễn Nguyễn, để nước mắt ướt nhòe trên vai áo cô bạn.
Sau khi trời sang, Lục đại Thiên Hậu liền chia tay nhau, mỗi người một ngả.
Sức dẻo của con người rất kỳ diệu, cho dù cuộc sống gian nan vất vả đến dâu, mãi rồi cũng thành quen. Lăn lộn một thời gian trên công trường, dần dần Trịnh Vi đã cảm thấy cuộc sống cũng không có gì là tệ, bạn bè đồng nghiệp trên công trường đều vui vẻ thẳng thắn. Trịnh Vi cũng học hỏi theo họ hô lớn bằng vốn tiếng địa phương bập bẹ của mình, cô cũng bắt đầu cảm nhận được niềm vui buổi trưa cùng họ tranh miếng thịt dày hơn cả viên ngói nhỏ chỉ có trong nhà bếp của công trường. Thực ra mỗi sinh viên tốt nghiệp ngành kiến trúc và xây dựng, nếu không có giai đoạn thực tiễn trên công trường, sẽ không thể nói là nắm vững các kỹ năng chuyên ngành, những tháng thực tế ở công trường, có thể còn có ý nghĩa thực tế hơn các kiến thức lý luận được học trong bốn năm đại học...