Tháng ngày ngất ngưởng
Posted at 27/09/2015
442 Views
Tôi đẩy hắn sang một bên.
“Thôi được rồi, mời công tử về nhà đi, không lại làm vỡ sạch bát nhà tôi.”
“Nếu tôi về bây giờ mà nửa đêm lại thấy nhớ cô thì làm thế nào?”
Cái gì? Hôm nay hắn làm sao thế nhỉ? Rượu không uống giọt nào cũng chẳng có ma túy, thuốc lắc gì ở đây để hắn bị lú lẫn đến mức ấy. Tôi giơ cái tay đầy bọt xà phòng lên định đánh cho hắn tỉnh lại, nhưng hắn lại một lần nữa nhanh hơn, giữ lấy tay tôi.
“Đừng đánh tôi, tại cái miệng tôi hư đấy!”
Đến nước này thì không thể nào chịu nổi nữa, tôi giơ chân lên đá vào chân hắn lia lịa.
“Đùa dai à? Cho anh biết thế nào là đùa nhé!”
Bắp Ngô vừa nhảy người tránh chân tôi, vừa kéo tay tôi về phía hắn. Tôi loay hoay gỡ tay mình ra khỏi bàn tay rắn chắc đang nắm chặt ấy, nhưng đương nhiên là không thể rồi, hắn khỏe hơn tôi là cái chắc. Tôi đứng thở dốc.
“Bỏ tay tôi ra, đau lắm đấy!”
Bắp Ngô vội vàng bỏ tay tôi ra, nhìn xuống cổ tay, nơi hắn vừa nắm.
“Làm sao không? Bị đỏ à?”
“Ừ! Hơi đỏ! Lần sau đừng có đùa thế nữa đấy! Tôi không thích đâu.”
Bắp Ngô nheo mắt nhìn tôi, và bất chợt dang tay ôm chặt tôi vào lòng. Tôi quá đỗi bất ngờ nên đứng trơ như đá, phải mất một lúc tôi mới nghe được tiếng tim mình đang đập rất mạnh, à không phải tim tôi, mà là tim người tôi đang áp mặt vào ngực cơ. Tôi choàng tỉnh, vùng vẫy đẩy Bắp Ngô ra, tôi gào lên:
“Bỏ ra đi, tôi bảo không được đùa nữa mà!”
Bắp Ngô bỏ tôi ra, mặt tỉnh bơ đứng nhìn tôi đang điên tiết định vả cho hắn một cái, Bắp Ngô lùi người lại, mỉm cười vẻ rất đắc ý.
“Không phải đùa đâu! Tại cái tay tôi nó hư đấy, nó cứ kéo cô lại gần tôi chứ tôi có làm gì đâu.”
Ặc! Lại còn cái kiểu biện minh ấy nữa, tôi lườm hắn một phát rồi lẳng lặng quay lại với đống bát đĩa đang rửa dang dở. Cảm giác hai má nóng bừng khiến tôi khó chịu, chỉ muốn hắn rời khỏi đây ngay lập tức.
Bắp Ngô đứng bần thần một lúc rồi tiến đến, ghé vào tai tôi nói bằng giọng rất dịu dàng:
“Tôi về đây! Cô rửa nhanh lên không lạnh đấy.”
“Mặc kệ tôi! Mà về à? Anh phải rửa bát xong đã chứ?”
“Không! Tôi phải về thôi, tôi mà ở đây thêm tí nữa là đau tim chết luôn đấy.”
Gớm, cũng sợ chết cơ đấy, tôi bĩu môi, chẳng thèm quay sang chào hắn một câu. Bắp Ngô lẳng lặng đi về. Trời ạ! Sao lại có con người kỳ quặc đến mức vậy nhỉ? Có lúc tôi thấy hắn rất lịch sự, điềm đạm, lúc lại ga lăng, lãng tử nhưng những lúc như thế này thì hắn đích thị là một kẻ lì lợm và trơ tráo. Sao một con người mà có nhiều tính cách như vậy được, hay hắn cố tình tung hỏa mù để trêu ngươi tôi? Mà kệ đi, dù có thế nào đi nữa thì hắn vẫn luôn đối xử tốt với tôi, thế là được rồi.
Đêm, tôi không có thời gian để nghĩ lại chuyện vừa xảy ra với Bắp Ngô nữa, tôi và Sâm Cầm chui vào chăn, bắt đầu những câu chuyện mà chúng tôi đã bị gián đoạn suốt hơn một năm qua. Sâm Cầm kể về những ngày tháng luyện tập ở xứ người, có hy vọng rồi có cả thất vọng. Lúc mẹ nó không đủ tiền cho nó đến phòng tập của bác sĩ nữa, Sâm Cầm quyết định sẽ tự tập ở nhà, nó thương mẹ bao nhiêu thì càng cố gắng nỗ lực bấy nhiêu. Nó có buồn, có yếu đuối nhưng chưa bao giờ cho phép mình được nản chí.
Khi nó bước được những bước đầu tiên cũng là lúc nó ngồi sụp xuống và khóc, khóc như chưa từng được khóc, những buồn bã, những đau đớn, những thất vọng trong suốt thời gian dài đều theo đó mà trôi đi hết. Nó đã đứng lên, đã quyết định bước tiếp để trở về là một Sâm Cầm ngất ngưởng giữa cuộc đời. Đêm đó, tôi khóc cho nó, nó khóc cho tôi, chúng tôi khóc cho nhau. Tình bạn sâu sắc nhất không hẳn là lúc nào cũng bên nhau, cũng chia sẻ cho nhau mọi buồn vui cuộc sống, đôi khi, sự sâu sắc của tình bạn lại nằm ở những giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống vì nhau, vì cả hạnh phúc lẫn buồn đau, vì cả hy vọng và thất vọng và vì cả quá khứ lẫn tương lai. Và tôi tin, ai có được tình bạn như thế, người ấy ắt hẳn sẽ là người hạnh phúc.
Sâm Cầm chợt thở dài, xoay người lại vòng tay ôm ngang lưng tôi, nó nói nhỏ:
“Giờ này chắc Ria Mép không về nữa đâu nhỉ?”
Tôi lặng người, vì mải mê vui mừng sự trở về của Sâm Cầm mà quên mất chuyện quan trọng của Ria Mép. Tôi xoay lại, nhìn thẳng vào mắt Sâm Cầm, tôi nghĩ cũng đã đến lúc phải nói rồi. Tôi vỗ nhẹ tay vào má nó.
“Anh ta trả phòng rồi mày ạ!”
“Thế à?”
Khác với suy nghĩ của tôi, Sâm Cầm phản ứng với thông tin đó một cách điềm tĩnh như không. Nhưng tôi vẫn chưa an tâm, tôi nhìn nó dò xét.
“Sao mày không ngạc nhiên?”
“Ngạc nhiên gì! Đằng nào chả thế, ngay từ đầu tao đã biết anh ta chỉ ở tạm ở đây thôi! Nhà anh ta giàu lắm!”
“Ừm, mà này... còn một chuyện nữa về Ria Mép!”
“Nói đi, cứ giấu như mèo giấu... gì ấy!”
Tôi lại một lần nữa nhìn Sâm Cầm, tôi băn khoăn không biết mình nên nói cho Sâm Cầm biết luôn hay cứ để Ria Mép tự nói. Sâm Cầm vẫn nhìn tôi chờ đợi.
“Ria Mép... anh ta... sắp cưới đấy!”
“Thế à? Bao giờ?”
Tôi nhíu mày nhìn Sâm Cầm, sao nó lại phản ứng dửng dưng như thế được nhỉ? Có phải Sâm Cầm không đây?
“Chuyện này cũng không làm mày ngạc nhiên à?”
“Tao nghĩ đó là điều hiển nhiên mà.”
“Mày đừng nói với tao là mày không hề thích anh ta đấy!”
“Có... rất thích!”
“Thế sao...?”
“Vì tao biết trước giữa tao và anh ta sẽ chẳng đi đến đâu, nếu có triển vọng thì anh ta đã không im lặng một thời gian dài như thế!”
“Ừm, xem ra mày nhạy cảm hơn tao nhiều!”
“Mày cứ yêu một ai đó đi, mày sẽ nhạy cảm và nghĩ cho người ta nhiều hơn.”
“Thôi, tao yêu mày rồi!”
Sâm Cầm ôm tôi, cười một tràng dài không dứt, nó kéo tóc tôi, gác chân lên đùi tôi, véo má tôi mà vẫn cười như một con ngớ ngẩn.
“Mày có thấy mấy đứa lúc chiều bảo mình là les không? Này, mình cứ yêu nhau, ở với nhau hết đời cho bọn đàn ông nó thèm nhỉ?”
“Ờ, xong rồi về già ngồi tự xây miếu mà thờ nhau nhé!”
Tôi trùm chăn lên đầu, Sâm Cầm ra sức gỡ, hai đứa lăn lộn trên giường, cười rũ rượi. Cứ thế, cả đêm chúng tôi hết nói chuyện lại đánh nhau, hết đánh nhau lại cười với nhau. Giời ạ! Thế này người ta có nghĩ hai đứa bị les cũng đâu có oan đâu.
Chương 13.2
Tôi dẫn Sâm Cầm lên trại giam thăm bố, Sâm Cầm tíu tít chuẩn bị đủ các thứ nhu yếu phẩm cho bố mình, nhìn nó như một con gà nháo nhác, náo loạn hết cả lên khiến tôi cũng lây cái cảm xúc háo hức của nó. Tôi biết, trong thời gian qua, nó nhớ và thương bố lắm. Làm gì có đứa con nào không thương bố mình chứ, dù trong mắt mọi người, bố nó là kẻ lừa đảo, thì trong mắt nó, bố là bố, là một phần máu thịt, một phần cuộc đời nó. Cuộc sống này, dù chúng ta có đi đâu, có gây ra lỗi lầm gì, dù đã từng tham lam, lừa lọc với bất kỳ ai thì bao giờ những người bao dung, tha thứ cho chúng ta đầu tiên đều là những người ruột thịt nhất. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà bất cứ ai khi lạc lối trên đường đời đều khao khát có một mái nhà, có một người thân để được trở về.
Bố Sâm Cầm chịu mức án ba mươi năm, cái án dài đẵng đẵng mà tuổi già đang kề cận, không biết ông có vượt qua được hết ba mươi năm trả giá đó không. Tóc ông giờ đã bạc nhiều, người cũng gầy và nếp nhăn hằn sâu trên đuôi mắt. Ông đón tôi và Sâm Cầm bằng nụ cười và cả nước mắt. Sâm Cầm sờ nắn bàn tay gầy guộc của bố vẻ xót xa. Bố Sâm Cầm cúi xuống, sờ nắn chân con gái và khóc nức nở. Ông nghe tin về Sâm Cầm khi vừa bị bắt, suốt khoảng thời gian đó ông luôn dằn vặt mình đã gây nên tội lỗi, đẩy Sâm Cầm vào bi kịch. Ông bất lực ngóng chờ tin tức của con gái và hằng đêm vẫn cầu nguyện cho Sâm Cầm tai qua nạn khỏi..
Sâm Cầm lau nước mắt cho bố, dặn dò ông giữ sức khỏe, nó hứa tháng sau sẽ vào thăm, tôi thấy đôi mắt đỏ hoe mờ đục của ông như sáng lên, đôi môi khẽ nhếch lên như đang cười. Hết giờ thăm, họ bịn rịn chia tay nhau, Sâm Cầm bước ra khỏi phòng gặp phạm nhân rồi mới rơi nước mắt. Tôi ngoái lại nhìn, thấy bố Sâm Cầm cố ngước mắt nhìn theo con gái, trong ánh nhìn ấy, tôi thoáng thấy sự nhẹ nhõm của một người đàn ông đã mang vác quá nhiều tội lỗi và cả những ân hận cuối đời tưởng chừng như đã kéo ông trĩu xuống.
Chúng tôi quay về với cuộc sống thường nhật, tôi chuẩn bị cho cuộc sống mới cùng bà và chú. Chợt thấy thương Sâm Cầm phải bơ vơ một mình, nhưng nó gạt phắt đi, nó nói rồi sẽ đến lúc phải thế, chẳng phải kiểu gì cũng có đứa đi lấy chồng, về nhà chồng ở thì đứa còn lại phải trả tiền thuê trọ một mình sao? Hay lấy chung chồng cho đỡ phải xa nhau? Tôi cười, nhưng thấy thương nó quá! Tự nhiên tôi thấy mình có lỗi vì cuối cùng lại được trở về với những người thân yêu, còn nó lại loay hoay sống một mình.
Sâm Cầm khác tôi, nó không có vẻ gì băn khoăn về việc đó, nó còn tí tởn khoe rằng nó sẽ ăn, sẽ ngủ, sẽ dọn nhà khi nào tùy thích mà không phải nghe tôi càu nhàu mắng mỏ. Thậm chí, nó còn mạnh mồm tuyên bố là lúc nào hứng lên sẽ rủ giai nào đó về nhà nấu cơm cho nó ăn nữa. Tôi bảo nó không cần phải nhọc lòng mời giai làm gì, cứ chạy đến nhà tôi ăn bất cứ khi nào nó đói. Nó vỗ vỗ vai tôi ra chiều cảm kích vì đã hiểu được “tâm ý” sâu xa của nó.
Đồ đạc của tôi suốt hơn năm năm ở nhà trọ này cứ tưởng là ít hóa ra lại nhiều, hầu như chẳng có gì giá trị nhưng tôi chẳng muốn bỏ thứ gì. Tôi và Sâm Cầm ngồi tỉ mẩn cho từng thứ một vào thùng cacton. Sâm Cầm kêu giời kêu đất, nó mắng mỏ tôi tội tiết kiệm, cái gì cũng muốn giữ nên càng dọn càng lòi ra nhiều đồ. Nó còn lầm bầm chửi tôi ép buộc nó lao động khổ sai đến gãy cả sống lưng, chưa dứt mồm chửi nó đã lôi điện thoại lên bấm máy gọi cho ai đó.
“Này, trốn ở đâu thế hả? Ở đây đang cần một phu khuân vác đây! Đến đi!”
Tôi nhíu mày nhìn nó, chẳng lẽ mới về Việt Nam được gần một tháng mà nó đã kịp “cưa” được một giai ngoan nào đó rồi sao? Sâm Cầm phớt lờ vẻ tò mò của tôi, nó vừa hát vừa sắp xếp lại đồ đạc trong nhà. Tôi cũng bận bịu với mớ hỗn độn trước mặt nên không thèm dò xét thêm nữa.
Quả nhiên, ba mươi phút sau, có một khuôn mặt ló vào phòng, giọng vui như địa chủ được mùa.
“Ơ, xong hết rồi à? Không chờ tôi đến à?”
Tôi không thèm nhìn ra cửa, biết ngay Bắp Ngô xuất hiện, và tôi đồ rằng người lúc nãy Sâm Cầm gọi điện không ai khác ngoài hắn ta. Bắp Ngô bước vào phòng, mang theo một túi bánh rán nóng hổi đặt lên bàn rồi vỗ vỗ hai tay.
“Nào! Hai cô nương ăn bánh rán đi, phần còn lại để tôi dọn cho.”
Sâm Cầm rú lên lao đến túi bánh rán như kiểu cả nửa đời rồi chưa được ăn vậy. Tôi cũng phủi tay, kéo túi bánh rán đặt lên lòng rồi ngồi ăn rất điềm nhiên.
Thế là “cục diện” đã thay đổi, tôi và Sâm Cầm ngồi vắt chân ăn bánh rán còn Bắp Ngô hì hụi sắp xếp, bê vác các thứ của tôi chất thành một đống. Tôi dần dần nghe thấy hơi thở nặng nhọc của hắn, mới đầu là cởi áo khoác vứt lên ghế, sau đó là áo len, hắn chỉ mặc mỗi cái áo phông ngắn tay và làm việc “cật lực”. Nhìn bộ dạng Bắp Ngô lúc đó, tôi nghĩ, người bị tôi bắt lao động khổ sai đến gãy sống lưng là hắn chứ không phải là Sâm Cầm như nó kêu gào...