Tháng ngày ngất ngưởng

Posted at 27/09/2015

431 Views

Dù hay khắc khẩu với Bắp Ngô, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn luôn tin rằng hắn là một bác sĩ có tâm.


Chương 10.3


Ngày Chủ nhật, mùa đông vẫn lạnh se lòng, nhưng trời lại hửng nắng. Ánh nắng giữa mùa đông khiến không khí vốn khô đã trở nên khô rát hơn, nếu ai đã trải qua mùa đông ở Hà Nội sẽ cảm giác được sự khô khốc trên da thịt, trên môi mình mỗi lần một cơn gió hoặc ánh nắng rọi vào người. Tôi và Bắp Ngô chuẩn bị các loại thức ăn, thuốc thang cho bà và các cụ ở trại dưỡng lão. Chúng tôi chất đầy chúng lên chiếc xe ô tô màu ghi đi mượn của Bắp Ngô. Cả hai lên đường với niềm hân hoan khó lòng che giấu.

Tôi vui vì sắp được sà vào lòng bà, lại ngửi mùi trầu cay nồng vương vấn trên ngực bà, lại nghe giọng hỏi nhè nhẹ của bà “Cô là ai?”. Tôi đã không còn khóc khi nghe câu hỏi đó nữa, tôi nghĩ mỗi lần bà hỏi, tôi lại có cơ hội được nhắc để bà nhớ “Cháu là Trăng Thanh đây ạ” và mỗi lần như thế, mắt bà lại ánh lên niềm vui, một niềm vui rất mới.

Tôi không biết Bắp Ngô vui vì điều gì, chỉ thấy hắn cười và hát suốt dọc đường đi, thi thoảng quay sang tôi, kích động để tôi hát cùng. Chúng tôi vừa đi vừa hát nên cảm giác quãng đường lên trại dưỡng lão thật là ngắn. Thi thoảng tôi liếc trộm Bắp Ngô, hắn vẫn đẹp trai, điềm đạm, chín chắn chứ không có vẻ đêu đểu bất cần như Ria Mép. Một người đàn ông có vẻ ngoài như Bắp Ngô rất dễ khiến các cô gái tin cậy mà dựa vào, nhưng, tại sao Bắp Ngô lại “đi về lẻ bóng” thế nhỉ? Chẳng lẽ do yêu cầu của hắn quá cao? Mà cũng có thể do hắn quá kiêu? Chả biết được, cá nhân tôi thì thấy tính cách hắn đôi khi hơi khó chịu, chắc vì thế mà con gái gặp hắn vài lần đã chạy mất dép cũng nên.

Chúng tôi lên đến trại dưỡng lão và được chào đón bởi rất nhiều cái ôm, cái nắm tay của các cụ già. Không ở đâu lại quý người như ở đây, với các cụ, chỉ cần có người đến thăm thì đó là người nhà của cả trại, ai cũng muốn đến nắm tay, hỏi thăm dăm ba câu về sức khỏe và công việc của chúng tôi. Các cụ còn quây quần hết ở phòng bà tôi, nói chuyện rất rôm rả, đôi khi là những câu chuyện về quá khứ xa lắc lơ nào đó, đôi khi chỉ là những câu chuyện tưởng tượng không đầu không cuối. Nhưng, chẳng ai ngắt lời ai, các cụ lắng nghe nhau một cách hào hứng và đầy trân trọng. Có những câu chuyện lần nào lên tôi cũng được nghe ít nhất một lần, nhưng mỗi lần nghe lại tôi lại ứa nước mắt. Tôi thương bà, thương các cụ, mọi người ở đây dường như sống với quá khứ và sự tưởng tượng nhiều hơn là với nỗi cô đơn hiện tại. Đành rằng mỗi người có một hoàn cảnh đưa đẩy để vào đây, nhưng tất cả ở họ đều có một điểm chung, đó là sự cô đơn. Mà trong cuộc sống này, không có gì kéo người ta xích lại gần nhau hơn là sự cô đơn, cô đơn có khi giết chết tâm hồn một con người, nhưng có khi lại khiến trái tim họ trở nên rộng mở hơn để bao dung và cảm thông cho nhiều người khác.

Khác với dự đoán của tôi, sự xuất hiện của Bắp Ngô khiến khu trại của bà trở nên rôm rả hơn nhiều, tôi từ chỗ là “nhân vật chính” đã bị đẩy xuống đóng vai “quần chúng” một cách phũ phàng. Các cụ bà thi nhau nắm tay và tấm tắc khen Bắp Ngô “xinh trai”, dễ thương. Khỏi phải nói, Bắp Ngô đứng trong vòng vây của các cụ thì mặt cười tươi như hoa nở. Thế đấy, suốt ngày tự nhận mình đẹp trai, giờ có người khác khen thì chả phồng hết cả mũi lên.

Tôi đang lườm nguýt hắn thì đột nhiên bà Tiến, người ở cùng phòng với bà tôi cất tiếng hỏi:

“Thế hai đứa bao giờ cưới vậy?”

Tôi sững người ngơ ngác:

“Hai đứa nào cơ ạ?”

“Hai đứa này chứ đứa nào nữa! Cháu với anh bác sĩ đẹp trai này ấy.”

Tôi đỏ lừ hết cả tai, liếc vội sang Bắp Ngô, hắn cũng đang liếc mắt nhìn tôi. Hai ánh mắt chạm nhau chợt quay đi rất bối rối. Bắp Ngô mỉm cười, xoa hai tay vào với nhau:

“À... cũng... sắp... rồi bà ạ.”

“Sắp là bao giờ? Phải xác định đàng hoàng chứ!”

Úi giời ơi! Các cụ bắt đầu nhao nhao lên đòi chúng tôi phải hứa một ngày cụ thể. Cụ nào cũng bảo cần biết ngày để đến chúc mừng. Bắp Ngô liên tục đánh mắt sang tôi, ô kìa, đây đâu phải là lỗi của tôi? Tại các cụ tự nghĩ ra đấy chứ, đừng có nhìn tôi bằng vẻ “căm hờn” như thế chứ. Tôi cố mỉm cười thân thiện, định bụng khi kết thúc nụ cười sẽ chuồn ra khỏi phòng cho đỡ ngại, nào ngờ các cụ nhất quyết đẩy tôi ngã nhào về phía Bắp Ngô và liên tục đòi Bắp Ngô phải quyết định. Cuối cùng, lắp bắp mãi, Bắp Ngô mới nói được:

“Dạ, nếu không có gì thay đổi thì là... sang năm ạ.”

“Cái gì mà không có gì thay đổi chứ? Anh vẫn còn có ý định thay lòng đổi dạ chứ gì?”

“Dạ... không! Cháu không có ý đó đâu ạ, chúng cháu đang cố góp tiền cưới mà.”

Các cụ gật gù tỏ vẻ thông cảm. Cuối cùng thì họ cũng chấp nhận lý do Bắp Ngô đưa ra và vui vẻ để cho Bắp Ngô thăm khám, còn tôi thì hỗ trợ chia thuốc.

Khi xong xuôi, Bắp Ngô hỏi thăm xem còn ai chưa được khám không thì bà Tiến thông báo là vẫn còn một người nữa, bà ấy không chịu ra khỏi phòng. Bắp Ngô nhiệt tình nhờ bà dẫn đến tận phòng bà ấy để khám, bà Tiến hơi ngần ngại nói:

“Nhưng bà ấy... kỳ quặc lắm.”

“Là sao ạ? Bà ấy có vấn đề về thần kinh ạ?”

Giọng Bắp Ngô nhẹ nhàng đến nỗi tôi cứ tưởng hắn vừa đi phẫu thuật cổ họng ấy. Thấy bà Tiến vẫn có vẻ bối rối, tôi bèn mạnh dạn lên tiếng:

“Bà cứ dẫn anh ấy đi đi ạ, không có gì phải ngại đâu ạ.”

Bà Tiến liếc tôi, gật gật đầu:

“Cháu vào cùng với nó nhé.”

“Tất nhiên rồi.”

Bà Tiến hình như đã trút bỏ được gánh nặng, hăm hở đi trước dẫn đường cho tôi và Bắp Ngô. Chúng tôi rẽ qua hai hành lang nhỏ, phòng của bà cụ “kỳ quặc” ở cuối hành lang thứ hai, căn phòng độc một chiếc cửa sổ, nhìn gọn gàng, sạch sẽ, trên bàn còn có một lọ hoa cắm đủ các loại hoa được trồng quanh sân trại dưỡng lão.

Mới liếc qua căn phòng, tôi nghĩ ngay đến bà cụ, chủ nhân của nó chắc chắn phải là người chỉn chu và lãng mạn. Có một điều hơi... choáng là trên tường có treo đầy ảnh của diễn viên Lý Hùng thời trẻ, ôi, thật tuyệt, hiếm ai đã đến tuổi này, phải vào đây sống mà lại vẫn giữ được niềm yêu thích “thần tượng” như cụ bà này đấy. Cụ quả là người thú vị có một không hai.

Khi thấy bà Tiến bước vào, cụ bà mỉm cười một cách lạnh nhạt để thay cho câu chào xã giao, đến lượt tôi cúi đầu chào, cụ cũng chỉ nhếch mép lên một cái rất nhẹ. Nhưng đến lượt Bắp Ngô xuất hiện, cụ nheo mắt rồi cười hết cỡ kèm theo cái giọng rất chi là... niềm nở.

“Ối, vào đây! Vào đây! Vào đây ngồi chơi.”

Bắp Ngô cũng cười dịu dàng đáp lại, trình bày việc muốn khám cho cụ. Cụ hớn hở liếc xéo tôi và bà Tiến rồi chìa tay ra:

“Khám à? Thế khám chân hay khám tay?”

“Khám tổng thể ạ.”

Tôi nhanh nhảu đáp lời, nhưng cụ không thèm đếm xỉa đến tôi, chỉ chăm chăm nhìn Bắp Ngô. Anh chàng bác sĩ có vẻ ngượng, cúi xuống mở túi lấy ống nghe, bà cụ vẫn chằm chằm nhìn hắn, đột nhiên, cụ giật giật tay Bắp Ngô:

“Đẹp trai quá! Cho bà thơm một cái được không?”

Ặc! Ô la la! Tôi suýt ngã ngửa khi nghe thấy lời đề nghị đó. Ôi, giờ thì tôi đã hiểu tại sao bà Tiến nói bà ấy “kỳ quặc” rồi! Trong thoáng chốc, tôi nhận ra Bắp Ngô đang hướng về tôi với ánh mắt cầu cứu tha thiết. Tôi đứng im, tảng lờ đi, định bụng sẽ trêu Bắp Ngô một trận. Bắp Ngô không thấy tôi có phản ứng gì thì vội vàng rụt tay lại:

“Không được đâu ạ! Cháu phải tập trung để khám cho bà chứ!”

Bà cụ chưng hửng, vẻ mặt thất vọng đến tội nghiệp. Một phần tôi thấy thương cụ, phần khác tôi nghĩ chuyện này cũng rất hay ho, cứ coi như Bắp Ngô sẽ học được một bài học vì thói kênh kiệu, coi mình là người đẹp trai nhất trần đời đi. Tôi đột ngột lên tiếng:

“Anh làm gì mà ghê thế, một cái thơm xã giao mà cũng chối là sao? Tội nghiệp cụ quá!”

Bắp Ngô trợn mắt nhìn tôi, bà cụ thì ngước mắt lên chờ đợi.

“Thơm một cái thôi mà!”

Ặc! Đây đúng là một bà cụ “biến thái” dễ thương. Tôi cười tủm tỉm, hùa vào:

“Kìa, anh làm như bà bị lây nhiễm không bằng ấy!”

Bắp Ngô lườm tôi, nhưng dưới ánh mắt chờ đợi của bà cụ, Bắp Ngô cúi xuống, chìa má mình ra, giọng nhỏ nhẹ:

“Một cái thôi bà nhé! Cái thơm này đáng lẽ cháu để dành cho cô gái kia cơ.”

Bắp Ngô chỉ tay về phía tôi, tôi đỏ mặt cúi xuống, hắn có muốn trả thù tôi vì tôi “kích động” bà cụ thì cũng không nên nói như thế giữa đông người chứ. Hắn ta quả không đơn giản như tôi tưởng.

Bà cụ vui mừng níu tay Bắp Ngô, rướn người lên thơm lên má hắn. Tôi thấy hắn vô cùng bối rối, còn bà cụ cười tươi hết cỡ. Ờ, được rồi, nếu anh cố tình móc mỉa làm tôi xấu hổ, thì tôi cũng sẽ cho anh biết tay cho chừa cái thói kiêu hãnh đi nhé. Nghĩ là làm, tôi vội vã nói to:

“Còn má bên kia nữa, trót thơm thì thơm hai bên cho nó cân.”

Lập tức, Bắp Ngô ném về phía tôi ánh mắt đầy căm hờn, nhưng không kịp nữa rồi, cụ già “biến thái” vươn người thơm chụt một cái vào má kia của Bắp Ngô rồi cười sung sướng. Bắp Ngô sững người sờ lên má mình rồi im lặng cúi xuống khám cho bà cụ mà không nói thêm lời nào.

Lúc đầu tôi có phần hả hê, nhưng sau đó, thấy thái độ của Bắp Ngô có vẻ không vui khiến tôi đâm ra lo lắng. Chẳng lẽ hắn giận tôi thật rồi? Tí nữa hắn mà giở chứng, không chở tôi về Hà Nội nữa thì phải làm sao đây? Trăng Thanh ơi hỡi Trăng Thanh, mày cứ sướng lên là bày trò, giờ xong xuôi đâu đấy, nghĩ đến hậu quả lại thấy hoang mang.

Tôi cứ nghĩ Bắp Ngô sẽ giận tôi đến tận lúc về, nhưng không phải, hắn thay đổi hẳn thái độ khi cùng tôi dìu bà tôi đi dạo quanh trại. Bà vẫn nhắc đến những câu chuyện khi tôi còn bé, vẫn nhắc đến mẹ tôi và tôi với niềm nhớ nhung không hề che giấu. Bà nói về con bé Trăng Thanh ngỗ ngược, đánh nhau với thằng hàng xóm đến “toạc” cả quần, về nhà còn hì hụi lấy kim khâu giày ra khâu quần. Bắp Ngô nghe kể đến đoạn đấy thì cười ha hả, hắn còn khéo léo gợi chuyện để bà kể “tội” tôi hồi bé nữa...

Duck hunt