Tháng ngày ngất ngưởng
Posted at 27/09/2015
428 Views
em quên mất là đã đưa nó cho sếp, em tưởng em vứt đâu mất rồi.”
Sếp Huân Kều gật gật đầu:
“Anh cũng định chôm luôn, nhưng nghĩ lại, chắc em chẳng có cái khăn nào ngoài cái này nên trả lại đấy!”
Tôi cố gắng cười một cách tự nhiên nhất, đón lấy chiếc khăn rồi cho vào túi. Sếp Kều đi được mấy bước chợt quay lại nói nhỏ:
“Hôm nay ăn mặc có vẻ không giống em ngày thường cho lắm! ... À mà... chắc em phải thay dầu gội khác đi, sẽ gặp nhau nhiều đấy!”
Tôi sững người, không kịp nghĩ gì nhiều nên “vâng” đại một tiếng cho xong. Sếp Kều thong thả rời phòng làm việc, nhưng sếp không biết rằng sếp vừa “thả” một cơn sóng thần cực mạnh vào phòng này. Bằng chứng là sau đó, tôi ngoái lại thấy tất cả ánh mắt ở trong phòng đều mở to hết cỡ nhìn tôi, cái nhìn vừa bàng hoàng, vừa sửng sốt, vừa xen lẫn sự đố kỵ. Thôi xong, lại gây thị phi tiếp rồi. Trăng Thanh ơi là Trăng Thanh, cứ cố chăm chỉ hiền lành bao nhiêu cũng không thể thoát khỏi những tình huống gây nhiều lời đồn thổi. Tôi muốn sống yên ổn mà nào có được đâu, mà cái ông sếp Huân Kều này cũng kỳ cục thật, còn bao nhiêu chỗ kín đáo hơn thì không tận dụng, lại cứ nhất định “xông” vào chỗ “tai vách mạch rừng” làm gì chứ.
Cả ngày hôm ấy, trong lúc tôi cắm cúi tìm ý tưởng lên kịch bản cho buổi biểu diễn show Mùa Xanh của đối tác New Style thì các bạn đồng nghiệp tụm năm tụm ba xì xào với nhau, thi thoảng có người liếc về phía tôi tỏ vẻ cảnh giác lắm. Tôi thừa biết nhân vật trung tâm của câu chuyện là ai, cũng thừa biết họ sẽ bàn tán những gì, nhưng, thôi kệ, mình đã trót gây nên thị phi thì hãy chấp nhận đương đầu với nó. Mà cách đương đầu tốt nhất vào lúc này là cứ bơ đi, coi như không biết, không nghe, không thấy cho nhẹ lòng.
Chương 10.2
Tôi đã cố tình tảng lờ những soi mói quanh mình, nhưng cái môn “đưa chuyện” này thật lạ, mình càng bơ đi thì nó càng lan nhanh. Việc buôn chuyện cứ như một món ăn, người đầu tiên nếm được, thấy nhạt bèn cho thêm ít muối để người thứ hai thưởng thức, cứ thế, người thứ hai cho thêm ít đường, người thứ ba cho thêm quả ớt... Và khi, món ăn đó không thể cho thêm một thứ gia vị nào nữa thì nó được đặt lên bàn và mọi người xúm quanh nó để mổ xẻ, phân tích, phê phán và rao giảng đạo đức như chính họ mới là bậc vĩ nhân trong sáng vô ngần vậy. Tôi thì chả bao giờ dám nhận mình trong sáng, thánh thiện, cũng chẳng bao giờ dám mở mồm ra rao giảng đạo đức với ai, đơn giản vì bản thân tôi chả bao giờ tin vào lời nói của những kẻ thường lên mặt, vỗ ngực nói với người đời rằng tôi sống tử tế cả. Tôi nghĩ, phàm những kẻ mở miệng là lý luận về đạo đức thì chưa chắc họ đã sống đúng với lời họ nói ra.
Cả ngày làm việc mà thi thoảng vẫn phải đối diện với những cái liếc trộm rất “chuyên nghiệp” của các chị mái già trong phòng làm một đứa phớt đời như tôi cũng cảm thấy khó chịu. Tôi định bụng sẽ trốn về sớm, đi lang thang ăn uống gì đó cho đỡ bị stress thì có điện thoại của Bắp Ngô. Ô, sao anh chàng này luôn luôn xuất hiện đúng lúc tôi có nhu cầu ăn uống, chẳng lẽ thượng đế gửi hắn xuống để phục vụ cái dạ dày của tôi sao? Nếu thế thật thì con xin cảm ơn thượng đế nhiều lắm, vì nhờ có ngài mà từ hồi quen hắn đến giờ con không tốn một xu tiền ăn chơi nào.
Bắp Ngô nói ngắn gọn là đang định qua đón tôi đi chơi. Tôi như người chết đuối vớ được cọc, vội vã đọc địa chỉ công ty cho hắn rồi ôm túi chuồn khỏi phòng ngay lập tức. Tôi thà xuống sớm để đứng ngắm nghía đường phố một tí còn hơn là ngồi dè chừng lời ong tiếng ve trong văn phòng cho nhức đầu. Thực ra, tôi chả bao giờ bực mình vì lời dị nghị của những người không liên quan đến cuộc sống của mình, nhưng đôi khi cũng có cảm giác thật ngột ngạt khi phải đối diện với nó một cách bất đắc dĩ như thế này. Nếu bạn là trung tâm của mọi sự chú ý, bạn sẽ hiểu cảm giác ngộp thở và bí bách giống tôi thôi.
Bắp Ngô phi xe máy đến, lướt qua tôi rồi bất chợt phanh xe ngoái đầu nhìn lại. Hắn vòng xe lại, mặt gườm gườm nhìn tôi từ đầu đến chân. Tôi chột dạ nhìn xuống cả người mình. Ô, có hở hang cái gì đâu mà nhìn khiếp thế? Bắp Ngô đẩy cặp kính trễ dưới sống mũi lên cao rồi gằn giọng:
“Ăn mặc, tóc tai kiểu gì mà trông dị hợm thế?”
Cái gì? Dị hợm á? Đúng là mắt hắn phải đeo thêm cặp kính dày hơn chừng vài phân nữa mới xứng ấy! Lâu lắm tôi mới mặc váy bó sát, tết tóc lệch, trang điểm kỹ càng thế này mà hắn “phun” ra từ dị hợm sao? Tôi nheo mắt, mặt thản nhiên nhìn hắn:
“Anh cận bao nhiêu độ rồi? Có cần phải đi đo lại mắt không?”
“Thôi khỏi, chỉ cần nhìn cô là tôi đau mắt rồi, có đo cũng chả chính xác được.”
Tôi giậm chân, bặm môi lườm hắn. Bắp Ngô kéo tay tôi.
“Lên xe! Tôi đói rồi!”
Lên thì lên, anh tưởng mình anh đói chắc, tôi cắm cảu leo lên xe mà chả thèm đôi co qua lại làm gì cho tốn công, tốn sức. Bắp Ngô vít ga đột ngột khiến tôi suýt nữa thì ngã nhào ra phía sau, may mà với tay ôm được... eo của hắn. Tôi vội vàng thu tay về và ngồi đung đưa chân hát nghêu ngao bài hát về mùa đông Hà Nội. Không phải tôi yêu đời mà chẳng qua tôi không có cách nào khác để thoát khỏi sự bối rối khi “tự tiện” ôm eo hắn mà thôi.
Chúng tôi dừng lại ở hàng Bò nầm nướng vỉa hè, mùi bơ trên chiếc bếp nướng tỏa ra thơm phức khiến cái dạ dày yêu quý của tôi không ngừng gào thét đòi ăn. Bắp Ngô thật sành ăn, giữa cái lạnh tê tái của mùa đông thế này mà ngồi nhấm nháp đồ nướng thì còn gì tuyệt hơn chứ. Vừa nhìn thấy đĩa thịt bê ra, tôi đã sung sướng xông vào “tả xung hữu đột” trên cái nồi nướng nhỏ. Bắp Ngô lừ lừ gạt đũa ra, hỏi bằng cái giọng rất chi là xách mé:
“Có mang nhiều tiền không mà gắp lia lịa thế hả?”
“Hâm à, tôi đi làm chứ có phải đi chơi đâu mà mang theo nhiều tiền.”
“Vậy thì gọi hạn chế thôi nhá! Không thì cô nhớ xem trên người có gì giá trị để cắm không đã.”
Tôi ngừng nhai, đánh mắt sang phía Bắp Ngô, vẻ ngạc nhiên:
“Ơ, tôi tưởng anh mời tôi?”
“Tôi mời cô hồi nào? Tôi chỉ rủ cô đi ăn chứ có nói mời đâu.”
“Rủ thì cũng như mời rồi còn gì!”
“Vớ vẩn, rủ là rủ mà mời là mời, hai phạm trù hoàn toàn khác nhau, cũng như trong phẫu thuật ấy, mổ ruột thừa khác hẳn với mổ dạ dày.”
“Thôi ngay cái giọng phẫu thuật học của anh đi, người nhìn cũng không đến nỗi mà sao lại ky kiệt thế! Mời con gái một bữa anh cũng xót à?”
Bắp Ngô vẫn điềm nhiên gắp thịt bỏ vào mồm, chả có tí biểu hiện gì gọi là bị kích động cả.
“Chưa biết ai ky kiệt hơn ai! Tôi mời cô bao nhiêu bữa còn cô đã mời tôi bữa nào đâu.”
Ờ, ừ nhỉ, quả đúng là bao lâu nay tôi đi ăn từ nhà hàng đến hè phố, từ karaoke đến trà đá đều do hắn chi hết, tôi chưa bao giờ phải móc hầu bao ra một lần nào. Ôi, thực ra là do tính tôi vô tâm chứ tôi không hề bủn xỉn đến mức ấy đâu. Tôi vội vã nhếch môi cười một nụ cười thân thiện với Bắp Ngô, nhưng kỳ thực miếng thịt bò đang ngậm trong miệng tôi đã đắng ngắt, khó nuốt lắm rồi. Dù vậy, tôi vẫn vung đũa, tỏ vẻ anh hùng:
“Thế thì hôm nay anh ăn tẹt ga đi! Tôi mời!”
“Tuyệt! Tôi không khách sáo đâu.”
Tôi cũng đập đũa xuống bàn, thể hiện bản lĩnh ta đây là một con người phóng khoáng và hào sảng, tôi lên giọng:
“Khỏi khách sáo, anh cứ ăn thoải mái, miễn là giới hạn trong vòng hai trăm nghìn là được!”
“Cái gì? Hai trăm nghìn thôi á? Cô cũng chịu chi phết nhỉ?”
“Chuyện! Tôi mà lại, đây là khoản to nhất từ trước đến giờ tôi chi cho một người đàn ông đấy! Đừng có kiện cáo vớ vẩn.”
Bắp Ngô ngừng đũa, nhìn tôi vẻ nghi hoặc:
“Thật á?”
Tôi gật đầu, đũa vẫn nhằm thẳng vào miếng thịt vàng ươm đang xèo xèo trong nồi. Bắp Ngô nhỏ giọng xuống:
“Thế thì tốt! Tôi sẽ không đòi thêm đâu.”
Tôi lườm Bắp Ngô, gớm, có đòi thêm thì tôi cũng chẳng có mà chi cho anh đâu. Tự nhiên mất hai trăm nghìn với tôi là đủ xót xa lắm rồi đấy. Bắp Ngô ngồi cười tủm tỉm, bất chợt ngẩng mặt lên nhìn tôi rồi nhíu mày vẻ khó chịu:
“Ai bảo cô sáng tạo ra một con rết loằng ngoằng trên đầu thế?”
“À, bà Vịt Bầu, sáng nay bà ấy bắt tôi phải làm thế nếu không sẽ không được ra khỏi cổng.”
“Bà ấy có vẻ nhiệt tình với cô nhỉ? Còn tìm chồng giúp cô nữa kia mà.”
Tôi giật thót mình, nghiêng người nhìn sang Bắp Ngô. Mặt hắn không có biểu hiện gì bất thường hết.
“Sao... sao anh... biết?”
“Tôi cái gì chả biết, chẳng qua không thích nói mà thôi.”
“Anh theo dõi tôi đấy à?”
“Hâm à, tôi làm gì có thời gian, nhưng mà... tôi có nội gián.”
“Ai? Ai?”
“Dại gì mà khai! Mà này, cái người mà bà Vịt giới thiệu cho cô ấy, anh ta thế nào? Đẹp trai bằng tôi không?”
Bắp Ngô hất hất mái tóc đầy kiêu hãnh, tôi bĩu môi, nghĩ đến sếp Huân Kều. Giời ạ, nếu so sánh hai người này với nhau thì thật là khập khiễng quá mức.
“Đẹp nỗi gì, thấp ngang bằng tôi, mắt ốc nhồi, miệng rộng, mũi tẹt! Được mỗi cái làm sếp to thôi.”
Bắp Ngô gật gù:
“Thế á? Bà Vịt này thật là quá đáng, sao lại đánh giá cô...”
Tôi chồm lên, hùng hổ vung đũa, cảm giác bất mãn từ hôm trước đến giờ lại trào lên. Đấy, may mà Bắp Ngô hiểu được giá trị của tôi, chứ không đánh giá tôi quá thấp như bà Vịt Bầu, tôi uất bà ấy lắm mà nào có làm được gì. Hôm nay, nhân thể thấy Bắp Ngô hiểu được mình, tôi xởi lời cướp lời:
“Bà ấy đánh giá tôi quá thấp đúng không? Tôi uất mãi đấy.”
“Uất á? Tôi thì đang tức vì thấy bà ấy đánh giá cô quá cao đấy! Nhìn cô làm gì có dáng làm phu nhân của sếp to chứ!”
Ặc! Suýt nữa miếng thịt đang nuốt dở chẹn ngang họng, tôi hóc lên hóc xuống mấy lần mới đủ sức liếc một cái “căm hờn” về phía Bắp Ngô. Hắn vừa rót nước đưa cho tôi vừa an ủi:
“Thôi, sống phải biết nhìn thẳng vào sự thật chứ, ăn nhanh còn về!”
Còn lòng dạ nào để ăn nữa đây? Sao dạo này hắn luôn kiếm cớ để dìm tôi hết lần này đến lần khác thế nhỉ? Xung quanh tôi đàn ông tử tế biến đi đâu hết rồi? Bắp Ngô dường như thấy mặt tôi không lấy gì làm vui vẻ lắm nên đề nghị là sẽ mời tôi bữa hôm nay, còn hai trăm của tôi coi như để lần sau trả nợ. Nghe xong câu đó, lòng tôi bớt rầu rĩ hơn hẳn, những miếng thịt nướng vàng ruộm vì thế mà cũng ngon hơn bao giờ hết, dù sao, Bắp Ngô không đến nỗi quá tệ, đúng không?
Bắp Ngô thấy sắc mặt tôi hồng hào trở lại thì mặt cũng giãn ra vài ba phần. Hắn nhìn mặt tôi dò xét.
“Này, Chủ nhật này tôi không phải trực, chúng ta kiếm chỗ nào hay ho đi chơi xả stress đi.”
“Không được rồi, Chủ nhật này tôi phải lên trại dưỡng lão ở Sơn Tây.”
“Cái gì? Cô đã đến tuổi phải lên trại dưỡng lão rồi à?”
“Vớ vẩn! Tôi lên thăm bà tôi!”
“Tôi đưa cô đi nhé!”
“Tôi tự biết đường đi, nhờ vả bất tiện lắm.”
“Có gì mà bất tiện, tôi cũng muốn đi đâu đó để thay đổi không khí. Với lại, tiện thể tôi kiểm tra sức khỏe cho các cụ luôn, được không?”
Ô, tưởng gì chứ thế thì quá được, tôi gật đầu lia lịa mà không cần nghĩ ngợi thêm điều gì. Nhân tiện, tôi cũng “buôn” thêm tình hình ở trại dưỡng lão cho Bắp Ngô nắm rõ để hắn khỏi bị sốc. Bắp Ngô nghe tôi nói bằng gương mặt hân hoan thật sự. Nhìn hắn, tôi chợt cảm ơn cuộc đời đã run rủi cho tôi gặp một tay bác sĩ tuy hơi kỳ quặc nhưng có một tấm lòng rộng mở...