Tháng ngày ngất ngưởng
Posted at 27/09/2015
421 Views
Mặc kệ, ai bảo tự nhiên sĩ diện lại mời nhau đi ăn chứ, cứ xót xa đi, tí nữa đi hát anh còn mất gấp mấy lần, tôi đã nhắm được một quán cực đắt để “trả thù” rồi.
Hết ăn rồi đến hát! Tôi không ngờ Bắp Ngô biết hát nhiều bài thế, cứ bài nào xuất hiện hắn cũng giành mic kêu là bài này hắn biết, được vài lần như thế, tôi điên tiết cũng cầm thêm một cái mic hát phụ họa. Cứ mỗi lần hắn hát thì tôi ghé miệng vào mic ê a, ề, à rồi đọc kinh, rồi hú hét loạn xạ trong đó, Bắp Ngô rốt cuộc chẳng hát được hết bài, cứ đến nửa chừng lại bị tôi chọc cho ôm bụng cười ngặt nghẽo. Ria Mép cũng bày đặt hát một bài, nhưng được một đoạn đã lăn ra ôm chai rượu ngủ. Tối nay, anh ta uống quá nhiều! Chúng tôi biết Ria Mép có tí tâm trạng nên mặc kệ, để anh ta uống, cùng lắm là lát nữa tôi và Bắp Ngô sẽ vác anh ta như vác một cái bao tải dứa về vứt ở nhà là được.
Chúng tôi đã có một đêm tơ tướp theo đúng nghĩa đen, tôi bị khản cả giọng vì hò hét, tóc tai rối bù, quần áo thì hứng trọn một bãi nôn của Ria Mép. Bắp Ngô còn thảm hại hơi, hắn đau rát cả họng, dính luôn hai phát nôn của Ria Mép lên ngực và cổ. Cả bọn lục tục kéo nhau lên xe ra về, may mà Bắp Ngô không say rượu chứ không thì chẳng biết ai lái chiếc xe đồng bóng ấy đây.
Ria Mép nằm còng queo ở ghế sau, miệng chóp chép hát bài gì chẳng rõ, thi thoảng nấc nấc vài cái rồi lảm nhảm gọi tên Sâm Cầm. Gọi gì nữa, Sâm Cầm đi rồi, giá mà đêm nay có nó thì vui biết bao nhiêu. Mà không, nếu có nó sẽ phiền phức biết bao nhiêu! Có khi nó còn say và lảm nhảm nhiều hơn Ria Mép ấy chứ. Sâm Cầm! Mạnh mẽ nhé! Tao ở đây cũng rất mạnh mẽ! Chúng ta là hai đứa ngất ngưởng nhất thế gian mà, nhớ không?
Chương 8: Cuộc sống này là của mình!
Chương 8.1
Sau cơn mưa, trời lại sáng, Sâm Cầm đã ổn định ở trời Tây, tôi cũng bắt đầu sắp xếp lại cuộc sống của mình. Ria Mép cũng vậy, chỉ có điều anh ta ít về nhà hơn, chúng tôi không có nhiều thời gian để chơi bời, trò chuyện như trước nữa. Chỉ có Bắp Ngô vẫn đều đặn gọi điện hỏi han, rủ tôi đi café, đi ăn, đi dạo... Tình bạn từ đó cũng trở nên khăng khít hơn lúc trước, nhưng cái vẻ lành lạnh của hắn đôi khi khiến tôi tức sôi máu.
Tôi quyết định nghỉ việc ở nhà xuất bản sau khi Sâm Cầm đi. Rốt cuộc, mất bao năm lưỡng lự tôi cũng dứt khoát được với công việc nhàm chán đó. Đã từ lâu, tôi làm việc với bản thảo chi chít chữ như một thói quen chứ không phải vì sở thích. Hơn ai hết, tôi biết đó không phải là nghề thích hợp với mình, nhưng vì bản tính ngại thay đổi nên tôi cứ để mặc mọi thứ đã an bài. Sau khi Sâm Cầm gặp nạn và nhất là khi chứng kiến thái độ của thím với bà nội, tôi mới nhận ra rằng, mình phải thay đổi. Cuộc sống này là của mình, vậy thì hãy làm những gì mình thấy thích, hãy yêu người mà mình yêu, hãy làm những việc mà mình cần phải làm còn hơn là ngồi một chỗ để mất thời gian đong đếm và lựa chọn.
Mất một tháng thất nghiệp, cuối cùng tôi cũng xin được việc làm ở một công ty quảng cáo, lại tiếp tục con đường mà Sâm Cầm đã đi qua. Hồi trước, Sâm Cầm có giục tôi chuyển sang làm ý tưởng quảng cáo đến mòn cả mép mà tôi vẫn cứ trơ ra không đếm xỉa, không phải vì không thích mà tôi sợ, sợ áp lực công việc khiến mình mệt mỏi, tôi nghĩ mình thích thong thả hưởng thụ hơn là xoắn lên vì việc ngập đầu. Giờ thì khác, tôi nhận ra, mình cũng là người thích thử thách, chỉ cần có niềm tin thì không gì là không thể.
Công việc mới bận bịu vô cùng, không những thế, tôi còn nhận thêm việc ở nhà xuất bản cũ về làm nên hầu như chẳng còn thời gian để lêu lổng như trước nữa. Sắp xếp mãi, tôi mới có thời gian đến thăm bà nội, vẫn như những lần trước, tôi cho tiền vào phong bì và xách theo cân hoa quả sang nhà thím. Căn nhà khóa trái cổng, tôi phải ấn chuông và gọi cửa mãi thím tôi mới lếch thếch ra mở. Vừa nhác thấy tôi, thím lên tiếng:
“Sao hôm nay mới đến, thím chuyển bà mày vào trại dưỡng lão rồi!”
“Cái gì? Sao thím làm thế?”
Tôi quá sốc trước câu nói thản nhiên của thím, thím dừng lại, không mở cổng, chỉ chống một tay vào cánh cổng thở dài.
“Biết làm thế nào được, chú mày ở trong kia làm ăn thất bát, gửi về ít tiền lắm, tao phải đuổi osin đi, rồi chuyển bà vào trại dưỡng lão luôn.”
“Sao thím không cho cháu biết, sao thím có thể làm thế được chứ?”
“Không làm thế thì làm thế nào? Cho mày biết thì mày làm được gì? Quanh năm chỉ có vài triệu bạc, mày nuôi nổi bà không mà cho mày biết?”
Tôi lặng người, ừ, tất cả chỉ vì tiền. Thím vì tiền mà không muốn chăm sóc bà tôi. Tôi vì thiếu tiền mà không thể ở cạnh bà. Ai nói tiền không là gì cả chứ? Tiền là thứ vũ khí lợi hại nhất, nó có thể giúp ta có được nhiều thứ, nhưng cũng có thể giết chết mọi mạch nguồn tình cảm mà con người từng có. Tôi nhìn thím một cách khinh miệt, rồi nói bằng giọng lạnh băng giống như bà ấy đã nói với tôi trước đó:
“Giờ bà ở trại nào?”
“Sơn Tây! Ở đó được lắm, một tháng mất ngót nghét vài triệu đấy! Ối giời, chả ai già cả, lú lẫn mà sướng như bà mày đâu.”
Tôi nghẹn lời, dẫu biết cái miệng ngoa ngoắt kia chưa bao giờ nói được lời nào tử tế nhưng nghe sao vẫn thấy chua xót trong lòng. Tôi quay xe, nhếch mép với bà ta:
“Vài triệu cũng là tiền của chú tôi làm ra chứ có phải của thím đâu mà thím tiếc!”
“Con này láo, mày có học có hành mà ăn nói với thím thế hả?”
“Tôi chỉ tử tế với những người tử tế thôi. Từ nay thím không phải bỏ tiền ra gửi cho bà tôi đâu, tôi sẽ tự làm việc đó.”
“Ô, thế thì tốt quá! Rảnh nợ!”
Cái câu cảm thán lạnh tanh của bà ta khiến tôi sôi máu, giá mà có thể lao đến, cho người đàn bà luống tuổi ấy một cái tát nhỉ? Nhưng, sức chịu đựng của tôi đã đạt đến một cảnh giới khác, ai đó đã từng nói rằng, tận cùng của sự khinh bỉ là không thèm đếm xỉa đến. Tôi cũng vậy, trước khi nổ máy cho xe chạy, tôi ngoái lại, nói to:
“Tôi sẽ gọi điện cho chú và nói rõ mọi chuyện từ trước đến giờ! Từ nay coi như bà và tôi không còn quan hệ gì nữa.”
Mặt bà ta có vẻ biến sắc khi nghe tôi nhắc đến chú, nhưng tôi chẳng cần quan tâm. Tôi nghĩ, đã đến lúc phải cho chú biết sự thật để chú thôi huyễn hoặc mình về một gia đình hạnh phúc, một người vợ hiền thảo như bà ấy nữa. Suy cho cùng, chú tôi không thể sống mãi trong sự lừa dối ấy, lúc đầu tôi sợ chú buồn nên không nói, nhưng tôi đã nhầm, đáng lẽ phải cho chú biết sớm hơn, thà thất vọng thật nhiều còn hơn sống trong sự ảo tưởng dối lừa suốt đời.
Tôi vào trại dưỡng lão thăm bà, ở đây không khí rất trong lành, nhiều cây xanh. Ơn trời, thím ta chắc sợ chú tôi nên đã gửi bà vào trại dưỡng lão không đến nỗi nào! Nơi đây bà có rất nhiều bạn, toàn những ông bà sàn sàn tuổi nhau, người bị lẫn giống bà, người bị liệt chân... cũng có người hoàn toàn khỏe mạnh nhưng con cái mải làm ăn không quan tâm đến nên họ xin vào đây sống cho có bạn có bè.
Tôi ngồi cạnh bà, nghe bà kể chuyện với hai bà bạn cùng phòng, những câu chuyện rối rắm chẳng đâu vào đâu cả nhưng hai bà bạn cùng phòng rất kiên nhẫn lắng nghe và bình luận nhiệt tình. Bà nội rất vui cứ luyên thuyên đủ thứ chuyện, thi thoảng quay sang vuốt tay tôi trìu mến hoặc lại giật mình nhìn tôi một cách xa lạ “Cô là ai thế?”. Tôi mỉm cười giải thích. Có khi, tôi chưa kịp giải thích gì thì hai bà bạn của bà đã nói hộ. Hai bà ở cùng phòng bà nội, một người bị mờ một mắt, người kia lại bị khớp nên đi lại khó khăn, nhưng họ vẫn còn tỉnh táo. Hai bà mừng rỡ khi biết tôi là cháu của bà, cứ nắm tay tôi nhắc đi nhắc lại là nhớ vào thăm lần nữa nhé. Tôi gật đầu, xoa xoa tay hai bà như chính họ là bà nội tôi vậy. Ôi, những người già cô đơn, họ tội nghiệp mà dễ thương vô cùng.
Trở về nhà, tôi chợt nghĩ, có khi bà nội vào đó lại vui, bà có bạn để chia sẻ, bà được hưởng không khí trong lành, được tha hồ sống trong những câu chuyện không đầu, không cuối, không rõ mặt người của mình. Khi những người cô đơn tìm đến với nhau, họ mang theo rất nhiều yêu thương, rất nhiều bao dung và rất nhiều cảm thông để chia cho nhau, mỗi người chia một ít, vì thế mà mọi thứ trở nên nhẹ nhõm hơn nhiều. Tôi cảm thấy nhẹ lòng hơn, giờ nhiệm vụ chính là kiếm thật nhiều tiền để lo cho bà thôi. Tôi vẫn nung nấu ý định đón bà về sống cùng mình, tôi sẽ thuê một người trông nom bà những lúc tôi bận đi làm, và mỗi tối, vứt bỏ hết mọi mệt mỏi mưu sinh, tôi lại được ôm bà, xoa xoa đôi bàn tay nhăn nheo và kiên nhẫn lắng nghe những câu chuyện chưa từng có kết thúc của bà.
Chương 8.2
Buổi sáng, khi tôi đang đánh răng ngoài bể nước ở khu trọ thì Ria Mép vắt vẻo cái khăn trên vai đi về phía tôi. Tôi giơ tay ra hiệu như chào, anh ta cũng gật đầu cười lại. Chẳng cần phải nói gì thêm, anh ta ngồi xuống bên cạnh, nhìn sang tôi hỏi:
“Này, lâu nay có nói chuyện với Gia Cầm không?”
Tôi đang ngậm đầy bọt đánh răng trong mồm nên chỉ gật gật, nhưng Ria Mép có vẻ không hiểu lắm, anh ta cáu nhặng lên:
“Không có mồm à? Hỏi không nói gì cả!”
Ối giời, ức hết cả chế! Rõ ràng thấy mồm người ta đầy kem đánh răng mà còn đòi hỏi nói năng cái gì nữa! Tôi tức chí, ngậm một ngụm nước to phun thẳng vào chân anh ta, anh ta vội vàng nhảy ra để tránh.
“Cô làm cái quái gì thế hả? Bẩn bỏ xừ ra ấy!”
“Đáng đời, không thấy người ta đang đánh răng hay sao mà bắt nói? Lâu rồi mới gặp nhau mà cũng không mở mồm ra nói được câu tử tế nào là sao?”
Ria Mép thấy bộ dạng bực bội của tôi bèn có vẻ nhún nhường hơn:
“Ừ, quên mất! Thế cô dạo này thế nào?”
“Vẫn sống nhăn răng ra đây!”
“Nhìn là biết rồi, sống như một con nhện chết đói, cô nhìn lại mình đi, chân tay dài ngoằng như ông Châu Chấu rồi đấy.”
“Mặc xác tôi!”
“Ừ, thì mặc xác cô!”
Ria Mép lại vắt khăn lên vai, nguẩy lưng đi thẳng, đi được một đoạn lại ngoái lại:
“Này, Gia Cầm vẫn liên lạc với cô chứ?”
Giời ạ! Loanh quanh một lúc rồi vẫn phải quay về chủ đề chính, có vẻ anh ta sốt ruột lắm ấy.
“Anh có vẻ sốt ruột nhỉ? Tôi với Sâm Cầm nói chuyện hằng ngày trên facebook ấy, nó khỏe, vẫn đang tích cực tập luyện.”
“Thế à, thế mà cô ta chỉ gọi cho tôi mỗi một lần, sau đó tôi gọi lại chả được.”
“Tất nhiên, nó đối với tôi phải khác hơn là đối với anh chứ.”
Ria Mép xì một tiếng rồi lê dép bước đi, vừa đẩy cửa phòng, anh ta lại ngoái lại:
“À, hôm nào dạy tôi cách vào facebook nhé!”
Sặc! Suýt chút nữa thì tôi nuốt nguyên ngụm nước lã vào miệng, anh ta nói đùa hay nói thật đấy! Một người hiện đại như anh ta mà không biết sử dụng facebook sao? Anh ta có vẻ hiểu được sự bối rối của tôi, bèn giải thích:
“Tôi biết nó là gì, nhưng tôi không biết dùng! Bận bỏ xừ ra thời gian đâu mà mạng với mẽo! Thế nhé! Tối nay về sớm dạy tôi! Tám giờ!”
Anh ta đẩy cửa chui vào phòng rồi đóng sầm lại, chẳng thèm để tôi nói lời nào. Ria Mép ơi là Ria Mép, bao giờ mới bỏ cái tính thô lỗ kia đi được chứ!. Tôi hậm hực mất một lúc rồi cũng dịu lại, dù sao mình tức thì mình chịu chứ anh ta có thèm để ý đến đâu! Với tôi Ria Mép dù thô lỗ, ngạo mạn đến đâu thì vẫn phảng phất nét cá tính riêng, tôi vốn thích những người cá tính mà.
Tám giờ tối, đang ngồi ăn bánh su kem trong phòng thì Ria Mép đập cửa loạn xị ngậu lên, tôi biết tỏng anh ta nóng ruột nên chả vội, cứ ung dung ngồi nhâm nhi vị ngọt beo béo của cái bánh trong miệng. Ria Mép dường như hết kiên nhẫn, anh ta đá bùm bụp vào cửa, miệng thét lớn:
“Bình Xăng! Cô làm quái gì thế hả? Mở cửa mau!”
“Ở đây không có Bình Xăng nào cả, ăn nói cho tử tế thì được vào.”
“Bình... à, Trăng Thanh, mở cửa đi.”
Thế còn được, tôi thủng thẳng ra mở cửa, ngước mặt lên nhìn Ria Mép đầy ngạo mạn, anh ta tức khí vung tay về phía tôi như định đánh, tôi hất tóc lên khiêu khích, anh ta lưỡng lự rồi túm lấy một sợi tóc của tôi giật mạnh một cái. Tôi quá bất ngờ, kêu lên một tiếng, Ria Mép xông thẳng vào phòng, kéo máy tính đặt lên đùi. Thật là lưu manh hết chỗ nói, tôi lầm bầm chửi bới mấy câu trước khi ngồi xuống.
Dù muốn hay không thì tôi vẫn phải dạy Ria Mép vào facebook, nếu tôi không dạy thì kiểu gì anh ta cũng nghĩ ra đủ mưu hèn kế bẩn để tôi thực hiện, thôi thì thà làm một cách tự nguyện còn hơn bị chọc cho sôi máu mới chịu làm.
Ô! Nhưng mà tôi không phải chịu đựng anh ta lâu, được khoảng mười phút thì Bắp Ngô bất ngờ xuất hiện, thấy tôi và Ria Mép chúi mũi vào máy tính, hắn cũng mon men vào xem. Do quá nhập tâm vào việc hướng dẫn nên đầu tôi nghiêng sát hơn về phía Ria Mép, thú thật, tôi hơi run run, lâng lâng khi nghe hơi thở nhè nhẹ của Ria Mép bên tai mình. Nhưng, cảm giác đó nhanh chóng bị Bắp Ngô phá tan tành. Chả hiểu tại sao, Bắp Ngô kéo đầu tôi ra, đẩy Ria Mép bẹp dí sang một góc rồi chen vào ngồi giữa, ối giời, hắn ta vốn điềm đạm mà sao giờ cũng học được cái thói vô duyên khó đỡ của Ria Mép thế này. Tôi lườm Bắp Ngô:
“Anh làm cái gì thế? Ngồi phía kia không được à?”
“Không được, tôi phải ngồi đây.”
“Anh ngồi đây làm gì, tôi đang dạy Ria Mép mà.”
“Cô cứ ngồi dịch ra đi, để tôi dạy cậu ấy.”
Ối giời, thế thì tốt quá! Sao nãy giờ hắn không nói chứ, tôi đã quá khó chịu vì cảm giác bứt rứt khó tả khi ngồi gần chỉ bảo cho Ria Mép rồi, bây giờ có “hình nhân thế mạng” thế này thì còn gì bằng nữa. Tôi tự nguyện xích ra xa khỏi máy tính để hai anh chàng tự do chỉ bảo nhau. Nhưng Bắp Ngô cứ ngồi đần ra trước màn hình, tôi đập đập vai nhắc nhở hắn làm tiếp nhiệm vụ, Bắp Ngô nhíu mày, di di chuột về phía trang chủ facebook cá nhân tôi vừa lập cho Ria Mép rồi nói một cách từ tốn:
“Này, giờ làm thế nào nữa?”
Tôi ngạc nhiên nhìn hắn:
“Làm thế nào là thế nào? Ý anh là sao?”
“Ý tôi là bây giờ phải làm sao nữa? Muốn viết mấy dòng trạng thái như của cô ấy, thì làm thế nào?”
Ối, thiên thần, quỷ dữ ơi! Hóa ra hắn cũng gà mờ y hệt Ria Mép. Ria Mép huých tay Bắp Ngô:
“Sao anh bảo dạy tôi mà!”
“Thì tôi cũng phải... học đã rồi mới dạy cậu được chứ!”
“Anh đúng là đồ đua đòi, thế mà tôi tưởng anh siêu lắm rồi đấy, chui vào giữa trung tâm ngồi đòi dạy người ta cơ mà.”
Tôi nhếch mép chế giễu Bắp Ngô, Bắp Ngô vẫn điềm nhiên di chuột qua lại trên màn hình. Ria Mép giật chuột máy tính, lầm bầm:
“Đưa đây, anh không biết gì mà cứ di chuột chóng hết cả mặt...