Để hôn em lần nữa
Posted at 27/09/2015
476 Views
Nhiều khi anh nhận thấy chút gì đó tha thiết và dường như trên mức trìu mến trong cách gọi của chị. Những lúc như vậy, anh thường giữ thái độ không quá nghiêm nghị nhưng vẫn chừng mực, giống thái độ của anh lúc này:
- Mình cũng chưa biết nữa, chắc không có chương trình gì, sao thế?
- À, thấy Đăng hôm nay có vẻ oải nên định rủ đi massage chân rồi qua Seventeen nghe nhạc.
Đăng đưa tay lên vuốt mặt, kín đáo liếc nhìn vẻ chăm chú chờ đợi của Điệp. Chức vụ quyền thư ký toà soạn nhiều ưu đãi nhưng cũng lắm bấp bênh mà chị mới bắt đầu nắm giữ cách đây chưa lâu đã kịp để lại vài dấu tích, rõ nhất là hai quầng thâm trên mắt và những đường nét không nhân nhượng ẩn nấp trong từng góc khuôn mặt. Đăng nén tiếng thở dài, mỗi ngày qua đi, anh lại thấy Điệp xa lạ hơn một chút. Tránh nhìn thẳng vào đôi mắt quá ráo riết của chị, anh chậm rãi lắc đầu:
- Để hôm khác nhé… Giờ mình đang đau đầu quá, chỉ muốn về nhà.
Nếu như Điệp có phản ứng gì với lời từ chối của anh thì lớp phấn trang điểm mịn như sáp cũng đã che đi hết rồi. Chị gật đầu, mỉm cười máy móc:
- Được rồi, để hôm khác – Sải bước về phía cửa thang máy, Điệp nhoài người bấm nút rồi quay lại hỏi – Đăng về luôn bây giờ không?
- Chưa, mình phải tạt qua phòng chút đã. Đang làm dở mấy thứ.
- Vậy mình về trước đây!
Đăng gật đầu. Điệp quay hẳn mặt về phía cửa thang, nhưng rồi sực nhớ ra điều gì, chị quay lại, lục túi xách lấy ra một túi nylon in hoa văn sặc sỡ, đưa cho Đăng. Thấy anh định mở miệng hỏi, chị ấn luôn túi vào tay anh, giọng dứt khoát hệt như khi ngồi trước bàn họp:
- Đĩa bay cho Tin. Mình mua từ hôm trước, bảo đưa mà quên.
Đăng chẳng biết nói gì ngoài câu cảm ơn nhạt thếch. Anh không đợi Điệp vào thang máy mà đi thẳng về phòng.
Trái với không gian dường như rất chật hẹp nhưng im ắng lúc trước, căn phòng quen thuộc mở ra trước mắt anh rộng thênh và ồn ào. Tất cả nhân viên đã về hết, chỉ còn lại Cúc Anh đang vừa gõ máy tính vừa nện gót giày xuống sàn theo một bản nhạc phim thần tượng Hàn Quốc phát ra từ chiếc điện thoại có loa ngoài tốt quá mức cần thiết. Thấy anh, cô nàng ngừng chơi trò cập kênh đế giày, với tay tắt nhạc và nhanh nhẩu nói như thanh minh:
- Anh ạ, em dịch xong rồi, đang soát lại thôi.
Đăng chỉ gật đầu rồi đi thẳng về bàn. Anh chẳng còn hứng thú gì với chuyện cứ phải lặp đi lặp lại lời nhắc nhở dành cho cô nhân viên yếu kém nhất phòng này nữa. Cúc Anh là cháu ruột của một vị “khai báo công thần” trong toà soạn. Cô học khoa ngoại ngữ của một trường dân lập lắm tai tiếng. Trong nhiều trường hợp, tấm bằng tốt nghiệp loại khá của trường này chỉ có tác dụng chứng minh rằng người được cấp bằng đã đóng tiền- gồm cả những khoản chính thức và không chính thức- đầy đủ trong vòng bốn năm chứ không phản ánh chính xác trình độ của họ. Vào làm từ năm ngoái, mặc dù đã được anh cùng những người khác chỉ dẫn, kèm cặp hết sức nhiệt tình và nghiêm khắc, Cúc Anh vẫn không tiến bộ là bao. Việc toà soạn phải tuyển thêm một biên dịch viên làm việc toàn thời gian giữa lúc tình hình doanh thu từ quảng cáo đang sụt giảm do suy thoái kinh tế cũng xuất phát từ năng lực trời ơi đất hỡi của cô nàng.
Vừa xếp tài liệu giấy tờ vào cặp, Đăng vừa thầm đếm trong đầu những nhược điểm của Cúc Anh. Dịch ẩu, dịch sai, xào xáo bài dịch của dân mạng, không có tinh thần trách nhiệm, không biết tiếp thu và rút kinh nghiệm, ăn nói bộp chộp vô duyên…, đôi khi Đăng tự hỏi tại sao mình vẫn giữ được thái độ điềm đạm đến vậy với dạng nhân viên 3D* như cô gái này. Chợt một tờ giấy gấp đôi là lạ rơi ra từ xấp tài liệu dưới cùng cắt đứt mạch kể tội trong tâm tưởng của anh. Mới chỉ mở ra đọc lướt được dòng đầu, Đăng đã ngẩng phắt lên, hỏi người mà anh vừa thầm kể tội bằng một giọng nóng nảy rất không bình thường:
- Quỳnh về lâu chưa, Cúc Anh?
- Em không để… – Cúc Anh ngẩng lên, vừa thấy vẻ mặt đằng đằng của người hỏi đã lập tức đổi câu trả lời – Chưa lâu ạ. Nó vừa ra khỏi đây thì em thấy anh đi vào, có việc gì hả anh?
Không còn ai trong phòng để đáp lại cô nàng.
* 3D: Không phải không gian ba chiều mà là viết tắt của Đuối Đủ Đường.
Quỳnh sốt ruột mở điện thoại xem giờ. Đã gần sáu rưỡi mà chưa thấy xe buýt đến, có lẽ nó lại đang đóng vai con voi kềnh càng loay hoay giữa một biển xe cộ ken đặc như kiến ở ngã tư nào đó gần đây. Tình hình giao thông Hà Nội càng ngày càng tồi tệ, ách tắc và tai nạn thay phiên nhau làm chủ đường phố. Cách đây vài tiếng, một cộng tác viên quen thuộc của toà soạn vừa bị ô tô đâm khi đang dừng xe sát vỉa hè nghe điện thoại. Nghe tin ấy, tuy đã biết người đó không bị nguy hiểm đến tính mạng, cô vẫn thấy lạnh toát sống lưng, trong đầu vẩn lên những kỷ niệm nặng nề liên quan đến hai đầu gối giờ đây luôn đau nhói mỗi khi cô co duỗi chân bất ngờ. Có lẽ ngày mai cô vẫn sẽ đi xe buýt đi làm thôi, dù số tiền trong túi hiện giờ đủ để cô đổ đầy hàng chục bình xăng chứ không phải non nửa bình nữa rồi.
Quỳnh mới chỉ chớm nghĩ đến người đã đem đến cho cô số tiền đó thì anh ta xuất hiện ngay trước mặt. Điệu bộ huơ tờ giấy gấp đôi lên không khí cùng vẻ mặt tức tối của anh ta trông giống hệt mấy bà bán hàng đanh đá khi chuẩn bị đốt vía doạ khách. Quỳnh đang rầu rĩ, thấy vậy tự nhiên cũng phì cười.
- Em có vẻ vui quá nhỉ! – Đăng cau mày, lật tờ giấy ra trước mặt cô – Vì viết được cái này chứ gì?
Quỳnh biết rõ nội dung tờ giấy. Chính cô, chừng nửa tiếng trước, đã nghĩ ra, gõ ra, in ra, rồi gấp đôi và đặt nó bên dưới chồng tài liệu trên bàn Đăng. Khi làm tất cả những việc đó, cô không nghĩ nhiều, nói đúng hơn là không nghĩ, về phản ứng của Đăng. Dĩ nhiên, cô càng không nghĩ đến tình huống chỉ vì tờ giấy có nội dung đơn giản với vỏn vẹn một trăm từ ấy, anh ta lại chạy ra tận đây để hạch hỏi cô.
Đăng nhìn vẻ lơ ngơ lần chần của người đứng trước mặt, những muốn túm lấy vai cô ta mà lắc cho đến khi một trong hai thứ, câu trả lời hoặc đầu cô ta rụng ra (tác giả xin lỗi vì miêu tả quá bạo lực, các bạn đọc đừng bắt chước). Nhưng mười mấy cặp mắt của những người chờ xe buýt đứng xung quanh cùng cặp mắt mở to của một ai đó cũng chờ xe buýt và đang chờ thêm cơn thịnh nộ của anh không cho phép anh làm điều đó. Chỉ tay về quán cà phê bên kia đường, anh nói nhanh:
- Sang kia nói chuyện!
Quỳnh nhìn theo lưng áo lấm tấm ướt của người hình như vừa dùng một câu mệnh lệnh thức để “rủ” cô đi uống nước sau giờ làm việc, tự hỏi cái gì đã làm anh ta đổ mồ hôi nhiều như thế, đợt chạy nước rút từ tầng sáu xuống đây hay là nỗi giận dữ mà anh ta rõ ràng vừa cố nuốt xuống. Cô nghĩ ngợi thêm một giây rồi mới quyết định không từ chối “lời mời” cộc và xẵng chưa từng thấy đó. Lúc đầu giờ chiều, khi theo Đăng đi dọc hành lang vắng dẫn tới phòng họp trống, cô đã hiểu rõ trạng thái mà người Anh thường dùng thành ngữ “have butterflies in stomach” để miêu tả. Bây giờ, khi theo anh ta băng ngang con đường vun vút xe cộ, một lần nữa cô lại thấy bụng mình cuộn lên từng cơn nhoi nhói.
Không, Đăng dù có cư xử khó lường và… đẹp trai đến mấy cũng không thể gieo rắc cho Quỳnh cảm giác bất an tới mức gần như hoảng loạn thế này. Chính những bóng xe đủ màu loang loáng lướt nhanh trong nắng chiều chiếu xiên, nhiều lúc như chực lao thẳng vào người ta, mới là nguyên nhân khiến đàn bướm đập cánh loạn xạ trong dạ dày cô. Có lẽ những con bướm vô hình ấy sẽ còn nháo nhác hơn nữa, nếu Quỳnh biết trong dòng phương tiện đang phóng mà chẳng thèm kiêng nể gì vạch ngựa vằn không có đèn tín hiệu đi kèm kia, có một chiếc ô tô vừa giảm tốc độ để người ngồi sau tay lái nhìn hút theo Đăng và cô.
Quán cà phê nhỏ nhưng được thiết kế hợp lý, nội thất trang trí không có gì đặc biệt nhưng không gian mát mẻ và khá vắng lặng. Khung cảnh ấy nhanh chóng làm dịu cơn nóng nảy kỳ quặc của Đăng. Khi thấy người đi cùng không ngồi xuống chiếc ghế anh vừa kéo sẵn mà tự tay kéo chiếc bên cạnh, anh đã có thể mỉm cười vì sự rạch ròi hết sức trẻ con của cô chứ không thấy phật lòng rồi mở lời vặn vẹo nữa. Đợi chàng trai phục vụ quay đi sau khi đưa xong hai cốc nước trắng tặng trước và nhận xong yêu cầu về hai cốc nước có màu trả sau, anh đặt tờ giấy đang cầm lên bàn, mắt vẫn không rời gương mặt dường như rất xanh xao của Quỳnh, tay nhẹ nhàng đẩy nó về phía cô.
Quỳnh đờ đẫn ngó tờ giấy theo cái cách người ta thường làm khi muốn từ chối một đứa bé bán rong đang chìa hàng vào tận mặt mời chào: nhìn nó như thể nó trong suốt, không tồn tại. Quả thật, tâm trí cô lúc này không còn chỗ cho tờ giấy mỏng nhợt nhạt này, chỉ có hình ảnh những bóng xe loang loáng trong nắng chiều xiên chéo. Hình ảnh đó bay lởn vởn quanh góc ký ức khép kín nào đó trong đầu cô, như muốn lách vào mở tung những thứ đã bị sợi dây lãng quên chằng buộc kỹ càng… Quỳnh nhìn xuống hai bàn tay đang run rẩy bám trên đầu gối, bỗng dưng muốn khóc.
Đăng không nghĩ việc ngồi đối diện với anh lại có thể khiến một cô gái, dù là cô gái chưa bao giờ hết dè chừng anh, trở nên trắng bệch và run rẩy như thế. Hẳn phải có việc gì đó rất nghiêm trọng đang chi phối suy nghĩ của Quỳnh, cô hầu như quên mất sự tồn tại của anh, quên cả chiếc xe buýt mà lúc nãy cô đứng chờ (nó vừa mới dừng lại đón khách ở bên kia đường, trong tầm quan sát của cô). Chỉ đến khi nhân viên đứng trong quầy làm rơi chiếc khay nhôm, gây ra tiếng động khá lớn, cô mới như bừng tỉnh, ngước mắt lên nhìn anh.
Anh chàng phục vụ quay lại thật đúng lúc. Hành động nghiêng người đưa đồ uống mà anh ta thực hiện với vẻ lễ phép hơi thái quá đã tránh cho hai vị khách một khoảnh khắc khó xử khi bắt gặp ánh mắt của nhau. Khi tách cà phê bốc khói và ly nước quả có cắm ống hút uốn hình trái tim đã nằm yên trên bàn còn người mang chúng đến đã đứng yên ở góc tường đằng xa, Quỳnh dường như vẫn chưa giữ yên được những ngón tay. Hai lần cô định cầm cốc nước quả lên uống nhưng bàn tay chỉ lập cập chạm vào lớp thuỷ tinh lấm tấm hơi nước rồi lại lập cập buông ra. Lần thứ ba, cô mới chỉ giơ tay lên, Đăng đã đẩy chiếc cốc về phía cô, nhưng anh không đẩy cốc nước quả sáng màu mát lạnh mà là cốc cà phê sẫm màu vẫn còn ấm sực. Có lẽ một thứ toả hơi nóng và hương thơm nồng đượm như cốc cà phê mới chính là thứ Quỳnh cần. Cô nhanh chóng ổn định tinh thần và cuối cùng cũng thực sự lưu ý đến tờ giấy trên bàn. Đăng chỉ chờ có vậy, anh đẩy nó thêm một chút về phía cô, nói nhỏ:
- Em cất đi. Tôi không cần đâu.
- Em cũng nghĩ là anh không cần. Nhưng mà em…
- Em khái tính, tôi biết – Đăng thoáng mỉm cười, không thể không nhớ về vẻ mặt của cô trước đây, khi nói câu “nhưng mà em ngại” để từ chối ngồi sau xe anh – Nhưng không cần phải rạch ròi đến mức làm giấy nợ như thế.
Quỳnh đáp lại thái độ ấm áp và êm dịu đến khó tin của Đăng bằng một nét mỉm cười gượng gạo. Lúc cầm bút ký tên dưới chữ “bên vay”, cô không nghĩ anh sẽ phản ứng dữ dội như ban nãy; còn ban nãy, khi thấy anh lao đến với ánh mắt toé lửa, cô không nghĩ anh sẽ phản ứng nhẹ nhàng như bây giờ. Chưa thể nghĩ ra cách giải thích cũng lời đáp cho biểu hiện “tốt mà chẳng tốt” của Đăng, cô lặng lẽ nhìn ra ngoài cửa sổ. Nắng đã thôi quết lớp sơn vàng óng ánh lên những khối bê tông và kính ở hai bên đường nhưng trời vẫn còn sáng rõ. Trong dòng xe xuôi ngược, hầu như chưa thấy chiếc nào bật đèn. Ngày mùa hè thật dài!
Đăng bỏ cái ống hút uốn hình trái tim cùng miếng cà rốt cắt tỉa điệu đà ra khỏi chiếc ly thuỷ tinh chứa hỗn hợp vitamin C và beta-carotene sặc sỡ trước mặt. Không có gì trang trí, chiếc ly trông trống trải đến mức vô duyên, nhưng anh chỉ cần nó đơn điệu, ít chi tiết như vậy, để nâng lên đặt xuống cho thuận tiện. Khi đột nhiên thấy bản thân ở giữa một cuộc đối thoại có thể gọi là bế tắc thế này, bất cứ ai cũng sẽ chọn cách im lặng uống nước giống hệt anh mà thôi. Nhấp từng ngụm chất lỏng mang vị chua ngọt đầy nữ tính thay cho tách cà phê mình gọi nhưng lại đang nguội dần trong bàn tay vẫn chưa hết run rẩy của người đối diện, anh nhìn chăm chú về phía mà ánh mắt Quỳnh đang lơ đãng hướng ra. Ngoài kia, cách hai người một lớp kính, “thành phố đầy bụi bặm/ những mặt người lì nhẵn chen nhau”*.
Khi Đăng còn mải lục lọi trí nhớ xem hai câu thơ anh vừa sực nghĩ ra ấy là của tác giả nào, nằm trong tác phẩm gì, Quỳnh chợt rời mắt khỏi khung cảnh giờ cao điểm hối hả ở bên kia lớp kính. Cô im lặng quan sát không gian đang tối mờ dần đi của quán cà phê rồi ngập ngừng hắng giọng. Nhận được tín hiệu xin tiếp tục cuộc đối thoại, Đăng chậm rãi quay vào, không nói gì, chỉ đặt cốc nước đã vơi quá nửa xuống bàn và chăm chú nhìn cô chờ đợi. Quỳnh tránh ánh mắt dễ khiến người khác hụt nhịp tim ấy bằng cách cúi đầu, đưa tay đẩy tờ giấy về phía đối diện.
- Anh cứ cầm nó và coi đấy là thiệp cảm ơn của em, được không ạ? – cô nói nhanh, gần như hấp tấp.
Đăng không biết phải cau mặt hay cười sặc lên khi nghe những lời vừa giống nằn nì vừa giống mặc cả mà ngoài cô gái này chẳng ai có thể nghĩ và nói ra được . Anh đưa mắt ngó xung quanh để gạt đi những ý tưởng mơ hồ về một cái gì đó rất nồng, rất ngọt. Quán cà phê đã bị bóng tối xâm chiếm gần như tuyệt đối, nó càng lúc càng không phù hợp với những khách hàng không phải tình nhân của nhau. Nếu vẫn ngồi đây, trong ánh sáng lung linh hắt xuống từ những dây đèn trang trí nhỏ li ti giăng ngoài vỉa hè và trong những hồi ức cảm xúc lẫn lộn do từng cử chỉ lời nói của người ngồi đối diện đem tới, Đăng không dám chắc mình sẽ không hành động giống bốn năm trước, quăng sự tự chủ của bản thân đi xa hàng cây số! Khi ấy, anh có thể bảo là vì rượu, vì mưa rừng gió núi. Còn bây giờ, chẳng lẽ lại đổ lỗi cho nước hoa quả và điều hoà nhiệt độ hay sao?
Quỳnh len lén thở nhẹ. Dường như câu nói bừa bạt mạng vẫn thường bị mọi người trong nhà mắng là “vớ va vớ vẩn” của cô đã được chấp nhận. Lúm đồng tiền vừa lặn đi khỏi một bên má của người có gương mặt cute chỉ kém Hyun Bin một chút giờ lại hiện lên, sâu hơn. Cô cũng không dám chắc đó là một nụ cười, nhưng rõ ràng anh sẽ không bắt cô phải xé tờ giấy ra nuốt hết như lúc trước cô tưởng tượng. Đăng cầm “tấm thiệp cảm ơn” quá đơn điệu, dài dòng và long trọng kia lên đọc lướt một lần nữa rồi quay về phía quầy gọi tính tiền. Không nhìn cô, anh rút ví, gấp nhỏ tờ giấy, gài nó vào chỗ vẫn dành để ảnh.
Đường phố đã lên đèn...