Để hôn em lần nữa
Posted at 27/09/2015
417 Views
Khi Quỳnh vẫn còn đang cố ghép nối những câu nói không đầu không đuôi của Đức hay Cúc Anh, thì Đăng đã nói chuyện xong. Anh quay lại chỗ chiếc xe, lẳng lặng nhìn vẻ mặt mơ hồ của cô, mãi sau mới buông một câu cũng không đầu không đuôi:
- Đừng tin lời chị Điệp!
Dĩ nhiên, Quỳnh không thể hiểu là Đăng đang có ý gì. Cô hơi ngẩng lên nhìn anh. Đèn đường và bóng lá cây làm gương mặt anh có vẻ thâm trầm. Khoảng cách giữa hai người vừa đủ gần để cô thoáng ngửi được mùi khói xăng và mồ hôi trên áo anh. Bất giác, cô cảm thấy có cái gì đó gần giống với bốn năm trước sắp ập đến và hốt hoảng lùi ngay lại, gần như tì hẳn vào chiếc xe. May mà nó đủ nặng nên vẫn đứng vững dù chỉ dựng chân chống bên. Thấy phản ứng của cô, Đăng thở dài. Anh xoay người để không đối diện với cô nữa và nhìn vu vơ lên những chùm dâu da lúc lỉu trên cao, cố nói bằng một giọng đều đều bình thản:
- Tối hôm trước, tôi gặp Điệp ở bar. Chị ấy uống rượu nên không muốn lái xe, nhờ tôi đưa về. Tôi chở Điệp về. Chỉ vậy thôi. Cái thắt lưng đấy đúng là của tôi, nhưng tôi chỉ để trong ngăn kéo đựng quần áo dự phòng ở bàn làm việc chứ ít dùng. Tôi không biết Điệp lấy nó lúc nào.
Giờ thì Quỳnh đã hiểu là Đăng đang giải thích về chuyện cái thắt lưng chiều qua. Cô im lặng tự hỏi, chẳng lẽ anh mất công đến tận đây chỉ để giải thích với cô chuyện này? Cô thì có liên quan gì đâu? Phải, cô là người chứng kiến cảnh Điệp trả nó lại cho anh, với vẻ mặt và giọng nói mà cô chỉ biết dùng đúng một từ tiếng Anh là flirty để miêu tả. Phải, sự kiện này giống chiếc áo vắt lên lưng con la đang oằn mình thồ nặng, giống cơn gió giật cuối cùng đánh vào tinh thần vốn đã xơ xác như chiếc lều trong bão của cô, khiến cả buổi chiều hôm qua cô như bị mộng du. Phải, cô không thể không thừa nhận, hôm nay cô không thể đi làm, cũng không thể làm được việc gì vì những suy nghĩ đầy xáo trộn và bất an cứ liên tục vẩn lên trong đầu, mà một trong những lý do để những suy nghĩ ấy xuất hiện không dứt chính là sự kiện này. Nhưng tại sao Đăng lại phải giải thích?
Rất tiếc, Đăng không đọc được những câu hỏi đang quay tít mù như đèn kéo quân trong đầu cô. Vẫn bằng giọng đều đều bình thản, anh chuyển sang một đề tài khác:
- Em giống con ốc sên, cứ rúc trong một cái vỏ mà em nghĩ là an toàn, thỉnh thoảng thò đầu ra một chút, thấy động lại vội vàng rụt vào. Em còn định rúc trong vỏ đến bao giờ?
Thật lạ là Quỳnh hiểu những lời này ngay lập tức. Nhưng cô chỉ đủ sức hiểu chứ không đủ sức phản ứng thêm. Tất cả những gì cô làm được là cúi nhìn xuống tay. Vừa nãy, cô nhận điện thoại của Đăng lúc đang nấu cơm, và sau khi nhận lời xuống gặp anh, cô đã thấp thỏm, bối rối đến độ nhầm tay mình là cà chua. Chẳng kịp tìm băng urgo, cô chỉ rửa tay sát trùng qua loa rồi chạy xuống đây nên máu không cầm ngay mà loang ra kín đầu ngón tay. Đã lâu lắm rồi cô mới lại nhìn thấy máu…
Đăng dõi theo ánh mắt chết lặng của Quỳnh. Thấy vệt máu vẫn còn ươn ướt trên ngón tay và gương mặt đau thương của cô, anh phải nghiến răng hít sâu để không quát ra một câu thật cục cằn. Chưa bao giờ anh muốn mình biến thành nhà khoa học thiên tài trong phim viễn tưởng như lúc này. Cái sinh vật yếu đuối thảm hại trước mặt anh đang cần được tẩy não, khẩn cấp, triệt để, thực sự!
Một lát, dường như đã chắc chắn là mình kiềm chế được cảm xúc, anh mới lên tiếng:
- Em tránh ra.
- Dạ?
- Em tránh ra, tôi lấy xe.
- À, vâng – Quỳnh vội nhích người sang bên. Vẻ mặt phụng phịu như trẻ con không vòi được quà của anh làm cô khó hiểu. Cô đã làm gì chọc giận anh ư?
Đăng chẳng nói chẳng rằng, trèo lên xe, nổ máy phóng vọt đi. Quỳnh ngẩn ngơ một lát rồi bước chậm chạp về phía cầu thang dẫn lên nhà. Vừa đi, cô vừa cố dẹp những suy nghĩ tản mạn trong đầu để thử lý giải thái độ thay đổi còn nhanh hơn thời tiết của Đăng. Tại sao đang nói dở, anh lại đột ngột nổi cáu rồi bỏ đi như vậy? Anh vội về nhà ư? Nếu vội thì tại sao lại còn tới đây? Hay hôm nay ở toà soạn đã có chuyện gì xảy ra?
Khi Quỳnh chỉ mới đi hết vài bậc thang, chưa lên được đến chỗ chiếu nghỉ và chưa trả lời được câu nào trong số những câu cô tự đặt ra thì tiếng xe máy ầm ĩ đặc trưng đã vang lên càng lúc càng gần, báo hiệu rằng có người nào đó đang trở lại.
Bằng động tác gọn gàng như nhân vật trong truyện tranh, anh gạt chân chống và nhảy xuống xe thật nhanh rồi chạy về phía chân cầu thang bằng tốc độ của một hậu vệ đuổi theo quả bóng đang từ từ lăn qua vạch cầu môn. Quỳnh đứng im nhìn tất cả những diễn biến đó bằng cặp mắt đờ đẫn. Ít giây sau, Đăng đã đứng đối diện cô trên cầu thang. Anh không nói gì (chú thích của “mẹ” anh: vì mồm còn đang bận há ra thở hồng hộc), chìa cho cô gói bông và chục chiếc băng urgo. Lúc này, gương mặt Quỳnh mới loé lên một chút cảm xúc. Cô nhìn mấy thứ trong tay anh, nói lí nhí:
- Nhà em có bông băng rồi ạ.
Đăng hít sâu một hơi để ngăn những tiếng gào thét trong đầu. Giữa không gian tranh tối tranh sáng của cầu thang khu tập thể, một cô gái với đôi mắt phủ sương mù đang nói với anh bằng giọng như muỗi kêu về một điều vô nghĩa. Nếu không biết rõ những gì cô đã và đang chịu đựng, có lẽ anh sẽ nghĩ cô cố tình làm thế để quyến rũ anh và sẽ không ngần ngại giúp cô thành công. Nhưng hơn ai hết, anh hiểu là Quỳnh chẳng có ý gì cả, cô đang ở trạng thái tinh thần rất mong manh với những mảnh ghép ký ức hỗn loạn, đầy tổn thương. Nếu lúc này anh không tự chủ, anh sẽ lại đẩy cô vào một tình thế khó cứu vãn hơn nữa.
- Em ngồi xuống đây! – Cuối cùng thì Đăng cũng dẹp được ý định rất không chính nhân quân tử của bản thân để nói với cô bằng một giọng nhẹ nhàng, bình tĩnh. Anh ngồi bệt xuống một bậc cầu thang và rút chiếc dép đặt xuống bên cạnh cho cô.
Quỳnh máy móc làm theo lời anh nhưng tránh ngồi vào chiếc dép. Đăng thấy nhưng không nói gì, cũng không xỏ lại dép. Anh mở gói bông chìa trước mặt cô:
- Em tự làm hay để tôi?
Dĩ nhiên, Quỳnh chọn cách đầu. Cô nhanh chóng dùng bông băng biến ngón tay đứt bết máu thành một ngón tay dán băng urgo sạch sẽ. Xong việc, cô cúi xuống nhặt bông bẩn và vỏ giấy nhét vào túi sau của chiếc quần ngố.
- Cảm ơn anh – cô nói mà không nhìn sang Đăng.
Đăng gật đầu, nhìn xuống khoảng sân nơi chiếc xe đứng chơ vơ. Không khí vẫn như quánh lại vì hơi nước, đã bắt đầu thấy vài tia chớp.
- Mai em đi làm được chưa? – Anh hỏi mà không nhìn cô.
- Rồi ạ. – Cô trả lời mà cả giọng nói lẫn nét mặt đều không có vẻ gì là chắc chắn về điều mình đang nói.
- Nếu vẫn cần nghỉ thì cứ nghỉ thêm một hôm. Ai hỏi thì bảo bị sốt siêu vi trùng.
- Dạ?
- Hôm nay tôi nói với mọi người trong phòng như vậy.
- À, vâng.
Đăng hơi cúi đầu để giấu nụ cười buồn. Cái cách cô phản ứng với hành động “bao che trắng trợn” của anh mới lãnh đạm làm sao! Anh đứng dậy xỏ dép rồi vươn tay ra trước mặt cô. Quỳnh không ngẩng lên nhìn anh, chỉ ngó trân trân vào bàn tay có những vết chai gồ lên ở cuối ngón đang chìa ra mời gọi, mãi mới lắc đầu, nói êm như ru:
- Anh cứ về trước đi ạ.
Câu trả lời không nằm ngoài dự kiến, nhưng ngữ điệu mềm dịu khác thường của chủ nhân câu nói khiến Đăng cảm thấy máu trong cơ thể mình đông lại. Anh quay phắt đi, bước một mạch xuống cầu thang. Trời đang dông, bụi đất bị gió cuốn mù mịt đập vào mặt ran rát, nhưng anh không thèm để ý. Nếu còn ở gần cô, anh cũng không dám chắc mình sẽ còn tự chủ được thêm bao nhiêu phút, hay nói cho sát thực tế hơn là bao nhiêu giây nữa.
Quỳnh đợi đến khi tiếng xe của anh xa hẳn rồi mới vịn tường đứng dậy. Điện thoại trong túi rung lên báo hiệu bố mẹ cô đã bắt đầu sốt ruột nhưng hai đầu gối lại nhân nhẩn đau khiến cô chẳng thể đi nhanh. Vừa đếm từng bước vừa nghe tiếng mưa quất ào ào vào mọi thứ ngoài kia, cô nghĩ về một người đã đi trong mưa với cô và giờ đây đang đi trong mưa một mình, lại thấy như có một miếng chocolate chầm chậm tan chảy trong tâm hồn, đắng mà lại ngọt.
(Đón đọc phần cuối trong sách “Để hôn em lần nữa” đã xuất bản)
Nguồn : TranThuTrang.Net....