Để hôn em lần nữa
Posted at 27/09/2015
429 Views
Nhưng hôm nay, anh không hơi đâu dạy dỗ nó, chỉ quay sang phía đối diện, hỏi nhẹ nhàng:
- Quỳnh uống rượu không?
Quỳnh dường như đã chuẩn bị tinh thần để đóng vai trò phân xử vụ này. Cô lắc đầu thật nhanh trước khi Đức kịp nháy mắt.
- Hừ, anh nhìn trừng trừng thế thì ai dám bảo có! – Đức lầu bầu nhưng rồi cũng gọi nhân viên mang trà.
Cho đến khi ba cốc trà lạnh được đem vào, không khí trong phòng đã trở nên dễ thở hơn với Quỳnh. Cô đã tạm biệt món đậu tương luộc để đến với những món nhiều năng lượng hơn, thịt và cơm cuộn. Câu chuyện giữa ba người không đến nỗi rời rạc quá. Dù sao thì họ cũng có nhiều điểm chung: tờ báo điện tử, cấp trên, đồng nghiệp và cả một bàn đầy thức ăn. Tất nhiên, Đức vẫn là người chiếm thời lượng lớn nhất trong cuộc hội thoại. Khoe khoang hiểu biết về ẩm thực và văn hoá Nhật, buôn mấy tin hậu trường giới thời trang nghe lỏm được từ chị gái, thỉnh thoảng không quên trêu chọc Đăng theo kiểu cố tình dìm hàng…, lối kể chuyện bảy phần thật ba phần bịa của anh chàng khiến đôi lúc Quỳnh phải phá lên cười. Nhưng thật tai hoạ, giữa lúc mức độ dè chừng của cô hạ xuống thấp nhất, Đức có điện thoại và chạy biến ra khỏi phòng.
Đăng quan sát từng thay đổi trong dáng điệu của Quỳnh. Cô hơi cúi mặt, vờ bận bịu dùng giấy ăn lau một vết tương tưởng tượng trên bàn để lảng tránh cái nhìn ráo riết mà anh đang chậm rãi thả dần xuống. Tiếng nói chuyện điện thoại của Đức càng xa, cô càng ngồi thẳng hơn, ngay đơ đến mức người ta sẽ phải nghĩ rằng có chiếc thước kẻ gỗ nửa mét vừa mới bị khâu dính vào sau lưng. Biết không thể đánh bóng mặt bàn mãi, cô định chuyển mục tiêu về món edamame quen thuộc. Nhưng ngay khi cô mới liếc nhìn về phía chiếc mẹt con đựng đậu, Đăng đã kịp kéo nó về phía mình. Anh thật muốn nghe cô lên tiếng phản đối và đòi lại quá đi mất!
Quỳnh không dễ mắc vào cái bẫy lộ liễu mà Đăng giăng sẵn như thế. Với sắc mặt vừa tối vừa nặng, sầm sì giống hệt đám mây tích điện trong cơn dông của anh ta, có trời mới biết được chuyện gì sẽ xảy ra nếu như cô tỏ ý tranh giành món đậu. Im lặng đổi mục tiêu sang món bò, cô phải cố gắng lắm mới không vội vàng gắp liền vài miếng thịt một lúc hay lập cập đánh rơi đũa giữa chừng. Dù sao thì kích thước long trọng của đĩa thịt bò cũng làm cô vững tâm. Nó đã choán quá nhiều chỗ trên bàn, chẳng ai có thể xê dịch đi đâu nữa.
- Hoá ra em vẫn chẳng thay đổi gì! – Đăng cảm thấy mình phải “khai chiến”.
Như đã chuẩn bị sẵn tinh thần, Quỳnh ngẩng luôn lên nhìn anh, không bận tâm đến miếng thịt bò to bản còn hơi lúng búng trong miệng. Đăng liếc vội xuống bàn tìm một mục tiêu khác cho mắt. Bất cứ lúc nào ánh nhìn của anh lang thang đến gần khuôn miệng nũng nịu ấy, anh cũng có những suy nghĩ không thể kiểm soát được. Từ tốn cầm đũa lên hướng về đĩa cơm cuộn như thể đang chăm chú chọn lựa, anh nói mà không nhìn cô:
- Em vẫn hèn nhát trước trở ngại, lúc nào cũng chỉ biết vội vàng quay lưng né tránh.
Im lặng. Trong giây lát, đáp lại câu chỉ trích thẳng thừng của anh là một sự im lặng tuyệt đối, thậm chí có thể nghe thấy rõ cả tiếng những thớ giấy trên cửa rung nhè nhẹ theo bước chân Đức đang đi đi lại lại một cách khá sốt ruột ngoài hành lang. Rồi sau đó, chỉ có tiếng đũa của cô khẽ quấy wasabi trong bát tương kikkoman. Đăng bực bội nhìn xoáy vào vầng trán và đôi lông mày thậm chí không nhíu lấy một gợn của Quỳnh, gắt thêm một câu như võ sĩ tung đòn tấn công vớt sau đòn đầu bị hụt:
- Đấy, em lại như thế. Lúc nào cũng lảng tránh! Em đã bao giờ biết ngẩng cao đầu đối mặt với cái gì chưa?
- Rồi ạ – Quỳnh ngẩng lên, nhìn thẳng vào vẻ cáu gắt vô lý của Đăng. Cô định nói thêm rằng mình đang ngẩng cao đầu đối mặt với anh đây chứ đâu, nhưng rồi lại im lặng chờ đợi câu chất vấn tiếp theo.
- Tại sao em lại chuyển trường?
Ngay từ lúc phỏng vấn, thấy hồ sơ của mình được lật qua lật lại trên tay Đăng, Quỳnh đã nghĩ rồi một ngày cô sẽ phải trả lời về chuyện này, dù được nhận vào làm hay không. Nhưng giống như đi thi vấn đáp trước một giáo sư khét tiếng ưa vặn vẹo, thí sinh có ôn tập kỹ đến đâu cũng vẫn lạnh toát cả người trước câu hỏi mà mình rõ ràng đã đoán biết.
- Chuyện dài dòng lắm ạ – Quỳnh ngập ngừng – Em cũng không biết phải kể thế nào.
Quỳnh đang bối rối. Quỳnh đang bối rối hơn bình thường. Quỳnh đang bối rối gấp đôi bình thường. Đôi mắt cô nhìn anh mà không hề thấy anh. Gò má càng lúc càng xanh hơn. Nếu đủ kiên định để liếc xuống miệng cô, anh sẽ còn thấy nó mím chặt mà vẫn run run… Đăng tự nói với mình là không nên tra tấn tinh thần Quỳnh nữa, nhưng đồng thời anh cũng nhủ thầm rằng anh cần biết rõ về điều đó…
- Thế trả lời từng câu vậy nhé! – chẳng cần đợi phản ứng của cô, anh nói tiếp luôn – Em chuyển trường khi nào?
- Dạ, đầu năm thứ hai.
- Tức là ngay sau khi đi Sơn La về?
- Không, sau đó hơn một tháng ạ.
- Thầy Hiện có gặp hay nói gì với em không?
- Dạ không.
- Còn mấy bạn cùng đoàn?
Càng lúc những biểu hiện của Quỳnh càng gần với sự hoảng loạn. Đến câu hỏi về bạn cùng đoàn thì cô thực sự không thể gượng nổi. Cô buông đũa, nói nhanh:
- Xin lỗi, em ra ngoài một chút.
Nhưng kiểu nội thất tiện lợi của nhà hàng Nhật, với khoảng âm sàn rộng rãi bên dưới mặt bàn, vốn chỉ giúp khách dễ dàng thả chân xuống cho thoải mái, còn việc họ có co chân đứng lên được ngay lập tức hay không lại là chuyện khác! Trong lúc Quỳnh còn loay hoay chống tay xuống sàn để có thể nhích người ra khỏi bàn mà không chạm vào ai cả, cửa xịch mở, Đức lách vào, nhìn Đăng nở một nụ cười nhăn nhó:
- Ông già em đem laptop đi hội thảo. Chiều phải đọc tham luận rồi mà kêu không tìm thấy file Powerpoint đâu – anh chàng quay sang Quỳnh, hơi khựng lại – Này, sao mắt mũi em đỏ hoe thế?
- Dạ, chắc tại cay quá ạ.
Quỳnh gượng cười, hai chân vừa co lên nửa chừng lại thả xuống. Cô cố giữ để không có dấu vết nào của sự nghẹn ngào dâng lên trong giọng nói, nhưng dường như không thành công lắm. Đức nhìn cô rồi quay sang người lớn tuổi nhất trong phòng, thoáng ngơ ngác, nghi hoặc.
Quỳnh vội nhấc bát tương hoà mù tạt đặc sánh trước mặt đặt ra một góc bàn xa để lôi kéo sự chú ý của anh chàng. Đăng lên tiếng như muốn giành lấy một chút trách nhiệm của kẻ vừa là thủ phạm vừa là đồng loã, nhẹ nhàng đánh lạc hướng Đức bằng một câu hỏi gãi đúng chỗ ngứa:
- Thế xong rồi cụ có tìm được file không?
Đức có lẽ chỉ chờ câu hỏi đó. Anh chàng tì tay lên bàn, vừa hấp tấp ăn bù cho mấy phút vắng mặt, vừa kể lể với vẻ bức xúc nhưng đầy âu yếm về ông bố sắp về hưu “low-tech mà còn đú” đã lưu nhầm folder ra sao, gọi điện hớt hải như sắp cháy nhà thế nào. Cuối cùng, khi câu chuyện mất file đã đi đến một kết thúc có hậu và món tráng miệng đã xuất hiện trên bàn, sắc hồng lờ mờ dần trở lại trên gò má Quỳnh.
Cô im lặng nhấm nháp miếng bánh bột gạo nhân dâu tây, kiên nhẫn làm khán giả theo dõi cuộc tranh cãi không đầu không đuôi về Minh Trị Thiên Hoàng, Công nương Masako và… Maria Ozawa mà Đức là người khơi ra nhưng lại không chiếm ưu thế. Chẳng biết vô tình hay cố ý, Đăng đánh rơi chiếc mặt nạ điềm tĩnh mà bấy lâu anh ta đeo như dán vào da, thể hiện thái độ “hiếu chiến” khó tin. Quỳnh nhìn anh ta bẻ lại Đức trong từng chi tiết nhỏ nhất, tự nhiên thấy ấm ức thay. Có vẻ như việc dồn ép cô phát khóc bằng một tràng câu hỏi đục khoét vào quá khứ chưa làm kẻ độc ác ngạo mạn này hài lòng. Anh ta định biến người bạn mới của cô và cũng là người hào phóng mời anh ta ăn trưa thành nạn nhân tiếp theo chăng? Quỳnh cảm thấy cần phải làm gì đó để bảo vệ Đức. Nhưng ngay khi cô định lên tiếng, Đăng đã quả quyết nghiêng đầu về phía cửa, chấm dứt bữa trưa ê hề nhưng vô bổ của ba người bằng câu gọi tính tiền gọn lỏn.
Cô gái phục vụ mang chiếc bìa da kẹp hoá đơn vào. Theo thói quen, cô đưa nó về phía người khách mà cô đã nhớ mặt, người có thẻ VIP của nhà hàng. Nhưng mới chỉ đi được nửa đường, tấm bìa đã rơi vào tay anh chàng lớn tuổi hơn sau một hành động hơi giống “hớt tay trên”, bất ngờ và có phần thiếu lịch sự. Anh ta mở bìa kẹp, liếc qua con số mà ai cũng biết là hơi nhiều đuôi 0 so với một bữa trưa của dân văn phòng, rồi lẳng lặng rút ví.
- Ấy, anh để em trả – Đức, dường như không cảm nhận được thái độ khác lạ của đàn anh, sốt sắng nhoài sang giành hoá đơn.
Đăng gạt nhẹ tay Đức, đẩy chiếc bìa kẹp hoá đơn ra khỏi tầm với của cả hai, rồi rút bừa mấy tờ polyme mệnh giá lớn đưa cho nhân viên. Thật không may, mấy tờ tiền mới chỉ chạm được vào đầu ngón tay của cô gái phục vụ đã bị giật lại một cách phũ phàng đến nỗi phát ra tiếng “roẹt” mà ngay cả người nghễnh ngãng cũng nghe rõ (tác giả xin cảm ơn những người đã quyết định đưa tiền polyme vào lưu thông để hoạt cảnh này có thể diễn ra trọn vẹn mà không có thiệt hại gì!). Đức cầm tiền thả về phía Đăng với vẻ khá cẩu thả, gần giống như vứt trả. Vào một ngày bình thường nào đó, Đăng sẽ chẳng chấp nhặt hành động của thằng nhóc vô tư quá hoá vô tâm này làm gì. Nhưng đúng vào lúc tâm trạng của anh không hiểu sao lại vô cùng căng thẳng như bây giờ, hành động mang đậm phong cách thiếu gia thừa tiền của Đức biến thành lời khiêu chiến rõ ràng.
Và thế là, trước sự bối rối của Quỳnh và sự ngạc nhiên của cô gái phục vụ, một cuộc tranh giành hoàn toàn không phù hợp với không khí trầm lắng của nhà hàng Nhật bắt đầu diễn ra. Nếu không vướng cái bàn đã được dọn gần hết bát đĩa nhưng vẫn còn mấy cốc nước uống dở, có lẽ hai vị khách nam đã biến căn phòng thành sới vật.
Quỳnh nhìn nét mặt cố gắng bình tĩnh và tươi tỉnh nhưng không giấu nổi vẻ sốt ruột và có phần khó chịu của cô nhân viên, tự nhiên thấy sượng sùng. Ánh mắt cô gái liếc vội về phía cô dù kín đáo nhưng cũng ẩn chứa thật nhiều ý nghĩa. Không chịu nổi cái nhìn phê phán ấy, trong tích tắc, Quỳnh quyết định để cho bản tính bốc đồng của “cô Khùng” trỗi dậy. Vươn người thật nhanh, nhặt tờ hoá đơn đã bị cuộc vật lộn hất xuống dưới sàn, cô mím môi rút toàn bộ tiền trong ví ra giúi cả vào tay cô gái phục vụ. Và không nói thêm một lời với Menelaus và Paris* lúc này còn đang ngớ ra chưng hửng, nàng Helen hiên ngang đứng dậy, rời khỏi chiến trường với gương mặt hả hê thắng lợi, bất chấp một sự thật kinh khủng là toàn bộ tiền điện nước xăng xe tháng này của nàng đã nằm lại nơi đây!
*: Hai nhân vật trong trường ca Iliad của Homer, họ đánh nhau để tranh giành nàng Helen.
Vài ngày sau bữa trưa quá thịnh soạn, nàng Helen thế kỷ 21 bước lên xe buýt với hai thứ đều lép kẹp là bụng và ví. Dù đã cố gắng co kéo đến nỗi không dám đi xe máy đi làm, chỉ mua một suất bánh mì ruốc cho cả bữa sáng và bữa trưa, nàng vẫn phải căng óc nghĩ cách xoay tiền để sống sót cho đến khi bố mẹ nàng hoàn thành xong tour thăm thân kết hợp chữa bệnh (cho người khác) ở miền Nam và trở về Hà Nội, hoặc đến khi nàng nắm trong tay tháng lương đầu tiên.
Bán chiếc điện thoại có màn hình cảm ứng mà bố mẹ mới tặng nhân dịp tốt nghiệp, mua một chiếc hàng Tàu nhái có hình dáng na ná, lấy số tiền chênh lệch để cầm hơi? So với việc rao vài món quần áo giày dép trên muare.vn rồi nhăm nhăm “up topic” và trả lời tin nhắn mặc cả (chưa kể có khi còn bị đòi “ship” tận nơi) hay việc gọi điện nói bâng quơ dăm câu ba điều với đứa bạn nào đó, nghe nó nói xấu từ sếp đến người yêu đến oshin nhà hàng xóm chán chê mới dám ngập ngừng “à này” rồi hỏi vay vài trăm ngàn, việc ghé qua cửa hàng thu mua điện thoại cũ là cách đơn giản gọn gàng nhất. Được rồi, nếu đến ngày mai mà vẫn không có người lớn nào trong họ qua thăm hay người bạn nào của bố mẹ tình cờ ghé qua chúc Tết muộn (muộn những sáu tháng!), Quỳnh sẽ đem con dế hồng thời trang này ra làm vật tế thần, thần Tài!
Tạm yên tâm với những suy tính, cô quên khuấy mất việc phải xuống ở điểm dừng gần nhất. Khi chiếc xe đã đi quá một trạm, Quỳnh mới nhớ ra và hớt hải chen xuống. Còn gần mười phút nữa là tới giờ làm việc, quãng đường từ đây trở lại văn phòng cũng không dài lắm, nếu là bốn năm về trước, có lẽ cô đã chẳng ngần ngại xách giày lên tay, chạy thục mạng. Nhưng bây giờ, với hai bên xương bánh chè đều bị tổn thương nặng, cô không thể làm gì hơn là bước đi nhanh hết mức có thể và cầu trời cho tất cả mọi người trong toà soạn, hoặc trong phòng Tin quốc tế thôi cũng được, đều bị tắc đường và kẹt thang máy.
Nhưng trước khi những lời cầu nguyện rất thành tâm nhưng hơi thất đức ấy lọt được vào danh sách “cần duyệt khẩn cấp” của các đấng tối cao, họ đã kịp sắp đặt một giải pháp khác cho Quỳnh. Người làm nhiệm vụ bưu tá chuyển phát nhanh phương cách ấy đến tay cô là nam giới, trong độ tuổi hai mươi, ăn mặc sành điệu, cưỡi trên chiếc xe tay ga cao nghệu. Từ làn đường bên kia, người đó nhận ra cô và rẽ sang khi còn chưa kịp chạm tay vào nút bật xi-nhan. Không thèm để ý đến hàng chục ánh mắt hình viên đạn và vài câu cục cằn của những chủ xe đi sau, tác giả của cú tạt trái mạo hiểm đó tấp vào sát vỉa hè, vừa đi ngược chiều đường, vừa bấm còi pim pim cho đến khi Quỳnh giật mình quay ra, để rơi khỏi miệng hai chữ “anh Đức” đầy ngơ ngác. Chào cô bằng một nụ cười sáng trưng như trong quảng cáo kem đánh răng, Đức hỏi:
- Sao hôm nay em lại đi đường này?
- Em đi xe buýt, quên xuống ở bến trước ạ.
- Đầu óc bác học ghê nhỉ! Thế sao không gọi xe ôm mà đi bộ? Sát giờ rồi còn gì…
Thật may, câu hỏi tuy khó nhưng Quỳnh không phải trả lời. Khi cô mới chỉ bắt đầu ngắc ngứ, anh chàng đã vung tay chỉ về phía yên sau, nói tiếp luôn:
- Lên đi, anh chở, lấy giá hữu nghị, thề!
- Nhưng em không có mũ bảo hiểm.
- Giờ này các chú còn lo dẹp tắc đường, không bắt đâu.
- Nhưng em…
- Em mà còn “nhưng” nữa là anh muộn theo em luôn á.
Khi chữ “muộn” xuất hiện, mọi chữ “nhưng” bị đánh bay tan tác, Quỳnh hấp tấp leo lên sau xe Đức. Sau chưa đầy năm phút ngồi thu mình thật gọn và cúi đầu thật thấp, cuối cùng cô cũng thở phào nhẹ nhõm khi chiếc xe dừng trước cửa văn phòng. Thật không mấy dễ chịu khi cùng lúc phải mang đến hai nỗi nơm nớp, đi làm muộn và bị công an tuýt còi. Giờ thì cả hai nguy cơ đều đã tan biến, Quỳnh cho phép mình gặm trộm một miếng bánh mì trong lúc chờ Đức quay lại từ bãi gửi xe đằng xa. Cô ngoạm một miếng khá to mà không biết rằng toàn bộ hoạt động của mình trong vòng mươi phút vừa qua đã nằm trong tầm quan sát của một người.
Người này xưa nay chưa bao giờ thích tỏ vui buồn qua sắc mặt, cũng rất ít khi hành động khi chưa suy nghĩ kỹ càng...