Để hôn em lần nữa
Posted at 27/09/2015
426 Views
Quỳnh cũng mỉm cười, tự nhiên thấy vui vui. Anh chàng IT man này chắc mới thoát danh hiệu IT boy chưa lâu, cách ăn mặc trông rất là xì tin, áo sơ mi hoa và quần có dây đeo ăn theo mốt của mấy anh chàng trong phim Vườn sao băng phiên bản Hàn Quốc. Anh ta hất đầu về phía cô, giọng vui vẻ:
- Em đi thực tập hay đi làm?
- Dạ, em làm thử việc.
- Lương thử việc cũng được phết, nhưng phòng đấy… Thế em học trường nào ra nhỉ? – Đức nói lảng rất nhanh.
- Em học Ngoại ngữ Thanh Xuân. Anh làm đây lâu chưa?
- Cũng mới thôi, anh vừa ra trường năm ngoái.
- Máy em liệu có khó sửa không ạ?
- Không, năm phút là xong ý mà.
Quỳnh mỉm cười, không phải vì mừng rỡ trước câu trả lời của Đức, cô biết sự cố tụt nút kiểu đó chỉ là muỗi với một người thạo về phần cứng máy tính, mà là vì thái độ thân thiện của anh ta. Dường như mấy câu trao đổi qua loa để người bên cạnh đỡ bị cảm giác trống trải thừa thãi này là đoạn hội thoại dài nhất mà cô thực hiện hôm nay. Nụ cười của Quỳnh thậm chí vẫn đọng nhẹ trên môi khi cô cùng Đức bước vào phòng. Nó sẽ còn phảng phất ở đó nếu như gã IT boy thân thiện này không chào người có bộ mặt khó đăm đăm đang ngồi ở chiếc bàn cuối phòng bằng một câu sét đánh:
- A, anh Đăng, lâu lắm mới gặp, cháu nhà anh sao rồi, khỏi ốm chưa?
- Cháu nào?
- Thì con trai anh ý!
(1) Đoạn này nghĩa là Cúc Anh “luộc” bài trên diễn đàn của người hâm mộ và sửa những chỗ dùng từ không chính thống để che giấu, nhưng lại bỏ sót một chữ nên vẫn lộ.
(2) Answer the call of nature: Nôm na là đi WC.
***
Đăng tắt máy, mở cổng, đẩy xe vào nhà. Để tránh những đợt trải nhựa tôn nền đường vô tội vạ, nhà anh xây cao hơn mặt đường đến gần nửa mét, lối dẫn từ vỉa hè vì thế khá dốc, bình thường anh vẫn cài số hai rồi phóng lên. Nhưng hôm nay thì thao tác tiện lợi ấy lại là một điều cấm kị, ít nhất là với bà chủ nhà. Như có thần giao cách cảm, người đang xuất hiện trong tâm trí anh ló ra từ gian bếp.
- Sao về muộn thế con?
- Đường tắc quá ạ – Đăng trả lời, quên điều chỉnh âm lượng cho phù hợp.
Vị nữ thần đang tay đũa tay chảo ngay lập tức thể hiện uy quyền. Bà lừ mắt, chu môi ra mấy tiếng suỵt suỵt, hạ nghiêm lệnh: trật tự nào. Con trai bà ngay lập tức hạ giọng như thể đang trao đổi điều gì bí mật lắm:
- Tin đang ngủ hả mẹ? Bố đâu ạ?
Bà mẹ thì thào với vẻ có thể gọi là lấm lét:
- Vừa mới ngủ thôi đấy. Cả ngày quấy lắm.
Đăng biết cả hai câu đều không phải để tả bố anh, dĩ nhiên, vì ông đang đi xuống cầu thang, tay xách chiếc xô lau nhà và mặt trông không có vẻ gì là ngái ngủ. Mẹ anh lờ tịt sự có mặt của ông, tiếp tục hỏi con trai cưng:
- Con đói không?
Mỗi lần nghe mẹ hỏi câu ấy, Đăng biết là bữa cơm tối sẽ được hoãn lại ít nhất đến sau chương trình Dự báo thời tiết của VTV. Lý do có thể vì mẹ anh định làm món canh cua, đã đi chợ mua đủ cả cà chua, hành, khế lẫn rau sống ăn kèm, nhưng quên mua cua; có thể vì lúc bốn rưỡi chiều bố anh đã nghe bà bán bánh giò mời mọc bùi tai, lỡ mua tận ba chiếc và đã hăm hở rủ vợ ăn luôn cho nóng… Nói chung, việc Đăng cần làm bây giờ không phải là khai báo tình trạng đầy vơi của dạ dày, cũng không phải là hỏi nguyên nhân – hành động rất có thể sẽ dẫn đến những cuộc đổ lỗi kể tội bất tận, mà là lên phòng, tắm gội rồi tìm cái gì để giết thời gian trong lúc chờ đợi. Một số lựa chọn cho khoảng hai tiếng rảnh rỗi được vạch ra: đọc sách, xem phim hay rủ bố anh ra sân vận động gần nhà đánh cầu lông… Cuối cùng, Đăng chọn một thứ mà bình thường anh ít chọn nhất: công việc.
Log in vào hệ thống quản lý bài viết, anh xem lại một lượt thành quả công việc của nhóm trong chiều nay, đặc biệt lưu ý đọc kỹ hai bài dịch rất vô thưởng vô phạt trong mục Sức khoẻ – Làm đẹp. Hai bài khá dài, giọng văn dịch trôi chảy, dùng đúng thuật ngữ ngành y, không có lỗi dịch lẫn lỗi trình bày nào, hẳn người dịch đã phải cực kỳ cẩn thận và tập trung. Cẩn thận và tập trung, hai từ này có thể rất hợp lý nếu đây chỉ đơn thuần là ngày làm việc đầu tiên của người dịch, chứ không phải ngày làm việc đầu tiên tồi tệ. Nhớ lại ánh mắt khó tả của Quỳnh lúc đầu giờ chiều, khi nghe Đức hỏi thăm anh, anh những muốn…
Đăng lùa tay vào mái tóc ướt, cào cho đến khi nó bù xù như tổ quạ. Anh cũng không biết chính xác mình muốn gì nữa. Có lẽ anh nên, một lần nữa, muốn thụi cho thằng oắt con Đức mấy cái vào mồm. Hừ, nếu trong phòng có ít nhân chứng hơn, nếu anh rể cái thằng vô duyên đó không phải là người trả tiền cho hai phần ba số banner quảng cáo trên trang chủ của Quan Sát, Đăng dám chắc mình đã vặn cổ nó rồi. Bấy lâu nay, dù khác biệt cả về công việc, tuổi tác lẫn ngoại hình, anh vẫn thường đàn đúm với Đức, phần vì vài sở thích chung, phần vì mến cái tính cởi mở nhanh nhảu của nó. Giờ anh thì ngồi đây, nghĩ về người mà mình đã mời ăn trưa – dù là mời theo một cách không bình thường cho lắm, chẳng biết cô sẽ đánh giá tư cách con người anh ra sao, chẳng biết bản thân mình sẽ giải quyết hậu quả của sự cởi mở nhanh nhảu trời đánh kia thế nào.
Trong lúc đó, người được Đăng mời ăn trưa đang đứng trước bồn rửa bát. Cô chà kỹ từng cái bát nhưng không nhìn vào chúng, cũng không để ý rằng miếng mút rửa bát chưa có tí Sun Light/Mỹ Hảo đậm đặc nào.
Ai hơi đâu mà bận tâm đến cái thứ nước tạo bọt nhơn nhớt nồng nặc hương chanh hoá học không có tác dụng làm sạch dầu mỡ cũng biết khử sạch mùi tanh ấy chứ! Quỳnh còn đang mải nghĩ đến vài thứ khác. Một người vừa trải qua ngày đi làm đầu tiên không bình thường như cô có nhiều chuyện quan trọng hơn, hay ít ra cũng là đáng phải suy nghĩ hơn chuyện làm sao để thủ tiêu mọi dấu tích của bữa cơm cá đang bám trên bát đĩa.
Chuyện quan trọng thứ nhất, cô đã hoàn thành tốt công việc được giao và thực sự thấy không hề ghét nó. Cô hứng thú với những chức năng chỉ xuất hiện phía sau trang báo mà mọi người vẫn đọc. Cô hứng thú với cái cảm giác hồi hộp kinh khủng khi vừa dịch như ma đuổi vừa nhìn đồng hồ và cả cảm giác hồi hộp vừa phải khi theo dõi lượt đọc của bài mình tăng dần. Cô biết mình sẽ hứng thú với cả những lời thúc giục, cảnh báo, nhắc nhở đúng nơi đúng lúc đúng mức độ, tóm lại là hết sức tinh tường và duyên dáng, của người đứng đầu nhóm, nếu như anh ta không phải nguyên nhân của chuyện quan trọng thứ hai mà cô nghĩ đến lúc này. Đó là làm sao nhanh chóng tìm được một công việc mới.
Khi quyết định đến thử việc, Quỳnh tưởng rằng cô chỉ cần thu mình lại, không nghe, không thấy, không để ý…, cần mẫn tập trung hoàn thành những gì được giao, là có thể bình an vô sự sống sót qua tám tuần làm nhân viên trực tiếp dưới quyền Đăng. Nhưng trên thực tế, mọi thứ khó khăn hơn cô nghĩ. Chiều nay, khi đứng chung với cả phòng trong thang máy, cúi mặt quan sát sự im lặng ngột ngạt dội lại từ bốn bề vách thép lạnh lẽo, cô nhận ra mình sẽ phải đối phó với cả một tập thể gồm gần chục người xa lạ, chứ không phải với một người mà cô ít nhiều đã quen. Ngay cả cái người mà cô tưởng rằng mình biết ấy cũng đã khác lắm rồi.
Không còn vẻ bề ngoài nghiêm chỉnh và cách cư xử cứng nhắc gấp đôi mức cần thiết của một giảng viên tương lai, không còn thái độ tự cố tỏ ra tin của một anh chàng có đường học hành quá thuận lợi nhưng vẫn ít kinh nghiệm thực tế, Đăng giờ đây thoải mái hơn, hoạt bát hơn, đồng thời cũng chững chạc, hay có thể gọi là… đàn ông hơn. Nhớ lại cảnh anh ta sải những bước dài dọc hành lang hút theo bao nhiêu ánh mắt có sự hỗ trợ của mascara, chì kẻ và phấn đủ màu, Quỳnh chỉ biết thở dài, cô không thể không thừa nhận rằng tim mình đập mạnh trước Đăng của hôm nay hơn là Đăng của bốn năm về trước.
- Này, em thở dài gì nghe như lên cơn hen thế? – Đức ngó vào phòng Quỳnh. Bây giờ là đầu giờ nghỉ trưa của một ngày trong tuần làm việc thứ hai của cô – Chưa đi ăn à?
Quỳnh ngẩng lên, nhìn quanh. Tất cả đã đi khỏi, chỉ còn cô và Cúc Anh ngồi lại sửa cho xong mấy bài sáng nay dịch chưa đạt yêu cầu (yêu cầu của người mà ai cũng biết là ai đấy, dĩ nhiên).
- Hôm nay không hiểu Google bị làm sao, em tìm cái gì nó cũng báo lỗi, bắt nhập mấy chữ xác nhận. Gặp mấy từ khó tra mãi không xong.
- Em thử dùng Bing xem.
- Bing là cái gì ạ?
- À, bing.com ý. Cái này của Microsoft mới ra để đấu với Google.
- Thế ạ, để em thử…
Quỳnh mỉm cười. Những cuộc trò chuyện ngắn ngủi với những người không cùng phòng như Đức có lẽ vẫn là điểm sáng hiếm hoi trong những ngày làm việc càng lúc càng mệt mỏi của cô. Tuần trước, để trả công vụ sửa máy tính, cô đã mời Đức đi ăn bánh đa cua. Có lẽ hôm nay, anh chàng muốn đáp lễ. Tì tay lên thành cabin, liếc về phía Cúc Anh một cái rồi, Đức hạ giọng:
- Em thích món Nhật không?
- Tôi mới ăn có một lần, chả ngon gì cả – bất chấp nỗ lực nói thầm của Đức, Cúc Anh đã nghe thấy và nhảy xổ vào câu chuyện.
- Bà ăn ở đâu?
- Ở lễ hội hoa anh đào ấy.
- À, chỗ đấy, thế bà ăn cái gì?
- Sushi chứ còn cái gì. Tôi thấy ăn như dở hơi, thua xa xôi Nguyễn Hữu Huân.
Nghe đến đó, Đức vội quay đầu về phía cửa để giấu nét mặt khó tả, tổng hợp giữa hai cảm xúc buồn cười và chán nản nhưng phần buồn cười vượt trội hơn. Quỳnh ngẩng lên thấy được, vội vàng đứng dậy xua anh chàng ra cửa, vừa đi vừa nói với Cúc Anh:
- Em chưa ăn bao giờ, để thử một lần cho biết.
- Ừ, còn tớ còn cậu, cơm lam có khi còn ngon hơn…
Trong lúc cô gái vốn được mấy tay IT ví là “loa kêu trước, chip lả lướt chạy sau” vẫn đang tuôn một tràng tự thán phục về độ sành ăn của bản thân, hai người kia đã đi nhanh ra khỏi phòng. Khi cửa thang máy vừa đóng, Đức lập tức ngửa cổ giải phóng một tràng cười há há.
- Ôi giời ơi, tôi chết mất thôi! Ối giời ơi, sushi, sushi, sushi…
Nụ cười là thứ dễ lây nhất trên đời. Dù chưa thật hiểu tại sao Đức cười đến độ vấp đĩa toàn những sushi là sushi thế, Quỳnh vẫn không thể ngăn mình bắt chước anh chàng. Đúng lúc cơn cười xô Quỳnh gần như chúi về phía Đức, thang máy dừng ở tầng bốn, cửa xịch mở, Đăng lững thững bước vào.
Nhà hàng Nhật nhỏ trang nhã này chỉ cách văn phòng một cú vọt ga xe máy. Những người đã lên chức vụ quản lý trong toà soạn thường coi nó là một nơi trú ẩn an toàn, vì sẽ không nhân viên bậc thấp nào đủ khả năng vào đây thường xuyên để rồi bắt gặp những cảnh ăn uống nhồm nhoàm chẳng mấy đẹp mắt, nghe được những lời trò chuyện bình phẩm chẳng mấy lọt tai của họ. Nhưng ở Quan Sát, có hai người đứng ngoài quy luật ấy: Đức – người chỉ là nhân viên bình thường nhưng lại thừa điều kiện làm khách ở bất cứ chốn tiện nghi sang trọng nào, và Đăng, người đứng trong “tầng lớp cai trị” nhưng chưa bao giờ gật đầu trước bất cứ lời gợi ý hay mời mọc “đi ăn đồ Nhật” của bất cứ ai chứ đừng nói là tự động bước vào.
Quả thật, Đăng không thích ăn trưa ở nhà hàng Nhật, ăn tối cũng không. Suốt hai năm theo dõi những dự án hỗ trợ xoá đói giảm nghèo và phòng chống thiên tai, anh phải đi và chứng kiến cảnh đời cơ cực của quá nhiều người, ở quá nhiều nơi. Việc ăn một bữa cá sống bằng với thu nhập cả tháng của một gia đình nông dân vùng sâu vùng xa khiến anh cảm thấy không thoải mái. Vậy mà trưa nay, người dị ứng với nori và wasabi, người ghét cay ghét đắng rượu sake, người luôn cho rằng chữ s trong từ sashimi lẽ ra phải viết là x mới đúng với nghĩa xa xỉ… đã từ bỏ nguyên tắc của mình để ngồi trong nhà hàng Nhật, trước một đĩa bò Kobe sốt tiêu đen to đùng ngã ngửa. Không những vậy, người đang chia sẻ không gian bên trong lớp cửa giấy shoji và sẽ chia sẻ đĩa thịt hạng A5 với anh lại là một nhân viên nữ còn chưa được ký hợp đồng chính thức.
Quỳnh nhằn nhằn món edamame, tập trung tìm kiếm những hạt muối li ti bám vào lớp lông tơ trên vỏ quả đậu tương. Cô biết hành động này là vô bổ, hạt đậu không làm dịu cơn đói, vị mặn không có lợi cho cái lưỡi đang bị mấy nốt nhiệt của cô, nhưng trong hoàn cảnh khó xử này, cô chỉ còn biết bấu víu vào mấy quả đậu xanh lét và chờ đợi từng phút của cái cực hình mang tên “bữa trưa kiểu Nhật” trôi qua. Đưa mắt khắp gian phòng, Quỳnh than thầm trong bụng. Phòng dành cho nhóm nhỏ nên hầu như chẳng bày biện gì, lại hẹp đến nỗi nếu không thích đối mặt với người ngồi ăn cùng thì chỉ có cách hất cằm nhìn lên trần hoặc chui hẳn xuống gầm bàn. Thế nên dù muốn và cố tránh đến đâu, rồi cô cũng phải nhìn thẳng vào anh ta thôi.
Vừa nãy, ở thang máy, anh ta đã khiến Đức suýt nữa đập đầu vào bảng điều khiển vì ngạc nhiên khi đáp lại lời mời có phần xã giao, nếu không muốn nói là đãi bôi hay rơi vãi, mà Đức buột miệng nói ra thay cho câu chào. Anh ta nhận lời, rồi biến bữa ăn trưa đáng lẽ rất thoải mái vui vẻ giữa hai người vô tư thành một buổi họp nặng nề của tổ tam tam kỳ quái. Vẫn như mọi khi, Quỳnh thấy anh ta không biểu lộ cảm xúc gì, chỉ im im quan sát mọi người xung quanh – bao gồm cả cô – bằng cặp mắt mí rưỡi khá… lờ đờ, lạnh nhạt. Nhưng chuyến đi tình nguyện bốn năm trước và mươi ngày đi làm vừa qua đã dạy cho cô biết, chớ nên tưởng lầm vẻ thờ ơ này. Đăng có thể tỏ ra dửng dưng, nhưng không bỏ qua điều gì.
- Ăn đi em ơi – Đức lôi Quỳnh về thực tại bằng một cú huých khuỷu tay nhè nhẹ, anh chàng liếc sang Đăng, cười toe toét – Đừng ngại anh ý, trông thế thôi chứ anh ho một cái là xanh mặt.
Đăng rời mắt khỏi người mang giới tính nữ duy nhất trong phòng để nhìn xuống bàn ăn. Dù câu đùa của Đức hơi huênh hoang và chả có gì buồn cười, anh vẫn thầm cảm ơn cậu ta. Nếu cậu ta không lên tiếng, có lẽ anh sẽ tiếp tục tra tấn bản thân bằng việc nhìn đăm đăm vào đôi môi đang ngậm edamame của Quỳnh và tự hỏi… Trời ạ, anh đang nghĩ đi đâu thế này không biết!
- Gọi gì uống chưa Đức? – Cuối cùng thì Đăng cũng tìm được một chủ đề vô thưởng vô phạt để chứng tỏ rằng mình đang quan tâm đến bữa ăn chứ không phải cái gì khác.
- Anh uống sake không? Em còn một chai ở đây thì phải.
- Thôi, gọi nước đi, chiều còn làm việc.
- Nhạt thếch thế lo gì say. Mà anh cũng có bị đỏ mặt đâu… Uống đi, giải tán hộ em chai này, sắp hết hạn giữ rượu rồi.
Phải hôm khác, nhất định Đăng sẽ bợp gáy rồi nạt thằng ôn Đức một trận cho nó bớt lăng xăng vênh vang trước mặt gái...