Để hôn em lần nữa

Posted at 27/09/2015

361 Views

Em cầm về đi!

Cô ngập ngừng thêm chốc lát rồi gật đầu, vươn tay cầm lấy đôi dép trong tay anh. Đầu ngón tay người này khẽ quệt qua mu bàn tay của người kia, nhẹ và nhanh hơn cả một que diêm quệt vào cạnh hộp. Không có tia lửa nào loé ra nhưng gò má Quỳnh nóng bừng lên như vừa đi nắng còn Đăng thì thấy nhiệt độ cơ thể mình lại cao hơn một chút. Anh quay đầu ho mấy tiếng. Tiếng ho nằng nặng khiến Quỳnh thoáng nhíu mày, cô chỉ về phía bàn:

- Loại sirô ho kia tốt lắm, anh uống luôn đi ạ.

Đăng chỉ khẽ gật đầu, chân không hề nhúc nhích.

- Nếu cần uống kháng sinh, anh đi khám để bác sĩ kê đơn cho an toàn.

Đăng ậm ừ, vẫn đứng yên tại chỗ.

- Thuốc giảm đau hạ sốt kia ảnh hưởng đến dạ dày. Anh ăn hết bánh xong rồi hãy uống thuốc. Bánh chắc là không ngon lắm…

Người được căn dặn lại gật đầu, vẫn không rời mắt khỏi gương mặt đỏ ửng của cô. Quỳnh tránh ánh mắt anh, lí nhí thanh minh:

- Xin lỗi anh, nhà em có nhiều người làm nghề y dược nên em hơi… phiền phức.

Đăng bật cười, lắc đầu, đột nhiên đẩy về phía cô một câu hỏi, không hề liên quan đến dược phẩm hay thực phẩm:

- Chiều Chủ nhật tuần này em rỗi không?

Chắc hẳn Quỳnh vẫn còn tự hỏi Đăng có ý gì khi quan tâm đến việc chiều Chủ nhật tuần này cô rỗi hay bận nếu như vào sáng thứ Bảy, cô không nghe thấy mọi người trong phòng í ới hỏi nhau xem tiền lương đã về tài khoản hay chưa. Là nhân viên thử việc, cô chưa được trả lương qua tài khoản ATM mà phải lên phòng kế toán lĩnh tiền mặt. Cầm chiếc phong bì không dày không mỏng trong tay, cô để mặc cho những ý nghĩ lan man kéo mình đi.

Vào cuối giờ chiều của ngày đầu tuần mưa gió ấy, cô đã trả lời câu hỏi đột ngột và hoàn toàn không ở trong phạm vi công việc của Đăng bằng một cái lắc đầu chớp nhoáng rồi vội vã ra về. Thậm chí, vì không dám quay lại nhìn anh thêm chút nào, cô cũng chẳng rõ anh có nhận được tín hiệu từ chối của cô hay không nữa. Hôm sau, anh nghỉ làm, cô biết tại sao và muốn nhắn tin hay gửi mail hỏi thăm nhưng rồi lại không dám. Hôm sau nữa, anh đi làm và từ đó không hề gặp riêng hay nói chuyện riêng với cô lần nào. Tất cả những gì được trao đổi giữa hai người chỉ là mấy câu chào hỏi, vài lưu ý về công việc và một đống file chứa cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.

Mấy lần, trong lúc đợi cơm trưa hay dừng trước đèn đỏ, Quỳnh nhận thấy mình đang nghĩ về Đăng và về câu hỏi không chút “chí công vô tư” kia. Cô tự hỏi, phỏng đoán, có lúc còn thử đặt vấn đề xem nếu lúc đó cô mà liều lĩnh gật đầu thì mọi chuyện sẽ diễn biến ra sao… Tất nhiên, mọi suy luận đều chẳng đi đến đâu và Quỳnh vẫn luôn tạm biệt chúng rồi nhanh chóng kéo bản thân trở về mặt đất bằng cách tự nhủ rằng chắc người kia hôm đó bị sốt nên có phần mê sảng!

Nhưng hôm nay, sau khi ra khỏi phòng kế toán với tháng lương đầu tiên trong tay, cô không thể không ngoắc mấy sự kiện lại với nhau và tự vỗ vào trán mình mấy cái. Tại sao cô lại chậm hiểu và nhanh quên đến thế cơ chứ?! Cô còn cầm một triệu của Đăng và đã cam kết sẽ trả ngay sau khi lĩnh lương. Anh dĩ nhiên biết rõ ngày nào là thuận tiện nhất cho việc thanh toán nợ nần và chỉ tạo cơ hội cho cô không phải lấm lét đem phong bì tiền đặt ở bàn làm việc của anh thôi mà! Đành rằng câu hỏi của anh chẳng liên quan đến công việc, lại hơi (nói cách khác là vô cùng) đột ngột, nhưng dù sao cô cũng nên tiếp nhận rồi trả lời nó một cách tích cực, hoặc ít ra là nghiêm túc hơn một chút.

- À lố!

Giọng nói vui vẻ quen thuộc vang lên sau lưng khiến Quỳnh nhanh chóng gạt hỗn hợp giữa suy luận, tưởng tượng và tự trách kia sang một bên. Cô quay lại, nghênh đón ánh mắt quan tâm và nụ cười được nha sĩ khuyên dùng của Đức. Anh đang cầm một đống đĩa phần mềm, có lẽ là đi cài lại máy cho phòng nào.

- Sao anh gọi mấy lần không thưa thế? Bị sốc vì lương cao quá à?

- Em chỉ đang nghĩ xem có những khoản nào cần tiêu… – Quỳnh thoáng ngập ngừng, dù sao những lời này cũng không tính là nói dối. Chắc chắn cô sẽ phải tiêu ngay một khoản không nhỏ – Anh làm gì với tháng lương đầu tiên?

- Anh mời cả nhà đi ăn ở khách sạn.

- Ồ…

Trước vẻ thán phục của Quỳnh, Đức cười hơ hơ:

- Cả nhà ở đây là anh và ông già, không tính nhà bà chị.

Quỳnh mỉm cười, không bình luận. Đôi khi, cô thoáng thấy một chút buồn hay tủi thân trong nét cười tưởng chừng rất vô lo của Đức. Mẹ Đức mất cách đây gần hai mươi năm, chị gái thì đã đi lấy chồng, gia đình dù đủ ăn đủ tiêu nhưng thiếu bàn tay chăm chút của người phụ nữ chắc cũng không tránh khỏi cảm giác khô khan, chông chênh.

- Này, chiều mai em rỗi không? – Đức chợt hỏi một câu rất quen.

- Em… không rõ – Quỳnh quyết định trả lời nước đôi. Trong vòng vài ngày, cô đã nghe câu hỏi kiểu này hai lần nên ít nhiều cũng biết cách chừa đường rút lui – Em có việc nhưng chưa biết thời gian cụ thể.

- À, cũng không có việc gì đâu, anh định rủ em qua công viên Thống Nhất chơi, tầm bốn rưỡi anh cho Pizza ra đấy tập thể dục giảm cân.

- Vâng – Nghe đến tên con chó cưng của Đức, Quỳnh thấy mình bớt hẳn vẻ e dè – Để tí nữa em hỏi lại giờ rồi nhắn tin cho anh nhé.

Đức gật đầu, nhoáng cái đã biến mất phía sau một chỗ ngoặt. Quỳnh đứng nhìn hành lang trống trơn, chợt thấy đầu óc nhẹ tênh. Trước mặt Đức, cô luôn cảm thấy thật tự nhiên và dễ chịu, cảm giác gần giống như khi được xỏ chân vào một đôi dép tổ ong cũ vừa đủ rộng. Trời đất ạ, tại sao tự nhiên cô lại nghĩ về đôi dép tổ ong cơ chứ? Quỳnh lắc lắc đầu, cố bới ra một thứ gì khác để lấp lên hình ảnh hai bàn tay khẽ quệt vào nhau khi đưa và nhận đôi dép… Phải rồi, cô còn một bài cần dịch.

Trở lại góc làm việc quen thuộc, vừa khởi động máy, chưa kịp mở bài cần dịch, Quỳnh đã suýt đứng tim vì một bất ngờ nhảy xổ ra trên Yahoo Messenger: Đăng gửi yêu cầu kết nối với cô. Trong chốc lát, Quỳnh đờ ra trước màn hình, gáy và lưng nóng rực, đầu ong ong như có vài chiếc máy sấy tóc đang hoạt động hết công suất ngay đằng sau. Vừa rồi, khi bước vào phòng, dù đã tránh nhìn về phía bàn trưởng nhóm, cô vẫn biết anh không rời mắt khỏi một cử động nhỏ nào của mình. Lúc đó, cô chỉ hơi chột dạ, nghĩ mình rơi vào tầm ngắm vì đi lĩnh lương về muộn. Nhưng sự thật không đơn giản như vậy. Quỳnh ngây ngốc nhìn tin nhắn gửi kèm yêu cầu kết nối của anh. Chỉ một câu tiếng Anh “I’m Dang” vô cùng cơ bản, sao cô dịch mãi không xuôi?

Đăng gần như nín thở chờ đợi phản ứng vô cùng chậm chạp của người mang nickname vừa ngộ nghĩnh vừa ngọt ngào mà anh vừa gửi yêu cầu kết nối. Cô ngồi bất động, mắt dán vào màn hình, tay nắm khư khư con chuột, thế nhưng chương trình trên máy anh vẫn chưa báo phía bên kia đã accept hay deny. Lâu lắm rồi anh không có cảm giác này, hồi hộp gõ nickname, đắn đo mãi mới viết được một lời tự giới thiệu vừa ý (“I’m Dang”, có cần phải ngắn và ngố như thế không?), bấm nút gửi yêu cầu kết nối mà tay còn hơi run run, cứ như cậu nhóc lần đầu lập nick chat. Tất cả chỉ vì anh không biết làm cách nào để nói chuyện riêng với cô mà không khiến cả hai ngượng nghịu.

Đầu tiên, anh định gửi tin nhắn, nhưng chưa kịp làm thì điện thoại của anh đã bị móc mất trong lúc đứng chờ lấy số ở phòng khám. Quỳnh dùng sim khuyến mại, số điện thoại vừa dài vừa trúc trắc, anh nghĩ nát óc cũng chỉ nhớ ra bốn số cuối. Mấy hôm sau, anh mất giọng, khào khào như con mèo hen, lại bận như điên do phải theo dõi tin tức của mấy sự kiện quốc tế lớn diễn ra cùng lúc nên cũng không có cơ hội thông báo về chuyện mất điện thoại và hỏi xin lại số của bất cứ ai trong phòng. Đến tận hôm nay, khi ngày thứ Bảy đã trôi qua được một nửa, anh mới tạm ngơi khỏi công việc để nhớ ra là cô đã từng đọc cho anh địa chỉ mail Yahoo.

Cuối cùng thì thông báo kết nối đáp lễ từ nick kemocque2006 cũng hiện ra màn hình của Đăng. Anh không do dự bấm nút Ok và mở cửa sổ chat. Nhưng anh đã chậm một bước, Quỳnh mới là chủ nhân của dòng đầu tiên hiện ra trên cửa sổ.

- Mấy hôm nay anh thấy khoẻ hơn chưa ạ?

- Cảm ơn em, đỡ hơn nhiều rồi. Thuốc em mua tốt lắm. Tôi mới uống đến 1/3 chai đã dứt hẳn ho. – Anh quyết định trò chuyện vòng vo để pha loãng sự ngượng nghịu của bản thân.

- Vâng. Loại đó là đông dược, hơi khó uống nhưng hiệu quả hơn sirô ngoại.

- Hình như cũng dễ mua đúng không?

- Dễ lắm ạ, hầu như hiệu thuốc nào cũng có. Loại đấy thực ra có cả thuốc viên nhưng dạng sirô phổ biến hơn vì dùng được cho trẻ con.

- À, ra thế – Đăng muốn đập đầu vào màn hình vì dòng đáp của mình thật vô duyên, nhạt nhẽo. Anh gấp rút bổ sung một câu – Em có vẻ rất tâm đắc với chuyện chữa bệnh, sao không theo truyền thống gia đình?

- Em học không vững hai môn sinh, hoá, cố lắm cũng chỉ được 7 đến 7,5 điểm là căng, mà điểm chuẩn của trường Y và Dược Hà Nội năm nào cũng xấp xỉ 25, 26 nên em không dám thi ạ.

- Dược thì tôi không rõ chứ Y thì có nhiều trường, ngay Y Hà Nội cũng có mấy ngành lấy điểm không đánh đố quá mà.

Cô trả lời anh bằng một biểu tượng mặt cười nhạt nhẽo – .

- Em hơi run vì áp lực ở nhà, thấy tiếng Anh của mình cũng tạm ổn chuyển sang khối D cho an toàn ạ.

- Tôi hiểu. – Đăng cũng đáp lại cô bằng biểu tượng mỉm cười, dù nó hoàn toàn không diễn tả được sự cảm thông và an ủi mà anh muốn biểu đạt. Thời sinh viên đi trông thi đại học, anh đã chứng kiến cảnh nhiều vị phụ huynh thúc giục, ép buộc con cái về chuyện phải thi khối nọ khối kia, đỗ vào trường này trường khác để làm rạng danh dòng họ. Có lẽ gia đình Quỳnh cũng chất lên vai cô những gánh nặng gần giống vậy… Anh gõ thêm một câu động viên nhưng cũng rất thật lòng – Anyway, tin bài y dược em dịch rất hay, cứ chủ động tìm bài đưa lên nhé.

- Vâng, nhưng pageviews thì sao ạ?

- Mấy mục này chỉ lo thiếu bài chất lượng chứ không lo thiếu pageviews. Cần thiết thì thay title thay ảnh một chút là được. Em có thể vào Dân Trí hay Ngôi Sao đọc thử mấy bài tương tự để biết cách treo đầu dê – Anh đưa kèm biểu tượng nháy mắt.

- Em vào ngay đây ạ. – Cô mạnh dạn dùng biểu tượng cười nhe răng, .

- À, về chuyện hôm trước, chuyện tôi hỏi em Chủ nhật có rỗi không ấy mà.

- Vâng?

- Xin lỗi, tôi hỏi đường đột quá, làm phiền em rồi.

- ….

- Tôi muốn mời em đi xem phim – Đăng gõ nhanh khi chương trình báo bên kia vẫn đang “typing a message”, có lẽ cô còn bận biên tập câu chữ để vừa công nhận là hôm đó anh đã làm phiền cô vừa không làm mất mặt anh – Chiều mai ở CLB Điện ảnh có một phim tài liệu về Việt Nam, đạo diễn người Mỹ sang đây giao lưu.

Buổi chiếu phim tài liệu và giao lưu với đạo diễn kéo dài đúng một tiếng rưỡi. Bộ phim có lời bình chậm rãi dễ nghe, chủ đề về cuộc sống Việt Nam sau Đổi mới nên cũng gần gũi và không có gì khó hiểu. Phòng chiếu không kín chỗ nhưng cũng khá đông, khán giả đa số là người nước ngoài hoặc người Việt Nam công tác tại các cơ quan nước ngoài nên hầu như không ai cần đến tai nghe khi xem phim. Trong phần giao lưu sau đó, vai trò của phiên dịch cũng vô cùng mờ nhạt. Vị đạo diễn nổi tiếng từng được đề cử giải Oscar cho phim tài liệu đang thu hút mọi ánh mắt bằng thân hình cao lớn, điệu bộ sinh động và cách nói chuyện hài hước của mình. Hình như chỉ có một khán giả nữ trẻ tuổi, có lẽ thuộc thế hệ người Việt sinh ra sau Đổi mới, còn thỉnh thoảng cưỡng lại được sức quyến rũ của ông để chú ý đến người phiên dịch đứng bên cạnh.

Đôi lúc, giữa những khoảng lặng khi micro chưa được chuyển cho khán giả có câu hỏi, cô lặng lẽ chuyển hướng nhìn, kín đáo quan sát anh. Hôm nay, Đăng mặc một chiếc quần âu màu đen cắt vừa người và áo sơ mi body màu hồng nhạt, khác hẳn loại quần âu và sơ mi rộng thùng thình cả kiểu dáng lẫn màu sắc đều cổ lỗ mà anh hay mặc tới văn phòng, tay áo xắn lên để lộ cánh tay khá trắng nhưng nhìn qua vẫn biết là thường xuyên luyện tập. Anh đứng hơi lui xuống phía sau, trầm lặng nhưng vẫn phản ứng rất nhanh nhạy trong các tình huống cần thiết, ngay cả chất giọng vẫn còn khàn khàn sau cơn viêm thanh quản cũng mang vẻ… gợi cảm đặc biệt, cô lấy làm lạ là tại sao mọi người cứ dán mắt vào ông đạo diễn và bắt đầu tự hỏi, có thật anh mời cô đến đây chỉ vì muốn tặng cho cô một cơ hội thực hành tiếng hay không…

Buổi giao lưu kết thúc lúc ba rưỡi chiều, vẫn hơi sớm để chạy qua công viên gặp Đức, Quỳnh nán lại ở quán cà phê trong sân câu lạc bộ điện ảnh. Vừa nãy, Đăng chỉ kịp nói qua loa vài câu với cô rồi phải đi theo ông đạo diễn, hình như ông phải dự một chương trình đột xuất ở một địa điểm khác. Cô không đợi ai cả, chỉ đơn giản là có cảm tình với bộ bàn ghế mộc mạc nằm dưới giàn cây leo và muốn ngồi uống gì đó, nghĩ ngợi vẩn vơ.

Đã sang tháng Tám, trời vẫn nóng nhưng nắng không còn chói chang nữa, những đốm nắng lọt qua lớp lá có răng cưa của cây leo, vẽ trên mặt bàn những đốm nắng lung linh. Quỳnh mở túi lấy cuốn sách mới mua, từ tốn giở từng trang. Cô đọc không nhiều lắm, chủ yếu chỉ đọc tiểu thuyết tình cảm nhẹ nhàng. Bên cạnh thần tượng Marc Levy, cô còn thích truyện của mấy tác giả văn học mạng Trung Quốc như Cố Mạn hay Tình Không Lam Hề...

XtGem Forum catalog