Old school Swatch Watches

Tháng ngày ngất ngưởng

Posted at 27/09/2015

323 Views

Mà cũng may, nhờ thói hâm dở của nó nên giờ chúng tôi mới có thứ để trưng dụng chứ, tôi vặn loa cỡ max , Sâm Cầm lao ra mở toang cửa phòng. Xong ! Cuộc chiến Music bắt đầu ! . Một bên là “ Lên nóc nhà… bắt con gà”, một bên thì nhạc Dance đập bùm bụp, xem bên nào thắng, đương nhiên là chúng tôi thắng rồi. Cả hai đắc ý đập tay vào nhau, quả này thì chú mày chết với hai chị nhé.

Hai con giời vui sướng điên cuồng, nắm tay nhau nhảy nhót khắp phòng. Đột nhiên ông Châu Chấu lao vào , khua chân múa tay với chúng tôi. Chà, ông Châu Chấu già rồi mà còn “ xì – tin” ghê chưa, thấy người ta mở nhạc sàn cũng xí xớn lao vào nhảy. Tôi chìa ngón tay cái ra, tỏ ý rằng ông đúng là “ năm bờ oăn” . Ông Châu Chấu xua xua tay, nhảy choi choi lên, miệng mấp máy, tuyệt thật, lại còn hát theo nhạc cơ đấy, ông còn máu thế này thảo nào mà bà Vịt Bầu cứ ghen lồng ghen lộn lên thế chứ.

Ông Châu Chấu hò hét, xoay xoay một lúc rồi lao đến rút phựt cái phích điện ở loa, cả hai chúng tôi chưng hửng nhìn nhau. Ông Châu Chấu gào lên, chỉ tay ra phía sân “ Tao bảo bọn mày tắt khẩn cấp, mụ Vịt đang điên tiết trên gác kia kìa !”. Ờ nhỉ, mải trả thù mà quên béng mất nhân vật quan trọng, quả này bà Vịt Bầu mà xuống thì hai đứa chỉ có nước cuốn gói ra khỏi phòng chứ chẳng chơi đâu. Ông Châu Chấu rướn cổ, nói vọng sang phòng bên kia “ Phong ! Tắt nhạc đi, cô mày xuống giờ đấy!” . Bên kia tường có tiếng vọng lại của Ria Mép “ Cháu tắt từ đời tám hoánh nào rồi, chú bảo hai cái cô dở hơi kia tắt loa rè đi cái” . Vẫn giọng ngông cuồng đó, điên không tả nổi, lần này thì không chờ Sâm Cầm lên tiếng, tôi đã lấy hết sức hét lên “ Anh bị điếc à ? Nhạc đâu nữa mà tắt !” – “ Các cô mới điếc ấy, chỉ có điếc mới mở nhạc to quá cỡ để nghe thôi” – “ Anh là người khơi mào trước mà, đồ…kh..ù..ng !”. Tôi hét đến rách cả cổ họng vì hắn, Sâm Cầm và ông Châu Chấu ngơ ngác nhìn tôi, chắc là họ chưa bao giờ thấy tôi tức giận như vậy. Tôi còn tự choáng với bản thân mình kia mà !
Chả kịp choáng được lâu, tiếng thét vang dội của bà Vịt Bầu đã khiến màng nhĩ chúng tôi như bị thủng hàng trăm lỗ, bà xuất hiện lừng lững và oai vệ như thường lệ. Không để ai nói câu gì, bà mắng nhiếc, chỉnh đốn, phê bình rồi dọa nạt đủ kiểu về việc gây nên sự ồn ào khủng khiếp của chúng tôi. Hai con giời chỉ biết câm nín nghe bà nói và chẳng ai bảo ai, cả hai đứa đều cố “nặn” ra bộ mặt thiểu não nhất có thể. Chắc vì chúng tôi diễn quá đạt nên giọng của bà Vịt Bầu trở nên dịu dần đi, ôi thật là may mắn.

Nhưng, tôi nhầm, bà dịu giọng dần chẳng qua là để lấy sức hét cho to hơn mà thôi. Bà hít một hơi thật sâu rồi gào lên mắng hai con nặc nô, suốt ngày gây chuyện, vụ tối qua còn chưa xử đã tòi thêm vụ mới rồi. Thôi, xong, lần này xác định cuốn gói tìm phòng trọ mới luôn cho nó nhanh, bà Vịt đã nổi giận thì khó lòng hạ hỏa lắm. Chúng tôi nhìn sang ông Châu Chấu cầu cứu, nhưng ông lắc lắc đầu nép sát vào tường, ôi, uy danh của ông chả là cái cóc khô gì so với tiếng thét kinh hồn bạt vía của bà Vịt Bầu cả. Rầu hết cả lòng !

Đương lúc bà Vịt hừng hực phô trương thanh thế thì Tên Ria Mép xuất hiện, hắn cười giả lả rồi vỗ vai bà Vịt Bầu, giọng nhẹ như gió thoảng “ Cô ơi, cô nói nhỏ thôi kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe”. Ngay lập tức, bà Vịt Bầu xoay người nhìn hắn âu yếm “ Ôi cháu tôi, chỉ có cháu mới thương cô nhất thôi” . Hắn liếc nhìn chúng tôi vẻ kênh kiệu, tay vẫn vỗ về vai bà Vịt “ Tất nhiên rồi, cháu không thương cô thì thương ai chứ, cô tâm lý nhất nhà mà” . Ọe ! nghe những lời ngọt nhạt đó mà tôi nổi hết cả da gà da vịt, sao trên đời lại có thằng đàn ông thảo mai đến nhường kia nhỉ ? . Vịt Bầu nắm tay Ria Mép, mặt hớn như hoa hồng nở, “ Cháu chưa ăn sáng đúng không ? Lên nhà cô làm đồ ăn sáng cho nhé, ăn nhiều vào để còn có vẻ đẹp hoàn hảo giống cô chứ !”. Ặc ! Ai cho tôi ít nước súc miệng, thật là lợm giọng với kiểu nói năng sến súa giả tạo ấy ! . Sâm Cầm dường như cũng không chịu nổi, nó liếc qua tôi rồi lẩm bẩm “ Đồ dẻo mỏ, gian xảo kinh người”. Thằng cha Ria Mép không thèm để ý đến thái độ của hai chúng tôi, hắn quay lại lè lưỡi ra chọc tức hai đứa rồi ôm vai bà Vịt Bầu đi mất. Ông Châu Chấu cũng cun cút đi theo, vẫn không quên dặn dò chúng tôi “ Thằng này là cháu cưng của bà ấy đấy, đừng động vào nó”. Haiz, thế thì chẳng có hi vọng gì để đuổi anh ta ra khỏi đây nữa , bình thường có tên nào mới đến, chỉ cần tôi và Sâm Cầm thấy ngứa mắt là ngay lập tức nhảy lên tỉ tê với bà chủ, y như rằng vài hôm thì cuốn gói, riêng trường hợp này quả thật phải bó tay rồi.

Sau mấy lần đụng độ nảy lửa vừa qua, Sâm Cầm đã hùng hồn tuyên bố rằng không phải tất cả đàn ông có ria mép đều quyến rũ như nhau, và tôi tán thưởng điều đó. Hai đứa tự lên dây cót cho nhau để chuẩn bị tinh thần sống chung với lũ, một cơn lũ quá gian manh và nguy hiểm. Nói chung, trong một vài trường hợp, khi biết đối thủ mạnh hơn mình, bạn nên học cách chấp nhận hơn là đối đầu, đó là cách tốt nhất để tránh thương tổn cho bản thân.

Buổi trưa hôm ấy, nắng và nóng kinh người, tôi cố lôi Sâm Cầm đến bệnh viện làm nốt thủ tục ra viện cho Ria Mép . Sâm Cầm mở cửa ra, thấy cái nóng hừng hực ngoài sân bê tông xộc lên mặt thì nó chui tọt vào phòng nhăn mặt lắc đầu từ chối. Thấy tôi vẫn cương quyết, nó giở bài cùn, rủ rê tôi “xù” luôn việc đóng viện phí , nó bảo đằng nào lão bác sĩ cũng có biết mày là ai đâu mà sợ mang tiếng. Nghe có vẻ có lý, nhưng tôi cảm giác thế nào ấy, người ta đã giúp mình, mà mình vô ơn thế thì há chẳng phải đê tiện quá sao? Dù mình chẳng quân tử hơn ai, nhưng nhất quyết không thể tự biến mình thành kẻ đê tiện và tiểu nhân được. Loay hoay một lúc, hai đứa lo sợ lương tâm cắn rứt nên đã lao đến bệnh viện bất chấp thời tiết như muốn thiêu cháy cả người. Suy cho cùng, chỉ có tôi mới chịu vào sinh ra tử với Sâm Cầm và chỉ có Sâm Cầm mới chịu lao ra nắng lửa mưa giông với tôi thôi.

Bệnh viện đông nghịt người, tôi ngơ ngác đứng trước cửa phòng bác sĩ, chả thấy bóng người nào. Tôi chợt nhớ tới tờ giấy bác sĩ đưa cho mình, vội vàng thò tay vào túi quần tìm. Nhưng than ôi, nó đâu còn ở đây nữa, lục hết túi trước sang túi sau, chẳng có dấu hiện gì cho sự tồn tại của nó. Rõ ràng tối qua tôi nhét vào túi sau, hôm qua về không kịp giặt, trưa nay vẫn mặc cái quần này để đi cơ mà. Rốt cuộc thì nó nằm đâu ? .
Sâm Cầm kéo tôi vào nhà vệ sinh, rũ đến nát cái quần của tôi ra để tìm nhưng đều vô ích. Ôi trời ! có khi tối qua mải lao vào can ngan Sâm Cầm và Ria Mép gây sự với nhau trên đường về nên tôi làm rơi tờ giấy ở đâu đó rồi. Chết tiệt thật, giờ biết tìm tay bác sĩ ấy ở đâu đây ? Phòng trực không có, số điện thoại bị mất, tên cũng chả biết tên gì luôn, thật là nan giải. Sâm Cầm thấy tôi mặt ngẩn ra thì hiến kế
“ Này, hay chúng ta về đi, đằng nào mình cũng không tìm được anh ta mà”
“ Không được, đã đến đây rồi thì cũng nên chịu khó tìm chứ, bỏ về thế này thì mình… xấu xa quá”
“ Có gì mà xấu, mình cũng có lòng đến đây rồi chứ có phải muồn có ý định chuồn đâu, thôi… về cho lành, ở đây đông đúc khó chịu”.
Dù Sâm Cầm nói thế nào, tôi vẫn nhất quyết không chịu về. Cuối cùng, cô nàng chấp nhận ở lại cùng tôi.
Chúng tôi xoay qua xoay lại hỏi mấy cô y tá tung tích của tay bác sĩ nọ, nhưng cô nào cũng vội vã, hoặc trả lời qua loa, hoặc trừng mắt quát nạt. Hai đứa vừa bực vừa nản đành kéo nhau ngồi xuống ghế chờ trước hành lang. Chờ chẳng được lâu, Sâm Cầm có điện thoại từ công ty, phải đi gấp, tôi chấp nhận ở lại đợi một mình, dù sao đã mất công đợi thì đợi luôn một thể. Dù thế nào, khi đã đi thì cũng nên đi đến cùng chứ nhỉ ? Tôi ghét làm mọi việc theo kiểu lưng chừng, vì thế, chả có gì đáng ngạc nhiên nếu tôi nhất định tìm bằng được tay bác sĩ kia cả.

Sâm Cầm đi rồi, tôi im lặng ngồi nhìn dòng người chạy đôn đáo dọc hành lang bệnh viện. Công nhận, có vào bệnh viện mới thấy sức khỏe quý giá đến mức nào, đi qua tôi là những khuôn mặt nhăn nhó vì đau, những khuôn mặt không giấu được sự lo lắng bất an, những khuôn mặt ướt nhòa nước mắt. Tôi luôn sợ bệnh viện, sợ mùi thuốc sát trùng ở đây và sợ cảm giác hối hả giành giật sự sống từng giây khi bước chân vào nơi này. Tất cả nó, đều khiến tôi nhớ đến giây phút cuối cùng của mẹ, những giây phút trái tim tôi bị bóp nghẹt và nỗi đau xâm chiếm cả cơ thể lẫn tâm hồn. Cảm giác đó, năm năm qua tôi chưa từng quên.

Cắt ngang dòng hồi ức của tôi là tiếng gào khóc của ai đó, một chiếc băng ca được đẩy ra từ phòng mổ, một người nằm trên đó được phủ khăn trắng , y tá vừa đẩy băng ca qua người tôi, sau lưng là một người đàn ông và hai đứa trẻ nức nở đi theo. Tôi đứng đờ người nhìn theo bóng họ khuất dần ở cuối hành lang, sự bàng hoàng, xót xa và sợ hãi đã khiến người tôi như đông cứng lại. Mất một lúc lâu sau tôi mới tự trấn tĩnh và ngồi xuống ghế chờ, cảm giác nặng nề, buồn đau này thật khó tả, tôi chớp mắt liên tục để ngăn nước mắt sắp tràn ra, nhưng dường như vô ích.

Cửa phòng mổ lại mở, tiếng kẹt cửa rất to, tôi định quay đi vì không muốn chứng kiến thêm một cảnh đau lòng nào nữa. Nhưng, giọng nói rất quen cất lên đã ngăn tôi lại, anh bác sĩ xoay người đấm tay vào tường miệng chửi thề “ Chết tiệt thật !” , một hai cô y tá nhìn anh ta một cách ái ngại rồi bước qua. Anh bác sĩ cởi áo blouse vò trong tay và nặng nề bước từng bước dọc hành lang. Tôi im lặng đi theo sau anh ta, không cất nổi lời nào, và cũng không hiểu mình đi theo để làm gì nữa, chỉ cảm thấy trong mỗi bước chân của mình có sự hồi hộp khó tả.
Cho đến khi anh ta đứng trước cửa nhà vệ sinh nam thì tôi mới hốt hoảng gọi to “ Anh gì ơi” . Anh bác sĩ quay lại, nhìn thấy tôi anh ta nhếch mép cười.
“ Cô cũng đến cơ à, tôi tưởng cô chuồn luôn rồi chứ”
“ Anh đánh giá thấp tôi rồi, tôi chờ anh từ trưa đến giờ đấy” .
“ Cô không biết gọi điện à ? À, mà cô có gọi thì tôi cũng không nghe được”
“ Tôi làm mất số của anh, sợ không gặp được anh nên phải ngồi chờ ”
Anh bác sĩ không nói gì, đẩy cửa phòng vệ sinh rồi đóng sập lại, tôi chỉ nghe tiếng anh ta vọng ra từ bên trong “ Đợi tôi một lát” . Ôi, kiếp trước tôi làm gì nên tội mà kiếp này tôi gặp toàn thể loại đàn ông kênh kiệu, vô duyên và gian xảo thế nhỉ ?
Tôi đứng mòn chân ngoài phòng vệ sinh, chả hiểu anh ta làm cái quái gì mà lâu đến thế. Vài người đàn ông đi qua nhìn tôi như người từ hành tinh khác đến, thật xấu hổ không biết để đâu cho hết. Biết số phận thê thảm thế này thì tôi chả thèm đến đây là gì, cứ chuồn luôn như Sâm Cầm nói có phải đỡ hơn không.

Bác sĩ bước ra vừa đi vừa gấp lại chiếc áo blouse lúc nãy, anh ta liếc sang tôi, giọng có vẻ bình tĩnh hơn lúc trước nhiều “ Cô không phải làm thủ tục gì đâu, tôi hoàn tất sáng nay rồi, anh ta nằm có hai tiếng rồi về, có thuốc thang gì đâu mà mất tiền” . Lòng tôi như mở cờ trong bụng, không mất tiền là sướng rồi, nhưng nếu thế thì anh ta bảo tôi đến đây làm gì nhỉ ? . Anh ta dường như đoán được ý của tôi liền nói “ Tôi thử cô thôi, ai ngờ cô đến thật, xem ra cô cũng thật thà phết” . Ôi, điên thế chứ lị, mình mất cả buổi chiều chỉ để làm trò thử của người khác sao, tôi chỉ nói “ Cảm ơn” rồi quay phắt đi, không nói thêm gì nữa. Anh ta cũng chả thèm đuổi theo hay nói gì, máu điên bốc lên não, chuyện này mà đến tai Sâm Cầm chắc nó cười tôi vỡ mặt chứ chẳng chơi đâu. Thật khốn khổ.
Ra đến sân bệnh viện mới nhớ mình làm gì có xe mà về, giờ mà gọi cho Sâm Cầm chắc nó không nghe máy đâu, nó mà làm việc thì có gọi đằng giời nó cũng chẳng thèm ngó đến cái điện thoại. Thôi, bắt xe ôm vậy, trời ạ, đã mất công, mất việc chờ đợi mà không làm được gì giờ lại còn tốn tiền xe ôm nữa chứ, thật là một ngày đen đủi. Tôi lếch thếch ra khỏi cổng viện, lòng thầm thề không bao giờ bước chân vào đây nữa, có chết tôi cũng chết ở viện khác. Haiz, tức một người mà ghét lây cả viện là thế đấy, nhưng kệ chứ, yêu ghét gì cũng là quyền của tôi mà.



Tiếng còi xe “ bim, bim” sau lưng khiến tôi giật mình ngoái lại. Tay bác sĩ ngồi trên chiếc xe ga mỉm cười nửa miệng. Hắn hỏi tôi sao đi bộ, tôi bảo không có xe, đại loại hai bên hỏi qua đáp lại một hồi hắn đề nghị sẽ chở tôi về tận nhà coi như chuộc lỗi hôm nay đã lừa tôi. Ngẫm đi ngẫm lại, mình chả mất gì, thậm chí còn lãi được tiền xe ôm nữa thì tội gì nhỉ ? Tôi gật đầu, mà lòng thầm hỏi không hiểu mình vốn khó gần thế mà sao lại nhận lời dễ dàng vậy ! Mà cũng chả phải lăn tăn gì nhiều, việc gì tốt cho túi tiền của mình thì cứ cố gắng mà thực hiện thôi. \
Anh ta vừa chở tôi vừa hỏi thăm chuyện tối qua đã dàn xếp ổn thỏa chưa. Tôi cũng chẳng ngại ngần mà kể lể với anh ta vụ đụng độ sáng nay, còn nhắc lại kết luận của Sâm Cầm về sự đểu giả của những anh chàng có ria mép. Anh bác sĩ bật cười thành tiếng, anh ta nói ở trọ vui quá nhỉ, thoải mái, thân tình mà có nhiều chuyện vui. Ôi, ở trọ không thú vị như anh nghĩ đâu, anh bác sĩ ạ ! Anh phải trả tiền thuê nhà hàng tháng, tiết kiệm điện, nước, tháng nào điện tăng, nước tăng anh sẽ đau lòng y như ai đó vừa xẻ thịt anh ấy. Anh ta còn cười to hơn, khiến tôi bối rối, chưa bao giờ tôi nói chuyện thoải mái với ai như thế, tôi đành chốt lại một câu để khẳng định rằng mình không nói quá lên lời nào...