Old school Swatch Watches

Tháng ngày ngất ngưởng

Posted at 27/09/2015

327 Views

“ Không tin thì anh cứ thử ở một lần mà xem”. Không ngờ anh ta đáp lại “ Có lẽ, tôi sẽ thử” .

Về đến trước cửa khu nhà trọ, tôi xuống xe và ý tứ cảm ơn, bất chợt anh ta kéo tay tôi lại “ Này, đi uống gì đó với tôi nhé” . Oh my God ! chuyện gì xảy ra đây ? hóa ra anh ta lợi dụng đưa tôi về nhà để bày trò này sao ? Anh ta nghĩ tôi cũng giống ba cái đứa con nít dễ dụ hay sao ? Tôi định nói rõ cho anh ta hiểu, nhưng nhìn vào đôi mắt ấy, tôi thấy có gì đó rất buồn. Tôi không nỡ, anh ta cười nhẹ, nụ cười vừa có gì đó kiêu bạc vừa dễ thương “ Tôi không có ý gì đâu, chẳng qua hôm nay tôi đã… không thể làm gì để cứu người mẹ cho hai đứa trẻ đó, tôi thật sự…cần một ai đó để nói chuyện ”. Nhắc đến người mẹ đó, người nằm trắng toát trên băng ca và hai đứa trẻ nức nở bênh cạnh bố nó khiến tôi nhói lòng, thì ra anh ta đã mổ ca mổ đó. Tôi mím môi gật đầu rồi lên xe ngồi, trước khi rồ ga đi anh ta nói nhỏ “ Yên tâm, tôi sẽ đưa cô về lần nữa”. Chẳng cần anh nói thì tôi cũng cảm thấy yên tâm về điều đó, không hiểu sao, nhìn vào mắt anh ta khi nói về bệnh nhân đó, tôi tin anh ta là người tốt. Ôi, cuộc đời ! đôi khi người ta gặp gỡ cả chục năm lại không khiến ta tin tưởng bằng người ta chỉ gặp một ngày. Tất cả là do trực giác, trực giác có thể đúng, có thể sai nhưng chẳng phải ai cũng muốn làm theo trực giác của mình hay sao ?


Chương 2.2


Anh bác sĩ đỗ xịch xe trước quán café “ Phù Dung” , quán này nằm sâu trong ngõ, những chậu hoa be bé được treo khắp ban công và lối vào. Vừa nhìn thấy không gian hoa cỏ, những bức tranh thiên nhiên lãng mạn treo trên tường khiến tôi ngay lập tức thích mê quán này. Ôi, thế mà tôi cứ tưởng anh ta sẽ chở tôi vào quán rượu nào đó, mời tôi vài chén, rồi say hoặc giả vờ say để kiếm cớ nói lảm lảm về cuộc đời và rất có thể sẽ khóc lóc giống y mấy bộ phim Hàn Quốc tôi đã từng xem cơ đấy.

Anh ta tự tin bước vào quán và đi thẳng lên cầu thang, dường như quán này quá quen thuộc với hắn rồi. Tôi lẽo đẽo theo sau anh ta lên tầng ba, nơi có ban công nho nhỏ, một cái bàn mây xinh xắn được kê giữa những chậu hoa cũng nhỏ xinh không kém. Anh ta mỉm cười kéo ghế mời tôi ngồi. Lúc này, tôi mới thấy ngạc nhiên khi xung quanh vắng hoe, trái ngược với sự đông đúc ở hai tầng dưới, mặc dù, trên này bài trí đẹp hơn dưới đó rất nhiều. Gã bác sĩ có vẻ không quan tâm lắm đến điều đó, hai chúng tôi gọi nước uống rồi ngồi im lặng giữa không gian tĩnh mịch hiếm có. Tự nhiên, tôi nghĩ đến người chủ của quán café này, hẳn nhiên, người đó phải là người có tâm hồn dịu dàng và thanh khiết lắm, tôi đoán chắc đó là một phụ nữ, một người phụ nữ đằm thắm, dịu dàng và sâu sắc thì mới nghĩ đến việc tạo một “ Phù Dung” đầy hương sắc và yên bình thế này.

Anh bác sĩ cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi bằng cách ấn vào tay tôi một cốc sinh tố bơ thơm mát, tôi kinh ngạc nhìn anh ta. Rõ ràng tôi đã gọi café đen chứ đâu phải là sinh tố bơ ? Anh ta như hiểu ý tôi nên cười tủm tỉm.
“ Tôi bảo với phục vụ làm đấy, con gái không nên uống nhiều café”
Tôi nhìn anh ta có vẻ nghi ngờ.
“ Sao anh gọi phục vụ được, trong khi anh vẫn ngồi đây cơ mà ?”
“ Tôi nhắn tin, quán này tôi quen mà”.
Ôi trời, thật là hết chỗ nói, đúng là đồ bác sĩ, nhìn đâu cũng thấy nguy cơ bệnh tật, tôi uống café cả chục năm nay mà có sao đâu ? Tự nhiên lại đùng đùng đổi nước uống cho người ta mà không hỏi lấy một câu, vô duyên dễ sợ luôn.
Gã chả thèm để ý đến thái độ khó chịu của tôi, mà vẫn sa sả nhắc nhở “ Không nên uống nhiều café, nhất là café đặc, không tốt cho tim mạch”. Haiz, sao trời dun dủi thế nào tôi lại nhận lời đi với anh ta chứ. Tôi chẳng nói gì, cầm lấy cốc sinh tố tu một hơi hết sạch, gã cười sằng sặc khiến tôi cảm thấy bối rối quá thể, thật chả hiểu sao tôi lại có hành động kỳ cục đó nữa.
“ Cô uống như voi ấy, ít nhất cũng phải để lại vài giọt lịch sự chứ ?”
“ Tôi không làm màu kiểu đó được, mà anh yên tâm, tôi không gọi cốc nữa đâu mà lo”
Anh ta lại mỉm cười, cầm cốc sinh tố đã cạn sạch của tôi giơ lên, khuôn mặt thanh tú ấy bỗng chùng xuống, trầm ngâm hơn, giọng nói cũng có vẻ gì thật xa xăm.
“Nếu cuộc đời là một cốc sinh tố ngọt và ngon thế này thì sao nhỉ?”
Dù trông bộ dạng anh ta hơi kỳ cục nhưng tôi vẫn đáp lời.
“ Thì chẳng ai muốn chết”
Anh ta đặt cốc xuống, nhìn thẳng vào mặt tôi rất lâu, tôi ghét người nào nhìn mình như thế, nên tôi vội quay đi.
Không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua, tôi cảm giác không gian yên tĩnh này như bóp nghẹt lấy mình. Giọng anh ta như gió thoảng bên tai.
“ Dù cuộc sống có cay đắng đến mấy thì cũng chẳng ai muốn chết, tôi biết có những người dù biết rằng nếu sống họ phải chịu đau đớn nhiều hơn ngàn lần chết, nhưng họ vẫn khao khát được sống, hi vọng được sống và chiến đấu đến cùng để sống”.
Tôi nheo mắt nhìn anh ta, khuôn mặt đó, giờ đã dịu đi những tia nhìn sắc lạnh.
“ Vâng, tôi biết, và anh là người giúp họ !”
“ Không ! Tôi chỉ là người hỗ trợ họ, và cô biết đấy, đôi khi dù đã cố hết sức nhưng cả tôi và họ đều thất bại.”
Anh ta nhấp một ngụm café và mỉm cười, điệu cười kiêu bạc quen thuộc. Anh ta xoay xoay cốc café đã cạn và nhắc đên người mẹ nghèo của hai đứa con đã từ giã cuộc đời trên bàn mổ bằng chất giọng đau xót kỳ lạ. Tôi không nói gì, cảm giác nghẹn ở họng, vâng, làm gì có đứa con nào muốn mất mẹ ? Cảm giác thiếu hơi ấm của người mẹ là cảm giác tồi tệ và đáng sợ nhất của mọi đứa trẻ trên đời.
Chúng tôi ngồi cho đến khi tiếng chuông điện thoại khiến cả hai giật mình, Sâm Cầm gọi điện hỏi đang ở đâu, lúc này tôi mới nhận ra đã quá muộn rồi. Anh bác sĩ nhanh chóng đứng dậy, dẫn tôi xuống tầng rồi dắt xe ra mà không cần thanh toán, tôi có vẻ hơi ngạc nhiên thì anh ta khoát tay “ Quán quen mà ! lo gì, những lúc thế này cứ lôi tiền bạc ra thì chán lắm”. Ô, một kẻ lập dị nấp trong hình hài của bác sĩ chăng ? Anh ta dường như chẳng quan tâm tôi nghĩ gì, giục tôi yên vị và phóng vút đi.
Tôi cảm ơn anh ta trước khi bước xuống xe, lúc tôi vừa mở được cổng, chưa kịp há mồm chào thì anh ta đã hét toáng lên.
“Này, tên tôi là Thiện, Đức Thiện nhé, còn cô tên gì ?”
Ờ nhỉ ? Tôi đã biết tên anh ta đâu, thế mà cũng ngồi buôn chuyện thế sự như đúng rồi ấy, thật xấu hổ quá. Tôi mỉm cười, giơ tay chào anh ta.
“ Tôi là Trăng Thanh !”
“ Trăng Thanh ? Tên lấp lánh quá, khác hẳn với người”.
Ối giời ơi ! Thiếu chút nữa thì mồm tôi ói máu vì tức, ở đâu ra cái loại đàn ông bất nhã thế kia chứ, uổng công tôi đã nghĩ tốt về anh. Anh ta giữ bộ mặt lạnh băng vẫy tay gọi tôi tiến gần chỗ mình “ Cho tôi mượn điện thoại của cô”. Biết ngay mà, thảo nào lúc nãy anh ta không trả tiền café, hóa ra chắc chẳng có xu nào dính túi nên sĩ diện hão bảo là quen chủ quán. Gớm, giờ lòi mặt gian ra, đến một cú điện thoại cũng phải mượn để gọi. Đời thật ngang trái, vẻ bề ngoài của đàn ông luôn đối lập với cái ví của họ. Tôi cười mỉa, đưa điện thoại cho hắn một cách rất trịch thượng. Như thường lệ, gã chả thèm để tâm, gã cầm điện thoại bấm nhoay nhoáy một lúc rồi đưa cho tôi. Gớm, chắc anh ta ngại nên không dám gọi điện chỉ mượn máy để nhắn tin hay sao ấy, thế cũng tốt, tôi đỡ tốn tiền. Anh ta dúi cái điện thoại vào tay tôi, mặt lạnh te.
“ Cô có số điện thoại của tôi rồi đấy, lúc nào ăn không được, thở không xong hoặc sắp đi gặp Diêm Vương thì cứ gọi cho tôi”
Tôi há hốc mồm nhìn điện thoại, còn anh ta rồ ga phóng vút đi. Tôi mở điện thoại ra, ối giời ơi, chả có ai trơ trẽn đến thế, tự lưu tên mình là “ BÁC SĨ MANLY” cơ đấy ! Tởm !. Tôi dửng dưng đút điện thoại vào túi quần, rồi nhẹ nhàng lách người qua cổng. Động tác phải vô cùng nhẹ nhàng và khéo léo nếu không bà Vịt Bầu mà phát hiện ra thì cả đêm bà sẽ “ ca cải lương” cho mà nghe, khỏi ngủ luôn.
Đi được vài bước, chợt một bóng đen từ phía sau ập tới, áp sát người và bịt miệng tôi.
“ Ai vừa đưa mày về ? Khai mau”
Tôi chả tỏ ra ú ớ hay sợ hãi gì mà âm thầm nhe răng cắn ngay vào ngón tay đang bịt mồm mình , nó buông tay ra hét lên “ Á, đồ đểu”. Giờ thì đến lượt tôi bịt mồm nó, tôi thì thào.
“ Mày bé mồm lại ngay, Vịt Bầu mà nghe thấy thì toi đấy”
Nó gật gù, gạt tay tôi ra, rồi ra vẻ bí mật, nó ghé sát vào tai tôi hỏi nhỏ.
“ Tóm lại là thằng cha nào đưa về”
“ Chả có thằng cha nào cả”
“ Vớ vẩn, tao rình, tao nghe trộm từ nãy giờ rồi, khai nhanh lên không tao gọi bà Vịt Bầu xuống kể, bà ấy mà biết thì cả Hà Nội này cũng biết đấy”
Haizz, chả còn cách nào khác, Sâm Cầm đã nói là làm, mà đã làm thì tanh bành hết mất thôi. Tôi đành kéo nó vào phòng, tỉ tê kể chuyện anh bác sĩ, nó chăm chú lắng nghe mà chẳng cười lấy một lần. Lạ thật đấy, bình thường dính đến ba cái chuyện này kiểu gì Sâm Cầm cũng nhảy dựng lên phân tích này nọ rồi nghĩ ra đủ viễn cảnh vớ vẩn và cười lăn lộn cơ mà. Sau khi nghe hết nội tình câu chuyện, nó vỗ vai tôi, gật gù. “ Được !Ngon”. Được với ngon cái nỗi gì, liên quan quái gì đến mình mà được với ngon ? Sâm Cầm bắt đầu vạch ra các kế hoạch tấn công tán tỉnh anh chàng kiêu ngạo đó. Tôi khoát tay tỏ ý không cần và leo lên giường nằm, Sâm Cầm vẫn không chịu buông tha tôi, nó kéo ngay giấy bút đi theo rồi ngồi tô vẽ nhì nhằng các kế hoạch ra giấy. Tôi để mặc nó luyên thuyên và ngủ thiếp lúc nào không hay, đến khi giật mình tỉnh giấc nhìn thấy Sâm Cầm vẫn ôm khư khư giấy bút há mồm ra ngủ bên cạnh, thật là chết cười với nó.

Những ngày sau đó, nó không ngừng nhắc đến tay bác sĩ kỳ cục kia và xúi giục tôi gọi điện, nhưng tôi tảng lờ hết. Với tôi, gặp thế là đủ, tôi chẳng có nhu cầu gặp anh ta thêm nữa chứ đừng nói là chạy theo tán tỉnh. Tôi thích đàn ông nhã nhặn, điềm tĩnh chứ không phải vô duyên và kiêu hãnh như anh ta. Sâm Cầm nói nhiều mà không thấy tôi xoay chuyển gì nên đành bỏ cuộc, nó thừa biết tính tôi, đã không thích thì không bao giờ quan tâm.

Chúng tôi tiếp tục chống chọi với cái nắng oi ả của mùa hè bằng cách trốn biệt đi làm cả ngày, tối muộn, khi cái nóng dịu đi cả hai mới chui về phòng trọ nhỏ xíu quen thuộc để ngủ. Anh chàng Ria Mép cũng thế, chúng tôi hay gặp nhau ở sân, vẫn cười khẩy với nhau, chẳng bên nào chịu nhường bên nào. Thi thoảng, anh ta còn bày mấy trò chơi khăm như: giấu cái sào chọc quần áo đi chỗ khác, giả vờ vô tình tạt nước trước cửa phòng tôi hay thỉnh thoảng nửa đêm mở nhạc ầm ầm. Tôi với Sâm Cầm chẳng vừa, có hôm anh ta vừa giặt quần áo, phơi lên dây xong, hai đứa tôi bê nguyên một đống giấy vụn ra đốt ở dưới làm muội than bay lên bám hết vào quần áo của hắn, chưa kể Sâm Cầm thi thoảng đi qua phòng hắn lại lấy hết sức đá vào cửa phòng một cái thật mạnh, hắn mà ra mở cửa thì kiểu gì nó cũng làm bộ mặt sẵn sàng nghênh chiến. Hắn điên tiết với chúng tôi thế nào thì chúng tôi cũng bực bội với hắn thế đó, nói chung, với tình cảnh này thì chẳng bao giờ có hòa bình ở cái khu trọ này đâu.


Chương 2.3


Buổi sáng chủ nhật, đúng vào ngày rằm tháng bảy, ngày lễ Vu Lan, Sâm Cầm đắn đo mãi rồi cũng quyết định xách túi về nhà với bố. Nhà nó ở ngay trong thành phố, nhưng mẹ nó đã lấy chồng khác và ra nước ngoài sống, còn bố nó kinh doanh gì chẳng rõ, chỉ biết ông đi suốt ngày, rượu chè cũng suốt ngày. Nhà Sâm Cầm kinh tế dư giả nhưng nó không phụ thuộc vào bố, nó sống tự lập và không bao giờ chấp nhận sự giúp đỡ của bố mình.

Tôi biết, trong thẳm sâu trái tim, Sâm Cầm yêu bố hơn bất kỳ ai, nó chỉ không thể chấp nhận cách kiếm tiền của ông thôi, có lần nó nói với tôi về những đồng tiền không sạch sẽ đó, tôi không biết rõ lắm nhưng cũng lờ mờ nhận ra rằng ông đang làm việc gì đó mờ ám. Tôi gặp bố của Sâm Cầm nhiều lần, ông rất yêu con gái và luôn cảm thấy có lỗi vì không thể mang lại cho Sâm Cầm một gia đình đúng nghĩa. Biết vậy, nên trước ngày lễ Vu Lan tôi đã khuyên Sâm Cầm nên về nhà thăm bố, cả năm chỉ có một ngày để con cái báo hiếu cha mẹ thì tại sao lại không về ?. Sâm Cầm không nói gì, nhưng sáng ra tôi thấy nó xách túi đi sớm, tôi biết là kiểu gì nó cũng loanh quanh một lúc ngoài đường rồi lại về nhà với bố thôi. Nó luôn vậy, và tôi nghĩ, mọi đứa con đều giống vậy, dù cả đời chạy loanh quanh với đủ thứ mộng hão thì cuối cùng, nơi họ muốn trở về nhất vẫn là nơi có bố mẹ mình.

Sâm Cầm vừa đi, tôi cũng chạy ra chợ mua ít hoa quả, vài bông hồng trắng về cắm. Sinh thời, mẹ tôi thích hồng trắng, ngày giỗ chạp hay lễ lạt gì mẹ cũng cắm hoa hồng trắng, giờ nhìn những cánh hồng tinh khiết mong manh đó, tôi nhớ mẹ. Năm năm trôi qua, đôi lúc tôi nghĩ mẹ vẫn còn ở quê, mẹ vẫn đạp xe đi dạy học hàng ngày, vẫn sửa bài cho học sinh và vẫn nấu canh cua chờ tôi về mỗi tối. Ký ức về mẹ chưa bao giờ lụi tắt trong tôi. Tôi là đứa trẻ mồ côi, mồ côi đúng nghĩa, bố mất trong một chuyến đi biển khi tôi vừa tượng hình trong bụng mẹ, chưa bao giờ gặp ông nên tôi không biết gì về ông ngoài những câu chuyện kể từ mẹ và bà nội. Tôi ước mình có thể gặp ông một lần để nói rằng tôi cần ông và nhớ ông thế nào. Đã bao lần, tôi cố hình dung cuộc gặp gỡ của bố mẹ ở bên kia thế giới, và hi vọng rằng họ sẽ hạnh phúc bên nhau mãi mãi.

Cuộc sống luôn có những thách thức và mất mát, bạn cần phải kiên cường để đối mặt và lạc quan để tiếp tục tiến về phía trước. Không ai bị lấy mất tất cả, mà kể cả khi bạn không còn gì, hãy nghĩ rằng bạn vẫn còn chính bạn, muốn tồn tại thì phải vươn lên và muốn vươn lên thì phải tự tin. Tôi đã vượt qua những tháng ngày vất vả, cô đơn và thiếu thốn bằng sự ngất ngưởng của chính mình, giờ thì mọi trở ngại với tôi đều trở thành con…muỗi, vì tôi nghĩ mình còn dư dả năng lượng để đối mặt với rất nhiều khó khăn phía trước. Bạn biết đấy, khi bạn đã vượt qua con sóng lớn nhất, hung dữ nhất của cuộc đời thì những đợt sóng tiếp theo dù có nguy hiểm đến đâu cũng khó lòng quật ngã bạn được.

Trong lúc tôi đang miên man ngắm những cánh hồng trắng muốt và nghĩ về cuộc sống của mình thì có tiếng gọi the thé của bà Vịt Bầu “ Trăng Thanh ! Ra đây”...