Mắt Híp Và Môi Cuốn Lô

Posted at 27/09/2015

483 Views

Thằng Híp nó tẩu hỏa nhập ma mấy hôm thôi, rồi lại đâu vào đó ấy mà. Còn cái mẹ kia, chắc vài hôm là lộ bản mặt ra thôi.”
Linh không biết mọi thứ có thể “đâu vào đó” như lời Thành không, chỉ biết mấy hôm nay, cô vẫn nhìn thấy Phương Híp phóng con Cup, chở chị đó vù vù trên phố. Chị ta ngồi đằng sau, ôm eo Phương Híp chặt cứng, cười đến là vui vẻ, bất chấp những ánh mắt khinh miệt và lời bàn tán bỗ bã chĩa về phía mình. Có hôm, cô Tràm còn sang nhà cô, vừa tức vừa uất, bảo.
“Có cô hàng xóm sang nói thẳng với cô là, sao cô không biết dạy con, để nó dính vào con ca ve, biết bệnh tật thế nào. Cái con người như rắn trườn đấy, đàn ông dính vào dễ chết như chơi”.
Linh lặng đi, nhìn cô Tràm ngồi phệt xuống giữa nhà, chán đến mức không còn thiết tha để ý đến bộ dạng mình nữa. Cuối cùng, như mọi bận, cô lại cầu cứu Linh.
“Lô, con giúp cô, lôi cổ thằng Phương về. Hay mấy đứa con lên Hà Nội luôn đi! Lên đấy để tách con bé kia ra.”
Linh cười gượng gạo, “Khó lắm cô ạ. Nếu cậu ấy yêu thật, thì ở Hà Nội hay ở nhà cũng có khác gì nhau đâu”.
Cô Tràm chợt thừ ra nhìn Linh.
“Linh, chẳng lẽ cô lại bỏ hết của nả để lấy lại cái xưởng của thằng Khánh cho nó? Nếu cô đồng ý thì nó có dứt cái con kia không?”
Chuyện này Linh cũng nghe anh Khánh nói qua. Anh Khánh nói, từ đợt anh định chuyển nhượng cái xưởng, Phương rất có hứng, cứ nằng nặc muốn anh chuyển lại cho mình. Nhưng tất nhiên là cả Khánh lẫn cô Tràm đều không đồng ý, vì Phương còn đi học. Nếu lấy xưởng về, chắc chắn Phương sẽ bỏ học để cả ngày cắm mặt vào xưởng. Hơn nữa, tiền đầu tư vào xưởng không phải ít, cô Tràm móc đâu ra được. Song khi nghe cô Tràm và anh Khánh phân tích, Phương vẫn chẳng nghe, chỉ ấm ức cái nỗi là không ai tin mình hết. Ngay cả hôm qua thôi, Phương bảo với Linh, cậu ta mong muốn có cái xưởng đó, mong muốn từ rất lâu rồi, bảo Linh có ủng hộ Phương không, Linh gật đầu, khiến mắt Phương sáng lên, nhưng khi cô nói thêm “Nhưng phải năm năm nữa” thì Phương cười cay đắng, “Cậu nói y hệt anh ta”, rồi quay người đi thẳng.
Mọi chuyện cứ rối bời lên, chẳng đâu vào đâu cả. Giấc mộng trở thành chủ xưởng bị mọi người phản đối khiến Phương hầu như không muốn nói chuyện với ai, càng dính chặt vào Hằng hơn. Mỗi lần về, Phương đều bị cô Tràm hết van xin lại đến chì chiết, nên cậu ta càng ít về nhà hơn. Có những hôm Phương đi đâu đó với Hằng đến ba bốn ngày. Cô Tràm gần như bạc cả tóc.
Đó là một mùa hè mệt mỏi và đau khổ. Gần cuối hè, sát ngày trở lại trường, trời càng nóng nực, oi nồng. Phương và chị Hằng kia trở thành câu chuyện ngồi lê đôi mách khắp con phố, nhưng hai nhân vật chính thì mặc kệ, còn gia đình hai bên thì coi nhau như kẻ thù, thỉnh thoảng lại xảy ra những va chạm căng thẳng. Linh thầm mong ngày nhập trường mau mau chóng chóng đến. Có những hôm, cô ngồi ở xưởng của anh Khánh với Thành Cận cả buổi mà chẳng nói được gì. Anh Khánh nói từ đợt anh từ chối, Phương cũng giận anh, chẳng buồn tới nơi này nữa.
Một buổi trưa, Linh đang ngồi hoàn thành nốt tiểu luận đợt đi thực tế, thì mẹ Linh hốt hoảng kéo cô đi, bảo cô phải đi lôi cô Tràm về ngay. Linh hớt hải chạy theo mẹ, mỗi chân một dép, đến nơi thì thấy trước cửa nhà chị Hằng kia, mọi người túm năm tụm ba đông xúm xít. Cô Tràm đang lao vào muốn túm lấy Hằng, nhưng bị chị này đẩy ra. Cô Tràm vẻ như máu đã bốc lên đầu, gào lên. Qua mấy câu hét đến lạc cả giọng của cô Tràm, Linh biết được rằng, cô Tràm điên lên vì trong nhà mất gần hết cả đống tiền trong tủ, số tiền hàng mà cô phải thanh toán. Lại vừa thấy Phương về nhà rồi chạy đi mất, tưởng Phương mang đến đây nên cô Tràm tới để tìm con và đòi tiền!
Nhìn cô Tràm tóc xổ ra, mặt đỏ lên, điên loạn như không còn sức lực, Linh cố gắng kéo chặt tay cô ấy, nhưng cô Tràm vẫn vùng ra, lao đến đập cho Hằng mấy cái. Chị này bị đánh cũng điên lên, gào thét.
“Bằng chứng đâu, tôi cầm đồng nào, bà đi mà dạy con bà…”
Hai người điên tiết, cứ lao vào nhau, khiến mẹ con Linh cũng bất lực. Đúng khi hai người đang lanh tanh bành, xước xát, thì Phương lao tới, che chắn cho chị Hằng. Cậu ta trợn mắt nhìn mẹ, gằn giọng.
“Mẹ thôi đi! Mẹ về ngay cho con…”
Rồi cậu ta quay phắt sang Linh, mắt vằn lên dữ tợn.
“Còn cậu nữa, cậu lôi mẹ tớ đến đây làm gì?”
Linh chết sững, không biết nói gì, thì đã nghe “Bốp” một tiếng.
Tát Phương xong, cô Tràm nhìn con đến thất thần.
“Mày không phải là con tao.”
Nói rồi, cô Tràm lảo đảo bước về. Linh và mẹ cô vội vã chạy theo, sợ cô ấy mất bình tĩnh. Nhưng ngay khi đang an ủi cô Tràm, trong Linh vẫn hiện rõ ánh mắt phẫn nộ của Phương lúc nhìn mình. Ánh mắt khiến cô đau đớn đến tận tâm can.
Sự việc đó cuối cùng lại là một hiểu lầm. Không phải do Phương trộm tiền đi, mà bởi người đưa hàng tới nhà, đang bí tiền nên cần thanh toán và ứng trước, bố Phương ở nhà tiện đó mở tủ lấy để trả luôn, lại quên không nói với cô Tràm. Sự việc khi sáng tỏ tưởng rằng sẽ khiến mọi người nhẹ nhõm hơn, nhưng kỳ thực là ngược lại. Nó trở thành hố sâu ngăn cách giữa Phương với cô Tràm, giữa Phương và Linh. Vài lần, nhìn vẻ tiều tụy của cô Tràm, Linh muốn nói chuyện với Phương, nhưng cậu ta khăng khăng từ chối. Có khi cô cương quyết bám theo Phương, song khi thấy cậu dừng lại ở nhà chị Hằng thì cô không có cách nào bám tiếp, lẳng lặng ra về.
Cả những nỗ lực của anh Khánh và Thành Cận cũng không thành công.
Mùa hè năm ấy khép lại trong muôn nỗi ngổn ngang. Thành Cận đã lên Hà Nội trước với cô người yêu, Phương thì chỉ nói cậu tự đi sau, không cần Linh quan tâm. Khi cô đến xưởng của Khánh tạm biệt để lên trường, Khánh cũng không ở đó, chỉ có vài thợ sửa đang cắm cúi làm. Linh nhờ họ nhắn lời chào anh rồi chậm chạp đi về.
Buồn buồn, Linh ra bờ hồ Bạch Đằng, ngồi uống nước dừa, thứ nước mà ngày trước Phương Híp hay đùa là “nước mắt quê hương”, vừa ngồi vừa suy nghĩ về những chuyện vừa xảy ra. Đang miên man trong dòng suy tưởng, Linh bỗng thấy chiếc xe Jeep màu xanh vụt qua. Thời này, xe Jeep rất ít, cực kỳ hiếm, cho nên chỉ lướt qua Linh đã biết đó là xe của anh Khánh. Trong xe, Linh thoáng thấy bóng dáng một cô gái, tóc rất dài, bay bay theo gió, đang quay sang nói với anh Khánh điều gì đó, thậm chí còn cười vui vẻ.
Chiều hôm ấy, bố Linh chở cô ra ga tàu đi Hà Nội. Đến tận khi tàu chuyển bánh, tiếng đường ray sắt cũ kỹ rít lên từng hồi, trong đầu Linh chợt như có điều gì cô mơ hồ bấy lâu được bừng tỉnh. Nhưng Linh ngẫm nghĩ, cũng có thể đó chỉ là suy đoán của riêng cô…


17. Đầu năm thứ hai, khoa Linh xôn xao vì một tin lan truyền trong toàn khóa. Ban đầu nó chỉ mang tính chất vỉa hè, cả lũ nửa tin nửa ngờ, nhưng cuối cùng nó được hiện thực hóa bằng văn bản, đóng dấu đỏ chót của trường và khoa, cộng thêm lời tuyên bố của thầy chủ nhiệm, khiến cả đám sinh viên như được tiêm cả đống dopping. Đó là, cuối học kỳ một này, hai sinh viên đạt điểm cao nhất khóa sẽ được hai suất học bổng toàn phần du học Mỹ.
Buổi tối, phòng ký túc của Linh xôn xao hết cả, tụi nó list ra danh sách khoảng năm ứng cử viên của suất học bổng, trong đó có Linh. Cuối năm thứ nhất, Linh đứng thứ ba. Nhưng trong tình hình này, khi mà mọi người ai cũng muốn cán đích trong cuộc đua nước rút, thì cơ hội của Linh cũng không phải nhiều.
Linh không thích du học. Có thể một tháng sang Mỹ sẽ làm cô thích phát điên, nhưng bốn, năm năm ở đó thì câu trả lời của cô là không. Cô sợ một môi trường xa lạ, cô đơn, sợ cái cảm giác xa biền biệt với bố mẹ, bạn bè thân thiết, và xa Phương Híp nữa. Bản thân Linh ý thức được năng lực của mình, cô không tin rằng nhất định phải sang Mỹ thì tương lai cô mới sáng sủa. Nhưng mặc dù vậy, hai suất học bổng đó cũng vẫn là một đích đến trong lĩnh vực mà Linh tương đối háo thắng. Cô muốn là một trong hai người đứng đầu, song không hẳn là một trong hai người đi du học. Đặc biệt là trong thời gian này, cô đang cần một mục tiêu để đi tới. Cô không muốn thời gian của mình chỉ dành để buồn bã cho sự mất mát một tình bạn, một tình thân mà cô từng trân quý!
Phương Híp đã trở lên Hà Nội học, không phải tự nguyện mà do bố cậu ấy xách cổ lôi đi. Nghe nói, trước khi đi, cậu ấy và chị Hằng kia còn gây vài bận ỏm tỏi khác nữa cho cả hai gia đình, khiến cô Tràm gọi điện cho cô sụt sùi bảo chỉ mong nó đi luôn cho khuất mắt. Từ khi Phương Híp lên, cậu ấy cũng chẳng tìm cô. Trong email quen thuộc “cucvangcuahip” cũng không thấy có thư báo. Vài lần Linh gửi thư hỏi thăm tình hình, dặn dò vụ học hành, nhưng không hề có phản hồi. Thành Cận thì có đôi lần chạy vù đến, như sợ cô sẽ buồn lòng, nên hỏi vơ vơ vẩn vẩn rồi lại phi về, chứ chẳng lên phòng như trước. Thỉnh thoảng mấy cô gái háo sắc trong phòng vẫn hỏi han Linh vì sao bộ ba đẹp trai chói lóa dạo này ít xuất hiện thế, Linh chỉ gượng cười. Chỉ Thương, cô nàng yêu màu hồng cuồng nhiệt có vẻ nhận ra sự khác lạ của Linh, bảo từ khi hè lên, Linh rất khác. Lúc nào nhìn cũng như sắp héo đến nơi. Linh thì nghĩ trong lòng, không phải sắp héo, mà là héo quắt queo mất rồi.
Dù vậy, Linh vẫn không thể từ bỏ thói quen theo dõi cuộc sống của Phương Híp. Ít nhất, việc cậu ấy vẫn tới trường còn làm cô có chút yên tâm. Có lần, Linh gọi điện đến nhà cho Thành Cận, hỏi han xem tình hình hai người thế nào, cô vô cùng bất ngờ khi một người nhấc máy.
Ban đầu, Linh tưởng đó là Lê, người yêu của Thành Cận, nhưng một lúc sau thì cô biết không phải. Đó chính là Hằng, cô gái Linh không thể phủ nhận sự ghét bỏ bản năng của mình dành cho cô ta. Linh ú ớ nói muốn gặp Thành Cận, rồi lặng nghe chị ta cười cợt, bảo “Giọng nói dễ thương quá, thảo nào bao anh chết”. Ít lâu sau thì Phương Híp nghe máy.
Nghe tiếng Phương “Alo”, Linh im bặt. Phương Híp như cũng nhận ra người gọi là Linh, cũng im lặng theo...

Polaroid