Lamborghini Huracán LP 610-4 t

Để hôn em lần nữa

Posted at 27/09/2015

359 Views

Người (bị Trần Thu Trang dụ dỗ ép buộc) mang cái tên sáng trưng ấy đang đứng ở một ngõ cụt tối om gần bãi để xe tự phát đầu phố. Anh tựa lưng vào bức tường chi chít vết sơn quảng cáo khoan cắt bê tông, nhìn hút theo bóng hai chiếc xe vừa rời đi và thấy mình đúng là điên!

Hình như cơn điên bắt đầu từ cuối giờ chiều nay, khi anh bị một thằng nhãi vô duyên xông vào cắt ngang cuộc nói chuyện nghiêm túc liên quan đến tương lai của một số người, trong đó có anh. Vài phút sau, anh còn chưa kịp dùng nắm đấm dạy cho kẻ phá đám đáng ghét một bài học về sự tế nhị và phép lịch sự, người đáng ra phải tiếp tục cuộc nói chuyện nghiêm túc với anh đã vội vàng kéo tên kia đi mất. Mang tâm trạng của một tay thám tử mẫn cán nhưng không mấy sáng suốt, anh bám theo họ đến tận đây, nhìn dáo dác khắp dãy phố với cả chục hàng hoa quả dầm mà hàng nào cũng đông nghịt rồi chẳng biết làm gì hơn là đứng trầm mặc trong ngõ tối, giữa vòng vây của lũ muỗi đói, chờ đợi họ trở ra. Và đến lúc họ trở ra, thân mật hơn nhiều so với trong tưởng tượng của anh, anh chợt cười thành tiếng, tự thấy tất cả những hành động của mình từ nãy đến giờ sao mà… vô nghĩa.

Sáu năm trước, anh đã một lần tự đẩy mình vào tình cảnh bất đắc dĩ kiểu này. Thậm chí, nếu xét theo tiêu chuẩn nóng bỏng giật gân câu lượt đọc của các thể loại báo điện tử hiện tại thì những gì anh vừa chứng kiến chỉ là tin tức hạng bét so với những gì anh bắt gặp trước kia. Đăng ngửa đầu nhìn ánh đèn tuýp trắng nhờ toả ra từ ô cửa sổ của ngôi nhà cuối ngõ, chầm chậm rút lại nụ cười. Không hiểu sao, so với khi đó, giờ phút này, anh lại thấy khó chịu, bực mình, hoặc nói hơi ngoa là phẫn nộ hơn.

Có lẽ vì cách đây sáu năm, trước khi sự kiện xứng đáng lên trang nhất báo mạng đó xảy ra, tình cảm của anh và người ấy đã rạn nứt đến mức không thể cứu vãn. Có lẽ vì cách đây sáu năm, anh quá tự ti còn kẻ thứ ba lại ở quá cao. Có lẽ vì khi đó, không ai thường xuyên nhìn anh bằng ánh mắt vừa ngưỡng mộ, say mê vừa e dè, tiếc nuối. Có lẽ vì khi đó, không ai mặc chiếc áo sơ mi cổ thuyền bằng vải voan mềm dịu đi lướt qua người anh, để rớt lại một mùi hương nhàn nhạt khó gọi tên…

Phẩy tay đuổi mấy con muỗi táo tợn bay xông vào tận mặt, đồng thời cũng gạt những dòng hồi tưởng hỗn độn vào một góc tâm trí, Đăng nhấc lưng khỏi bức tường, uể oải đi ra khỏi ngõ. Đã đến giờ cơm tối nhưng anh chẳng muốn về nhà.

Cuối tuần, tuyến phố chính của khu phố cổ biến thành chợ đêm dành cho người đi bộ, xe cộ dồn hết vào các đường ngõ nhánh quanh đó, gây ra những điểm ùn tắc nho nhỏ. Phải vòng vèo mất một lúc, Đăng mới tìm được quán bar trong trí nhớ. Đã hai năm nay, anh không quay lại chỗ này. Hồi còn làm ở văn phòng cũ, mấy đồng sự độc thân thỉnh thoảng lại kéo nhau đến đây xả hơi cuối tuần. Những khi không phải đi công tác ở tỉnh, anh cũng thường tham gia, uống bia, nghe nhạc, xem bóng đá Anh hoặc xem người khác nhảy, thưởng thức cuộc sống về đêm sôi động của một thủ đô phồn hoa trước khi quay về với những dự án phục vụ mục tiêu thiên niên kỷ ở các vùng trung du, miền núi nghèo xơ xác.

Đẩy hai lớp cửa kính bước vào, Đăng chậm rãi đi qua quầy bar chỉ lác đác đôi ba khách để tới ngồi bên một băng gỗ dài và hẹp được bắt thẳng vào bức tường sơn xanh sẫm như chiếc kệ vừa đủ để những người khách không có nhu cầu ngồi bàn riêng có thể đặt đồ uống và tì tay. Góc này ở gần cuối căn phòng, sát chỗ dành cho DJ, chỉ cần xoay người là sẽ thấy khoảng trống được chừa làm sàn nhảy. Chưa đến bảy rưỡi tối, trong quán, tiếng nhạc vẫn nhỏ hơn tiếng nhân viên nói chuyện, mấy bóng đèn halogen lắp trên cao hắt những quầng ánh sáng vàng vọt yếu ớt xuống những bức vẽ mô phỏng phong cách tranh cổ động thời chiến và những chiếc ghế đẩu sơn đen cao lênh khênh. Điều hoà hình như mới bật cách đây ít phút, hơi nóng vẫn len lỏi giữa không gian tối om khen khét mùi thuốc lá tích tụ lưu cữu từ năm này sang tháng nọ. Đăng nhấp một ngụm bia, lơ đãng nhìn về phía cô nhân viên có mái tóc tỉa nhuộm táo bạo như nhân vật trong truyện tranh Nhật đang nhàn hạ cầm điện thoại chơi game. Chiếc điện thoại không phải màu hồng nhưng có dây đeo lấp lánh trên tay cô gái này khiến anh nghĩ đến một cô gái khác, người đã xô đẩy cảm xúc của anh, bắt nó trải qua đủ mọi cung bậc, chỉ trong vài tiếng ngắn ngủi chiều tối nay.

Đầu tiên, anh bất ngờ và nghi hoặc với quyết định không ký hợp đồng chính thức cùng phản ứng theo kiểu “có tật giật mình” của cô. Sau đó, khi thấy tên mình được lưu trong danh bạ điện thoại cô theo cách hơi hơi đặc biệt, lòng anh ẩn ẩn một niềm vui êm, ngọt. Rồi đến ban nãy, nhìn cô nép vào Đức bước đi giữa phố, anh lại có cảm giác vừa thất vọng vừa tức giận. Dường như anh đã sai lầm khi quá lo lắng cho cảm xúc của cô mà không theo đuổi cô nhiệt tình, công khai ngay từ những ngày đầu gặp lại. Dường như anh đã sai lầm khi tin lời cô rằng Đức và cô không có gì ngoài tình bạn. Dường như anh đã sai lầm khi phán đoán rằng cô càng lúc càng quan tâm đến mình, thậm chí đã thực sự thích mình và quên được những thứ đáng quên…

Một nhân viên đến gần Đăng, vươn tay vặn công tắc trên tường. Ánh đèn halogen vốn đã yếu ớt lại trầm xuống thêm chút nữa. Tiếng nhạc thay đổi hẳn, to hơn, dồn dập hơn. Từng tốp khách kéo nhau vào quán mang theo thứ mùi hỗn hợp của nước hoa, thuốc lá và khói bụi trên đường phố. Chiếc bàn dài nơi anh ngồi cũng có thêm vài người khách lẻ khác. Chưa có ai ra nhảy nhưng hệ thống đèn màu đã bắt đầu chớp động ngoằn ngoèo. Không khí trong phòng dần nóng và ngột ngạt hơn. Đăng rút điện thoại nhìn giờ, tự nhiên nhếch mép cười chính mình. Mới ngồi đây hai tiếng và uống một chai bia mà anh đã thấy đau đầu, buồn ngủ. Có lẽ anh không còn chịu được những chỗ như thế này. Đăng nghĩ trong lúc rảo bước về phía cửa.

Ở đoạn sảnh ngắn nối lớp cửa thứ nhất và lớp cửa thứ hai, một vị khách nữ đang đứng nghe điện thoại. Theo đúng phép lịch sự, Đăng khẽ thốt ra câu “xin lỗi” rồi mới cúi đầu lách qua. Vừa chạm tay vào lớp kính lạnh lạnh, anh chợt thấy người đó lên tiếng, giọng nhỏ và khô đanh, vô cùng quen thuộc:

- Hold on!

Đăng quay lại, hơi nheo mắt để xác định rõ người đối diện và sau đó là để giấu sự sửng sốt. Giữa không gian eo hẹp, tranh tối tranh sáng, Điệp đứng đó, mặc chiếc váy liền áo ngắn đến mức khó thể ngắn hơn, gương mặt phủ kín mỹ phẩm nghênh nghênh như một câu đố, ánh đèn xanh tím từ biển hiệu trên cao đổ xuống xuyên qua mái tóc phá cách (vẫn thường được miêu tả “chải mãi mới đủ rối”) tạo nên những bóng khuất trên trán, hốc mắt và rìa má, thoạt nhìn có vẻ xa lạ, hư ảo. Chị úp điện thoại vào ngực, kéo anh đứng nép vào một bên tường để không cản trở lối đi rồi mới hỏi, câu hỏi nghe thân thiết như thể hai người nãy giờ vẫn đi cùng nhau:

- Sao Đăng về sớm thế?

Đăng trả lời Điệp bằng một nụ cười bàng bạc. Anh khoát tay ra hiệu rằng mình sẽ đợi ở phía ngoài rồi mở cửa, bước nhanh xuống vỉa hè. Âm thanh huyên náo không theo nhịp điệu nào cùng hơi nóng ẩm ướt vừa phải của đường phố xua bớt cơn nhức đầu và buồn ngủ nhưng Đăng vẫn không cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Đôi lúc, anh thực sự khâm phục cái cách cư xử thản nhiên như chưa hề có cuộc chia ly của Điệp.

Hai năm trước, anh gặp lại Điệp khi chị đến HDA xin tài trợ cho một cuộc thi viết. Lúc đó, anh vừa kết thúc một dự án ở tận Cà Mau, trở về Hà Nội với nước da đen cháy và tâm trạng không mấy lạc quan. Dự án kéo dài thêm gần ba tháng so với kế hoạch ban đầu nhưng kết quả thu được lại không như kỳ vọng, sức khoẻ của anh sau một thời gian xa nhà, sinh hoạt ăn uống tạm bợ, bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu bất ổn, văn phòng thì xáo trộn về nhân sự do trưởng đại diện bị bệnh đột ngột, phải về nước trước thời hạn, Đăng bắt đầu có ý định nhảy việc. Và Điệp xuất hiện thật đúng lúc.

Bằng lối cư xử thản nhiên, chủ động, có khi còn sấn sổ lấn át một cách dịu dàng, khôn khéo, Điệp đã khiến Đăng có cảm giác bốn năm chia tay, ba năm không gặp mà chỉ như vài tuần, thậm chí vài ngày tạm xa cách. Chị thường mượn lý do công việc để hẹn anh, sau đó nhân lễ trao giải cuộc thi viết, giới thiệu anh với ban biên tập của Quan Sát. Mặc dù Đăng quyết định về Quan Sát phần lớn vì ông phó tổng biên tập thường trực bất ngờ đề nghị và vì thực sự hứng thú với công việc này sau hai năm vắt kiệt mình ở HDA, anh cũng không thể phủ nhận vai trò “môi giới” của Điệp.

Chính sự cảm kích không quá sâu sắc này đã ngăn cản anh từ chối thẳng thừng những lời thăm hỏi dường như rất vô tư, những cử chỉ săn sóc dường như rất tế nhị của chị. Trong các cuộc họp, anh cũng không lên tiếng phản đối công khai dù có thể thực sự không tán thành những ý kiến chị đưa ra. Mãi đến khi tình cờ nghe thấy mấy biên tập viên kỳ cựu nói chuyện, đoán già đoán non về mối quan hệ trên mức bình thường của anh và Điệp, Đăng mới giật mình vỡ lẽ. Anh bắt đầu tỏ thái độ kiên quyết hơn, nói không với chị nhiều hơn, chú ý giữ khoảng cách hơn. Dần dần, anh thoát khỏi vòng vây mập mờ mà chị cố tình tạo dựng quanh hai người, những lời đồn của mọi người ở toà soạn theo đó lắng xuống, Điệp cũng tạm thời không làm gì khiến anh khó xử, cho đến tối nay.

Hương thơm của loại nước hoa danh tiếng Điệp vẫn dùng quyện với thứ mùi khét ngấy đặc trưng của quán bar ập về phía Đăng. Anh quay lại, chẳng biết làm gì hơn là nhìn và chờ đợi. Điệp mấp máy môi:

- Đưa em về, được không?

Đầu giờ sáng, Cúc Anh lao vào phòng đem theo mùi khói xăng khét lẹt và một cái tin nóng như ống xả xe máy lúc tắc đường:

- Phòng mình chuẩn bị có nhân viên mới bà con nhé!

Trong lúc mọi người đều ngẩng lên, Quỳnh vẫn cúi đầu, vừa ăn nốt gói xôi ruốc vừa đọc mấy tin tiêu điểm trên Google News. Chị Hạnh – biên dịch viên giỏi nhất trong nhóm – xin nghỉ dài hạn vì việc gia đình, cô thì từ chối ký hợp đồng chính thức, việc toà soạn phải tìm nhân viên mới chẳng có gì bất ngờ. Một ai đó thắc mắc:

- Sao chưa thấy thông báo tuyển?

- Lần này không tuyển công khai, nhận theo reference thôi. – Cúc Anh nói bằng giọng am hiểu và tự tin, với chữ reference sai trọng âm be bét.

- Lại con ông cháu cha nữa à? – Một ai đó hỏi, nồng độ mỉa mai đậm đặc trong giọng nói vẫn còn một chút uể oải như ngái ngủ.

Cúc Anh dĩ nhiên vẫn “nói nhanh hơn nghĩ” nên trước khi nhận ra người khác đang ám chỉ mình thì đã kịp tuôn thêm một tràng thông tin nội gián nữa:

- Một cháu là đàn em khoá sau của chị Hạnh, hết hè này mới vào năm cuối nhưng làm cộng tác viên cho Hoa học đường với Thế giới học trò từ hồi lớp 10. Cháu kia là em họ chị Điệp, thấy bảo ra trường được một năm rồi nhưng chưa đi làm ở đâu, tự mở shop thời trang trên phố Hàng gì ý.

Mấy chữ “shop thời trang trên phố Hàng” kéo gần hết những người mang giới tính nữ trong phòng chụm lại một chỗ. Câu chuyện đầu giờ chuyển hẳn sang một hướng khác chẳng liên quan gì đến tình hình nhân sự của toà soạn. Không để ý đến những lời bình phẩm về váy áo của hiệu nọ nhãn kia, giá cả của shop này shop khác, Quỳnh lẳng lặng nhìn ra cửa sổ. Nắng sớm vàng dịu phủ trên những mái nhà nhắc cô nhớ lại ngày đầu tiên đi làm. Bốn tuần đã trôi qua, vậy mà mỗi lần nghĩ về thời điểm ấy, cô lại cảm thấy nao nao.

Rồi những câu chuyện phiếm đầu giờ cũng vãn, mọi người lục tục trở về chỗ của mình, tiếng râm ran trong phòng lắng hẳn, nhường chỗ cho tiếng bàn phím gõ lạch cạch và tiếng bánh xe ghế xoay cọt kẹt. Quỳnh quay vào lướt mắt một lượt qua dãy cabin, tự dưng thấy mũi cay cay. Hôm qua, cô đã nộp hồ sơ dự tuyển vị trí biên tập viên tiếng Anh ở một công ty sách. Dù cô có được đơn vị đó lựa chọn hay không, chắc chắn những hình ảnh và âm thanh mà cô vừa chớm quen này rồi sẽ nhanh chóng biến thành xa lạ. Cô không thuộc về nơi đây…

Giữa lúc Quỳnh còn đang chìm trong những suy nghĩ nhạt nhoà, ảm đạm, cửa phòng bật mở, Đăng dẫn theo hai người nữa bước vào.

- Mọi người tạm dừng lại đây để tôi giới thiệu một chút! – Đăng đến bên chiếc bàn họp của cả phòng, gõ nhẹ mấy tiếng.

Nhờ những “thông tin nội gián” mà Cúc Anh vừa cung cấp, không ai có biểu hiện ngạc nhiên hay khó hiểu, tất cả đứng dậy, đi về phía ba nhân vật chính. Sau phần thông báo lý do ban đầu theo đúng bài bản, Đăng bắt đầu giới thiệu từng người trong phòng để hai nhân viên mới làm quen. Dù đều không phải qua thi tuyển và đều có người đỡ đầu đáng nể, hai “ma mới” vẫn khá giữ kẽ, chào hỏi từng người một với vẻ lễ phép đến mức rụt rè. Nhưng khi trưởng nhóm chỉ đến chỗ Quỳnh thì Trang, “ma mới” số 2 lại nhanh nhảu cướp lời:

- Em biết bạn ý rồi ạ.

Quỳnh lúc này mới thực sự chú ý đến những gì đang diễn ra trước mắt. Cô nhìn kỹ Trang, trên gương mặt hơi ngẩn ngơ bỗng có thêm nét nghi hoặc.

- Không nhận ra tớ đúng không? – Trang cười cười – Tớ học với cậu bên Quốc gia.

- Ơ, nhưng Quỳnh học Hà Nội ra cơ mà nhỉ? – Cúc Anh vội chứng minh danh tiếng lâu nay của mình quả là “bất hư truyền”.

Quỳnh không biết phải làm gì, nói gì. Giờ đây, ngay cả việc cười gượng gạo và đưa đẩy vài câu xã giao cũng trở thành nhiệm vụ quá gian nan với cô. Trang không nhận ra điều đó nên quay sang giải thích với Cúc Anh:

- Quỳnh học bên Quốc gia hết năm thứ nhất rồi mới chuyển trường thật đấy ạ.

Nhân vật đang được nói đến vẫn nín thinh. Trang hơi chựng lại một chút nhưng rồi tiếp tục, viên kim cương gắn trên răng loé lên theo nụ cười tươi rói hướng về Quỳnh:

- Hoá ra cậu sang bên Đại học Hà Nội à? Thế mà bọn cái Hằng chúng nó cứ kêu cậu vào Sài Gòn.

Chỉ có Đăng nhận ra biểu hiện khác thường trong vẻ trầm lặng cố hữu của Quỳnh. Đôi mắt hoang mang mù mờ và sắc xanh trên gò má cô tiết lộ tâm trạng rối loạn, thậm chí là hoảng hốt. Những phản ứng đó không khác là bao so với những gì anh dự liệu, nhưng chúng cũng làm anh cảm thấy hối hận vì quyết định của mình trong chốc lát. Bất giác, Đăng nắm chặt tay, thầm ước toàn bộ đám nhân viên trong phòng biến hết thành tượng sáp, để anh có thể đến gần cô, cho cô một điểm tựa, một lời an ủi…

Nhưng dĩ nhiên, toà soạn của Quan Sát không phải bảo tàng của Madame Tussauds, nên mong ước của anh không thể thực hiện. Thay vào đó, anh lên tiếng, khéo léo đưa cuộc đối thoại trở về chủ đề chính là chào mừng nhân viên mới bằng cách giới thiệu nốt những người còn lại và tuyên bố bữa trưa hôm nay sẽ do quỹ chung của phòng tài trợ. Đợi những tiếng hỏi han bàn tán về địa điểm đánh chén lắng xuống, anh xua mọi người trở lại chỗ ngồi rồi bắt đầu giao nhiệm vụ và hướng dẫn những điểm cần lưu ý cho nhân viên mới...