Để hôn em lần nữa
Posted at 27/09/2015
422 Views
Tin tức thế giới ùn ùn như thác, chỉ cần có người động vào là theo nhau ập tới liên miên không dứt, Đăng chăm chú vào công việc nhưng vẫn biết chắc có một đôi mắt cảm kích nhưng buồn mênh mang đang dõi theo mình.
Vì nhà hàng buffet ngon bổ rẻ gần đó đã thông báo đóng cửa sửa chữa từ mấy hôm trước, cả phòng chọn phương án dự phòng là quán mì Hàn Quốc bình dân theo lời gợi ý của Tú, nhân viên mới còn lại. Nhà hàng nằm trong một ngõ cụt cũng không xa toà soạn lắm, khung cảnh đặc trưng với những chiếc bàn thấp, những đôi đũa kim loại và món kim chi cải thảo tẩm bột ớt đỏ ối gợi nhớ đến những bộ phim Hàn chiếu trên TV mỗi tối. Là bạn học cũ nên Quỳnh và Trang được mọi người ưu tiên cho ngồi cạnh nhau. Quỳnh không phản đối, cũng không tỏ vẻ vui mừng.
Trên thực tế thì từ sáng đến giờ, nói đúng hơn là từ lúc Trang xuất hiện đến giờ, Quỳnh phản ứng hoàn toàn theo quán tính. Cô vẫn làm việc và đáp lời mỗi khi có ai hỏi tới, nhưng trong đầu cô là một khoảng trống hoang vắng. Cô không chủ động nói gì, không biểu lộ cảm xúc gì, mọi cử chỉ và lời nói của cô đều trôi chảy bình thường nhưng chỉ cần để ý kỹ một chút sẽ nhận ra ngay vẻ vô hồn, như một con rối không dây vậy. Dĩ nhiên, trong trường hợp này, Trang không phải là người có thể quan sát tinh tường đến mức ấy. Cô còn bận thể hiện tài giao tiếp khéo léo lấy lòng mọi người. Một lát sau, khi tất cả đã ăn xong món đầu tiên, cô mới quay sang phía Quỳnh, chỉ vào mấy chiếc đĩa con vốn đựng kim chi khai vị, tươi cười, gợi chuyện:
- Cậu càng ngày càng ăn cay giỏi!
- Cũng không cay lắm mà – Quỳnh đáp, giọng cô mà rời rạc thêm chút nữa thì người nghe hoàn toàn có thể tưởng là đang đối diện với một thứ gì đó như tổng đài tự động.
- Ừ, họ tẩm nhiều ớt trông sợ thôi chứ cũng không cay lắm thật. Tớ nhớ hồi lớp mình đi Sơn La còn có món gì cay hơn mà cậu vẫn ăn như không, món gì ý nhỉ… à đúng rồi, chẳm chéo và măng ngâm ớt.
- Ừ, chẳm chéo và măng ngâm ớt – Quỳnh gật gật đầu, giọng nói và thái độ không thể phẳng lặng, máy móc hơn.
Nụ cười của Trang hơi nhạt đi, dù có vô tâm đến mấy, cô cũng không thể không nhận ra vẻ bình thường một cách cực kỳ bất thường của Quỳnh. Đúng lúc đó món tiếp theo được bưng tới, mọi sự chú ý lại được dồn vào bàn ăn. Mãi một lúc sau Trang mới trở lại câu chuyện dang dở với Quỳnh. Cô cố gắng tìm thêm một chủ đề liên quan đến cả hai:
- Cậu nhớ thằng Trung lớp mình không? Nguyễn Trung ý. Nó học thêm một bằng quản trị kinh doanh bên trường cậu đấy, không biết cậu có gặp bao giờ không?
- Tớ không để ý lắm. – Quỳnh nghĩ mấy giây rồi mới trả lời. Hình như nhờ món cơm trộn nóng hổi tiếp thêm một chút sức sống, cô đã có thể ngẩng lên nhìn Trang – Cậu thì sao?
- Ôi, chuyện của tớ thì chán chết…
- Nghe giang hồ đồn – Lân đột nhiên xen vào, nháy nháy mắt về phía Cúc Anh – Trang mở shop hàng xách tay trên phố hả?
- Em ra trường chẳng biết xin việc chỗ nào, lại sẵn tí tiếng Trung ngoại ngữ hai, nên vay tiền bố mẹ mở cái shop bán đồ Quảng Châu thôi ạ. May mà chị dâu em đợt đấy chịu khó up lên Muare nên sau nửa năm cũng hoàn được vốn.
Câu chuyện thời trang lúc đầu giờ sáng bắt đầu được phe phụ nữ tua lại, với những lời kể của người trong cuộc. Mấy đại diện phái mạnh thì bắt đầu nói chuyện về mùa bóng mới ở châu Âu. Không khí bữa ăn mừng nhân viên mới thật hài hoà, vui vẻ. Quỳnh vươn tay vét nốt mấy miếng cháy cơm trộn dưới đáy chiếc nồi gang. Lẽ ra, cô phải thấy chạnh lòng đôi chút vì thái độ của mọi người dành cho hai nhân viên mới lần này thân thiện hơn hẳn so với khi cô vừa vào làm và tự hỏi tại sao lại thế. Nhưng hiện tại, tất cả những gì cô cảm nhận được chỉ là hơi nóng và vị mặn của cơm. Dù sao thì hai cảm giác ít ỏi này cũng khiến đầu óc trống rỗng của cô có cái cớ hợp lý để chậm rãi vận hành.
Thật tiếc, đúng lúc Quỳnh bắt đầu nghĩ rằng bữa ăn này và cả khoảng thời gian gần một tháng phía trước sẽ cứ trôi qua lững lờ và có thể gọi là bình yên như thế, thì Trang lại sực nhớ ra một chuyện mà cô nghĩ là cực kỳ liên quan và có thể khiến cô bạn cùng lớp cũ trở nên cởi mở hơn. Trang khẽ chạm vào người Quỳnh, nói không to không nhỏ:
- À, hôm trước mẹ cái Phương đến mua hàng của shop tớ đấy. Bác ý bây giờ trông khác lắm, béo hơn, bác ý cứ đòi thử mấy cái áo size M rồi cuối cùng…
Quỳnh nắm chặt cán thìa, gần như bất động. Cô nhìn Trang nhưng không còn nghe thấy lời nào nữa. Giữa quán ăn đông người, cô lại cảm thấy mình rơi vào một khoảng không gian hoang vắng im lìm.
Cả phòng vừa ăn vừa trò chuyện nhẩn nha nhưng cũng chỉ hơn một tiếng là xong bữa trưa. Ai đó đề nghị sang bên đường uống cà phê nhưng không được mọi người tán thành, tất cả quay về toà soạn, tranh thủ chợp mắt hoặc vào Facebook thu hoạch rau củ hay mua đồ cho pet. Quỳnh không ngủ trưa, cũng chẳng chơi game, thậm chí cũng không tựa vào lưng ghế, cứ ngồi thẳng đơ như tượng, thẫn thờ nhìn ảnh nền Windows trên màn hình. Chợt điện thoại của cô rung lên một nhịp ngắn. Quỳnh cầm nó lên, ngó đăm đăm vào dấu hiệu báo tin nhắn như thể nó là của ai đó để quên.
Một lúc sau, khi màn hình máy tính trước mặt đã chuyển sang chạy screensaver và người ngồi chếch phía sau cô đã bị một cuộc điện thoại nội bộ gọi đi, cô mới chậm rãi cầm lấy máy. “Em ra cho cauthang, toi hoi mot chut”, tin nhắn không dấu mà hầu như ai cũng có thể luận được một cách dễ dàng này bỗng nhiên biến thành một thứ ngôn ngữ xa lạ với Quỳnh. Cô không chọn reply hay delete, chỉ mân mê dãy phím bấm một cách vô thức.
Có lẽ Quỳnh sẽ vẫn cứ ngồi như thế cho đến lúc vào giờ làm việc nếu như Đức không xuất hiện. Đứng ở cửa phòng vẫy mãi mà cô không quay ra, Đức mò vào sát bàn, huơ tay trước tầm mắt cô. Quỳnh ngước lên, ánh mắt dường như vẫn còn chăm chú vào một điểm nhìn vô định nào đó nhưng miệng đã mấp máy ra một câu tạm gọi là có nghĩa:
- Là anh ạ.
- Thế em tưởng là ai? – Đức thì thào, chỉ ra ngoài hành lang – Ra kia nói chuyện cho to.
Quỳnh phải mất một lát mới xử lý xong thông tin đơn giản đó. Cô đứng dậy, vừa bước sau Đức vừa cố ép đầu óc đang ở tình trạng treo máy của mình tìm ra một câu có nghĩa hơn câu trước. Khi hai người dừng lại bên ô cửa sổ duy nhất ngoài ngách hành lang, câu ấy vẫn chưa xuất hiện. Nhưng người đối diện với cô là Đức nên câu chuyện không đến nỗi bế tắc. Anh không đợi cô mở lời mà chủ động hỏi luôn:
- Hôm nay em gặp chuyện gì à?
- Dạ?
- Trông hơi đơ! – Đức nhìn cô từ đầu đến chân rồi buông một câu gọn lỏn.
Quỳnh còn ngẩn người, chưa nghĩ ra được câu nào đáp lại lời nhận xét thẳng ruột ngựa của Đức thì anh đã vội vàng “đính chính”:
- À không, không phải hơi đơ, rất đơ mới đúng.
Ngay cả câu pha trò này cũng không gọi được nụ cười xuất hiện trên gương mặt trắng xanh của Quỳnh. Cô chỉ lắc đầu, trả lời bằng một câu lí nhí, chẳng có một tẹo sức thuyết phục nào. Đức cũng không bắt bẻ thêm, chỉ hỏi tiếp:
- Chân em đỡ chưa?
- Đỡ nhiều rồi ạ. – Quỳnh đáp qua loa, cô không định doạ Đức bằng một danh sách những thủ thuật y tế mà hai đầu gối cô đã và sẽ nhận.
- Nhưng túm lại là làm sao hả em, viêm khớp à? – Đức biết gia đình Quỳnh theo nghề y nên cũng cố gắng tỏ vẻ muốn bàn sâu vào chuyên môn – Em có phải uống thuốc gì không? Hay để anh về trộm của ông già anh ít cao hổ cho em dùng, nhé!
Nếu là bình thường, có lẽ Quỳnh đã giãy nảy lên rồi thuyết cho Đức một tràng về đa dạng sinh học, về bảo tồn thiên nhiên, về mức độ sai trái của việc sử dụng sản phẩm có được nhờ giết hại động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. Nhưng hôm nay, cô chỉ im lặng lắc đầu. Cô ngoái lại định ngó chiếc đồng hồ treo gần đó để xem đã đến giờ làm việc chưa, bỗng giật thót mình vì Điệp và Đăng đã đứng đấy từ lúc nào. Điệp nhìn hai người rồi liếc sang Đăng, nói bằng một giọng nửa trêu chọc nửa mỉa mai:
- Nhân viên phòng Đăng chủ động và tích cực giao lưu nhỉ!
- Là em chủ động tích cực giao lưu chị ơi! – Đức cười hì hì.
Điệp tiếp tục đóng vai một người cấp trên thân tình và hài hước bằng cách buông ra vài câu gán ghép ỡm ờ. Thỉnh thoảng chị liếc sang bên cạnh, cố nói thêm vào trong câu những chữ như “Đăng cũng thế nhỉ”, “phải không Đăng”… để lôi kéo anh vào câu chuyện, đuôi mắt chị lúng liếng ý nhị, nụ cười ngọt ngào thoắt lại nở trên khuôn miệng nhỏ xinh như những nàng geisha trong tranh.
Quỳnh nhìn điệu bộ không thể không gọi là nũng nịu mà Điệp đang trình diễn, cảm thấy càng lúc khó thở với kiểu nhả chữ bắt chước theo nhà thiết kế Minh Hạnh của chị. Cô cúi đầu nhìn bóng của bốn người chiếu xuống nền gạch granite sáng bóng, cố hít sâu và đếm từng giây trôi. Thật may cho cô, có một người nữa cũng không thích thú gì với màn thăm hỏi ân cần (hay diễu võ dương oai?) của Điệp. Anh im lặng đợi cho chị tung hứng nốt một câu rồi nói trống không:
- Về phòng làm việc thôi!
Vừa nghe thấy thế, Quỳnh như nhận được lệnh đặc xá, vội vàng gật đầu với Điệp và Đức thay lời chào rồi lách ra khỏi ngách hành lang. Đăng cũng nhanh chóng theo sau cô. Điệp có vẻ hơi chưng hửng, chị sững lại một giây rồi mới cao giọng gọi Đăng. Đợi anh dừng lại, chị mới đủng đỉnh rút trong túi ra một chiếc thắt lưng da, đi tới ấn vào tay anh. Trước vẻ háo hức tọc mạch của Đức và vẻ cứng nhắc của bóng lưng của Quỳnh, chị mỉm cười, nói bằng vẻ bâng quơ cứ như đang nói chuyện thời tiết:
- Hôm trước Đăng quên cái này, lúc đấy muộn quá nên chẳng gọi Đăng quay lại lấy nữa.
Quỳnh không đi làm, không xin phép, điện thoại cũng ở trạng thái “tạm thời không liên lạc được”. Cả một ngày, Đăng luôn ở trong tình cảnh cố gắng ra lệnh cho bản thân tập trung làm việc. Nhưng xem ra, tâm trí anh hôm nay thật sự chẳng coi chủ nhân của nó ra gì. Ngay cả những tin tức từ những hãng thông tấn danh giá nhất, nói về sự kiện gây xúc động nhất hay quyết định có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất, cũng không khiến anh mảy may quan tâm. Anh đọc duyệt chậm chạp hơn nhưng lại dễ tính hơn với những câu tiếng Việt lủng củng mang giọng văn Google Translate đậm đặc của Lân và những bài dịch độn hàng tấn ảnh sao Hàn của Cúc Anh. Thỉnh thoảng, anh lại đưa mắt về phía cabin trống, tự hỏi người vẫn thường ngồi đó giờ đang ở đâu, làm gì, nghĩ gì…
Rồi một ngày làm việc như mơ ngủ cũng kết thúc, Đăng quyết định đến thẳng nhà của thủ phạm đã tra tấn tinh thần anh suốt hơn mười tiếng đồng hồ qua. Dù chỉ liếc qua địa chỉ của cô đúng một lần khi đọc hồ sơ xin việc, dù đã qua hơn một tháng, anh vẫn nhớ như in. Đó là một khu tập thể cũ nằm trên một trục đường chính nối từ quận này sang quận khác. Khi Đăng vượt qua một rừng người, một biển xe cộ và một đại dương tiếng ồn lẫn khói bụi để rẽ được vào cổng của khu tập thể, trời đã nhá nhem tối. Hơi nước oi nồng trong không khí và những dải mây vần vũ như lời đe doạ về một cơn mưa sắp đổ xuống khiến các bà các cụ đứng tuổi vẫn thường tụ tập la liệt ở sân các khu tập thể mỗi chiều tản đi gần hết, chỉ còn lác đác vài chị giúp việc đang vừa dỗ trẻ con ăn vừa buôn chuyện với nhau.
Phải mất vài lượt hỏi thăm, Đăng mới tới được chân cầu thang nhà Quỳnh. Anh chần chừ một lát rồi quyết định không đi lên ngay mà gọi thêm một cuộc điện thoại nữa, cuộc điện thoại thứ n cho đúng một số máy, chỉ trong buổi chiều hôm nay. Dường như chủ nhân của số điện thoại nghĩ rằng hết giờ làm việc thì sẽ không còn ai thèm hỏi han gì cô nữa, nên tín hiệu thông. Và tình hình không đến nỗi bế tắc như anh lường trước, vì tiếng “a lô” đã ngập ngừng vang lên sau có mỗi tám hồi chuông.
- Tôi đang ở dưới sân – Phải mất mấy giây, Đăng mới bình ổn được nhịp thở để mở miệng – Em xuống hay để tôi lên?
- Anh… đến đây làm gì ạ?
- Thế em nghĩ tôi đến đây làm gì? – Đăng cau mày, anh không có ý định lao qua đám ùn tắc khổng lồ ở phố Chùa Bộc để tham gia phần hỏi đáp vô vị thế này.
- Em đang bị cúm, không tiện gặp ai đâu ạ.
- Để tôi dạy cho em một tip lừa sếp. Đấy là nếu em nói dối rằng bị cúm bị sốt, thì ít nhất cũng phải ép giọng xuống sao cho yếu xìu, hoặc giả vờ sụt sịt hắt hơi liên tục. Còn nếu không thể làm thế thì hãy nói là bị dị ứng.
Người ở đầu dây (à mà điện thoại di động không có dây, thôi kệ, cứ viết thế cho nhiều chữ) bên kia im lặng. Có lẽ cô còn bận chiêm nghiệm lời khuyên của anh. Đăng tranh thủ ngay biểu hiện của sự phân tâm đó để hỏi dồn luôn:
- Thế nào, em xuống hay tôi lên?
Khi Quỳnh xuống đến nơi, trời đã tối hẳn, đèn đường đã bật, khoảng sân giữa hai khối nhà tập thể đã vắng hẳn, những người hóng mát, tập thể dục hay dong trẻ con đi ăn đều đã về nhà hết cả. Chiếc xe hầm hố của Đăng dựng chơ vơ dưới một cây dâu da còn anh thì ở cách đó một quãng, quay lung về phía cô, vừa nói chuyện điện thoại vừa thong thả đi đi lại lại. Tuy khoảng cách không xa nhưng cô chỉ có thể nghe loáng thoáng anh dặn mẹ anh nhớ tra thuốc nhỏ mắt cho ai đó.
Quỳnh vươn tay nhặt chiếc lá dâu da rụng trên yên xe, chợt thấy bản thân cũng giống một chiếc lá lìa cành, nhỏ bé, rã rời. Người không thể tự tra thuốc nhỏ mắt hẳn phải là trẻ con. Phải rồi, chắc đó là thằng bé tên Tin mà ngay ngày đầu tiên đi làm cô đã nghe Đức nhắc đến. Đăng không phải là người thích đề cập đến các vấn đề riêng tư, cũng không thích nhân viên làm như vậy. Trong hơn một tháng làm việc chung, cô không nghe anh nhắc về gia đình lần nào. Đến người ưa hóng hớt đưa chuyện và có ô to nhất phòng là Cúc Anh cũng không dám đem anh ra làm “con mồi”, nghe nói cô nàng đã từng phải dịch tới chục tin bài khó trong cùng một ngày, vì ai đó vô tình nghe được tên cơ quan của bố mình bay ra từ cái miệng thóc mách của cô nàng...