Anh có thích nước Mỹ không
Posted at 27/09/2015
607 Views
Tiểu Bắc cười ha ha, “Hay đấy, hay đấy”.
Duy Quyên không nói gì thêm, chắc là nằm trên giường tức nổ đom đóm mắt. Cuối cùng vẫn là Nguyễn Nguyễn giảng hòa, “Tồn tại tức là hợp lý, mỗi người một ý thích thôi mà”.
Duy Quyên cũng không muốn làm mất lòng Trịnh Vi, được đà hạ giọng, “Nhưng nói đi lại nói lại, nghe nói trong câu lạc bộ cờ vây cũng có mấy anh không đến nỗi, nghe nói chàng công tử họ Hứa khoa Vật lý Điện tử cũng ở câu lạc bộ đó”.
Trịnh Vi vẫn chưa hả giận, “hứ” một tiếng rồi không nói gì thêm.
Lục Nha hỏi: “Chàng công tử họ Hứa nào?”.
“Công tử họ Hứa mà cậu không biết à?”, Duy Quyên nói, “Hứa Khai Dương ‐ năm thứ hai khoa Vật lý Điện tử, nhà rất giàu, lại đẹp trai, mấy nàng trong lớp tớ thường xuyên nhắc tới anh ta, nghe nói vẫn chưa có người yêu”.
“Xem ra cậu đã điều tra kỹ rồi phải không. Chưa có người yêu, thế không phải là cậu có cơ hội hay sao?”, Tiểu Bắc nói.
Duy Quyên nói với vẻ ngượng ngùng, “Làm sao người ta thích tớ được”.
“Đừng nói như vậy, bạn Duy Quyên của chúng ta tuyệt vời làm sao, còn ai bôn sê vích hơn bạn ấy nào?”, Tiểu Bắc nói.
Sau một hồi thảo luận, trừ Trịnh Vi và Tiểu Bắc ra, Trác Mĩ tham gia câu lạc bộ Nấu ăn, Duy Quyên và Lục Nha tham gia câu lạc bộ Văn học, chỉ có Nguyễn Nguyễn không tham gia câu lạc bộ nào, lý do của cô là sợ phiền hà, có thời gian tham gia vào mấy việc đó không bằng lên thư viện đọc sách.
Trong trường đại học, muốn nhận biết sinh viên mới và cũ không có gì là khó, những người hào hứng đi theo tốp mấy sinh viên nam hoặc nữ là sinh viên mới, hai người dắt tay nhau đi lang thang trên đường là sinh viên cũ; trước giờ vào học vẫn còn năm phút đã chạy thục mạng vào giảng đường là sinh viên mới, chuông báo vào học réo đã lâu mà vẫn dụi mắt lê từng bước vào lớp là sinh viên cũ; ánh mắt hồ hởi, mong chờ, tràn trề hy vọng trước bốn năm đại học là sinh viên mới, hai mắt vô hồn, nụ cười mờ ám là sinh viên cũ… Đương nhiên rồi, có người lại thích phân biệt theo kiểu này hơn, trong nhà ăn, ăn phải một con sâu kêu lên thất thanh là sinh viên mới, thấy trong bát không có sâu liền ngạc nhiên đến mức không dám nuốt là sinh viên cũ.
Cho dù thế nào, so với cực hình của ba năm cấp ba, cuộc sống trong trường đại học chẳng khác gì thiên đường. Đứng trước môi trường sống và học tập thoải mái và tự do tự tại vì không có người giám sát, rất nhiều người có cảm giác như chim sổ lồng, hào hứng vỗ cánh nhưng không biết nên bay về phương nào. Lục Nha kể rằng học kỳ một của năm thứ nhất đại học sắp kết thúc nhưng cô vẫn thường xuyên mơ thấy cảnh mình quay về thời trước khi thi đại học mà toát cả mồ hôi hột.
Lần trốn học đầu tiên của Trịnh Vi bắt đầu từ những lời gợi ý của lão Trương - người được mệnh danh là giang hồ Bạch Hiểu Sinh. Xuất phát từ tâm lý đối phó, sau khi gia nhập câu lạc bộ Cờ vây, cô cũng mấy lần đến trung tâm hoạt động của câu lạc bộ. Lần thì đi vào sau khi tan học, lần thì đi lúc không có giờ, bất kể lần nào đến địa điểm tồi tàn đó, cô cũng đều nhìn thấy bóng dáng lão Trương. Cuối cùng có một lần, không nén nổi tò mò, Trịnh Vi liền nói ra thắc mắc của mình, “Anh Trương, sao lúc nào anh cũng có mặt, anh không đi học à?”. Lão Trương cười, điềm nhiên nói: “Cô bé ngốc nghếch thế, em tưởng rằng tất cả mọi người đều như các em tiết nào cũng cắp cặp đi học ư? Thà đi làm việc mình thích còn hơn là để tuổi xuân quý báu trôi qua một cách vô bổ trong những môn học vô vị”. Lúc đó Trịnh Vi thầm nghĩ thảo nào mọi người đều nói trong câu lạc bộ Cờ vây toàn là sinh viên bị đúp, mình không thể như thế được.
Cho dù là năm thứ nhất nhưng chương trình học của sinh viên các nhóm ngành Tự nhiên đều khá nặng, ngoài bốn môn chuyên ngành còn có các môn chung bắt buộc như Ngoại ngữ và Triết học Mác - Lênin, Cơ sở pháp luật. Về cơ bản, thời khóa biểu ngày nào cũng được bố trí kín mít, thỉnh thoảng những buổi không có giờ lại phải đối phó với các bài tập vi phân, tích phân dài lê thê.
Một buổi sáng trời mưa, Trịnh Vi tự cho phép mình được ngủ nướng với lý do đau đầu để biểu tình việc rời khỏi chăn ấm lên lớp đi học. Thấp thỏm một hồi, thấy hậu quả không những không nghiêm trọng như mình tưởng tượng - thậm chí có thể nói sau khi không để lại hậu quả gì, cô bắt đầu có những hành động liều lĩnh hơn, ngoài môn chuyên ngành không dám bỏ học, sợ bỏ sẽ không theo kịp, các môn học chung bắt buộc, bỏ được đều bỏ. Thời gian đầu cô còn nhờ
Nguyễn Nguyễn làm đơn xin phép nhét cho cán bộ lớp nhưng sau khi mọi lý do ốm vặt đã sử dụng hết, ngay cả giấy xin phép cũng không buồn viết nữa. Sau khi cha mẹ mỗi người bỏ ra nửa tiền mua cho cô một chiếc máy tính, tình trạng này càng nghiêm trọng hơn. Vua trốn học trong phòng chính là cô và Trác Mĩ - người nổi tiếng vì đức tính ham ngủ lười học, thỉnh thoảng còn có Tiểu Bắc -người cũng dị ứng với môn Triết học Mác - Lênin, cứ rỗi rãi là lại thuê về mấy bộ phim truyền hình mà nghiền ngẫm, phim Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Mỹ, Đài Loan, rồi phim trong nước, phim nào cũng không chê, có lúc còn xem quên cả mình là ai, ngay cả cơm cũng phải nhờ Nguyễn Nguyễn sau khi tan học mua về cho.
Mặc dù Nguyễn Nguyễn không phải tiết nào cũng chăm chú nghe giảng nhưng nguyên tắc của cô là không có chuyện đặc biệt thì không trốn học, cho dù tâm hồn có treo ngược cành cây, cũng phải tự mình đến tận hiện trường. Như lời cô nói thì Trịnh Vi đã bỏ học nhiều, nếu cô cũng làm như thế thì phòng ký túc xá của cô vốn là phòng có các sinh viên học ở các khoa khác nhau, khi lớp có chuyện gì cần thông báo sẽ chẳng ai biết, nếu chẳng may gặp phải hôm điểm danh, kiểu gì cũng phải có người để đối phó.
Bình thường trên lớp đều do lớp phó phụ trách kỷ luật điểm danh, mặc dù giấy xin phép mà Nguyễn Nguyễn đưa ra trông rất lem nhem, tệ hại nhưng trước ánh mắt khẩn cầu của nàng hoa khôi, hơn nữa Trịnh Vi cũng được bạn bè trong lớp quý mến vì tính tình xởi lởi, vô tư nên lớp phó phụ trách kỷ luật cũng nhắm mắt cho qua, chỉ có điều nếu gặp phải vị giáo sư nào mạnh tay, sự việc sẽ không đơn giản như thế. Một lần, Trịnh Vi liều mạng bỏ giờ môn Xây dựng Công trình đại cương, thầy giáo dạy môn này là giáo sư Lý -người được mệnh danh là một trong tam đại sát thủ của khoa Xây dựng, trước khi vào lớp mà vị giáo sư này phát hiện số chỗ ngồi còn trống vượt quá lim chịu đựng của ông thì ông sẽ điểm danh rất cẩn thận. Lúc hết tiết ông còn đứng trên bục giảng đập bảng với vẻ đằng đằng sát khí, “Giờ của tôi mà cũng dám bỏ hả, không biết ông Lý này là ai hả? Học kỳ này nếu hai lần điểm danh không có mặt thì điểm thi cuối kỳ nhất loạt là điểm 0!”.
Trong khi đó, Trịnh Vi đang ngồi ở ký túc xá xem phim mà nước mắt lưng tròng. Nguyễn Nguyễn tranh thủ giờ giải lao giữa hai tiết học, hổn hển chạy về ký túc xá báo tin cho Trịnh Vi, Trịnh Vi lập tức thay quần áo rồi cùng Nguyễn Nguyễn lên lớp trước khi vào tiết hai. Từ trước đến nay, các môn đều học liền hai tiết, vừa thấy giáo sư Lý mặt đằng đằng sát khí, vẻ yếu ớt của Trịnh Vi lại càng lộ rõ, cô nói, “Em xin lỗi thầy, em bị đau bụng đã hai ngày nay rồi, vừa nãy em phải nghỉ một tiết của thầy”.
Vẻ ngây thơ, trong sáng đó có lợi như vậy đấy; nhìn ánh mắt ngơ ngác như mắt nai tơ của Trịnh Vi và vẻ thành khẩn không thể chê vào đâu của Nguyễn Nguyễn đứng bên cạnh, ngay cả giáo sư Lý đã sống nửa đời người và nổi tiếng vì sự cứng rắn cũng không khỏi động lòng trắc ẩn, ông xua xua tay và nói một câu: “Các cô đừng có ăn vặt linh tinh, không tốt cho sức khỏe, ảnh hưởng đến học tập, quay về chỗ ngồi đi, lần này tôi cho qua”. Nghe nói cách này đã có lần được một sinh viên nam trong lớp bắt chước, kết quả không những vẫn bị đánh dấu bỏ học mà còn bị giáo sư Lý cho một bài ca không quên. Vì thế sinh viên nam đều thầm than thở rằng tại sao mình không được sinh ra làm kiếp má hồng duyên dáng. Trịnh Vi nghe thấy liền nói: “Từ trong trứng nước người ta đã được cha mẹ phú cho nét tươi xinh, biết làm thế nào? Hơn nữa, người đầu tiên áp dụng chiêu bài này là thiên tài, người nào học lỏm đều là ngu tài”.
Điều khiến mọi người ấm ức hơn cả là sau khi biết điểm thi học kỳ, Nguyễn Nguyễn đứng trong tốp ba người có điểm cao nhất lớp chẳng nói làm gì, riêng Trịnh Vi đi học bữa đực bữa cái nhưng môn nào cũng qua. Hôm thi môn Triết học Mác - Lênin, do được ngồi sau Nguyễn Nguyễn nên Trịnh Vi không phải thi lại.
Sống trong môi trường như vậy, Trịnh Vi như cá gặp nước, cô cảm thấy tương lai tựa như một bức tranh sơn thủy theo phương pháp vẩy mực đang từ từ mở ra trước mắt. Tuổi trẻ tuyệt vời biết bao, phía trước vẫn còn rất nhiều điều lý thú đợi chờ cô khám phá, vẫn còn rất nhiều thời gian để có thể thỏa thích phung phí, mặc dù đôi lúc nhớ đến Lâm Tĩnh, trong lòng cũng rầu rĩ, nhưng không gì có thể ngăn nổi nhịp chân vui vẻ tiến bước của Tiểu Phi Long.
Chương 4: Vừa gặp Dương Quá lỡ dở một đời
Học kỳ hai chưa được bao lâu, Lục đại Thiên Hậu của phòng 402 đã có sự thay đổi. Lục Nha ngay từ đầu đã tuyên bố quyết không yêu trong trường đại học nhưng sau vài lần gặp gỡ, hội họp với bạn bè đồng hương đã bị anh chàng học năm ba cùng trường tán đổ. Lúc đầu, anh chàng này liên tục mượn cớ mời cô đi ăn cơm, đi chơi công viên. Từ trước tới nay Duy Quyên luôn có con mắt tinh tường đã khẳng định anh chàng này chắc chắn có âm mưu đen tối, chỉ có điều Lục Nha khăng khăng phủ nhận, nói chỉ là bạn thân mà thôi.
Các cuộc “hội họp đồng hương” của Lục Nha diễn ra thường xuyên khiến Trịnh Vi thắc mắc suốt một thời gian dài, cô hỏi riêng Nguyễn Nguyễn: “Nhà Lục Nha ở ngoại ô, đi xe cũng chỉ hai tiếng đồng hồ là về đến nhà, tại sao lại liên tục họp đồng hương?”.
Nguyễn Nguyễn liền cười nói: “Cứ bình tĩnh quan sát xem thế nào”.
Quả nhiên sau đó không lâu, tình cảm giữa Lục Nha và anh chàng đồng hương đã thăng hoa nhanh chóng, đi đâu hai người cũng cặp kè bên nhau rất tình tứ. Đến lúc này, Lục Nha không thể không ngượng ngùng thừa nhận, đúng là cô đã ngả lòng trước sự theo đuổi của sư huynh.
Vì chuyện này mà Duy Quyên người vốn thân thiết với Lục Nha đã tỏ thái độ bất bình một thời gian. Trong mắt cô, anh chàng nọ dáng không cao, tướng mạo không có gì nổi bật mà lại còn sống ở nông thôn, mặc dù gia đình Lục Nha cũng ở nông thôn nhưng có thể lựa chọn tốt hơn, dù gì cũng phải tìm một người có hoàn cảnh tốt hơn anh chàng đó. Khi Duy Quyên nói ra những điều này, Lục Nha chỉ im lặng lắng nghe, cuối cùng chỉ hạ giọng nói một câu: “Tớ thấy anh ấy rất tốt với tớ”.
“Cậu ngốc thế, lúc anh ta theo đuổi cậu thì đương nhiên phải tốt với cậu rồi, nhưng tốt để làm gì, đi theo một thằng đàn ông kém cỏi, suốt đời mình cũng có gì khá hơn.” Duy Quyên có phần bực mình vì sự nhu nhược của bạn. Trong hội sinh viên cô sống rất vui vẻ, bản thân lại thông minh sắc sảo, nhan sắc cũng không đến nỗi tồi, vì thế có không ít người theo đuổi, nhưng cô có yêu cầu rất cao. Phương châm của cô là: Lựa chọn bạn đời là sự lựa chọn số phận lần thứ hai của phụ nữ sau lần đầu thai. Sau khi cô tuyên bố anh nào gia cảnh không tốt sẽ không để lọt vào tầm ngắm, không ít kẻ theo đuổi đã phải lặng lẽ rút lui.
Từ trước tới nay, Tiểu Bắc vốn không ưa gì Duy Quyên, nghe thấy chối tai bèn nói, “Theo tớ thì nồi nào nên úp vung nấy, phù hợp là được. Cũng không phải không có các công tử giàu có nhưng người ta cũng có ngốc đâu, tội gì phải thích cậu - dĩ nhiên rồi, cái từ “cậu” mà tớ nói đến ở đây là một khái niệm rộng, không chỉ riêng ai. Tóm lại, Lục Nha, tớ ủng hộ cậu, thích yêu ai thì yêu, quan tâm làm gì nhiều”.
Mặc dù nói như vậy nhưng sau đó không lâu, Tiểu Bắc đã gây ra một chuyện nực cười, hôm đó cô đi lấy nước nóng, đúng lúc về đến phòng thì nhìn thấy Lục Nha cùng mấy người khác đang say sưa xem ảnh, cô liền xúm đến, liếc qua rồi nói, “Lục Nha, người đứng bên cạnh là bố cậu hả, trông còn trẻ quá nhỉ”.
Trịnh Vi lập tức ôm bụng cười rũ rượi, Lục Nha mặc dù không nói gì nhưng trên gương mặt điềm đạm cũng lộ rõ vẻ ngượng ngùng, Tiểu Bắc còn đang ngơ ngác chưa hiểu đầu đuôi thì nghe thấy tiếng Nguyễn Nguyễn, “Tiểu Bắc, chắc cậu không đeo kính đúng không, người đứng bên cạnh Lục Nha là người yêu cậu ấy. Chỉ có điều mặc dù cậu nhìn không rõ nhưng có một điểm là cậu nói đúng, Lục Nha và anh ấy trông khá giống một đôi vợ chồng”.
Tiểu Bắc có vẻ hơi xấu hổ, biết là mình đã đoán sai. Hậu quả của sự việc này là một thời gian dài, dù học cùng lớp nhưng Lục Nha rất lạnh nhạt với Tiểu Bắc, mãi sau này nghĩ lại, mới cười nói với Tiểu Bắc. Từ đó trở đi, Tiểu Bắc cũng cẩn thận hơn trong lời ăn tiếng nói nhưng trong bụng vẫn cảm thấy ấm ức, cô nói với Trịnh Vi và Nguyễn Nguyễn: “Đúng là anh chàng người yêu của Lục Nha có vẻ “già dặn” mà, thế mới khiến tớ nhìn gà hóa cuốc chứ. Giờ nghĩ lại thấy Duy Quyên nói đúng, tội gì cậu ấy phải yêu người như thế?”.
Nguyễn Nguyễn nói: “Tử phi ngư yên tri ngư chi lạc1, người ta cần tìm người như thế nào chỉ có người ta mới biết rõ nhất”.
Trịnh Vi cũng gật đầu liên hồi, “Đúng đấy, chỉ cần Lục Nha cảm thấy thích là được. Tớ mà đã thích ai thì bất kể ra sao, cứ phải túm được chàng trong tay đã rồi sẽ tính sau”.
Nghe đồn rằng trường Đại học G không có nữ sinh nào không được nam sinh theo đuổi, câu nói này hoàn toàn chính xác, kể cả những cô bị liệt vào hàng khủng long cũng đều có thể tìm thấy chàng kỵ sĩ của mình, huống hồ là Lục đại Thiên Hậu ngời ngời sắc hương. Người đứng dưới sân túc trực hết hàng này đến hàng khác, đằng sau mỗi Thiên Hậu đều có ít hoặc nhiều các ứng cử viên, trong đó dĩ nhiên ứng cử viên của Nguyễn Nguyễn chiếm đông nhất. Chỉ có điều, ngay từ đầu cô tuyên bố mình đã có người yêu, mặc dù chơi với đám con trai cô vẫn cười nói vui vẻ nhưng luôn gây cho người ta cảm giác chỉ có thể đứng ngắm từ xa chứ không thể mạo phạm, ngoài mấy anh chàng tự cho rằng điều kiện của mình không tồi và có tính bền bỉ, nhẫn nại theo đuổi, còn phần lớn đều chỉ biết đứng nhìn mà trách mình không có số đào hoa. Trác Mĩ là người thành phố G, thường xuyên về nhà, thời gian ở trường không nhiều, cô là người ngại va chạm, nói như lời Trịnh Vi, là một “con lười”. Mục tiêu của cô là tốt nghiệp suôn sẻ, sau đó người nhà sẽ giới thiệu cho cô một người môn đăng hộ đối rồi lấy chồng, tiếp tục sống một cuộc sống lười biếng, vì thế cô cũng không để ý lắm tới mọi người xung quanh. Thích Tiểu Bắc là những anh chàng tính tình thẳng thắn giống cô, trong đó có không ít anh chàng đẹp trai cao 1m80, nhưng theo như cô tiết lộ, mẫu người mà cô thích lại là các anh điềm đạm nho nhã. Cậu bạn mà cô yêu thầm từ hồi cấp một thuộc mẫu người đó, cậu ta thi đỗ vào một trường đại học ở Tân Cương, vì thế đương nhiên hai người phải chia tay nhưng cô chưa thấy người nào phù hợp xuất hiện.
1 Lời Trang Tử, có nghĩa là “Ngươi không phải là cá làm sao hiểu được niềm vui của cá”.
Nhân vật được cho là sáng giá nhất phải kể đến Ngọc diện Tiểu Phi Long, những cô gái trong sáng, hồn nhiên với tính cách sôi nổi, nhiệt tình như cô thực sự là đối tượng được đưa vào tầm ngắm của mọi anh chàng dù già hay trẻ. Một lần Nguyễn Nguyễn nhìn thấy cô bày lần lượt từng con bài trong bộ tú lơ khơ mới tinh ra giường, mồm còn lẩm bẩm gì đó, bèn hỏi định giở trò gì. Trịnh Vi liền nói rằng cô đang bận đánh số thứ tự và sắp xếp vị trí cho những anh chàng theo đuổi mình. Nghe vậy Nguyễn Nguyễn liền bật cười, ngồi xuống nghe cô giới thiệu từng ứng cử viên, điều kiện kém nhất là con hai rô, Trịnh Vi nói đó là anh chàng học ở khoa
Văn, viết tặng cô một bài thơ hiện đại mười bốn dòng, khiến mấy ngày liền cô ăn không ngon. Nguyễn Nguyễn cảm thấy khá có hứng thú với con K cơ. “Anh chàng này chắc là công tử họ Hứa phải không?”.
Trịnh Vi cũng không hề tỏ ra xấu hổ, hỏi với vẻ khâm phục: “Sao cậu lại biết?”.
Nguyễn Nguyễn nói: “Tớ thấy trong số những người này, người có điều kiện nhất, tính tình hợp với cậu nhất chính là anh ấy. Ngoài Hứa Khai Dương ra, còn ai có thể lấy được con K cơ?”.
Trịnh Vi cầm con K cơ trong tay, mồm lẩm bẩm: “Anh chàng Khai Dương này rất hợp với khẩu vị của tớ nhưng vì hai bên ăn nhịp với nhau quá, tự nhiên lại cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó”.
Lần đầu tiên quen Hứa Khai Dương dĩ nhiên là ở câu lạc bộ Cờ vây của lão Trương. Lão Trương là hội trưởng, sau khi Trịnh Vi gia nhập, lão Trương cũng giữ lời hứa, trao chức hội phó cho cô. Trong các câu lạc bộ, đây là điều rất hiếm gặp nhưng hội viên của câu lạc bộ Cờ vây không nhiều, chỉ khoảng hai mươi người, toàn là con trai, trước cách giải quyết của lão Trương, mọi người không ai thắc mắc gì cả.
Sau khi khấp khởi vì được bầu làm hội phó, Trịnh Vi mới biết đây thực sự là một vị trí khổ sai, không những mang cái danh hão chẳng đem lại lợi lộc gì mà còn phải liên tục đi họp thay lão Trương, phiền hà vô cùng. Tiếp xúc nhiều với công việc trong câu lạc bộ, cô mới phát hiện ra rằng sở dĩ câu lạc bộ Cờ vây đến nay vẫn còn tồn tại, chủ yếu là nhờ vào tài xoay xở của lão Trương. Anh ta để Trịnh Vi tham gia cuộc họp của các câu lạc bộ cũng là một quyết định sáng suốt, kể cả mấy câu lạc bộ khác vốn hay kèn cựa với họ, thấy có một hội phó xinh xắn đến tham gia, cũng không ai nỡ lòng nói nặng câu gì. Ngay cả khi Ban chấp hành Đoàn trường cấp kinh phí, trước ánh mắt ra hiệu của lão Trương, Trịnh Vi liền bám riết lấy anh bí thư chi đoàn, cuối cùng khoản kinh phí được cấp đã phá kỷ lục của câu lạc bộ Cờ vây so với các năm về trước và Trịnh Vi cũng nghiễm nhiên trở thành hoa khôi của câu lạc bộ này. Vì cô mà các hội viên cũ trong câu lạc bộ còn tổ chức cuộc thi đấu cờ vây tranh “cúp Tiểu Phi Long” giữa các sinh viên mới, trên thực tế, sinh viên mới tham gia thi đấu chỉ có mỗi mình Trịnh Vi và đến lúc này cô mới nắm được thế nào là các góc, thế nào là các sao trong cờ vây...