Anh có thích nước Mỹ không
Posted at 27/09/2015
604 Views
Mọi nỗi yêu thương, thù hận của bà thời trẻ đều có cây hòe già làm chứng, lãng mạn vô cùng. Tớ luôn nghĩ đến cây hòe già đó, cảm thấy nó như đang ở trong lòng mình, vì thế nhất định phải đi Vụ Nguyên để tìm cây hòe. Dĩ nhiên không phải đi một mình mà là với người tớ yêu - và cũng là người yêu tớ, để cây hòe già cũng làm chứng cho tình yêu của tớ”. Nói rồi, vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc của Trịnh Vi lại sầm xuống, “Lúc đầu cứ tưởng rằng tớ có thể đi với Lâm Tĩnh, nhưng bây giờ thì tớ không biết nữa”.
“Các cậu đang làm gì vậy?”, chủ đề của Trịnh Vi đang bàn bị ngắt quãng bởi tiếng đẩy cửa, Duy Quyên và Lục Nha về cùng một lúc, thấy bộ dạng của họ, Lục Nha liền há hốc mồm vì ngạc nhiên còn Duy Quyên thì dậm chân kêu, “Ba cậu uống bia trong phòng. Sao lại như thế được? Nếu để thầy cô giáo và cô quản lý ký túc xá nhìn thấy thì gay to, thật sa đọa quá!”.
Trịnh Vi nhếch mép, “Kể cả thầy cô giáo có đến, người gặp rắc rối cũng chỉ có ba chúng tớ thôi, làm sao dám liên lụy đến cậu, cậu giãy lên như đỉa phải vôi thế làm gì?”.
Tiểu Bắc phủi mông rồi đứng lên, “Đồng chí Duy Quyên, hình như Trưởng phòng của chúng ta không phải là cậu đúng không nhỉ? Vì thế cậu cũng không phải lo lắng quá như vậy, bọn tớ biết nên làm gì, sa đọa là việc của bọn tớ, cậu cứ việc giữ vẻ cao thượng của cậu có được không?”.
Chỉ có Nguyễn Quản cúi đầu vừa thu dọn vỏ bia vừa nói: “Thôi mỗi người bớt một câu có được không?”.
Chương 3: Lâm Tĩnh, tạm biệt
Trong giấc mơ, Lâm Tĩnh cầm tay Trịnh Vi, lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố G, ăn đủ các món ăn vặt mà cô thèm từ lâu. Mặt trời chuẩn bị xuống núi, Lâm Tĩnh nói: “Muộn quá rồi, em cũng đã mệt, mình quay về nhé”.
Trịnh Vi lắc tay anh, “Em không muốn về đâu, không mệt chút nào cả”.
Lâm Tĩnh vẫn chưa trả lời, Trịnh Vi liền cụt hứng vì nghe thấy tiếng Tiểu Bắc, “Đương nhiên là cậu không mệt tí nào rồi, còn tớ gọi mệt quá rồi đấy, mau dậy đi, cậu quên là hôm nay có hai tiết đầu à? Nguyễn Nguyễn đợi cậu lâu lắm rồi đấy”.
Có tiết! Gay rồi, gay rồi. Trịnh Vi ngồi bật dậy như cái lò xo, hất chăn định xuống giường ngay nhưng lại nghe thấy “binh” một tiếng, vội quá không để ý đâm ngay vào tường, đầu óc quay cuồng, mắt nổ đom đóm.
May mà có một đôi tay kịp thời đỡ cô, Nguyễn Nguyễn dở khóc dở cười hỏi, “Sai hướng rồi, bên đó là tường, bên này mới là chỗ xuống giường cơ mà, va có đau không?”.
Trịnh Vi kêu lên một tiếng thảm thiết, gắng sức xoa xoa trán, không biết là do cơn say tối qua chưa hết hay vừa bị va mạnh quá mà cô thấy choáng váng kinh khủng. Mãi mới xỏ được đôi dép thì thấy Tiểu Bắc vuốt ve bức tường với vẻ xót xa, “Bức tường đáng thương này, mi có tội tình gì chứ?”.
“Cậu thật không có tình người!”, Trịnh Vi trợn mắt, lườm Tiểu Bắc một cái rồi lê dép đi đánh răng.
Nguyễn Nguyễn đã ăn mặc chỉnh tề giục Trịnh Vi, “Sách tớ cầm cho cậu rồi nhé, mau lên không muộn đấy!”.
“Xong rồi, xong rồi, xong ngay đây”, Trịnh Vi đứng ở bồn rửa mặt thò đầu ra trả lời, đúng lúc nghe thấy chuông điện thoại réo “reng reng”. Giường Trác Mĩ gần máy điện thoại nhất nhưng cô vẫn đang ngủ một cách ngon lành, Tiểu Bắc không có tiết, mồm lẩm bẩm, “Ai gọi điện vào lúc sớm tinh mơ thế này nhỉ?”. Tiện tay Tiểu Bắc nhấc lên, hỏi được hai câu liền gọi lớn: “Trịnh Vi, tìm cậu!”.
Trịnh Vi chưa đánh răng xong, thấy gọi mình vội xông ngay vào, “Đưa tớ đưa tớ, chắc chắn là Lâm Tĩnh”.
“Giọng con gái, mẹ cậu”, Tiểu Bắc lườm Trịnh Vi một cái rồi đưa ống nghe cho cô.
“Mẹ, sớm thế này mẹ gọi con làm gì?”, Trịnh Vi miệng dính đầy bọt, nói không rõ tiếng.
Mẹ cô ở đầu bên kia điện thoại nói: “Vi Vi, con về nhà ngay có được không?”.
“Sao ạ, con mới nhập trường chưa được bao lâu mà”, Trịnh Vi thắc mắc, nghĩ một lát cô liền cười nói, “Mẹ, không phải là mẹ nhớ con quá đó chứ? Con còn phải đi học đây”.
Mẹ cô chần chừ một lát rồi nói, “Về đi, nhà có chút việc”.
“Sao vậy ạ?”, Trịnh Vi hơi sững người.
“Mẹ và bố con ly hôn rồi.”
“…”
Bàn tay cầm bàn chải của Trịnh Vi thẫn thờ đặt trên môi hồi lâu rồi mới từ từ buông xuống.
Nguyễn Nguyễn bước đến hỏi cô: “Sao vậy? Sao lại đần người ra thế?”.
Trịnh Vi dụi dụi mắt nói với Nguyễn Nguyễn, “Hôm nay tớ không đi học đâu, tớ phải về nhà ngay lập tức”.
Trịnh Vi mặt mày bơ phờ ngồi trên sofa quen thuộc, bố mẹ mỗi người một bên ngồi cạnh cô, bà nội thì ngồi ghế đối diện lau nước mắt. Cả hai đều đang nói nhưng rốt cuộc cô không nhớ nổi họ đã nói gì. Đi tàu mất hơn hai mươi tiếng đồng hồ để về đến nhà, phải đối mặt với chuyện như thế này, cô cảm thấy vô cùng mệt mỏi, không muốn nói gì hết.
Bố thì xoa đầu cô còn mẹ thì nắm chặt tay cô, không ai bảo ai, gương mặt họ đều tỏ rõ vẻ hổ thẹn, rõ ràng là cuộc hôn nhân của họ giờ đây đã đến lúc “cạn tàu ráo máng”, họ đều không tỏ ra buồn khổ mà chỉ cảm thấy có lỗi với cô. Cuộc sống của người lớn thật kỳ lạ!
Cô nghĩ, cuối cùng thì họ vẫn ly hôn.
Ngay từ khi còn rất nhỏ, Trịnh Vi đã biết cuộc sống của cha mẹ cô không hạnh phúc. Cô có một người mẹ xinh đẹp và một người cha hiền lành, thật thà nhưng họ không bao giờ tay trong tay, vai kề vai ra phố như cha mẹ của những đứa trẻ khác, họ thường xuyên cãi nhau, cãi không biết chán. Dĩ nhiên, họ đều cố gắng tránh để Trịnh Vi không nhìn thấy. Rất nhiều lần, Trịnh Vi nằm trên giường và nghe thấy họ nén chặt tiếng quát tháo nhau, thỉnh thoảng còn nghe thấy cả tiếng kính vỡ, những lúc đó, cô thường cố gắng nhắm chặt mắt lại, không nghe thấy gì hết, cô phải cố gắng ngủ cho thật say. Những lúc cãi nhau thậm tệ, cha mẹ liền đưa cô đến nhà bà nội, cô đeo cặp sách, cầm cuốn truyện cổ tích yêu thích và vui vẻ đi, vì họ cười nên cô cũng cười theo.
Lớn hơn chút nữa, Trịnh Vi phát hiện thấy các cô giáo trong lớp rất thương cô, họ thường xoa đầu cô và nói: “Con bé đáng yêu như thế này, thật đáng thương”. Cô học trường dành cho con em công nhân viên chức, trường lớp đều nằm trong sân cơ quan, nhà ai có động tĩnh gì cả khu tập thể đều biết hai năm rõ mười, huống hồ nhà cô lại xảy ra những chuyện lớn như vậy.
Hóa ra ai cũng biết cha mẹ cô cãi nhau thường xuyên, mọi người không nói nên cô cũng chẳng bao giờ biết Ngọc diện Tiểu Phi Long lại đáng thương trong mắt mọi người.
Thực ra cô không đến mức thảm hại như mọi người tưởng tượng, không phải con em của gia đình có cha mẹ bất hòa đều lớn trước tuổi, trầm cảm hoặc trở thành tội phạm ở tuổi vị thành niên, ít nhất là cô - Trịnh Vi - không phải như thế. Cô cảm thấy mình không có gì bất hạnh, mặc dù cha mẹ không hạnh phúc nhưng họ đều yêu thương cô, luôn cố gắng không để cho cô nhìn thấy vết nứt tình cảm giữa họ, không để cho cô bị tổn thương, cô yêu họ, cô cảm thấy họ đáng thương hơn cô.
Điều duy nhất khiến cô cảm thấy cuộc sống vô cùng buồn chán là những lần cha mẹ cãi nhau, mẹ cô giận quá bỏ đi, mỗi lần đi là mất tăm luôn mấy ngày liền, cha thì thường phải làm thêm giờ, hay la cà uống rượu giải sầu. Có lúc mấy ngày liền không thấy bóng dáng hai người đâu, cô phải đi học, không thể thường xuyên đến nhà bà nội ở được vì bà sống ở thành phố khác, phải tự mình tính toán chi ly những khoản tiền tiêu vặt hằng ngày. Tiền chi tiêu mà bố mẹ để lại, cô không dám tiêu xài hoang phí, sợ tiêu hết tiền mà họ vẫn chưa về nhà, như thế sẽ gay to. Những lúc như vậy, các cô chú hàng xóm đưa cô về nhà cho ăn cơm, cô thích nhất là đến nhà bác Lâm, cũng chính là nhà Lâm Tĩnh. Mọi người đều nói bác Lâm làm lãnh đạo to trong cơ quan nhưng Trịnh Vi thấy không giống chút nào vì cả nhà bác đều rất yêu quý cô, mỗi lần cô ngồi bên cạnh Lâm Tĩnh ăn cơm với vẻ ngon lành, thức ăn trong bát đều là bác Lâm và cô Tôn gắp cho, nhìn Lâm Tĩnh cười tủm tỉm, cô ăn ngon miệng hơn.
Sau khi ăn xong cơm tối, bác Lâm sai Lâm Tĩnh ngồi xem cô làm bài tập, chiếc đèn bàn trong phòng Lâm Tĩnh có màu da cam dịu mắt, ấm áp. Thậm chí có lúc cô đã nghĩ, giả dụ suốt đời cha mẹ không quay về, cô sẽ mãi mãi ở nhà bác Lâm, mãi mãi ở bên cạnh Lâm Tĩnh thì hay biết bao. Bây giờ nghĩ lại, Trịnh Vi cảm thấy ngay từ nhỏ mình đã là một cô bé vô tâm vô tính.
Trịnh Vi còn nhớ sau khi vào cấp ba, một cuộc “đại chiến thế giới” giữa cha mẹ lại nổ ra. Lần này, họ ném bát đĩa trước mặt cô, xong chuyện họ vừa thu dọn chiến trường ngổn ngang vừa an ủi cô, “Vi Vi, bố mẹ có lỗi với con, bố mẹ không tốt, để con phải sợ hãi”. Lúc đó cô chỉ nói với họ một câu: “Bố, mẹ, tại sao bố mẹ không ly hôn?”. Nghe vậy họ sợ quá liền xúm lại quanh cô và nói: “Con bé này sợ quá hóa quẩn rồi, bố mẹ không ly hôn, vì con bố mẹ không thể ly hôn”.
Trịnh Vi rất muốn nói thực lòng rằng cô không hề thấy sợ, cũng không hề lẩn thẩn. Thật nực cười biết bao, rõ ràng là cuộc hôn nhân của họ đã tan nát nhưng vì cô mà cố giữ hơi thở thoi thóp, lý do là không muốn để cô bị tổn thương. Lẽ nào họ cho rằng một gia đình hữu danh vô thực lại có thể đem lại cho cô hạnh phúc và cảm giác an toàn? Nhưng cô không nói ra những điều đó bởi cô biết, việc cô sống một cách vô tư sẽ là niềm an ủi duy nhất với họ.
Vì thế, khi cô bé Trịnh Vi mười tám tuổi bị gọi gấp về nhà để đón chờ phán quyết ly hôn của cha mẹ, cô cảm thấy như trút được gánh nặng. Bao năm qua, cô đã chán ngấy những cuộc chiến tranh giữa họ, cô cảm thấy mệt thay cho họ. Nhưng tại sao trong lòng không hề cảm thấy nhẹ nhõm hơn chút nào, cứ định mở miệng nói, nước mắt lại chảy vòng quanh.
Bố nói mệt rồi, ông khuyên bà nội nên đi nghỉ, trước khi đi ông nói với vợ cũ: “Cô nói chuyện riêng với con một lát có thể sẽ tốt hơn”.
Hiện giờ chỉ còn lại cô và mẹ, Trịnh Vi lại cảm thấy càng buồn hơn. Bà mẹ nhìn thấy mắt con gái đỏ hoe liền nói: “Vi Vi, mẹ biết chuyện này làm con tổn thương rất lớn nhưng mẹ và bố cũng không có cách nào khác…”.
Cuối cùng Trịnh Vi không thể chịu được nữa, cô vừa khóc vừa nói với mẹ, “Chuyện bố mẹ không hợp nhau không phải là chuyện mới xảy ra ngày một ngày hai. Ly hôn thì ly hôn, con cũng chẳng can thiệp. Nhưng thế gian có thiếu đàn ông đâu, tại sao mẹ cứ lằng nhằng mãi với bác Lâm?”.
Sau khi về nhà, cô cũng mới biết chuyện này qua lời chửi rủa của bà nội, nguyên nhân chủ yếu khiến cha mẹ ly hôn không phải là vì con gái đã lớn, không có gì phải lo lắng nữa mà là quan hệ lén lút giữa mẹ cô và bác Lâm bị bại lộ. Vì chuyện đó mà bác Lâm đòi ly hôn với cô Tôn, vì quá uất ức cô Tôn liền tố cáo với lãnh đạo, yêu cầu cơ quan phải đứng ra giải quyết và cô Tôn cũng tuyên bố nhất quyết không chịu ly hôn, cho dù là kéo dài trong đau khổ thì cũng không thể cho đôi tình nhân này đến với nhau. Dường như mẹ cô đã quyết tâm về với bác Lâm nên tự mình xin ly hôn trước.
Mẹ cô hôm nay không trang điểm nhưng trông vẫn rất đẹp, không thể nhận được ra đây là bà mẹ của một cô gái mười tám tuổi, bà nhìn con gái, ánh mắt lộ rõ vẻ u buồn nhưng không có nước mắt.
Bà nói: “Vi Vi, con có thể coi thường mẹ, mẹ không phải là một người phụ nữ tốt nhưng mẹ đã quen bác Lâm từ khi về nông thôn lao động…”.
“Lẽ nào bác ấy chính là mối tình đầu của mẹ dưới cây hòe già?”, Trịnh Vi bất ngờ đến mức quên cả khóc.
Bà gật đầu, “Hồi đó mẹ và bác ấy đều rất trẻ, thời gian về lao động ở nông thôn mặc dù kham khổ nhưng cũng may là có bác ấy. Sau đó bác ấy có chỉ tiêu thi đại học và đã thi đỗ, dần dần mất liên lạc với mẹ. Sau khi tốt nghiệp đại học, bác ấy được phân công công tác về đây và lấy cô Tôn làm vợ, sự nghiệp thuận buồm xuôi gió. Còn mẹ sau khi trở về thành phố đã được phân công công tác đến một xưởng dệt may, nhờ có người giới thiệu mẹ đã lấy bố con - tính cách của bố con không hợp với mẹ nhưng ông ấy vẫn là một người tốt. Con chào đời không được bao lâu, công việc làm ăn của xưởng dệt ngày càng đi xuống, bác Lâm liền giúp ngầm để mẹ được chuyển đến đây. Bất kể con tin hay không, những năm tháng qua đúng là giữa mẹ và bố không có tình cảm nhưng tình cảm của mẹ với bác Lâm vẫn luôn trong sáng, mẹ và bác đã bảo nhau rằng phải quên hẳn mối tình đó, không kể với ai hết...”.
“Thế tại sao hiện nay mẹ và bác vẫn qua lại?”, Trịnh Vi nhớ đến Lâm Tĩnh, cảm thấy vô cùng đau khổ. Cha mẹ cô không hạnh phúc không còn là chuyện của ngày một ngày hai nữa, nhưng cuộc sống hôn nhân của bác Lâm và cô Tôn nhìn từ ngoài vào thì thấy hạnh phúc, êm đềm biết bao, nếu Lâm Tĩnh biết được những chuyện đang xảy ra sẽ buồn biết nhường nào, đặc biệt là người thứ ba xen vào cuộc hôn nhân của cha mẹ anh lại là mẹ cô… Đột nhiên, Trịnh Vi cảm thấy lạnh người, dường như lý do Lâm Tĩnh ra đi đã có được đáp án - cô biết những chuyện này, làm sao Lâm Tĩnh lại không biết? Cô cảm thấy trái tim của mình như chiếc lá bị gió thổi tung, bay lạc giữa không trung, không biết đâu là bến bờ.
Mẹ cô nói: “Cách đây một thời gian, cơ quan tổ chức đi du lịch ở Vụ Nguyên, không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà mẹ một mình đi đến làng Lý, cây hòe già vẫn còn ở đó. Mẹ nằm mơ cũng không thể ngờ rằng lại gặp bác Lâm ở đó, hồi trẻ thì nghĩ rằng chuyện chỉ trôi qua như gió thoảng, ai ngờ lại đi theo suốt cuộc đời. Hôm đó mẹ và bác đều khóc, dưới gốc cây hòe, bác Lâm đã quỳ trước mặt mẹ nói kiếp sau nhất định sẽ đem lại hạnh phúc cho mẹ”.
Trịnh Vi lắng nghe say sưa, một cảm giác thật khó tả xâm chiếm hồn cô.
“Vi Vi, mẹ là một người phụ nữ thất bại trong chuyện tình cảm, mẹ cũng không trách việc người khác coi thường mẹ nhưng con phải hiểu cho mẹ, mẹ không còn trẻ nữa, có thể đây là cơ hội cuối cùng để mẹ được làm theo ý mình, cũng là cơ hội cuối cùng đem lại hạnh phúc cho mẹ, vì thế, cho dù người khác nói như thế nào, mẹ cũng sẽ không thay đổi ý định.”
“Bao nhiêu năm qua vẫn sống yên ổn, tại sao lại rơi đúng vào thời điểm này?”, cơ hồ như cô nói với chính mình.
“Đã từng có một lần, bác Lâm có cơ hội được chuyển công tác đi nơi khác, lúc đó mẹ và bố con cãi nhau một trận rất căng thẳng, mẹ đã từng nghĩ sẽ đi theo bác và không quay lại nữa. Nhưng mẹ vừa ra đến cửa thì thấy con chạy theo và nhìn mẹ cười rất tươi, hỏi mẹ đi đâu. Lúc đó con mới lên năm, lúc con kéo mẹ, mẹ biết mẹ không thể ra đi được, mẹ không xa được con. Nhưng bây giờ con đã lớn rồi, con sẽ có tình yêu và cuộc sống riêng của riêng mình, còn mẹ sẽ chỉ ngày một già đi mà thôi, mẹ không thể đợi đến lúc đi không vững nữa mới hối hận...