Mắt Híp Và Môi Cuốn Lô
Posted at 27/09/2015
469 Views
Thời gian này, cô có chút căng thẳng, vì cuộc thi chọn học sinh giỏi quốc gia đã kề sát nút.
Linh vẫn nhớ như in buổi sáng hôm đó. Đề văn là phân tích bài thơ của Tiếng chim tu hú của Anh Thơ. Ngồi viết hăng say được quá nửa giờ thì bắt đầu bị đau bụng khủng khiếp, đau đến mức không cầm bút lên nổi. Nhìn quanh, bạn bè viết rồn rột, Linh chỉ thấy từ dưới ghế ngồi của mình một mảng đỏ ướt đẫm, bắt đầu chảy bò xuống chân cô. Cơn đau cùng sự choáng váng khiến cô cố lắm vẫn chỉ viết thêm được nửa trang rồi bỏ dở bài thi giữa chừng, gục đầu xuống bàn khóc. Giám thị đi xuống hỏi mấy câu, cô chỉ lắc đầu chảy nước mắt, cuối cùng đành dìu cô đi ra ngoài… Đã tìm hiểu qua sách Sinh học, cũng từng nghe bạn bè nói tới, nhưng cô không biết khi kì sinh lý đầu tiên của mình lại đau đớn như vậy. Thầy giáo của cô nhìn cô thương xót, cũng đoán được tình hình, gọi điện về cho nhà cô, bảo người nhà tới đón.
Nhưng, Linh không bao giờ biết “người nhà” của cô lại là Phương Híp. Vừa thấy cậu ta phi chiếc xe đạp tới, mặt cô đã xanh mướt như tàu lá, đến mức trèo lên xe cũng không nổi, cậu ta lại phải đỡ.
Chiếc xe đạp đi, Linh gục đầu vào chiếc áo có số Bảy, biển chữ David Phương Híp, và nghe cậu ta làu bàu.
“Cái này gọi là bị hành kinh đấy hả?”
Cô không còn sức để trả lời hay tức giận, hay ngượng ngùng gì nữa.
Cậu ta tiếp tục diễn giải “Ừ, có vẻ đau. Thế này nghĩa là bị hành cho đến phát kinh đúng không???”
Sau ba ngày tưởng như bị chảy máu đến kiệt sức, cuối cùng, Linh mới biết, hóa ra mình cũng không dễ mà chết ngay được. Nhưng tâm trạng cô xuống thấp vô cùng tận, cứ mỗi lần nghĩ đến bài thi là nước mắt chảy ròng ròng. Bố cô lau nước mắt trên má cô nói, “Linh, con biết không, sự thất bại của con cũng có thể là đỉnh cao của người khác. Con của bố giỏi, bố biết là thế”. Lúc ấy, cô lại khóc lần nữa, nhưng là vì nghĩ sao mình có một người bố tuyệt vời như vậy.
Đến ngày thứ tư, tin buồn đã đến. Điểm thi vòng hai của cô đã có, số điểm của cô thấp nhất đội tuyển của lớp, chỉ đạt 5,5 điểm, đó là mức điểm tệ nhất mà Linh từng có. Nhưng cũng trong buổi chiều hôm đó, cô nhận được thông tin bất ngờ, năm nay sẽ lấy tổng điểm của lần thi tỉnh và điểm của lần thi này. Kết quả may mắn, cô trở thành thành viên cuối cùng của đội tuyển nhờ điểm thi vòng tỉnh đạt mốc 8,5. Nghe xong, cô phấn khích đến mức nhảy choi choi, còn bố thì bật cười xoa đầu cô bảo, “Có muốn ăn tiết canh vịt không???”
Ôi, nhắc đến tiết canh, cô lại bỗng dưng nghĩ đến Phương Híp, nhớ đến sự kiện bi ai kia. Trời ạ!!!
Mỗi lần nhớ tới việc bị Phương Híp chứng kiến hình ảnh đáng ngượng ngập nhất của tuổi mới lớn, Linh càng ấm ức trách mẹ cô, sao lại bảo cậu ta đi đón cô cơ chứ. Tất nhiên, cô đã nghe đến việc đúng lúc thầy giáo gọi điện về nhà, thì cô Tràm đang xách cổ thằng con trai yêu quý tới nhà cô nhận lỗi. Lại nghe tin cấp tốc từ trường báo về, muốn thằng con lập công chuộc tội nên cô ấy khăng khăng bắt Phương Híp phải đi đón cô. Thế là, cậu ta được chứng kiến một màn rõ hay ho.
Dù mẹ cô nói cỡ nào, dù cô Tràm có điện thoại đến mấy, nhưng sau chuyện này, cô quyết không dạy dỗ hay liên quan gì đến Phương Híp nữa.
Có điều, cô khăng khăng là thế, song chẳng biết thế nào mà đúng sáng Chủ nhật sau đó, cô lại thấy tên Phương Híp xách cặp đến nhà mình, còn lễ phép chào bố mẹ cô, thật là hốt hoảng. Sau cô mới nghe được sự vụ là, cô Tràm đã lạnh lùng bảo, nếu mà không đến nhà Linh xin lỗi và xin phép được học lại, thì không bao giờ cậu ta được đi đá bóng nữa. Thậm chí, cô Tràm còn tuyên bố, sẵn sàng ra giữa sân bóng lột quần để đét đít cậu ta. Ban đầu, Phương Híp coi lời đe dọa ấy như gió thổi qua tai, nhưng đúng khi đang cùng đồng đội chạy hùng hục trên sân bóng, thì bỗng nhiên thấy mẹ mình xuất hiện, có vẻ như định tụt quần mình ra thật thì Phương Híp đã “gào lên điên dại” và gật đầu thỏa hiệp.
Vậy là cô, khi đứng trước cậu trai mười lăm tuổi, mắt híp tịt, giọng chán nản rầu rĩ nói “Xin lỗi. Cậu dạy tớ đi, tớ sẽ học hành tử tế” lòng đã mềm ra như bún chan nước xáo măng, đành ngượng nghịu gật đầu.
6. Việc “học hành tử tế” quả thật đã diễn ra, dù rằng bản tính “sâu bọ” của Phương Híp đôi khi vẫn nổi dậy khiến cho cả hai cùng sưng sỉa. Nhưng sau vài lần cãi qua cãi lại chẳng đâu vào đâu, cả hai quyết định đình chiến, Phương Híp thôi lôi chuyện cô bị “hành phát kinh” và cô cũng chấm dứt việc đả kích cậu ta tí nữa bị lột quần giữa sân vận động. Tuy nhiên, việc châm chọc ngoại hình mắt híp và môi cong của nhau thì không thể nào dừng lại. Dần dần thì mọi việc cũng đi vào nề nếp, qua vài buổi kiểm tra và hệ thống lại tình hình, Linh biết được rằng, Phương không đến nỗi dốt đặc cán mai cho lắm, chắc vì quá mải chơi và không thèm học mà thôi. Còn Phương thì cũng nôm na biết được rằng, Môi cuốn lô là cái cô nằng mặt sắt chính hiệu. Chưa hết giờ thì còn lâu cậu mới ngo ngoe, trốn chạy đi chơi gì được.
Ngày Linh đi thi học sinh giỏi quốc gia, vừa sáng sớm, Phương Híp mang đến cho cô một chiếc cặp lồng, trong đó có bát miến ngan thơm điếc mũi. Cô Tràm bắt Phương Híp mang sang cho cô để cô thi tốt. Quả thực, đó là bát miến ngan ngon nhất trần đời, cô ngồi ăn xì xụp, thỉnh thoảng lại nhìn sang Phương Híp, nhận ra đôi mắt híp chặt kia cũng không còn quá đáng ghét, thậm chí chắc sẽ dễ thương hơn nhiều, nếu như cậu ta không nhìn cô ăn mà tặc lưỡi bảo, “Con gái ăn nhiều phát sợ!”
Có lẽ vì bát miến ngan rất ngon, tinh thần rất thoải mái, và vì đề thi đúng sở trường, mà lần thi đó cô đạt thành tích khá tốt, giải nhì quốc gia, thậm chí, cô còn nghe thầy giáo bảo, đó là giải nhì cao nhất trong các giải nhì toàn quốc. Giải này, đem tới cho cô khá nhiều “tiền của”, các loại bằng và giấy khen, thậm chí, là các phần thưởng của thành phố và khu dân cư, khiến con lợn nhựa của cô trở nên béo mầm, và việc học hành trở nên nhẹ nhõm hơn bao giờ hết.
Sau khi biết thành tích của Linh, cô Tràm càng thán phục cô hơn. Biết cô được vào thẳng cấp ba, cô Tràm hằng ngày rắc thật nhiều lạc vào bát tiết canh, rủ rỉ với cô rằng, cô biết Linh rất rất không muốn làm việc với một đứa không biết điều như thằng con trai cô, nhưng vì cô đẻ ra nó nên cô không biết làm thế nào. Cô còn bảo, giá cô đẻ ra quả trứng, ghét quá thì đem luộc (???) chứ cái thằng này làm cho cô khủng hoảng không biết làm gì luôn. Từ ngày được Linh ôn, Phương đã khá hơn nhiều. Nếu mà Linh giúp Phương ôn thi được vào cấp ba thì không chỉ tiết canh, miến ngan, mà Linh thích bộ truyện tranh nào, cô cũng mua cho hết.
Sở dĩ, biết Linh thích truyện tranh là vì có lần đi chợ, cô nhìn thấy Linh ngồi trước cửa hàng thuê truyện, đọc nhập tâm đến mức cô gọi mấy lần không thấy. Hỏi Linh sao không thuê về nhà đọc thì Linh bảo đọc tại chỗ sẽ rẻ hơn… Nghĩ đến cả bộ truyện tranh Nhóc Maruko mình hằng ao ước, mắt Linh sáng như sao, gật đầu như bổ củi bảo nhất định sẽ giúp Phương bằng được.
Thế là, Linh lại lên dây cót tiếp tục sự nghiệp học và hành (hạ) nhau với Phương Híp. Mùa hè năm ấy, cô từng bước dìu dắt Phương Híp đi qua kì thi tốt nghiệp, rồi lại đến kì thi cấp ba, Linh và Phương từ hai kẻ ghét nhau ra mặt đã tiến đến một không khí hòa bình, có thể ngồi cạnh nhau cả buổi mà không cạnh khóe hay trợn mắt thở phì phì nhìn nhau gì nữa.
Thậm chí, ngày Phương Híp đỗ cấp ba, cô và cậu ta đã tiến đến tình trạng giống như người một nhà. À, bởi vì cô Tràm đã vừa khóc vừa ôm lấy cô, sụt sùi rưng rưng gọi cô là: Con gái!
Nhưng thích nhất với Linh ấy là, cô Tràm giữ đúng lời hứa. Cô mua cho “con gái” một bộ truyện tranh i mới tinh mà Linh vẫn nuốt nước miếng thèm muốn những hai năm trời.
Năm 2001.
7. Con đường Cầu Cất vào mùa xuân. Lá bàng non lại xanh mướt một góc. Cô, tóc rất dài, chạy xe thong thả. Bên cạnh, một anh chàng chuyên toán kính cận rất tri thức đang hỏi Linh năm nay sẽ thi trường gì. Cô chưa kịp đáp lời thì một chiếc xe cuộc từ phía sau đã vụt lên, áp sát cô. Ở tuổi mười tám, Phương cao lớn đến mức có đôi lần Linh đã phải hỏi cô Tràm có phải cô cho cậu ta ăn bột nở hay không? Nhưng giờ đây, cái mặt ăn bột nở lún phún râu và có vài cái mụn kia đang nghênh nghênh lên.
“Ái dà, bạn Lô của tớ hôm nay lại có người tán tỉnh hả?”
Mặc cho má cô đỏ hồng lên tức giận, Phương Híp vẫn nghênh ngang cười cười với cậu chàng chuyên toán. Anh chàng này vẻ ngạc nhiên hết sức.
“Lô? sao cậu gọi cậu ấy là Lô?”
Linh chưa kịp chặn cái mồm của Phương lại, thì mắt cậu ta đã cười híp tịt, nhăn nhở khi thấy đối phương trúng kế.
“Vì cậu ấy hay chơi lô, lô đề ấy, há há”
Phương cười lên khoái chí, càng khoái chí hơn khi thấy vẻ mặt cậu bạn đang trở nên hoang mang và ngần ngừ. Linh cũng phát điên, cô gắt lên.
“Đồ Híp. Nói cái gì thế hả?”
“Ôi bạn Lô của tớ tức giận rồi. Haha, thôi thôi, nói lại, nói lại. Tớ gọi là Lô vì môi của cậu ấy giống như được cuốn lô. Nhưng mà nhũ danh này chỉ có tớ được gọi thôi”.
Nói rồi, Phương giựt nhẹ nhúm tóc của cô, mặc mắt cô trợn lên tức tối, còn nháy mắt tinh nghịch.
“Tối nay nhớ sang nhà anh đây đấy. Mẹ anh đây đã thổi xôi nấu chè rồi”.
Dứt lời, cậu vẫy tay, phóng xe đi thẳng. Đây là lần thứ mấy chục rồi không biết, cứ có anh chàng nào “tò te te tí” chuyện trò thân thiết với Linh là lập tức cậu ta có mặt, lôi từ tên thân mật đến cái kiểu nói lửng lơ “bạn Lô của tớ” khiến mấy anh chàng sau vài lần tiếp cận thì đều lỉnh mất, làm Linh phát cáu. Buổi tối, sang bên nhà hàng cô Tràm mới khánh thành, Linh vẫn không kìm được, đá cho cậu ta mấy cái. Còn cậu ta thì vờ trợn mắt.
“Đấy, con gái mới lớn thật là nông nổi, nhìn thằng nào cũng phát tín hiệu thế là người ta đánh giá cho!”
Thế là cả hai lại chí cha chí chóe, cấu chí nhau loạn xạ. Chỉ khi đến đề tài năm nay hai đứa thi trường gì, thì không khí mới lặng lẽ trở lại.
Linh vẫn ở trong đội tuyển, nếu như đoạt giải ba trở lên thì sẽ có cơ hội tuyển thẳng, nên mọi người cũng chẳng hỏi nhiều. Chỉ có Phương Híp là im lặng. Khi mọi người truy vấn mãi, thì Phương mới bảo, “Tại sao cứ phải thi đại học? Có nhiều cách, nhiều con đường để đi tới, chứ không nhất thiết phải thi Đại học”, khiến cho cô Tràm rú lên, đập cho cậu ta mấy cái. Cô còn nhờ Linh khuyên nhủ,bảo cậu ta đừng có bốc đồng và ngốc dại nữa.
Thật ra, từ giữa năm lớp mười một, Linh đã biết Phương không thích chuyện học hành. Phương học không hề tệ, nhưng cậu nói học hành chẳng cho cậu niềm vui nào. Không giống như khi cậu đá bóng, đánh nhau, hay sửa chữa ô tô xe máy. Cuộc đời chẳng có mấy khi, vì sao lại bỏ mấy năm tươi đẹp nhất đời cho một thứ mình không thích? Lúc ấy, Linh đã ngần ngừ hỏi Phương.
“Thế cậu thích gì?”
Phương xòe bàn tay lem luốc đầy dầu mỡ ra trước mặt cô.
“Tớ thích cái này. Tớ thích máy móc, sửa sang, lần mò nó. Khi tớ bắt được bệnh nó rồi, vui không thể tả được. Sướng nữa!”
Linh đã cố thuyết phục Phương rằng việc học lên đại học sẽ làm cậu hiểu rõ máy móc hơn, sửa chữa có phương pháp hơn, nhưng Phương Híp chẳng bị tác động chút nào. Cậu lôi Linh đến cái xưởng sửa xe mà cậu vẫn thường qua lại gần một năm nay, nói nơi này chính là nơi làm cho cậu dễ chịu nhất, vui vẻ nhất, say sưa nhất.
Cái xưởng sửa xe này là của anh Khánh, một kĩ sư cơ khí mở ra. Cũng là một mối duyên tình cờ mà Linh và Phương Híp biết đến anh...