XtGem Forum catalog

Để hôn em lần nữa

Posted at 27/09/2015

421 Views

Hừ, giờ thì anh hiểu tại sao đám sinh viên nam lại gọi cô ta là Cô Khùng!

Giờ thì Quỳnh hối hận vì hành động khí khái không phải lối của mình lắm rồi. Quãng đường từ đầu dốc xuống điểm trường Tin Tốc chẳng đáng bao nhiêu, ngày nắng ráo cô đi chậm cũng chỉ mất mươi phút. Nhưng dưới cơn mưa trắng trời trắng đất, lối mòn hẹp men theo những bụi cỏ cao đã trở thành một rãnh bùn nhão, lúc thì trơn trượt nguy hiểm, lúc lại khiến chân nhấc lên mà cứ bị níu xuống như đang buộc vào mấy sợi dây chun vô hình. Quỳnh không dám đạp vào cỏ vì sợ có rắn, cứ bước từng bước ì ạch và chịu hàng trăm roi mưa quất rát mặt, gần hai mươi phút sau mới về đến phòng. Cô chỉ kịp rửa chân tay, thay bộ quần áo khô, rồi nằm lăn vào một góc. Mái đầu vẫn còn ướt lướt thướt ngả dần về phía giấc ngủ.

Không biết bao lâu sau, những âm thanh đánh thức cô dậy. Hình như trời đã tối, ánh đèn sáng gắt rọi vào mắt làm cô phải đưa tay lên che mặt. Có tiếng xì xào:

- Kìa… nhìn kìa…

Quỳnh dụi mắt, ngồi hẳn dậy, đụng ngay phải gương mặt nhớn nhác của Phương.

- Ôi, may quá, ấy tỉnh rồi.

Quỳnh nhìn quanh, ánh mắt của tất cả đám con gái đang đổ dồn về phía cô, lo lắng có, tò mò có, khó chịu cũng có. Ngoài cửa, mấy cái đầu con trai lấp ló. Tiếng ai đó oang oang từ tận phòng bên kia vọng sang, chẳng có gì khác ngoài mấy từ “Dậy rồi, tỉnh rồi”. Cô ngơ ngác nhìn Phương:

- Tớ ngủ lâu lắm hả ấy?

- Ấy mê man từ trưa đến giờ – Phương gật đầu, chìa đồng hồ trước mặt Quỳnh – Gần mười tiếng rồi.

- Thế cơ à? Thầy Hiện có biết không?

- Biết chứ sao không. Thầy đang đi mượn cáng đưa ấy ra trạm xá đấy.

- Thôi chết! Ấy đi báo cho thầy mau lên.

- Tôi biết rồi, chị ạ – thầy trưởng đoàn bước vào, tay xách cái phích to – Sao, chị ra trạm xá khám khiếc kiểu gì mà lại ốm nặng thêm thế, hả?

- Dạ, em đi về gần đến đây thì bị mưa.

- Chìa cái trán bướng ra đây xem nào!

- Ấy, nam nữ thụ thụ bất thân thầy ơi.

- Ờ, nó còn giãy nảy lên được thế này – thầy nhìn những người còn lại trong phòng, gật gù, miệng chép chép một cách hóm hỉnh – Chắc không sao thật.

Đám con gái ríu rít góp chuyện, hết liệt kê số lần thay khăn ướt cho Quỳnh, lại trêu rằng có cậu này cậu kia trong đám con trai cứ chạy qua hỏi thăm cô suốt. Thầy trưởng đoàn hấp háy mắt nghe và trêu thêm vào mấy câu. Một lát, thầy đứng dậy, trỏ tay về phía cái phích mới đem đến:

- Nước sôi kia. Mấy đứa ngâm cho nó cốc mì để còn uống thuốc.

- Vâng ạ.

- Xong rồi đóng cửa đi ngủ sớm đi. Mai dậy sớm mà ra chợ.

Câu nói cuối cùng của thầy trưởng đoàn làm đám con gái vừa mới trật tự một chút lại xôn xao bàn tán. Không bận tâm đến những lời trao đổi hăng hái về chuyện mua cái này mặc cái kia, Phương rót nước sôi vào cốc mì, bưng lại cho Quỳnh:

- Này, ấy ăn thật nhanh cho vã mồ hôi ra nhé.

- Ừ – Quỳnh áp lòng bàn tay lên miệng cốc mì, nhìn quanh.

- Ấy tìm cái gì à?

- Ấy có thấy cái túi lá me của tớ không?

- Không, tớ không thấy. Nó to không?

- Bé thôi, nó là cái vỏ mì tôm cũ ý. Y sĩ ngoài trạm cho tớ, bảo giã vắt lấy nước uống cho hạ sốt.

- Thế à. Lúc trưa tớ ở bên nhà cô Xiêng, tạnh mưa mới về. Bọn cái Hằng cái Trang về trước thì phải. Để tớ hỏi xem.

- Thôi, đừng hỏi, chắc bọn nó tưởng rác vứt đi rồi.

- Kệ, cứ hỏi chứ.

- Thôi – Quỳnh bóc hẳn lớp thiếc trên miệng cốc mì và bắt đầu ăn – Tớ ăn nóng vào rồi ngủ một giấc là hết ý mà. Ấy chuẩn bị ngủ đi, mai còn đi chợ.

Phương gật, bắt đầu giở chăn màn. Những người còn lại cũng lục tục bôi kem chống muỗi, dọn dẹp chỗ nằm. Quỳnh húp gần hết chỗ nước mì, vị cay xè của nó tiếp thêm năng lượng cho cô đứng dậy. Cái cốc nhựa và chút cặn mì thơm thơm này có thể trở thành lời mời chào nồng nhiệt dành cho bọn chuột hay bất cứ loài vật đói ăn nào, cần phải đem nó ra xa, không ở hố rác sau đồi thì cũng phải là chỗ tập kết rác tạm ngoài sân.

Đêm mùa hè ở miền núi vẫn se se lạnh. Quỳnh đặt cốc mì vẫn còn ấm nhưng gần như rỗng không chỗ tập kết rác tạm rồi đi lững thững quanh sân, hít thật sâu mùi đất và cây cỏ ẩm ngai ngái, tươi mát. Cô ngửa cổ nhìn lên. Vòm trời dường như đính quá nhiều thứ lấp lánh nên có vẻ võng hẳn xuống, gợi cho người ta một ảo tưởng rằng chỉ cần kiễng chân giơ tay một cái là túm được một góc vũ trụ. Túm được một góc vũ trụ ư? Ảo tưởng!

- Còn lâu tớ mới mắc lừa, nhé! – Quỳnh lè lưỡi với một đối tượng vô hình trên cao.

Đúng lúc ấy, ánh mắt cô vô tình liếc lại phía lớp học. Và cái lưỡi đang lè ra bỗng đột ngột rụt vào. Trời ạ, có một người đang đứng ở hàng hiên lớp học, nhìn cô như nhìn đứa tâm thần.

Quỳnh đã quen với cách phản ứng khá… kinh hãi của mọi người dành cho những hành động không thể gọi là bình thường của chính cô. Nhưng phản ứng của người đang đứng kia thì không phải là kinh hãi hay ngạc nhiên, mà chỉ là buồn cười. Nếu bây giờ không phải mười rưỡi đêm, chắc anh ta đã cười phá lên vì cái điệu bộ chẳng ra làm sao mà cô vừa vô tình trình diễn. May cho Quỳnh, trời đã đủ khuya để những tiếng cười dừng lại đằng sau đôi môi mím chặt. Một lát, như đã nén xong cơn cười, anh ta chỉ tay về phía cửa phòng của đám con gái, nghiêm mặt như ra lệnh cho Quỳnh mau đi ngủ. Quỳnh gật đầu nhưng vẫn nán lại. Cô vặn mình và co duỗi chân như để ngầm thông báo với Đăng (phải, lại là anh ta) về nguyện vọng tập thể dục, hy vọng anh ta sẽ bỏ vào trong trước.

Nhưng có lẽ Đăng không muốn tỏ ra tôn trọng nguyện vọng của một sinh viên nữ ngông nghênh gàn dở. Thay vì bỏ vào trong như Quỳnh thầm kêu gọi, anh ta lại bước xuống khỏi hàng hiên, đến gần chỗ cô hơn.

- Muộn lắm rồi, bạn còn đứng đây làm gì? – Đăng hạ thấp giọng, và còn hạ thấp hơn nữa khi cố nói thật nhanh câu tiếp theo, một câu trống không – Đã hết sốt chưa?

- Thầy định đi đâu ạ? – Quỳnh trả lời Đăng bằng một câu hỏi khác, lễ phép không chê vào đâu được.

Câu hỏi tưởng như chỉ là một lời chào tầm thường bỗng làm Đăng đầu tiên thì ngắc ngứ, sau đó thì đâm quạu. Anh đã mở lời hỏi thăm tử tế thế rồi mà cô ta cứ bơ đi là sao?! Phải mất mấy giây sau, anh mới lấy lại bình tĩnh để đáp trả bằng một câu hỏi khác, hơi mát mẻ:

- Tôi có cần phải khai báo với bạn không nhỉ?

- Chắc là… không cần ạ – Quỳnh ngập ngừng, vẻ mặt lộ rõ là đang đề cao cảnh giác.

- Bạn biết vậy thì được rồi. Mau vào ngủ đi!

Quỳnh chẳng có lý do gì mà không “vâng” một tiếng rồi quay người đi vào. Đứng ì ra trước ánh nhìn soi mói của anh ta đã chả mấy dễ chịu, cô lại còn bị muỗi đốt cục cả chân nữa chứ. Nhưng không hiểu vì khung cảnh thanh vắng của đêm hay vì cảm giác nhớ nhà mà Đăng lại trở nên cởi mở hơn bình thường. Anh sải bước để đi lên song song với Quỳnh, biểu hiện lừng khừng như định nói thêm điều gì. Quỳnh nhìn sang, thoáng ngạc nhiên vì thái độ gần như thân thiện và có phần hơi lúng túng của Đăng. Cô dừng lại, hỏi nhẹ nhàng:

- Có chuyện gì nữa không ạ?

- Ừm… – Đăng gật đầu.

Kiểu ậm ừ của Đăng khiến cái đầu lắm liên tưởng của Quỳnh hoạt động thật nhanh. Có lẽ anh ta cắn rứt lương tâm đôi chút vì đã để cô xuống xe đi bộ dưới trời mưa, làm cô ốm thêm chăng… Chẳng kịp nghĩ gì sâu hơn, cô buột miệng:

- Thầy không phải áy náy vì chuyện lúc trưa đâu ạ. Em không sao.

- Tôi không định nhắc chuyện lúc trưa – Đăng đột nhiên gắt nhỏ.

- Ơ… vâng.

Quỳnh đi thật nhanh lên trước để giấu đôi tai đỏ lựng vì tẽn tò và tức tối. Cô chỉ định tỏ ra không hẹp hòi để anh ta đỡ phải ấp úng mãi, thêm khó xử thôi. Ai biết được tự dưng anh ta lại giãy nảy lên như thế chứ. Hừ, tốt nhất là cô đi ngủ! Dính dáng tới ông thầy dở người này thêm phút nào chắc cô chỉ bực mình thêm phút đó.

Nhưng “ông thầy dở người” đang thật sự rất không bình thường. Thay vì để mặc cho cô chạy tót lên hiên, anh ta lại đuổi theo, túm lấy khuỷu tay cô. Cử chỉ có thể gọi là thân mật này đem đến tác dụng như một cú phanh gấp đối với Quỳnh, phanh gấp cả chân tay lẫn đầu óc. Cô cứ đứng đờ ra, trố mắt nhìn Đăng, thậm chí không kêu nổi tiếng nào chứ đừng nói đến việc huých cho anh ta một cái hay giằng tay ra. Ở phía đối diện, Đăng cũng không khá hơn Quỳnh là bao. Trong tích tắc, anh quên bẵng lý do dẫn đến hành động bạo dạn của mình, một hành động mà ngay cả trong mơ anh cũng chưa gặp bao giờ: túm lấy tay một cô gái mình không hề có cảm tình, lại đang coi mình là thầy…
Một người thì quên mất rằng mình giữ tay đối phương để làm gì, một người thì không nhớ là mình phải giật tay ra, cả hai chắc sẽ còn đứng giữa sân trường cho đến khi cùng hoá đá nếu như không có ai đó xuất hiện. Chẳng biết là may hay không may, người đóng vai nhân chứng của cái cảnh dễ gây hiểu lầm này không phải thầy trưởng đoàn xuề xoà nhưng cũng nhiều nguyên tắc đạo đức, cũng không phải một sinh viên nam to mồm vô tư hay một sinh viên nữ ưa bép xép đơm đặt, mà là Phương – cô bạn quan tâm lo lắng cho Quỳnh nhất và cũng là cô sinh viên được Đăng (dường như) ưu ái nhất trong suốt mấy ngày qua.

Dù Đăng và Quỳnh đã bừng tỉnh, đã nhanh chóng tạo một khoảng cách hợp lý hơn giữa bàn tay người này với cánh tay người kia, cử chỉ cũng như vẻ mặt không mấy tự nhiên của họ vẫn đưa đến cho Phương rất nhiều suy luận. Nụ cười luôn thường trực trên gương mặt bầu bĩnh tắt ngấm từ bao giờ, Phương cứ đứng ở hàng hiên, nhìn xuống chỗ hai người, cặp mắt ngỡ ngàng thấp thoáng cả những cảm xúc cô chưa từng gặp: tổn thương và ghen tị. Quỳnh không đọc được hết những gì hiện lên trong đôi mắt đã tối lại của Phương, cô chỉ biết rằng mình đang ở trong một tình huống hiểu lầm tai hại. Đến đứa thờ ơ nhất trong đám con gái cũng biết là Phương có cảm tình đặc biệt với thầy Đăng, huống chi cô, người mà nó vẫn coi như chị em, luôn tranh thủ kể lể tâm tình… Chẳng nghĩ thêm gì nữa, Quỳnh chạy vội lên hiên, kéo bạn vào trong.

- Có chuyện gì thế? – Phương hỏi, mắt vẫn hơi liếc về phía sau, bối rối.

- Vào đã, rồi tớ kể sau – Quỳnh nói nhanh, cũng chẳng bình tĩnh gì hơn.

Rồi hai cánh cửa sơn xanh cũng đóng chặt lại. Ánh đèn sạc lờ mờ và những tiếng càu nhàu nho nhỏ bên trong phòng ngủ của đám sinh viên nữ cũng tắt ngấm. Giữa khoảng sân tối om, chỉ còn Đăng đứng im lặng cùng lũ muỗi và những ý nghĩ hỗn độn. Ở đâu đó phía trên thung lũng, tiếng chim đêm vút lên như một lời trách móc.

Thêm một tuần nữa trôi qua, những công việc giúp đỡ dân bản đã kết thúc, thời gian để đoàn sinh viên tình nguyên lưu lại Tin Tốc lẽ ra đã cạn, nếu như đợt mưa lũ bất ngờ không làm sạt lở mấy đoạn đường núi nối từ bản ra trung tâm xã và từ trung tâm xã ra tỉnh lộ. Mặc cho mọi nỗ lực thông đường của cả thanh niên địa phương lẫn sinh viên tình nguyện suốt mười mấy tiếng đồng hồ, khối bùn đất và những tảng đá hộc vẫn cao ngồn ngộn như một lời thách thức...