Cỏ dại
Posted at 27/09/2015
290 Views
- Hạnh kiểm Trung Bình ạ. Nhưng cô ơi, kỳ vừa rồi em đi học rất đều hầu như không nghỉ buổi nào, lại không mắc lỗi gì sao em lại bị hạnh kiểm Trung Bình ạ.
- Ơ, cái này sao mà cô biết được, em về hỏi lại cô giáo chủ nhiệm của em ấy.
- Dạ vâng. Em chào cô ạ.
Vân như đờ người ta. Từ bé đến giờ cô đã bao giờ bị hạnh kiểm Khá đâu mà đến lần này cô bị hạnh kiểm Trung Bình. Cô lao nhanh xuống phòng Công tác học sinh sinh viên tìm cô chủ nhiệm.
- Thưa cô, em là Nguyễn Thị Vân C5K3 lớp cô chủ nhiệm ạ.
- Ừ, sao em.
- Dạ thưa cô, kỳ vừa rồi em được tổng kết 8.36, nhưng lại không được học bổng vì bị xếp hạnh kiểm Trung Bình. Em muốn hỏi là em đã mắc lỗi gì mà lại được xếp hạnh kiểm Trung Bình ạ.
- Cái này là lớp xét lên. Em về hỏi lại cán bộ lớp nhé. Cô chỉ dựa theo bảng tự đánh giá của em và của lớp đưa lên để xét thôi.
- Vậy là từ cán bộ lớp ạ.
Mọi chuyện như lờ mờ được sáng tỏ. Lúc nói chuyện với cô chủ nhiệm Vân đã cố kìm lòng lắm để nước mắt không chảy ra. Cô chúa ghét nước mắt đặc biệt là nước mắt của kẻ yếu đuối, kẻ thất bại. Nhưng lúc này đây sao cô lại muốn khóc đến vậy. Mọi thứ cứ mờ mờ ảo ảo trong dòng nước mắt. "Từ cán bộ lớp ư?". Cô lê từng bước dài về lại lớp.
- Chị Thanh, chị xếp cho em hạnh kiểm Trung Bình kỳ vừa rồi ạ?
- Đâu có em, cả lớp mình tự đánh giá vào bảng hạnh kiểm đó chứ. Chị không xếp cho ai và cũng không cho ai Trung Bình ạ.
- Thế tại sao cô chủ nhiệm lại nói lớp đưa lên xếp em hạnh kiểm Trung Bình?
- Cái này chị sao biết được. Em đi mà hỏi cô chủ nhiệm. Chẳng lẽ cô xếp cho em hạnh kiểm Trung Bình rồi cô nói thế không được à.
Nghe những lời ấy gần như Vân không thể kiềm chế. Cô muốn xông vào mà cào cấu bạn cán bộ kia. Người ta dửng dưng với việc thành viên trong lớp bị hạnh kiểm Trung Bình. Người ta trù dập dù cùng là chị em gái với nhau. Ngọài miệng vẫn gọi chị chị em em vậy mà sau lưng lại đâm nhau rõ đau. Và vậy là người ta dập tắt mọi kế hoạch phải dùng đến tiền của nó. Từ việc mua tặng mẹ một cái áo mới, mua cho bố một đôi dép da hay khao phòng ký túc xá một bữa chè ngoài cổng trường.
Về lại phòng ký túc xá, Vân đã khóc xối xả. Khóc cho cái môi trường giáo dục thối nát, khóc vì bạn bè chẳng ra gì. Cũng từ chuyện ấy mà ngày ngày cô giả tạo hơn. Vân không còn tốt bụng, thân thiện và thật lòng hơn trước. Cô luôn giấu mình trong một vỏ bọc. Cô sợ lại bị đau, lại bị tổn thương, bị lợi dụng vì hai chữ chị em hay bạn bè tốt. Các kỳ tiếp theo cô không còn bị hạnh kiểm Trung Bình nữa. Cứ thế cứ thế qua năm cô ra khỏi ngôi trường cao đẳng nơi mà với cô nó chỉ dạy con người ta cách lừa lọc, dối trá và ăn hối lộ.
Tuy có buồn thật nhưng Vân cũng có một thành tích đáng tự hào trong cái trường ấy: Học sinh tốt nghiệp cao điểm nhất khoa, kỳ nào cũng dành học bổng (trừ cái kỳ bị trù dập).
Và ra trường, mỗi người một phương, Vân lao vào cuộc sống làm việc, kiếm tiền như sợ nếu cô không lao động, không làm việc thì mọi thứ sẽ vụt trôi mất. Những tháng ngày mới ra trường thật đáng sợ. Mọi ước mơ, những tô vẽ khi còn là sinh viên vụt tan khi đối mặt với thực tại. Tuy học chuyên ngành xã hội, nhưng Vân không thể tìm được việc ở đúng chuyên ngành. Giữa thời kinh tế thị trường này, thì ai mà quan tâm đến mấy vấn đề xã hội mà tuyển cô vào trừ mấy trung tâm, mấy cơ sở của Nhà nước, mà vào Nhà nước thì Vân sao có đủ cơ, ban bệ để xin chứ. Rất may vì những người bạn cùng lớp giới thiệu cho Vân vào một công ty sách.
Công việc của cô là hàng ngày tiếp thị những cuốn sách mới đến người đọc, chào mời một số công ty in ấn phẩm, sách báo và tự mình tìm đầu ra cho những sản phẩm ấy. Với những hợp đồng đơn giản là in sách báo để tặng thì dễ vì khách hàng đã có sẵn đối tượng để tiêu thụ, còn với những đơn hàng sách tài liệu, tạp chí thì Vân phải mòn mắt đi tìm nhà tài trợ, tìm đầu ra. Đó là những ngày tháng vất vả và khó khăn nhất với cô. Cô đâu có kinh nghiệm, đâu có người quen, đâu có mối quan hệ nào đâu. Hàng ngày cô phải vật lộn với đống sách lo tìm đầu ra, chạy đây chạy đó, tra cứu Internet để lấy thông tin, quảng cáo, marketing, gặp khách hàng.
Cũng phải mất đến 6 tháng Vân mới tìm được khách hàng đầu tiên của mình. Một hợp đồng được ký rồi hai hợp đồng. Nếu công việc cứ thế mãi thì tốt vì giờ Vân có thể tạm lo được chi phí sinh hoạt hàng tháng và gửi một chút ít về quê cho bố mẹ rồi. Nhưng công ty thay quản lý. Người quản lý mới nói rằng hiện tại công ty không đủ vốn để làm tiếp việc in những đầu sách vì không tìm được đầu ra. Sắp tới công ty sẽ chuyển đổi hình thức kinh doanh. Hiện tại thì quản lý chưa có kế hoạch gì nên tạm thời công ty sẽ đóng cửa. Nghe như tiếng sét bên tai. Vậy còn công việc, còn thu nhập của mọi người giờ tính sao? Còn Vân nữa, cô sẽ làm gì bây giờ.
Cô lại tiếp tục làm hồ sơ và đi thi tuyển tiếp. Nhưng thật khó, cô chỉ có bằng cao đẳng, lại chưa hề có kinh nghiệm gì nhiều ngoài việc làm tiếp thị sách. Hồ sơ của cô nhanh chóng bị loại khi có rất nhiều bằng đại học với đầy đủ các loại chứng chỉ tiếng Anh, tiếng Pháp xếp trước cô. Buồn bã nhưng lúc ấy cô nghĩ mình bắt buộc phải có việc làm. Làm gì cũng được, miễn là không phạm pháp và mình có thể sống. Bố mẹ mình già rồi, lại còn vất vả nữa. Mình không thể để họ phải khổ thêm nữa. Họ nuôi mình ngần ấy năm rồi, giờ mình phải tự lo cho mình thôi.
Vân xin vào làm phục vụ ở một quán cà phê trên phố cổ. Quán cà phê nơi Vân có không gian không rộng nhưng được bài trí khá độc đáo, phong cách nhẹ nhàng và Vân thấy nó thật thanh bình. Cô thích những nơi yên tĩnh như thế dù cô chỉ là người phục vụ nhưng phục vụ cũng phải tìm nơi xứng đáng chứ nhỉ. Vân thầm nghĩ.
Quán chỉ đông khách vào buổi trưa, theo đúng giờ nghỉ của dân văn phòng, những thời gian còn lại thì khá vắng. Được cái là bà chủ quán rất nice. Vân có thể vào mạng Internet tự học thêm những lúc vắng khách và với điều kiện là không được lơ là công việc chính, không được để quán bẩn hay sơ ý không thấy khách bước vào quán.
Vân thấy hài lòng với công việc hiện tại. Cô cảm thấy mình như một cô chủ nhỏ ở đây, hàng ngày sắp xếp lại bàn ghế, pha cà phê. Cô học cách pha cà phê sao cho hương vị đạt chuẩn nhất. Và cô cũng nhớ hầu hết những vị khách hàng đến uống cà phê. Có những vị khách thật lạ. Họ uống cà phê thêm một lát chanh vào nữa. Lát chanh phải thật mỏng, không đủ gây ra vị chua nhưng phải dậy được mùi của vỏ chanh trong cốc cà phê. Có vị khách lại luôn chọn góc ngồi phía cửa, dù khi ngồi uống người ta chẳng nhìn ngắm đường phố gì hết. Có người mỗi lần đã ngồi ở quán Vân là sẽ gọi liền hai cốc. Hay thật.
Có một người nữa thật lạ. Anh là vị khách đặc biệt nhất trong quán. Duy chỉ có mình anh từ ngày Vân làm việc tại đây vào quán này và chỉ gọi duy nhất ca cao nóng. Cô đã làm ở đây từ tháng ba đến giờ là tháng tám. Năm tháng qua có thể gọi là từ mùa xuân sang mùa hè, anh chàng ấy chỉ uống duy nhất ca cao nóng...