Thư gửi má
Posted at 27/09/2015
133 Views
() Nhiều lúc nghe má cằn nhằn con bực tức nên lấy tai phone gắn vào, đôi lúc con con đóng kín cửa phòng rồi trùm chăn ngủ. má dạy con, con gái phải thế này, thế nọ nhưng đã máy lần con chịu lắng nghe.
***
Thư gửi má!
Hồi con học lớp 5, má bảo con đi chăn bò với mấy đứa nhỏ trong xóm, con khóc òa lên vì thấy má bất cong. con là con gái một trong nhà, má không cưng chiều con thì thôi, đằng này má lại bắt con đi chăn bò trong khi anh Cả và anh Hai lại ở nhà không làm gì cả. Ba bênh con thì má lại bảo ba tập hư cho con, con khóc rồi má đánh con, đánh đến nỗi hai tay con bầm tím hết lên.
Từ đó, con ghét má lắm, hễ thấy má đi chợ về là con lại chạy ra bếp làm mấy việc lặt vặt, thấy má ngồi xem phim cùng là con chạy vào phòng đóng kín cửa học bài. Lớn dần, con xin ba cho đi học thêm nhiều hơn, những ngày nghỉ học con lại đòi vào rẫy với ba chứ không muốn ở nhà với má, tiền sinh hoạt phí hằng ngày con đều xin ba chứ nhất định không hỏi má.
Cứ như thế con lớn dần và tuổi thơ của con toàn những kỉ niệm về ba.
“Sao con lại hậu đậu thế?” - đó là câu nói cửa miệng má hay dành cho con. Con rửa chén thì chén vỡ, nấu cơm thì cơm lại khét, con đi chợ thì bị người ta chặt chém. Có bữa má bảo con đi mua trứng vịt thì con lại mua nhầm trứng gà. Má la con suốt ngày, đến khi con 18 tuổi rồi nhưung vẫn bị má cằn nhằn suốt.
Con biết má toàn la đúng nhưng không hiểu sao tính con lại cứng đầu đến thế, con không chịu chấp nhận là mình sai. Thế rồi con cứ có ác cảm với má và dành tình cảm hết sang ba.
Có một hôm, con ở nhà một mình trông nhà cho ba má đi rẫy, có một người dân tộc đến xin quần áo, con thấy áo quần má nhiều cái cũ nên vô tình đem cho. Thế là về, má mắng con xối xả, con khóc như mưa, lúc đó con nghĩ không hiểu sao má lại ghét con đến thế, và suy nghĩ của một đứa trẻ con 7 tuổi lúc đó thật đơn giản, chỉ là những bộ quần áo cũ kĩ, sao má phải làm dữ với con đến thế.
Mãi đến sau này con mới nhận ra những bộ đồ đó là kỉ niệm, quà cưới một thời bà ngoại để lại cho má. Lúc nhận ra điều đó, nước mắt con cũng rơi, nhưng rơi không phải vì trách má mà rơi vì thương má...
Con nhớ có một năm, anh Hai đậu Đại Học, nhà mình làm tiệc to lắm. Ba má lo tiếp khách trong nhà nên giao hết mọi việc ngoài bếp cho con, má bảo con trông nồi bánh tét. Con loay hoay kiểu gì để rồi quên đổ nước vào bánh, tiệc tàn nồi bánh cũng cháy đen. Đang loay hoay không biết xử lí như thế nào thì tiếng ba vọng vào:
- Sao thế con gái?
Con thút thít chỉ vào đống bánh tét cháy trơ vỏ hết:
- Biết làm sao hả Ba?
Ba nhăn nhó rồi cũng kịp trấn an con:
- Để đó ba lo...
Thế là ba lấy mớ lá chuối trong nhà còn dư, đưa ra bếp, hai cha con cặm cụi gói lại từng chiếc bánh một, 1 giờ sáng, mọi thứ đã xong xuôi. Con với ba thức trắng đêm ấy cùng tâm sự và trông nồi bánh cho đến sáng. Má dọn dẹp xong xuôi trong nhà nên ngủ lúc nào cũng không hay.
Buổi trưa hôm ấy, con thấy má bưng rổ bánh về, mấy cái bánh đen khét, nhìn mới xấu xí và khó coi làm sao. Con gục mặt hối lỗi và tưởng chừng hôm nay sẽ bị má mắng tả tơi. Nhưng hôm đó má không mắng cũng không đánh, con chỉ thấy má buồn buồn rồi lẳng lặng vào bếp. Lần đầu tiên con thấy má hiền đến thế.
Lúc ấy, tiền ăn tiền học của con chỉ trông vào mấy đồng tiền lẻ má bán bánh ngoài chợ, vậy mà con lại hậu đậu làm cháy hết... Thà lúc ấy, má cứ đánh cứ mắng con có lẽ con sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
...
Nghe tin con đậu Trường Báo chí, má mừng lắm. Vào Sài Gòn học ba năm, má là người gọi điện hỏi thăm con nhiều nhất, tiền học tiền ăn, má lo chi phí cho con hết. Thương con xa nhà, lại là đứa hậu đậu nên má cứ gọi điện nhắc con hoài, rồi công việc ở nhà trở nên bận bịu nên những cuộc gọi của má cũng thưa dần đi.
Nhiều lúc nghe má cằn nhằn con bực tức nên lấy tai phone gắn vào, đôi lúc con con đóng kín cửa phòng rồi trùm chăn ngủ. Má dạy con, con gái phải thế này, thế nọ nhưng nào có mấy lần con chịu lắng nghe.
Dịp lễ vừa rồi, con về ra mát gia đình người yêu, ba má anh đối xử rất tốt với con, con cắt trái dưa hấu cũng không xong, con nấu nồi canh cũng không ngon nhưng chưa bao giờ cô chú nặng lời với con hết. Con tự thấy xấu hổ với bản thân mình.
Bây giờ con mới nhận ra con hậu đậu đến thế, ước gì bây giờ má lại cằn nhằn với con như thế, con nhớ má nhiều lắm!
Nguyễn Thị Thu Trang
....