XtGem Forum catalog

Nước ốc

Posted at 27/09/2015

185 Views


Mỗi khi kể lể về cuộc đời của mình. Cha tôi thường nói về nước ốc. Là nhạt như nước ốc. Nhiều lúc ông còn cáu, khi tôi cà kê bảo ông kể. Tôi đặc biệt thích nghe những chuyện trong quá khứ, ít ra tôi thấy mình ở nhiều hơn trong đó, nhưng hẵng khoan, ở đây tôi không nói gì về đời mình. Sau này, dù có cà kê kể lể cho con cháu mình nghe, tôi chỉ nói về cha. Về thứ nước ốc, thứ nước ốc mà cha tôi nhắc tới, không biết nó có thật sự nhạt hay không. Có nhạt như cái cách mà ông nói về cuộc đời mình. Cha cười khẩy. Cũng không hẳn như vậy. Nhiều khi nó mặn chát. Mặn chát như thứ rượu ông thường uống. Chắc là pha lẫn cả nước mắt nữa nên mới mặn như thế chứ.
Dành tặng cha!
***

1.
Chẳng biết tự lúc nào, cha tôi đâm ra thèm rượu đến như vậy. Thèm tới mức cuồng si, mê mẩn. Thèm như cái cách chúng tôi mỏi mắt nhìn theo lão bán kem đang thong dong rao bán trên chiếc xe đạp cà tàng, vào mùa hè. Thèm như thèm kẹo kéo, thèm kẹo mũ xanh đỏ. Thèm như cách trèo lên cái cây bên tường ngóng qua nhà lão Năm, bấy giờ đang chiếu bộ phim Tây du ký của Trung Quốc sản xuất vào năm 1986.
Ấy là cái thèm của cha tôi. Thèm tới mức cuồng si, mê mẩn. Nghe chị cả tôi nói, lúc chị ấy mười tuổi, bằng tuổi tôi bây giờ thì cha tôi đã uống rượu rồi.
Trong năm chị em nhà tôi, chắc tôi là người thân với cha tôi nhất. Chẳng bao giờ cha nói là, tao thân với con út nhất, tao thích nói chuyện với nó, nó mới là con tao. Trời có sập thì cha tôi cũng không bao giờ nói thế. Nhưng chẳng hiểu sao, tôi cứ thường trực cái cảm giác, mình thân với cha nhất.
Nhà có tới năm đứa con gái, mẹ tôi nữa là sáu. Chỉ một mình cha là đàn ông trong nhà. Ông không thích con gái, ông thích có con trai. Mẹ tôi bảo vậy. Nhưng nhà tôi lại có tới năm đứa con gái. Năm con vịt trời. Thời bấy giờ, nhà nào mà sinh được dưới mười con thì cũng được liệt vào hàng hiếm hoi trong làng rồi. Quan niệm đông con nhiều của cứ thế ăn mòn cả một thế hệ. Nhà tôi hiếm hoi thật, đã thế lại sinh toàn con gái. Cha không thích điều đó, và ông lại uống rượu nhiều hơn.
Những lúc ông say, ông lại mang lũ con gái chúng tôi ra chửi, nào là trời sinh con gái vô phúc, con gái như lũ vịt trời sinh ra lớn lên, rồi bay đi chẳng được cái mẹ gì cả. Cha tôi thường nói thế. Cả nhà ai cũng nghe được, nhưng chẳng ai nói gì. Không để ý thì đúng hơn.
Nhiều lúc tôi thấy, xét theo cái nọ cái kia thì chuyện cha say sưa đâm ra lại hay. Lúc say rượu ông nói chuyện nhiều hơn, ít ra ông cũng chịu mở miệng để lảm nhảm điều gì đó, nhiều hơn so với lúc ông tỉnh. Lúc tỉnh táo, thành ra cuộc đời của ông như nước ốc thật. Cha im lìm như một cái bóng bất động hằn lên bức tường, chỉ xoay đổi tư thế theo ánh nắng mặt trời, dù thay đổi nhưng vẫn giữ mãi tư thế đó. Chúng tôi hỏi một thì cũng ừ, hỏi hai thì cũng ừ, hỏi tới lần thứ n thì vẫn cứ ậm ừ như thế.
Năm tôi được mười tuổi, thì mẹ tôi bệnh mất. Cha tôi uống rượu nhiều hơn trước, nhiều hơn bất cứ khi nào. Trong ký ức của tôi, vào những buổi chiều chập choạng tối thứ ánh sáng vẩn đục hoen ố. Cha tôi ngồi im bên bếp lửa, ông ngâm nga một giai điệu cổ nào đó bằng cái giọng khản đặc vì rượu, còn bóng ông đổ thành một vệt dài loang loáng bên bức tường đối diện. Hình ảnh của những con quỷ trong sách khải huyền.
Cha tôi say triền miên. Tôi thường ngồi cạnh cha. Mặc cho ông lẩm bẩm chửi rủa chúng tôi. Mặc cho lũ vịt trời thế nào. Tôi vẫn ngồi cạnh ông. Tôi hỏi ông nhiều thứ. Ông bảo tôi câm miệng. Tôi vẫn cứ thế hỏi. Sau cùng ông trả lời, cũng không hẳn là một câu trả lời đúng nghĩa cho những câu hỏi, cũng có thể là một chi tiết rời rạc, một kiểu độc thoại nội tâm, nhưng hơn hết nó chắp nối thành những câu chuyện cuộc đời.
2.
Trong thời chiến, cha tôi là một cán bộ hậu phương mẫn cán. Ông làm chủ nhiệm hợp tác xã, chuyên trách các công tác về hậu phương để phục vụ cho chiến trường.
Nghe mấy người già trong làng kể lại, hồi đó, cha tôi trông oách lắm. Có lẽ là oách nhất trong đám trai làng lúc bấy giờ. Ấy thế nên, nhiều cô gái trong làng( giờ người còn người mất), mến mộ cha tôi lắm. Nói theo kiểu bọn trẻ bây giờ thì phải liệt cho cha tôi vào hạng "hotboy" lúc bấy giờ. Công nhận nhìn ảnh cha tôi chụp trông cũng đẹp trai ra phết, chứ không lụ khụ như bây giờ.
Đẹp trai hay không? Nhiều cô mến mộ hay không, thì cuối cùng cha vẫn lấy mẹ tôi. Mẹ hơn cha tới tận 6 tuổi. Chẳng biết ông bà tôi mối lái thế nào, mà cha lại lấy mẹ tôi. Nói thật, trong cái đám gái làng lúc bấy giờ thì mẹ tôi cũng chẳng có gì đặc biệt đâu, nhan sắc thì chẳng thể nào gọi là mặn mà được. Ấy thế, mẹ lấy được cha tôi, điều mà những cô gái mến mộ kia không làm được. Lúc còn sống, mẹ tôi cũng thuộc dạng ít nói, với cha là điều đương nhiên, với chúng tôi cũng không. Mẹ tôi suốt ngày ở ngoài đồng, không ngoài đồng thì lên nương, không lên nương lại bận túi bụi với đám lợn, đám gà, đám chó mèo trong nhà.
Lúc mẹ tôi chết đi, tôi khóc rống lên. Điếc tai quá. Cha tôi thì quở rằng: "Mẹ mày mất thì có gì to tát đâu, bà ấy sinh trước tao thì chết trước là phải lẽ rồi". Theo cha thì cái gì mới là to tát chứ.
Sau ngày mẹ tôi mất thì mọi việc trong nhà đều do chị cả tôi quán xuyến. Chị cả hơn tôi tận mười sáu tuổi. Lúc tôi mới sinh ra thì chị đã thành người thiếu nữ đảm đang rồi. Trong năm chị em nhà tôi. Chị cả giống mẹ nhất. Từ mái tóc dày rối nùi, lúc nàocũng có mùi khói mùi nắng chiều, đến cái ánh nhìn có gì đó sâu trũng và xa xăm.
Chị cũng không bao giờ nói chuyện với cha, thêm một điều nữa giống mẹ. Ít ra, mọi việc trong gia đình chị cũng không hỏi tới ý kiến cha, dù chỉ một lần. Còn riêng cha, ông cũng để mặc điều đó, mặc cho chị tôi muốn làm gì thì làm.
Khi tôi được mười hai tuổi, chị hai tôi, chị ba, rồi cả chị tư nữa đều đi lấy chồng xa. Đi rồi mất tăm, có khi tết cũng chẳng thấy trở về.
Năm tôi hai mươi hai tuổi, tôi lấy chồng rồi cất nhà ở xóm bên. Chị cả cũng lấy chồng xóm bên. Nhưng tới năm thằng cháu con của chị lên mười tuổi, thì chồng chị bỏ đi mất tăm và không bao giờ trở lại nữa. Kể cả sau này, thằng cháu lấy vợ, cũng chẳng thấy ổng đâu. Nghe đâu sau này lấy vợ ở vùng dưới, rồi sinh mấy mụm con.
Lúc anh rể tôi đi, thằng cháu khóc rống lên như bò. Chị tôi thì ngồi im...