Polaroid

Tường Vi đêm đầu tiên

Posted at 27/09/2015

426 Views



“A Anh...”

“Anh đang lẩn tránh em”, cô mở mắt, chăm chú nhìn anh, “Trước đây chẳng vẫn như thế đấy thôi, tại sao bây giờ lại không được?”.

Người Việt Tuyên hơi cứng lại.

Trong bóng tối, mặt anh ửng đỏ.

Thấy anh không phản đối, Diệp Anh thờ phào, lại nhắm mắt. Trong phòng tĩnh mịch yên ắng, tâm tư của cô một lần nữa quay trở về cảnh tượng buổi trình diễn lúc tối.

Tất cả đều do Việt Tuyên giúp đỡ.

Về sau cô mới biết...

Ngay từ khi cô được tham gia dự án thiết kế thời trang cao cấp, Việt Tuyên đã cho in một số phác thảo của cô rồi cử người đưa đến lâu đài của nữ hoàng Veka ở Paris. Trước khi cô gọi điện định nhờ anh liên hệ giúp đỡ, Việt Tuyên đã nhờ người chụp ngoại cảnh cửa hiệu và trang phục mẫu trong tủ kính của MK, gửi đến nữ hoàng Veka.

Sau đó, anh lại giúp bà tổ chức show diễn này, thậm chí đã thuyết phục được Veka mặc chiếc váy dài hoa đen trắng trong tủ kính.

Cô không biết làm gì để cảm ơn anh.

Trong giới thời trang phù hoa danh lợi, cho dù có thực tài đi chăng nữa nhưng nếu thiếu cơ hội và người nâng đỡ, mà chỉ hoàn toàn dựa vào sức mình mong có được vị thế thì phải trải qua một thời gian khá dài và vất vả.

“Không phải do anh…”

Dường như đoán biết suy nghĩ của cô, giọng Việt Tuyên từ gối bên truyền đến:

“… Như bà Veka đã nói với em, nếu không phải bà ấy thật sự thích thiết kế của em, nhận ra khả năng thiết kế đầy triển vọng của em, cho dù lót tay cho bà món tiền lớn, bà ấy cũng sẽ không đích thân bay đến đây.”

Trên thực tế, ở Paris khi bà Veka xem những thiết kế của Diệp Anh do Việt Tuyên gửi đến, đã lập tức gọi điện cho anh. Bà phấn khởi nói, cuối cùng đã nhìn thấy một nhà thiết kế châu Á tài hoa không kém Mạc Côn năm xưa.

Dưới tấm chăn mỏng.

Bàn tay Diệp Anh sờ soạng, chạm nhẹ vào tay anh. Không nói gì, cũng không định nói chuyện về bà Veka, cô cuộn người áp đến bên anh, nắm tay anh.

“Việt Tuyên...”

“Sao?”

“... Em không ngủ được”, cô gối đầu lên cánh tay anh, “Em muốn nói chuyện với anh”. Trong bóng tối, Việt Tuyên từ từ quay đầu về phía cô.

“Chưa bao giờ anh hỏi em, về chuyện của em”, hàng mi khép chặt, khẽ lay động, “Tên em là gì, bao nhiêu tuổi, cha mẹ là ai, tại sao phải vào trại quản giáo, bởi vì tất cả những cái đó anh đều đã biết, đúng không?”.

“A Anh.”

Việt Tuyên ngây người.

“Anh có biết tại sao em lấy tên là ‘Diệp Anh’ không?”, như đứa trẻ nhỏ, cô nép vào người anh, “Thực ra, đó cũng không hẳn là tên giả, em sinh lúc hai giờ đêm, mẹ em nói, đó là lúc trời tối nhất. Sau khi cha em qua đời, mẹ em bị rối loạn thần kinh, bà ấy thường đánh em, oán hận em. Bà bảo vì em nên cha mới chết, vì em là Dạ Anh, là đứa trẻ sinh ra trong đêm đen tối nhất, là kẻ hủy diệt mọi thứ”.

“...”

Việt Tuyên cau mày, “Em không tin. Chẳng phải điềm dữ, lời nguyền gì hết, chẳng qua là lừa bịp”, cô lặng lẽ cười, “Đến khi em giết kẻ đó, bị đưa vào trại quản giáo, mẹ em vì chuyện đó cũng qua đời. Lúc mới vào trại, em rất hận, rất hận, hận là lúc đó không đâm thêm mấy nhát nữa, tại sao kẻ đó vẫn sống được. Sau khi ra khỏi trại, nhất định em phải đâm từng nhát, từng nhát vào ngực kẻ đó, nhất định phải tận mắt nhìn kẻ đó chết, không còn một hơi thở, mới rút dao ra khỏi ngực ông ta”.

Cảm nhận cơn chấn động của Việt Tuyên.

Trên gối trắng như tuyết, cô cười lặng lẽ, nhìn anh nói:

“Về sau, em nghĩ thông suốt rồi. Em không muốn ông ta chết như vậy, em phải tự tay hủy hoại ông ta, em phải làm cho ông ta thân bại danh liệt, em phải để cho ông ta sống, cho ông ta tận mắt nhìn tấy tất cả những gì ông ta dùng thủ đoạn có được, sẽ mất dần từng tý, từng tý một.”

“A Anh, em không cần phải nói với anh những chuyện đó.”

Việt Tuyên nắm chặt bàn tay lạnh ngắt của cô.

“Có người giúp em.”

Mi mắt rung rung, cô vẫn nói tiếp:

“Trong trại quản giáo, có một người hảo tâm tình nguyện giúp những phạm nhân vị thành niên, để chúng em được học những gì mình thích. Và em đã lựa chọn thiết kế thời trang. Nhà hảo tâm đó mỗi tháng đều gửi sách báo và tư liệu đến, còn gúp em được vào bộ phận may trang phục của trại.”

Những năm đó cô học miệt mài bất kể ngày đêm, đã có vốn kiến thức hội họa được học từ nhỏ, nên việc tự học thiết kế cũng không khó lắm, để tranh thủ thời gian thực tập cắt may, cô đã nhận cắt may quần áo cho các cán bộ quản giáo.

Vừa vào phòng thiết kế của tập đoàn Tạ thị, cô đã khiến các nhà thiết kế kinh ngạc, bởi ngay lập tức cô đã có thể hoàn thành một bộ trang phục theo đúng thiết kế. Chỉ có mình cô biết, hồi ấy trong trại cô đã phải cắt may rất nhiều kiểu quần áo cho những cán bộ quản giáo, và để có thể có nhiều thời gian tự do hơn, nên tốc độ của cô được hình thành và rèn luyện trong áp lực từng năm như vậy.

“Lúc đầu em tưởng em chỉ là một trong những phạm nhân được tài trợ. Dần dần mới nhận ra những người khác họ chỉ được tài trợ học tập bình thường, còn em…”

Cô hơi cau mày, nhớ lại:

“Người hảo tâm đó đã gửi cho em bút, giấy, kẹp, màu và các loại vải để em thực tập, đều là những thứ đắt tiền, tốt nhất. Những tạp chí thời trang mà người đó gửi cho em, là những ấn phẩm vừa xuất bản tại Paris và New York. Theo ý muốn của nhà hảo tâm đó, trại quản giáo đã lắp riêng cho em một đầu video, để em có thể xem băng ghi hình các show trình diễn thời trang của những hãng nổi tiếng trong tuần lễ thời trang quốc tế, show trình diễn vừa kết thúc chưa lâu, trong trại em đã có thể được xem băng. Bởi nước Pháp là trung tâm thời trang quốc tế, nhà hảo tâm đó lại gửi giáo trình tiếng Pháp để em tự học. Anh có tin không, người đó thậm chí mỗi tuần một lần đều cử giáo viên vào trại dạy em luyện phát âm và bổ sung kiến thức.”

Hàng mi rung rung, cô cười nhạt:

“Mỗi tháng em đều viết thư cho nhà hảo tâm đó, báo cáo tình hình của em. Trại trưởng nói, phải làm vậy là để em biết tri ân. Vì vậy nhất định em phải viết.”

Màn đêm thấp thoáng qua rèm cửa, dù rất tối, nhưng vẫn có thể nhận ra cảnh vật bên ngoài.

Việt Tuyên yên lặng nằm nghe.

Bàn tay cô bị anh nắm chặt.

“Em cho rằng nhà hảo tâm có mục đích gì đó, hoặc là muốn sau này khi em ra khỏi trại sẽ yêu cầu em làm gì đó cho họ, nhưng, không có. Sau khi em ra khỏi trại, người đó cũng mất tích luôn, không hề liên hệ lại. Cũng không thư từ nhắn tin, cứ như chưa bao giờ có người đó vậy.”

Ngước mi, đôi mắt đen thẳm nhìn anh.

“Em không hiểu, tại sao lại thế?”

Gió lay động rèm cửa.

Việt Tuyên cố mỉm cười, nói:

“Có lẽ là...”

“Là anh, đúng không.”

Đăm đăm nhìn anh, đôi mắt cô đã nhòe ướt, sáng rạng kinh người.

“... Em đã từng tưởng là A Xán. Trên đời này, em đã tưởng chỉ còn một mình A Xán, có thể tận tâm như vậy làm những việc đó vì em mà không cần báo đáp.”

“Nhưng, lại là anh.”

Chầm chậm nhắc lại, cô mỉm cười đau khổ:

“Cho nên, anh không ngạc nhiên. Tại sao em ở trong trại cải tạo sáu năm lại có thể biết thiết kế và cắt may, không ngạc nhiên tại sao em biết nói tiếng Pháp. Bởi vì tất cả anh đều biết hết, bởi vì lúc ở Paris, anh đã biết em là ai.”

“Em...”

Việt Tuyên cũng nằm ngây người, không nhúc nhích.

“Anh nói, em không cần cảm ơn anh. Chuyện MK em không phải cảm ơn anh, chuyện nữ hoàng Veka em không cần cảm ơn anh”, ôm cánh tay nóng ấm của anh, cô ngửa mặt, hàng mi ngấn nước, mắt ướt long lanh nhìn anh, “Vậy, thời gian sáu năm trong trại quản giáo, cũng không cần cảm ơn anh sao?”.

“... Sao em biết?”

Rất lâu, anh khàn giọng hỏi.

“Là do bông hoa tường vi đó.”

Cô nhẹ nhàng trả lời.

“Trong trại quản giáo, em nhận được chiếc kẹp tranh màu đen do nhà hảo tâm gửi vào, trên đó chạm một bông hoa tường vi màu ngân bạc, giống hệt bông hoa hồi nhỏ cha dạy em vẽ...