Từng có một người yêu tôi như sinh mệnh
Posted at 27/09/2015
932 Views
" Khâu Vĩ chớp mắt, anh không biết hỏi gì thêm.
Tôi lặng im nhìn gương mặt xinh đẹp của La Tây, cố gắng lý giải nội dung cuộc nói chuyện của bọn họ. Trong lúc này, tôi hối hận bình thường không quan tâm đến tin tức thời sự. Tôi đột nhiên nhớ tới câu nói của Andre, anh nói chính phủ đã hứa với người dân bỏ phiếu sẽ đánh mạnh vào hoạt động buôn lậu và loại trừ hủ bại trong ngành hải quan. Lúc đó anh cũng hỏi tôi một câu mang hàm ý sâu sa: Cô có biết lúc này mà bị xét xử, hậu quả sẽ như thế nào không?
Tôi dần dần hiểu ra, đôi tay đang cầm cốc nước của tôi run lẩy bẩy, lòng bàn tay chảy đầy mồ hôi.
La Tây liếc nhìn tôi, ánh mắt chị ta lạnh lẽo như lớp băng: "Tôn Gia Ngộ không phải là kẻ ngốc, cậu ấy biết rõ hơn ai hết. Hôm đó, đầu óc cậu ấy có vấn đề nên mới báo cảnh sát, tự cậu ta cố tình đâm đầu vào chỗ chết".
Tôi không thể chịu nổi ánh mắt cay nghiệt của La Tây nên cúi gằm mặt. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy đôi mắt của chị ta như ánh đèn sáng rực chiếu xuống người tôi.
Căn phòng trở nên yên tĩnh trong giây lát. Mỗi người theo đuổi suy nghĩ riêng của mình, chúng tôi thậm chí có thể nghe thấy hơi thở của nhau.
"Chị La" Khâu Vĩ phá vỡ không khí trầm mặc: "Mạng sống của Gia Ngộ nằm trong tay chị, chúng tôi nên làm thế nào xin chị hãy nói một tiếng".
"Sao anh nói như vậy? Tôi không gánh nổi đâu". La Tây hơi mỉm cười, lời nói của chị ta có vẻ khiêm tốn nhưng thái độ rõ ràng chờ đợi câu này từ lâu.
"Ai cũng biết chị La có năng lực và mối quan hệ rộng rãi ở Odessa. Nếu chị không làm được thì chẳng có ai làm nổi. Gia Ngộ còn trẻ tuổi thiếu hiểu biết, mong chị hãy nể tình xưa nghĩa cũ, đưa tay giúp cậu ấy vượt qua kiếp nạn này".
Tôi không ngờ một người có lòng tự trọng như Khâu Vĩ lại có thể nói ra những lời cầu xin khẩn thiết như vậy.
La Tây quả nhiên tỏ thái độ mềm mỏng hẳn: "Vụ này không phải không có cách giải quyết, nhưng chắc chắn sẽ tốn công sức. Trên Kyiv có người đồng ý giúp đỡ, có điều họ đưa ra giá hơi cao".
"Bao nhiêu ạ?"
"Ba trăm ngàn". La Tây ngừng một lát rồi bổ sung thêm: "Tiền mặt".
"Ba trăm ngàn? Mẹ kiếp". Khâu Vĩ thở hắt ra: "Tương đương hai triệu bảy trăm ngàn nhân dân tệ? Thế mà cũng mở miệng đòi được, rõ ràng là nước đục thả câu mà". (Lúc đó ở ngoài chợ đen một đô la mỹ đổi được tám chín nhân dân tệ)
La Tây sa sầm mặt: "Anh nói năng tử tế hơn một chút có được không? Anh ra đời làm ăn bao nhiêu năm mà chẳng hiểu gì cả. Dù ở trong nước, vớt một mạng người, anh có biết tốn bao nhiêu tiền không?"
"Tôi không biết, cũng chẳng có kinh nghiệm về việc đó, mong chị hãy chỉ bảo cho tôi". Khâu Vĩ tức đến mức không còn kìm chế nổi.
La Tây cũng không vừa, cặp lông mày của chị ta dựng ngược cả lên: "Anh và Gia Ngộ giống hệt nhau. Người tôi nhờ không phải có địa vị tầm thường. Khó khăn lắm ông ta mới mở miệng đồng ý giúp đỡ, anh còn định ngã giá như mua hàng ngoài chợ?"
"Nhưng cũng không thể như con sư tử há to miệng".
"Khâu Vĩ!" La Tây đập bốp xuống bàn, giọng nói trở nên đanh thép: "Người ta nể mặt tôi nên mới nhận lời, anh không cần thì thôi, người ta cũng chẳng thèm số tiền của anh. Nhưng tôi nói cho anh biết, dù anh có làm đơn xin hoãn, phiên tòa xét xử đầu tiên cũng chỉ hoãn đến cuối tháng tám là cùng".
Khâu Vĩ từ từ quay mặt đi nơi khác: "Toàn bộ tài sản của Gia Ngộ bị đóng băng, gom ba trăm ngàn...".
"Đó là việc của anh". La Tây không khách sáo: "Tôi cho hai người mười ngày, gom đủ tiền rồi hãy đến tìm tôi".
Nhìn bộ dạng khó coi của Khâu Vĩ, tôi không nhịn được nên nói xen vào: "Em còn hơn bốn mươi ngàn đô la, Gia Ngộ để lại cho em".
Khoản tiền này gửi ở "ngân hàng ngầm" nên không bị cảnh sát Odessa rờ tới.
Hai người đều quay đầu nhìn tôi, nhưng biểu hiện của họ hoàn toàn khác nhau. Vẻ mặt của Khâu Vĩ là bất lực còn La Tư là sự ngạc nhiên pha lẫn châm biếm khó phát giác.
"Ôi trời, cậu ta rộng rãi với đàn bà thật đấy". La Tây nửa cười cửa không nhìn tôi.
Khâu Vĩ lén giật tay áo tôi, ra hiệu tôi đứng dậy chào từ biệt La Tây: "Bọn tôi đi gom tiền tiền, có gì làm phiền chị"
"Được rồi, tôi không tiễn". La Tây vẫn ngồi nguyên một chỗ, nhưng ánh mắt chị ta rất kỳ lạ, làm tôi nhớ đến lần đầu tiên gặp chị ta.
Đến khi đi một đoạn khá xa, tôi vẫn có thể cảm nhận thấy ánh mắt sắc bén của chị ta dõi theo bóng lưng tôi.
Rời khỏi ngôi biệt thự sang trọng đó, chúng tôi vào một quán cơm ở bên đường.
"Cô này chẳng chịu động não gì cả?" Khâu Vĩ trách móc tôi: "Cô nói chuyện với La Tây mấy lần rồi, quan hệ giữa chị ta và Gia Ngộ trước kia như thế nào cô không rõ sao? Tự nhiên lại nhắc đến tiền nong trước mặt chị ta, cô không sợ chị ta nổi cơn ghen trở mặt ngay tại chỗ à?"
Tôi cúi đầu xoay đi quay lại cốc nước trong tay. Tôi không phải làm chuyện ngu ngốc, tôi chỉ muốn Tôn Gia Ngộ nhanh chóng được thả ra, nhưng hình như tôi toàn chọn sai thời cơ nói những lời không đúng.
Khâu Vĩ nhìn tôi lắc đầu thở dài, cuối cùng anh đưa cho tôi số điện thoại của mấy người và dặn dò: "Chúng ta chia nhau ra gom ba trăm ngàn. Đây là mấy người bạn thân của Gia Ngộ, cô cũng từng gặp họ rồi đấy. Cô hãy đi nói chuyện tử tế với họ, nếu người ta không muốn cho cô mượn tiền thì cô cũng đừng tỏ ra bất lịch sự. Họ đều là những người sau này chúng ta ngẩng đầu không gặp cúi đầu cũng thấy."
Tôi gật đầu, nhận tờ giấy trên ghi một loạt tên và số điện thoại, sau đó cẩn thận gấp lại và bỏ vào ba lô.
Khâu Vĩ không yên tâm lại dặn tiếp: "Chuyện đi vay tiền, người ta nể mặt thì cho vay, không thì thôi, cô đừng nổi nóng với bọn họ".
Tôi gật mạnh đầu: "Em biết rồi, biết rồi."
Đến khi đi tìm người vay tiền, tôi mới hiểu rõ lý do Khâu Vĩ dặn dò tôi. Đây cũng là lần đầu tiên tôi biết thế nào là nhân tình thế thái, thế nào gọi là lòng người đen bạc.
Những người này trước kia đều tự xưng là anh em của Tôn Gia Ngộ. Vậy mà bây giờ vài người thậm chí không che dấu thái độ cười cợt trên nỗi đau của người khác. Một số tỏ ra khách sáo hơn nhưng vẫn giữ nụ cười xa cách và thái độ lảng tránh đằng sau bộ mặt lịch sự.
Bây giờ ở trong mắt bọn họ, giá trị của Tôn Gia Ngộ bằng không, thậm chí là số âm. Khi nhắc đến chuyện mượn tiền, nụ cười trên môi họ trở nên rất miễn cưỡng. Đa phần rút ba bốn ngàn đô la Mỹ nhét vào tay tôi theo kiểu bố thí, vẻ mặt của bọn họ như bỏ tiền ra ngoài chơi bời một bữa, không định thu hồi.
Tôi giả vờ như không thấy những biểu hiện đáng buồn đó, tôi vẫn viết giấy ghi nợ và đề rõ sẽ trả cả gốc lẫn lãi trong vòng nửa năm như lời Khâu Vĩ dặn.
Đến nhà người cuối cùng, tôi chỉ mượn được hai ngàn đô la. Chủ nợ còn nhấn mạnh, lãi suất là ba phân (ba phần trăm), mức lãi suất cao bằng cho vay nặng lãi.
Tôi rất muốn ném tập tiền vào mặt anh ta, sau đó hất bàn rồi bỏ đi. Nhưng nhớ đến lời Khâu Vĩ, tôi cố gắng nuốt giận, mỉm cười ký tên vào giấy ghi nợ.
Chủ nợ còn làm ra vẻ bi ai: "Tiền của tôi đặt hết vào hàng hóa rồi. Tôi cũng vì Tiểu Tôn nên mới chạy vạy, mượn đông mượn tây".
Tôi nhìn anh ta bằng ánh mắt khinh thường, không hề muốn nói chuyện với anh ta. Cũng chính là người này, mỗi lần đi chơi casino thua bốn năm ngàn đô la Mỹ là chuyện thường, thay gái như thay áo. Nhưng tôi vẫn nhớ tới lời Tôn Gia Ngộ nói với tôi: làm gì có đồng tiền nào từ trên trời rơi xuống.
Nghĩ đến đây, tôi hết tức giận. Tôn Gia Ngộ nói rất đúng, đồng tiền của người ta, người ta muốn làm thế nào là tự do của người ta.
"Cám ơn đại ân đại đức của anh". Tôi đứng dậy cáo từ.
Gương mặt người đó hơi đỏ ửng, hoặc giả tôi nhìn nhầm. Kẻ nói ra những lời như vậy làm sao có thể đỏ mặt? Tôi cầm tập tiền mỏng phi nhanh ra cổng, thề từ nay về sau không bao giờ gặp lại người này.
Buổi tối về nhà, tôi đưa hai mươi ngàn đô la mượn được trong ngày cho Khâu Vĩ. Anh gom được hơn bốn mươi ngàn, trong tay anh có hơn ba mươi ngàn, tất cả cũng chỉ là một trăm ngàn, còn lâu mới tới con số ba trăm ngàn.
Nhìn đống tiền giấy cũ mới lẫn lộn, Khâu Vĩ nghiến răng ken két, đôi lông mày nhíu chặt vào nhau.
"Anh đừng sốt ruột, kiểu gì cũng có cách mà". Tuy tôi cũng rất lo lắng nhưng bắt gặp bộ dạng của anh, tôi liền lên tiếng an ủi.
"Không sao, tôi cũng không trách bọn họ, bây giờ đang là mùa nhập hàng, ai cũng thiếu tiền mặt cả. Ngày mai tôi sẽ nghĩ cách gán hết lô hàng trong tay rồi tính sau".
Tôi chỉ im lặng nhìn anh chăm chú.
Tết năm nay khi vợ Khâu Vĩ tới Ukraine, tôi mới biết bên nhà vợ anh là người Đông Bắc. Bố mẹ và em trai vợ một hai năm gần đây lần lượt mất việc làm, gia cảnh nhà Khâu Vĩ cũng rất bình thường. Vì vậy vợ chồng anh có áp lực kinh tế khá lớn. Khâu Vĩ bất đắc dĩ mới phải từ chức theo người ra nước ngoài làm ăn. Anh tương đối gặp may nên ở Ukraine vài năm đã tạo dựng được sự nghiệp nho nhỏ, tất nhiên số tiền kiếm được đều là tiền mồ hôi nước mắt. Bây giờ anh mà gán hết lô hàng, có nghĩa cầm cố với giá rẻ, công sức vất vả trong suốt một mùa trở thành công cốc.
Chúng tôi im lặng một lúc, Khâu Vĩ cất giọng mệt mỏi: "Triệu Mai, cô về trước đi, có gì ngày mai chúng ta tính sau".
Tôi rời khỏi căn hộ của anh, lết về đến nhà cũng sức cùng lực kiệt, lại gặp đúng lúc thang máy bị hỏng, tôi phải nghỉ giữa chừng mấy bận mới leo lên nổi tầng chín. Cuối cùng, tôi đứng ở cửa cầu thang bộ vừa ho vừa thở hổn hển như người bị bệnh lao độ ba.
"Mai!" Có người gọi tên tôi.
Tôi ngẩng đầu, hóa ra là mẹ con Valeria đang đợi ở cửa nhà tôi...