Phía sau một cô gái
Posted at 27/09/2015
394 Views
Lần đầu tiên. Judy nhận ra rằng mình với nơi đây cũng có một tình thân, và hơn cả thế, một sự quý trọng. Chính ở đây, cô biết mình mạnh mẽ và ham sống. Chính ở đây, cô trở thành cô của bây giờ.
Bố mẹ đã kết thúc cuộc đời trong bất hạnh, nhưng cô sẽ không thế. Và em cô cũng sẽ không thế. “Vẫn chưa hết hy vọng để tìm ra nó” – Judy trấn an mình và ngẩng cao đầu, kéo valy rời khỏi phi trường trong ánh nắng chiều nhạt màu.
---
Giọt mồ hôi rờn rợn trườn từ thái dương xuống má khiến Judy giật mình. Mồ hôi đang ri rỉ ra khắp thân người. Cô hẳn đã ngồi rất lâu trong chiếc xe bít bùng này mà quên bật máy lạnh. Judy tra khóa khởi động và đưa mắt nhìn lên: Chàng trai gặp trong thang máy vừa đi ngang qua mũi xe cô. Và nhiều người khác vừa tan sở cũng đang ùn ùn ào xuống tầng hầm lấy xe. Cô gõ nhẹ ngón trỏ trên tay lái, những lời tay thám tử của một văn phòng điều tra quốc tế vang lên trong đầu: “Xin lỗi, chúng tôi đã làm hết sức nhưng không thể tìm ra một người nào khả thi là em trai cô ở Mỹ. Rất tiếc phải nói với cô rằng có thể là đã hết hy vọng.” Judy mím chặt môi, chớp mắt một cái lâu rồi xoay tay lái, quẹo ra hướng rời tầng hầm.
Chương 23:
2. Ryan Furnham
Những ai nhận danh thiếp của Ryan Furnham sau khi đọc qua đều phải ngước lên nhìn anh một cái như thể để kiểm tra cho chắc chắn, rồi mới cất vào ví được. Ryan đã quá quen với điều đó. Chuyện chỉ vì ngoại hình rặt Á Đông của anh – chẳng có đến một nét giống con lai – nhưng lại đi với một tên họ đặc chất Anh Mỹ. Những lúc như thế, Ryan cười khẩy trong bụng: “Những kẻ này có quá ít trí tưởng tượng và vốn sống. Họ chẳng thể nhanh trí mà đoán rằng mình là con nuôi.” Ryan là con nuôi của một gia đình người Anh mang họ Furnham.
---
Ryan bước vào xe, định ghé đến quán bar nào đó sau một ngày quái lạ. Anh chưa khởi động máy ngay, mà ngồi yên một lúc, ngón trỏ gõ nhẹ trên tay lái, cố tìm cách giải thích vì sao hôm nay mình lại có những hành động thật quái lạ.
Buổi chiều, khi cô gái đó bước vào thang máy, Ryan tự nhiên lại nhìn cô rất kỹ. Mái tóc dài nhuộm màu đỏ sẫm, sợi quăn sợi duỗi. Bộ cánh cực mốt và bước ra từ tầng của tòa soạn tạp chí thời trang lớn nhất Hong Kong. Ryan đoán là một cây bút hay stylist làm việc tại đây. Cái dáng bước của cô sao mà vô cảm. Anh không giỏi nắm bắt ngôn ngữ cơ thể, nhưng cái dáng đi đó thì lộ rõ mồn một là người bước đang cảm thấy trống rỗng. Có thể hôm nay là ngày tồi tệ với cô ấy. Vết cà phê to tướng trên chiếc áo kiêu kỳ đóng góp thêm một bằng chứng nữa.
Một chuỗi những quan sát tỉ mỉ quái lạ, bởi Ryan vốn không bao giờ chú ý đến người khác ở nơi công cộng. Tàu điện, thang máy, trung tâm thương mại – chẳng một ai gặp ở những nơi đó mà anh nhớ nổi mặt. Một thói quen, một nếp sống có sau hai mươi năm ở trời Tây, nơi mà ai lo việc nấy, chẳng ai thừa năng lượng và lòng tốt ghé mắt đến người dưng xung quanh. Thế mà anh vừa nãy còn đã quay lại nhìn cô ấy một cái sau khi ra khỏi thang máy. Anh không có dự định flirt, thề có Chúa! Cái cổ anh vô duyên vô cớ quay lại như đã được tự động hóa. Nhưng điều quái lạ nhất chính là việc có một luồng điện xẹt dọc thân người ngay cái giây anh nhìn trực diện gương mặt ấy. Gương mặt có nét gì quen lắm, cứ như đã gặp ở đâu đó, tuy thế lại không phải là ký ức của những năm gần đây. Gương mặt ấy thuộc về những hình ảnh cũ kỹ, những ký ức chỉ còn hư hư ảo ảo tồn tại trong trí nhớ.
Ryan chặc lưỡi “Mình lạ thật!” rồi lái xe đi.
Hong Kong, cùng ngày tháng 11, năm 2008. Buổi tối.
Ryan ngồi bên quầy rượu, khuỷu tay chống lên quầy, nâng ly rượu cao ngang tầm mắt, cổ tay khẽ đung đưa để làm chất nước vàng óng trong đó sóng sánh. Những làn rượu gợi cho anh về những con sóng biển chấp chới trong chuyến đi xa ngày xưa và xâu chuỗi các sự kiện sau đó. Những chuyện cũ ấy, cứ nhớ đến thì anh lại thấy đời mình thật rất thần kỳ. Tuy phải trải qua nhiều chuyện không vui ngay từ khi còn nhỏ, nhưng anh cũng đã được bảo bọc trong may mắn.
Bảy năm đầu đời, Ryan tên là Nguyễn Phương Huy.
Năm ấy anh bốn tuổi và ngày hôm ấy anh sốt rất nặng. Anh ngủ mê man, thỉnh thoảng mệt quá, nóng quá, khát nước quá, thì ráng sức gọi mẹ và chị nhưng chẳng có tiếng trả lời. Đến giữa buổi chiều, bố về nhà, chạy vào giường xốc anh dậy. Đặt anh vào ghế trước của chiếc xe đạp cà vẹo, ông gấp gáp và run run ghì từng vòng quay trên những con đường nóng ran. Mắt anh díu dít. Anh muốn hỏi rằng mình đang đi đâu và mẹ đâu sao cả ngày không thấy. Nhưng những lời đó chẳng tìm đâu sức lực mà thốt ra.
Bố đưa anh đến trường đón chị, nhưng cô giáo nói mẹ đã đưa chị đi từ sáng. Bố lại chở anh ra bến cảng. Bố đặt anh ngồi với một bà quán nước. Cái quán hầm hập và có mùi khó chịu – mùi mái lá, mùi biển và mùi chè cũ quyện vào nhau. Tâm trí rã rời, anh nhìn bố chạy khắp bến cảng, lo âu và có vẻ gì đó rất đau khổ hỏi chuyện nhiều người. Mặt trời lặn dần. Bố ôm anh vào lòng, ra đứng trên cầu cảng. Cái ôm của bố như ghì như bấu. Anh đau nhưng không nói, khẽ ngước lên nhìn bố, thấy hai hàng nước mắt đang rỉ dần xuống đôi gò má đen sạm.
Sáng ngày hôm sau, anh thức dậy bởi mùi khói xộc vào mũi. Hé mắt nhìn ra sân, anh thấy bố đang đốt hết tất cả giấy tờ và hình ảnh của mẹ. Qua lời bà hàng xóm, anh biết mẹ đã đưa chị đi vượt biên.
- Vượt biên là đi đâu hả bố? – Anh đã hỏi lại bố như thế.
- Im ngay! – Bố trừng mắt quát. Nhưng rồi nhìn dáng vẻ anh ngờ nghệch đáng thương, bố kéo anh vào lòng, nói ngắt quãng – Là đi rất xa. Xa đến mức có khi con sẽ không còn gặp lại chị nữa.
Rồi những ngày sau đó, bố lao vào rượu. Trong cơn say, bố thường bước đến bên giường ngủ của anh, nói “Mẹ mày là một mụ đàn bà khốn nạn!” Trong cơn say, bố gọi tên chị. Trong cơn say, bố qua đời trong một tai nạn giao thông. Sau đó, anh được gửi vào Sài Gòn cho gia đình người cô.
Gia đình cô đem theo anh đi “vượt biên” – Lần thứ hai trong đời anh được nghe từ này. Lúc lênh đênh trên biển, những người khác đều căng thẳng và mỏi mệt, chỉ mình anh xốn xang và chờ đợi. Vượt biên – đi đến một nơi rất xa – có thể anh sẽ tìm được mẹ và chị ở đó.
Nhưng chuyến đi đó không trót lọt. Tàu bị đắm ở gần một hòn đảo thuộc Mỹ. Anh được hải quân Mỹ cứu lên và đưa vào một trại tị nạn trên đảo. Không tìm thấy gia đình người cô, không có giấy tờ, anh rơi vào tình trạng lạ đời: Một đứa trẻ bảy tuổi không thân thích một mình vượt biên sang Mỹ. Nhưng cũng vì vậy mà anh may mắn ra trại nhanh hơn, được đưa đến một viện mồ côi ở Indiana. Không lâu sau, anh lại may mắn được một đôi vợ chồng người Anh nhận nuôi. Anh ở lại Mỹ hai năm, sau đó cùng bố mẹ nuôi về Anh với một cái tên mới: Ryan Furnham.
Bố mẹ nuôi từng nhờ người tìm tung tích của mẹ và chị anh ở Mỹ nhưng không có kết quả. Tấm hình duy nhất của chị, anh đã làm rơi xuống biển. Cái tên chị Nguyễn Phương Hoa cũng không là một manh mối chắc chắn. Sau vài năm, Ryan và bố mẹ nuôi bỏ cuộc. Mẹ và chị có thể đã không đến được Mỹ. Những chuyến tàu đưa người vượt biên khỏi Việt Nam thời đó, rất nhiều đã vĩnh viễn chìm sâu dưới lòng đại dương vì sóng to gió lớn.
Đến lúc suy nghĩ chín chắn hơn, Ryan lại cho rằng việc không tìm ra người thân có khi lại bớt đi được một nỗi khó xử. Con phải yêu mẹ. Nhưng anh không yêu người mẹ đã sinh ra mình. Anh không muốn gặp lại người phụ nữ nhẫn tâm đã dẫn chị bỏ đi, rồi khiến cuộc đời bố trở thành khốn nạn. Anh càng không muốn biết vì sao ngày xưa mẹ lại chỉ chọn đem chị theo. Anh căm ghét cái suy nghĩ rằng mình là đứa con bị từ chối.
Ryan toàn tâm toàn ý sống cuộc đời mới. Anh có đầy đủ vật chất và tình thương. Anh hài lòng với điều ấy...