Oxford thương yêu
Posted at 25/09/2015
426 Views
Fernando sững người nhìn Kim. Anh nghẹn họng, tức giận nhưng không có cớ gì để phản ứng. Cuối cùng Fernando chỉ biết buồn rầu trách: "Dù sao bây giờ em với anh cũng là vợ chồng rồi, ít ra cũng phải bàn với anh một tiếng chứ!". Kim nhìn vẻ đau khổ của anh, không nỡ đùa nữa, cô thú nhận đã từ chối người ta rồi. Tưởng Fernando vui mừng, không ngờ anh còn phản ứng dữ hơn.
- Em khùng hả? Sao lại bỏ qua một cơ hội tốt như vậy? Em có biết công ty U có tên tuổi lắm không? Mà một người chưa có kinh nghiệm nhiều trong doanh nghiệp như em được tuyển làm manager đâu phải dễ, lại còn được gửi đi đào tạo tại công ty mẹ!
- Em không bỏ anh bơ vơ ba tháng một mình ở Việt Nam được- Kim nén cưới nhắc lại lời Fernando- Tội nghiệp!
- Thôi đi!- Fernando ngượng ngùng hét toáng lên- Anh đâu phải con nít! Anh mà biết sợ ai chứ? Anh không muốn làm ảnh hưởng sự nghiệp của em!
Kim nhún vai:
- Mọi chuyện xong rồi, em đã từ chối rồi. Thôi, không nhắc đến nữa. Tại anh làm em thấy ghét quá nên mới kể cho anh nghe thôi. Ủa, mà dù sao hôm nay cũng là đêm tân hôn của mình mà, anh không có ý định động phòng với em sao?
Fernando quạu quọ:
- Động phòng cái nỗi gì! Em quay anh như chong chóng! Mới cưới xong đã bị em chơi cho một vố !
Kim bật cười, nhỏ nhẹ nói với Fernando rằng cô chỉ muốn tự xoay sở tìm việc một mình để làm anh ngạc nhiên. Khi được nhận lời sau buổi phỏng vấn ở Luân Đôn về, cô cũng muốn chia sẻ với anh nhưng biết người ta kèm theo điều kiện đi đào tạo ba tháng, cô đã quyết định tư chối. Thật ra hai người đã chờ đợi nhau quá lâu rồi, giờ vắng nhau thêm vài tháng nữa cùng không sao nếu điều này thực sự cần thiết. "Nhưng em với anh còn có dự án cá nhân riêng phải thực hiện, điều này quan trọng vơi em hơn". Fernando đang giận anh bỏ vào nhà tắm không để ý đến lời Kim làm cô cụt hứng. Tối đó Fernando tiếp tục giữ vẻ mặt buồn bực dù vẫn ôm Kim vào lòng ngủ như một thói quen. Cô thở dài giữ lại một tin quan trọng mình muốn báo với anh.
Sáng ra, Fernando giả vờ quên chuyện xích mích tối qua, anh mỉm cười nhìn Kim nói: "Chào em, vợ của anh!" rồi vội vã hối cô dậy chuẩn bị ra ga cho kịp chuyến tàu đi Edinburgh. Hai người sẽ hưởng tuần trăng mật vài ngày ở thủ phủ của Scotland trước khi thực sự rời nước Anh.
Ở Lisbon, mẹ Fernando cười nói suốt buổi tiệc cưới và kéo anh ra nhảy với bà đến mệt nhoài mới thôi. Em trai Fernando lich sự mời Kim nhảy một bản và đột nhiên tiết lộ: "Lần đầu gặp chị, tôi cố ý trêu nên nói Fernando từng thất tình chết lên chết xuống. Thật ra anh cũng thất tình một lần, nhưng không đến nỗi chết, với một phụ nữ lớn tuổi hơn mình nhiều nên bị cha mẹ tôi ngăn cản. Fernando buồn quá bỏ sang Anh du học. Không ngờ sau này lại dẫn chị về giới thiệu là bạn gái, một người trẻ măng hay nhõng nhẽo khác xa cô gái trước. Thật tình tôi không hiểu nổi tình yêu là gì!". Kim ngạc nhiên nhận ra mình tuy hơi bất ngờ trước "thành tích" yêu người lớn tuổi của Fernando nhưng không thấy ghen tí nào. Thậm chí khi thằng em cho cô hay cô ta tên đúng là Lousiana, Kim cũng thấy lòng bình thản. Mẹ Fernando đã mua con mèo bỏ trong thùng để tên cô gái đó, bà cố tình đặt con mèo ngay góc đường vào giờ Fernando đi làm về cho anh lượm nuôi. Tưởng sẽ quấn quýt con mèo mà ở nhà, rôt cuộc Fernando vẫn bỏ đi Oxford. Kim định nói: "Tôi mà Fernando còn bỏ đi Mỹ được, nói gì con mèo có đủ sức hut anh ta ở lại".
Sau lêc cưới hai người ở lại Lisbon mười ngày. Mẹ Fernando mong được tha hồ chăm sóc các con và muốn Kim có dịp tìm hiểu nhiều hơn về quê chồng. Bà nấu toàn những món đặc sắc của Bồ Đào Nha với thật nhiều hải sản như trai, sò, cá tuyết, cá bơn. Fernando tự hào cho Kim biết: "Sách mỏng nhất ở Anh là cuốn về ẩm thực, có mỗi "fish and chips" đơn giản làm quốc hồn quốc túy. Còn sách dày nhất trong nhà này là cuốn sưu tầm các món ăn của mẹ". Bà có cả một tư gỗ đựng gia vị từ hạt tiêu đủ màu, gừng, nghệ tây, ớt bột, quế hương, cà -ri, rau mùi khô, đến những thứ không thể gọi tên đến từ nước Ai Cập, Ấn Độ, Braxin. Người Bồ Đào Nha rất thích sử dụng gia vị và ưa pha trộn chúng phức tạp làm thành những món ăn không cách gì bắt chước được ở một nước khác. Mẹ chồng gợi ý Kim nên học nấu món súp Caldo verde vì đây là món đặc trưng Bồ Đào Nha rất được Fernando yêu thích. Kim e dè từ chối: "Fernando biết nấu ăn mà, tự anh ta nấu lấy còn phải hơn không....". Mẹ chồng cô lắc đầu: "Dù vậy nếu người vợ biết nấu một món đặc biệt cho chồng sẽ được chồng cảm kích hơn". Fernando nháy mắt nói gì đó với mẹ bằng tiếng Bồ Đào Nha rồi cả hai cười phá lên làm Kim chột dạ. "Nó nói- mẹ Fernando dịch lại- Trong trường hợp của con, nếu con đừng nấu thì nó sẽ cảm kích hơn!". Hai mẹ con họ lại tiếp tục cười khoái chí nhìn Kim bị khiêu khích, cuối cùng cô chui vào bẫy: "Thôi được, để con ráng học!". Nhưng rồi Kim hiểu ra, quả thật Fernando sẽ vô cùng cảm kích nếu cô đừng nấu cái món đặc sản vô cùng khó làm này. Mẹ anh phải tỉ mỉ ngồi xắt những lá bắp cải cuộn, rồi khoai tây, củ hành, xúc xích, dầu o-liu và đủ thứ gia vị rắc rối. Món cá hầm với trai sò Caldeirada còn mệt mỏi hơn vì phải chuẩn bị các nguyên liệu rất lâu và phải nêm nếm với cả núi gia vị. Các món ăn của Bồ Đào Nha được nấu vất vả hơn rất nhiều so với những nước khác ở châu Âu. Vì thế hương vị cũng đậm đà hơn, rất thơm ngon hấp dẫn và làm người ta nhớ đén thật nhiều nếu phải đi xa. Kim nhận ra trong gia đình Bồ Đào Nha người mẹ đóng vai trò rất quan trọng, đó là người đem đến cho chồng con những bữa ăn công phu với tất cả tình thương yêu. Khi ra ngoài xã hội, người phụ nữ có thể kém cạnh hơn, nhưng trong gia đình đó là người quán xuyến tổ ấm và được chồng con hết mực tôn trọng. Nếu cần bảo vệ quyền lợi của những đứa con, các bà mẹ Bồ Đào Nha sẵn sàng đấu tranh rất quyêt liệt. Mẹ Fernando kể khi anh còn học ở Trung học, các nữ sinh vào đầu hè do thời tiết quá nóng lên đến ba mươi tám độ nên mặc toàn áo hai dây với mini jupe đến trường. Thế là lũ con trai xao nhãng chuyện học hành đến mức các bà mẹ phải tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra. Sau khi biết được nguyên do các bà mẹ đã kiện cáo rồi biểu tình ầm ĩ nhằm "trong sạch hóa" môi trường cho các nam sinh. Phụ huynh của nữ sinh cũng đòi Bộ Giáo Dục phải có qui định trong ăn mặc vì tỷ lệ........ có bầu tăng lên đáng kể mà luật Bồ Đào Nha không cho phép phá thai. Cuối cùng dĩ nhiên lý của các bà mẹ bao giờ cũng thắng. "Nhờ vậy mà Fernando mới học lên nổi Tiến sĩ!". Bà tươi tắn báo cho Kim biết đã lên chương trình dẫn cô đi các bảo tàng để tìm hiểu về Bồ Đào Nha, giờ đây đã là ngôi nhà thứ hai của cô.
Kim không hiểu sao dân châu Âu nói chung và Bồ Đào Nha nói riêng rất mê những bảo tàng. Còn cô mỗi lần "bị" dẫn vào những chỗ này là sợ chết khiếp. Kim ngại sự kém hiểu biết của mình về nghệ thuật sẽ làm người mời đi thất vọng. Những lúc như thế, cô thấy ngậm ngùi vì dân Việt Nam hầu như không có kiến thức căn bản về hội họa, kiến trúc hay điêu khắc. Trong khi một người dân bình thường có học thức trung học của châu Âu đã biết xem bảo tàng nghệ thuật là nơi thật thiêng liêng. Mẹ Fernando ngày nào cũng đề nghị đưa cô con dâu mới đi bảo tàng mà Lisbon thì bảo tàng nhiều vô kể. Fernando thường hay tủm tỉm cười nhìn Kim líu ríu ra khỏi nhà với mẹ, anh thừa biết cô rất ngại bảo tàng nhưng mặc kệ, cho cô mở mang kiến thức. Bảo tàng đầu tiên Kim được mẹ chồng ưu ái dẫn đến là Calouste Gulbenkian, nơi trưng bày hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật vô giá từ đồ gốm Ai Cập, đồng tiền vàng Hy Lạp- La Mã cổ đại, những tấm thảm thêu thời Trung cổ, những bức tranh vùng Viễn Đông đến gốm sứ Trung Hoa....."Con biết không, có những món đã cơ xưa từ hai ngàn tám trăm năm trước Công nguyên, và cũng có những tác phẩm hiện đại của thế kỷ hai mươi nữa. Bảo tàng này không thua kém gì Louvre ở Paris đâu". Mẹ Fernando vẫn thao thao tự hào nhưng Kim đã bắt đầu "lùng bùng" khi bà nói đến những danh họa và những kiệt tác để đời của họ: "Đây là bức Chân dung ông già của Rembrandt, đây là Chân dung Helene Fourment của Rubens, còn đây là Người đàn ông và đứa trẻ của Degas"...............
Ngay chiều hôm đó, Kim lại được dẫn đến bảo tàng Khảo cổ và Dân tộc học, lại tiếp tục bị "tra tấn" về nguồn gốc của dân tộc Bồ Đào Nha và lịch sử hình thành đất nước. Cô ngậm ngùi nghe những lời thuyết minh dạt dào tình cảm yêu nước của mẹ chồng, nghĩ mình mang danh Thạc sĩ, học cho lắm mà kiến thức về sử Việt thì trả hết cho thầy cô. "Đáng sợ" nhất là thỉnh thoảng mẹ Fernando lại hỏi những câu bâng quơ: "Người Việt Nam có bao nhiều sắc dân, bị bao nhiêu nước khác xâm chiếm trong lịch sử, ông vua nào được xem là có công nhất trong quá trình dựng và giữ nước?"...