Bên nhau trọn đời
Posted at 25/09/2015
559 Views
Trong ánh sáng lờ mờ, Mặc Sênh thấy đôi mắt đẹp của anh đầy bất lực, đau đớn như con thú bị thương, nhưng giọng của anh tỉnh táo lạ lùng:
- Anh không say mà là anh điên!
Dĩ Thâm quay người biến mất, cũng mau lẹ như khi xuất hiện. Nếu không thấy đau nhói ở môi Mặc Sênh sẽ tưởng đó là một giấc mơ.
Nhặt chiếc chìa khóa, mở cửa vào nhà, chị vẫn đứng ngây. Nếu không có tiếng chuông điện thoại không biết chị còn đứng bao lâu.
Nhấc máy điện thoại, giọng nói vui vẻ của Hoa Tiên Tử:
- Chị Sênh, tình hình bên đó thế nào?
- Thế nào là thế nào? - Mặc Sênh nhất thời không hiểu.
- Mau nói đi, anh chàng bác sĩ có nói gì với chị không? Anh ta có hẹn lần gặp sau không?
- Không.
- Sao lại thế? - Tiểu Hồng gào lên - Rõ ràng anh ta tỏ ra rất thích cơ mà.
- Người ta chỉ hài lòng khi có người ngoan ngoãn ngồi nghe người ta nói về chuyên đề bệnh tim và tình yêu thôi. Còn em? - Mặc Sênh hỏi.
- Anh ấy hẹn em tối mai đi xem phim há...há - Nụ cười như xé vải của Tiểu Hồng vang lên từ đầu dây bên kia - Chị Sênh, bắt đầu từ ngày mai em sẽ trở thành một thục nữ!
Chương 3
Tiếp cận
Có lẽ không có gì khó hơn việc Hoa Tiên Tử muốn làm thiếu nữ hiền thục.
- Chị Sênh, chiếc này đẹp hay chiếc kia, hay là lấy chiếc này?
Trong cửa hiệu thời trang, Tiểu Hồng thử hết chiếc nọ đến chiếc kia, hỏi bà cố vấn bất đắc dĩ Mặc Sênh.
- Ừ, chiếc ấy được đấy.
- Vậy hôm nay em sẽ mặc cái này - Nét mặt Tiểu Hồng đang hớn hở bỗng nghiêm lại - Chị Sênh, chị mất ngủ phải không? Sao mới sáng sớm đã như người mất hồn vậy?
- Không có gì! - Mặc Sênh cười gượng, chuyển chủ đề câu chuyện, chị cố nói giọng tự nhiên - Tiểu Hồng, để trở thành một thiếu nữ hiền thục, điều quan trọng không phải ở trang phục.
- Thế thì là cái gì? - Ánh mắt Tiểu Hồng nhìn Mặc Sênh nghi hoặc.
- Lời nói, cử chỉ - Mặc Sênh nói nghiêm túc - Ví dụ, nếu người ta hỏi em thích nghe âm nhạc gì, em nhất định không được nói là thích nhạc hip hop.
- Em không thích nghe nhạc hip hop - Tiểu Hồng vui vẻ - Em thích nhất bài "Từng đợt sóng" của Tiểu Đỗ và A Ngưu.
Lần này đến lượt Mặc Sênh tái mặt. Chị đã xem đĩa hát đó. Trong đầu chị hiện lên cảnh ba người đàn ông mặc quần tắm màu sặc sỡ ôm đàn ghi ta chạy theo người đẹp Jini trên bãi biển, tai nghe thấy lời bài hát "Nhất là người đẹp biến thành vợ, đó là mơ ước tương lai của tôi..."
- Khi ở bên anh ấy, nhất định em không nên nói về chuyện âm nhạc - Mặc Sênh nói kiên quyết - Em có thể nói về các bộ phim. Buổi tối hai người vẫn đi xem phim chứ? Nói những bộ phim đã xem cũng để thể hiện phẩm hạnh, tư chất của một thiếu nữ.
- Phim ư? - Mắt Tiểu Hồng sáng lên - Em thích nhất phim hài Tây Du Ký có Lô Gia Anh đóng. Phim này anh ta rất đẹp trai, lời thoại lại rất triết Lý, nhất là câu "Người là do cha mẹ sinh ra, yêu quái là do cha mẹ yêu quái sinh ra". Câu này hàm chứa triết lý về luân lý, tình yêu, y học và cả tôn giáo, đúng là sự lý giải cao nhất của triết lý Phật học chúng sinh bình đẳng.
- Tiểu Hồng! - Mặc Sênh cau mày - Chị nghĩ, đi chơi với anh ấy, tốt nhất em không nên nói nhiều.
Mãi Tiểu Hồng mới chịu buông tha, lúc đó đã hơn hai giờ chiều. Mặc Sênh về nhà nghỉ một giấc. Tỉnh dậy thấy trời đã tối, nhìn đồng hồ trên tường đã bảy rưỡi.
Bụng đói cồn cào, mở tủ lạnh thì chẳng còn gì ăn, Mặc Sênh cầm ví đi siêu thị.
Xuống tầng hầm, vừa ngang qua bồn hoa trước cổng, chị bỗng khựng lại.
Bên kia đường, dưới ngọn đèn cao áp, Dĩ Thâm đứng lặng nhìn chị qua màn sương mờ ảo màu tím nhạt.
Dĩ Thâm!
Dĩ Thâm đứng đó. Hôm nay anh vẫn mặc giản dị như lần trước, áo sơ mi, quần dài, nhưng có một vẻ đẹp khác thường. Trước đây chị thường say mê ngắm nhìn anh, có lúc chị buột miệng:
- Dĩ Thâm, vì sao anh mặc cái gì cũng đẹp?
Câu trả lời chỉ là một cái lườm.
Dĩ Thâm! Lại là những kỉ niệm ngày xưa!
Triệu Mặc Sênh, không nên tự huyễn hoặc bản thân nữa, không nên nghĩ nhiều!
Dĩ Thâm tắt điếu thuốc hút dở tiến lại gần chị.
- Có thể đi với tôi một lát được không?
- Được thôi... Nhưng đi đâu?
Hai người im lặng đi bên nhau. Được một đoạn đường dài, Dĩ Thâm vẫn chưa có ý muốn nói, Mặc Sênh không kiên nhẫn được nữa hỏi:
- Chúng ta đi đâu đây?
- Đến rồi!
Đây là bến xe. Họ ngồi lên xe bus đi đâu?
- Có tiền xu không?
- Có - Mặc Sênh lục trong ví mấy đồng tiền xu, cầm trong tay.
- Cho tôi một đồng - Dĩ Thâm gỡ tay chị lấy một đồng xu, trong một thoáng anh nắm chặt bàn tay chị trong tay mình.
Mặc Sênh ngạc nhiên ngước mắt nhìn anh, rụt tay lại, nhưng Dĩ Thâm làm như không có chuyện gì xảy ra. Anh đứng cạnh chị mắt nhìn về chiếc xe bus đang đi đến.
- Lên xe đi.
Không kịp hỏi gì, Mặc Sênh bước theo Dĩ Thâm như một cái máy. Xe bus tối thứ bảy đông nghẹt, hai người đứng cách nhau mấy hành khách, hít thở khó khăn, hoàn toàn không thể cử động. Khi xe bus dừng ở bến số 9, Dĩ Thâm đột nhiên vươn tay nắm tay chị kéo xuống xe, vừa đi xuống anh lại bỏ ngay ra, một mình đi vượt lên trước.
Mặc Sênh nhìn cảnh vật xung quanh, toàn những căn nhà chọc trời đứng san sát:
- Đây là đâu? - Chị ngơ ngác hỏi.
Dĩ Thâm đi chậm lại quay đầu lại hỏi:
- Không nhận ra ư?
Chị cũng biết nơi này sao? Thành phố lớn như vậy, không phải chỗ nào chị cũng biết. Nhưng vì sao anh lại buồn như vậy, giống như chị đã phạm tội tày trời nào đó.
Nhìn vẻ ngơ ngác của chị, mắt Dĩ Thâm như tối lại:
- Không nhận ra thì thôi!
Anh lặng lẽ đi, đầu hơi ngoảnh lại, bước chân vừa vội vàng vừa gấp gáp.
Mặc Sênh không hiểu thế nào, chị ngẩn ngơ nhìn con phố phồn hoa xung quanh, bỗng hiểu ra, đây chính là con đường Bắc Đại ngày xưa!
Chẳng phải chính con đường này chị và Dĩ Thâm đã bao lần đi qua?
Sao lại có thể như vậy!
Đâu là dấu vết con đường ồn ào ngày xưa? Những người bán hàng rong, những quán cơm vừa ngon, vừa rẻ bên đường đâu cả rồi?
- Sau khi về nước cô không quay lại chỗ này sao? - Dĩ Thâm ngoái đầu lại hỏi giọng lạnh tanh.
- Không...tôi... không phải không đến, chỉ là công việc quá bận.
"Công việc quá bận", lý do như vậy ngay đến chị cũng cảm thấy buồn cười.
Dĩ Thâm liếc nhìn chị, mặt dửng dưng:
- Không cần nói gì cả, tôi hiểu.
"Anh ấy hiểu gì?" Mặc Sênh không hiểu.
Họ đi vào trường, ngôi trường trăm năm tuổi không thay đổi lắm. Những cây cổ thụ, những ngôi nhà cũ kĩ, những sinh viên nam nữ mỉm cười lướt qua họ... Cảm giác ngậm ngùi, chua xót trong lòng chị chưa bao giờ hiện hữu rõ rệt như lúc này. Thì ra chị thực sự xa cách bằng ấy năm, những gì mất liệu có còn lấy lại?
Mặc Sênh dừng lại chỉ một cửa hiệu bán lẻ:
- Ô, quán này vẫn còn, không biết có phải vẫn là đôi vợ chồng ngày xưa không?
- Không! - Dĩ Thâm nói - Đổi chủ khác từ khi tôi chưa tốt nghiệp.
- Thế ư? - Mặc Sênh ngẩng đầu cười - Tôi đi mua chút gì ăn nhé, đói lắm rồi.
Chủ quán là một phụ nữ trẻ, vừa dỗ con, vừa chào họ. Chị mua bánh mỳ và nước ngọt, Dĩ Thâm còn lấy thêm một lon bia. Anh trả tiền. Mặc Sênh nghĩ lại trước đây Dĩ Thâm thường rất cố chấp trong vấn đề ai trả tiền, lúc đó chị còn quá trẻ. Còn người đàn ông Dĩ Thâm có lẽ rất mệt khi ở bên chị.
- Anh bắt đầu uống rượu từ bao giờ vậy? - Mặc Sênh buột miệng hỏi. Chợt nhớ cái hôn điên cuồng mang hơi rượu tối hôm trước, chị lúng túng cúi đầu không dám nhìn anh.
- Chính trong mấy năm đó - Anh im lặng giây lát, nói giọng dửng dưng.
"Đúng thế, chính trong mấy năm đó".
- Chúng ta tìm chỗ nào đó ngồi nghỉ một lát đi.
Sân vận động lúc 8 giờ vẫn rất đông người chơi thể thao, phần đông là sinh viên, cũng có giáo viên có tuổi đi dạo.
Họ ngồi xuống một góc sân, Mặc Sênh cười nói:
- Sân vận động này là hồi ức đáng buồn nhất của tôi.
Dĩ Thâm cười, tiếng cười ngắn và khô khan:
- 800m, phải không?
- Đúng vậy - Mặc Sênh ngượng nghịu thừa nhận - Thành tích cao nhất của tôi là bốn phút mười giây 800m. Còn nhớ hồi đó anh nói rất tự tin...
Chị đột nhiên dừng lại, Dĩ Thâm quay sang nhìn chị:
- Tôi đã nói gì?
- Anh nói: "Mặc Sênh, cô chạy chậm như vậy,sao có lúc đuổi kịp tôi?".
- Ồ, kia phải là giáo sư Chu ở khoa anh không? - Mặc Sênh chỉ ông già đang một mình đi dọc phía xa.
Dĩ Thâm nhìn theo tay chị:
- Để tôi đi xem sao.
Chị nhìn anh bước đi. Giáo sư Chu nhìn thấy anh vui vẻ, hai người nói với nhau mấy câu, hình như giáo sư Chu vỗ vai Dĩ Thâm.
Tóc của giáo sư mỗi ngày một thưa!
Chị biết giáo sư Chu hoàn toàn do quan hệ với Dĩ Thâm.
Lúc đó Dĩ Thâm bận bịu công việc gia sư, ngay Mặc Sênh cũng khó gặp anh. Để có thời gian bên anh, khi nào không phải lên lớp là chị đến nghe giảng ở khoa của anh. Môn hình pháp học của giáo sư Chu chị đã nghe hết một học kì...