XtGem Forum catalog

Ánh trăng nói đã lãng quên

Posted at 27/09/2015

463 Views

Tôi thật ngốc! Nhiều năm sau nghĩ lại tôi mới biết thực ra bà làm vậy là có dụng ý.

Bà muốn cố gắng hết sức mình, cho tôi những thứ tốt nhất, cho dù chỉ là một chiếc bánh sủi cảo.

Vì sao bà không thể đợi cháu thêm một chút? Tôi nằm bò bên cạnh giường, gục mặt vào chiếc chăn đầy mùi thuốc sát khuẩn. Tôi nắm chặt đôi bàn tay dần mất đi hơi ấm. Trên mu bàn tay có những vết đồi mồi màu nâu, lòng bàn tay có vết chai tay sần sùi.

Trước đây tôi là người rất sợ chết, rất sợ ma nhưng lúc này, khi nắm đôi bàn tay của bà, tôi không sợ chút nào.

Khuôn mặt vùi trong chăn đã bị biến dạng, tôi không dám ngẩng đầu lên khóc, cũng không còn sức để ngẩng đầu lên.

Nếu có thể, hãy để tôi làm một con đà điểu có được không? Để tôi vùi đầu trong sa mạc, coi như chuyện gì cũng không hề hay biết, có được không? Đừng bắt tôi phải trải qua những chuyện này. Tôi không cần nội tâm sâu sắc. Tôi cũng không cần trí tuệ cuộc đời gì hết... nếu để có được những thứ ấy buộc phải trả cái giá đắt như thế này...

Tôi có thể không trải qua những chuyện này được không?

Tôi có thể từ chối trưởng thành không? Tôi có thể cố chấp sống trong hồi ức không có sự đau khổ được không?

Peter Pan là câu chuyện tôi không dám đọc hai lần. Trong câu chuyện có một câu nói khiến mỗi khi nhớ đến tôi cảm thấy rất buồn: "Nơi đó chúng ta cũng đã từng đến, đến tận bây giờ vẫn có thể nghe thấy tiếng sóng vỗ vào bờ, chỉ là chúng ta không lên bờ nữa".

Trong lúc mơ màng có rất nhiều đôi tay dìu tôi, rất nhiều người đến để tách bàn tay của tôi ra khỏi bàn tay của bà. Họ tách từng ngón tay của tôi, ra sức kéo tôi ra khỏi giường bệnh.

Tôi không còn sức để vùng vẫy, cũng không còn sức để phản kháng. Họ muốn làm thế nào với tôi thì làm.

Thế giới này muốn đối xử với tôi như thế nào cũng được...

Vì sao không đợi cháu? Bà nội, cháu đã trên đường đi rồi, vì sao bà không đợi cháu thêm một chút nữa?...

Khoảnh khắc tận mắt chứng kiến y tá đậy tấm khăn trắng lên mặt bà nội, tiếng khóc xé tim gan bật ra từ trong cơ thể tôi, từ nơi sâu nhất của linh hồn.

- Bà nội...



Chương 6 - Nguyệt thực



1 – Vì sao... vì sao... vì sao... vì sao hết người này đến người khác lừa tôi?

Buổi trưa, sau khi tan học, Quân Lương nhìn thấy một chiếc xe rất quen ở cổng ký túc xá nữ.

Không phải Đỗ Tầm. Thời gian gần đây tinh thần của Đỗ Tầm không được tốt lắm, tạm thời không còn sức lực để đến an ủi Quân Lương.

Đợi đến khi Quân Lương lại gần chiếc xe ấy, cửa xe mở ra, Lê Lãng bước ra, mỉm cười với cô:

- Em có thời gian không? Anh đưa em đi ăn.

Có một số cô gái biết Quân Lương. Lúc cô đi qua, họ đều nhìn cô với ánh mắt đầy ẩn ý, dường như họ đang nghĩ cùng một chuyện: Kẻ thứ ba không biết xấu hổ này đã cướp bạn trai của người khác, vì sao vẫn còn người vừa đẹp trai vừa giàu có quỳ dưới váy cô ta?

Những ánh mắt này khiến Quân Lương cảm thấy như bị kim chích sau lưng. Thậm chí, cô không kịp nghĩ ngợi gì mà dứt khoát gật đầu.

Chiếc xe của Lê Lãng rời khỏi ký túc xá nữ chưa được bao xa thì xe của Thẩm Ngôn đã theo sau.

Cô rất kiên trì, giữ một khoảng cách an toàn. Với khoảng cách này, cô đảm bảo Lê Lãng sẽ không phát hiện ra cô, hơn nữa cô tự tin là mình sẽ không bị dòng xe nườm nượp che khuất tầm nhìn, để mất dấu vết.

Cô đeo kính râm, hút một điếu thuốc.

Cô rất ít khi hút thuốc, trừ hai tháng ở hộp đêm.

Hồi ấy là bất đắc dĩ. Mỗi buổi tối, lúc nào trên tay cô cũng là các loại thuốc dành cho phái nữ như DJ, MIX, ESSE hoặc More. Cô chưa bao giờ hút 502 vì không thích.

Trong các loại thuốc lá, cô thích nhất là More. Điếu thuốc màu cà phê, rất dài, có thể cháy rất lâu.

Mỗi khi việc kinh doanh không được tốt lắm, cô lại trốn vào nhà vệ sinh đốt một điếu, nhìn nó hóa thành tàn tro. Dường như thời gian có thể trôi đi rất chậm, rất chậm... Dường như vẫn còn rất nhiều thời gian, có thể từ từ lau đi những vết nhơ loang lổ khi còn trẻ.

Lúc mới đến thành phố K, Thẩm Ngôn không biết mình có thể làm gì. Cô chỉ có thời gian hơn hai tháng để kiếm đủ học phí cho năm thứ nhất.

Rửa bát, bưng bê, làm gia sư? Những công việc này đều không khả quan. Làm việc vất vả một ngày, mệt đến nỗi thở không ra hơi, nếu gặp kẻ vô lương tâm, không những không được một đồng nào mà còn lãng phí thời gian.

Thu mình trong quán trọ năm mươi tệ một ngày, cô gái Thẩm Ngôn mười tám tuổi cảm thấy mình như sắp phát điên.

Cô không giống một số người, khi rơi vào bước đường cùng, đem tất cả số tiền trên người đi đánh bạc. Đánh một ván thật lớn, nếu thắng thì là ông trời có mắt, nếu thua thì cùng lắm là chết.

Cô không muốn chết. Cô không thể thua.

Tự biết mình không phải là dân cờ bạc, Thẩm Ngôn cầm chút tiền trên tay, suýt chút nữa thì cắn chảy máu môi.

Trên tường của quán trọ có một cánh cửa sổ nhiều năm không ai mở. Bên ngoài cửa sổ là bầu trời u ám của thành phố K. Thẩm Ngôn cảm thấy mình đang bị cuộc sống u ám này lấy mất sự nhiệt tình và nghị lực lúc đầu.

Vận mệnh nằm trong tay mình. Cô nói với mình, Thấm Ngôn, mày phải là người nắm lấy vận mệnh. Mày không được làm nô lệ của vận mệnh.

Chỉ là một bước ngoặt, cô đi loanh quanh chợ tìm việc rất lâu, tay cầm nửa chiếc bánh mỳ chưa ăn hết, buồn rầu đi ra ngoài, ngồi bên đường gặm bánh mỳ.

Đúng là nghèo, ngay cả một chai nước khoáng cũng không nỡ bỏ tiền mua. Nhiều năm sau, nghĩ lại bộ dạng thảm hại của mình lúc ấy, cô vẫn còn rùng mình.

Không có gì có thể hủy hoại lòng tự trọng của một người hơn là sự nghèo khó. Lúc bị bố cầm gậy đánh cô không khóc, nhưng khi lang thang trên đường phố xa lạ này, đột nhiên cô rất buồn, khóc không thành tiếng.

Đang khóc đến nỗi nước mắt đầm đìa thì có người dừng lại trước mặt cô, vỗ vai cô.

Cô ngẩng đầu, thấy một khuôn mặt rất xinh đẹp qua đôi mắt nhạt nhòa. Người phụ nữ ấy ngắm nghía cô hồi lâu rồi thẳng thắn nói:

- Chị họ Trần, Trần Man Na. Em cứ gọi chị là chị Trần.

Trần Man Na không giở trò gì, cũng không nói những lời nói dối dễ nghe để lừa cô gái chưa hiểu gì về sự đời. Mặc dù cô là người ở chốn làng chơi nhưng trong người lại có nghĩa khí của gái giang hồ:

- Em muốn đến thì gọi điện cho chị, không muốn thì thôi.

Cuối cùng chị ta còn nói với Thẩm Ngôn:

- Mười tám tuổi, là người lớn rồi, có thể tự mình lựa chọn được rồi.

Thẩm Ngôn nghĩ suốt một đêm mà vẫn chưa đưa ra một quyết định dứt khoát.

Đi hay không đi, đây quả là một vấn đề rất lớn.

Nếu đi, dĩ nhiên sẽ nhanh có tiền hơn, chí ít là nhanh hơn những công việc vặt như rửa bát, bưng bê, hơn nữa lại còn kiếm được nhiều tiền. Nhưng nếu đi thì chẳng phải là tự đẩy mình vào vũng bùn sao?

Còn nhớ hồi ở nhà, những bà lắm chuyện bên hàng xóm ngồi túm tụm với nhau, thích bàn tán về chuyện nhà này nhà kia, nói con gái nhà ai đi hai năm, lúc về đeo dây chuyền vàng, ai biết được số tiền ấy từ đâu ra, ai biết được những đồng tiền đó có trong sạch không...

Những lời nói rõ ràng là do đố kỵ nhưng lại đại diện cho quan niệm đạo đức truyền thống nhất của xã hội này: con gái, không được bán dâm.

Đàn ông có xấu cũng không sao. Nếu phụ nữ bước vào con đường này thì vĩnh viễn đừng bao giờ nghĩ đến việc quay đầu làm người tốt.

Cô bực bội đến nỗi gần như muốn đập đầu vào tường...