Anh Hận Anh Yêu Em

Posted at 27/09/2015

558 Views

Những hạt mưa lớn như xuyên thấu vào cơ thể cô, còn cô chạy khắp nơi như một kẻ điên.
Hình Khải chưa bao giờ thấy cô có tâm trạng kích động như thế, cô đã mất đi vẻ bình thản thường ngày, chỉ còn là một cô bé mười lăm, mười sáu tuổi, bị mất thứ đồ mà mình yêu quý nhất, tiếng khóc thảm thiết đó khiến trái tim Hình Khải nhức nhối, dần dần, nụ cười trên môi anh tắt lịm.
Anh chạy xuống tầng, túm lấy chiếc ô để cạnh cửa, nhưng càng cuống thì càng không thể bật được ô ra. Hình Khải vừa nghiến răng vừa giậm chân, đội mưa chạy đến bên cạnh Hình Dục, cầm cổ tay cô kéo kéo, Hình Dục ngồi bệt xuống sân cỏ đầy bùn nước, ngẩn ngơ bất động.
Hình Khải lau nước mưa trên mặt, sững lại một giây, anh hoàn toàn không có ý định ép Hình Dục phát điên, nhưng cô lúc này, cũng sắp phát điên rồi.
“Cô vào nhà trước đi, tôi đi tìm.” Anh vừa khom người định đỡ cô dậy, Hình Dục lại vừa đá vừa giằng ra.
“Anh cứ nói anh vứt ở đâu, em tự đi tìm.” Hình Dục cứ nghĩ đến cảnh đôi giày trắng đang nằm ở một xó xỉnh bẩn thỉu nào đó, là lại muốn bùng nổ.
Hình Khải thấy cô đã ra nông nỗi này rồi, sao anh dám khai thật, anh dìu cô vào ngồi trên ghế sô pha ở phòng khách, không đợi cô đứng bật dậy, anh vội vã chạy ra ngoài, khóa trái cửa.
Hình Dục đập cửa liên hồi, không ngừng gào thét đòi Hình Khải thả mình ra. Hình Khải đá chân vào cánh cửa, gầm lên: “Tôi đã nói sẽ tìm về cho cô là tìm về cho cô. Mẹ kiếp, để tôi yên một lát đi.”
Nói xong, anh lao vào làn mưa xối xả đi thẳng đến phòng cần vụ.
Phòng cần vụ nói với anh rằng, vì trời nóng nên rác thu về đều đã được đưa ra bãi rác cả rồi.
Hình Khải khóc thầm, sau khi hỏi rõ là bãi rác nào, nhảy lên chiếc xe đạp ngoài phòng cần vụ, đạp như bay tới nơi cần đến.
Nhưng đến bãi rác rồi, nhìn đống rác cao ngất tới tận chân trời, anh mới hiểu thế nào là “mò kim đáy bể”.
Anh lau mặt, chặn một ông già đầu đội mũ lại, hỏi: “Ông ơi, rác của khu nhà ở cán bộ cấp cao đổ ở đâu ạ?”.
Ông lão khó chịu nói: “Đã ra đến bãi rác rồi còn phân cao cấp với không cao cấp gì chứ, tất cả đều là rác. Sao? Cậu định lật tìm văn kiện cơ mật nào nữa? Ha ha ha…”
Hình Khải lại hỏi: “Vậy ông cho cháu biết, trong vòng một giờ vừa rồi rác đổ ở đâu?”
Ông lão quét mắt một lượt rồi chỉ ra đống rác gần rìa phía đông, Hình Khải cảm ơn, quay người chạy đi, mưa càng lúc càng lớn, anh càng không thể lý giải được việc ngu ngốc mà mình đang làm, chỉ vì vài giọt nước mắt của nha đầu đó, anh sao lại đội mưa đi bới rác chứ?
Có điều, nghĩ thì cứ nghĩ, nhưng Hình Khải vẫn không ngừng bới rác, mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi, anh vừa tìm vừa buồn nôn.

Mây đen kéo đến đầy trời, trong nháy mắt trời tối đen như mực.
Tự tạo nghiệt thì khó sống, Hình Khải, mày đúng là thằng ngốc! Anh không ngừng nhắc đi nhắc lại câu đó, đầy tức giận.
Hình Khải ngồi bệt xuống đống rác, nước mưa rơi như quất vào mặt, anh đã mệt mỏi lắm rồi, nhưng vẫn không tìm thấy đôi giày trắng đó.
Lúc này, một chiếc ô đột ngột che trên đỉnh đầu anh, anh vô thức quay lại, khi đã nhìn rõ người cầm ô là ai, anh lại lảo đảo ngã xuống.
“Sao cô ra được đây?!”
Hình Dục giơ chiếc ô về phía trước, vẻ mặt đã lấy lại được sự bình tĩnh vốn có.
“Trèo ban công ra, anh… đừng tìm nữa, em không cần nó nữa…” Hình Dục một tay cầm ô, một tay kéo anh đứng dậy, thực ra suốt dọc đường cô theo sát phía sau Hình Khải, có điều anh đạp xe nhanh quá nên cô đành lần mò tìm đến đây.
Nếu anh đã biết hối lỗi, lại đội mưa ngồi tìm suốt mấy tiếng đồng hồ, thì cô còn có thể nói gì được nữa.
Không biết Hình Khải nghĩ gì, có lẽ là không chịu nổi bộ dạng buồn bã của cô, anh một tay kéo cô đến trước mặt, nói như tuyên thệ: “Đợi hết mưa, tôi sẽ tìm giày về trả cho cô, để cô không thể trách tôi không giữ chữ tín.”
Hình Dục chỉ lắc đầu, giơ cao ô che người Hình Khải, còn mình đứng dầm trong mưa.
Tâm trạng Hình Khải thật khó đoán, mặc dù không biết đôi giày trắng đó có ý nghĩa thế nào với Hình Dục, nhưng anh thật sự cảm thấy hối hận.
Anh dứt khoát kéo cánh tay Hình Dục, kéo cô đứng cùng dưới ô, Hình Dục ngửi thấy mùi lạ trên người anh, cười cười, đưa tay bịt mũi.
“Cười khỉ gì, chẳng phải đều tại cô sao?!” Hình Khải thấy cô cuối cùng cũng đã chịu cười, bất giác thở phào nhẹ nhõm.
Khi hai người đi đến cổng bãi rác, Hình Khải ngồi lên xe đạp, chỉ chỉ vào gióng xe phía trước, nhưng Hình Dục chần chừ đứng bên cạnh không chịu lên xe, đứng đó cầm ô che.
“Chê tôi hôi phải không? Mau ngồi lên đi!” Hình Khải vừa nói vừa kéo cô ngồi lên gióng trước, Hình Dục tay nắm vào ghi đông xe vừa dịch lại phía sau, giơ cao ô che cho anh.
Hình Khải nhấn pê đan, nhớ lại lý do anh đòi học đi xe đạp: Lúc rảnh rỗi ngồi xem một bộ phim có tên là “Ngọt ngào”, nam chính luôn đi một chiếc xe cuốc đèo nữ chính đi khắp nơi, mặc dù hoàn cảnh hai người khó khăn, nhưng nữ chính mỗi khi ngồi lên xe của nam chính đều cười rất ngọt ngào, vui vẻ. Vì vậy Hình Khải cũng không biết dây thần kinh nào của mình bị đặt nhầm vị trí, ngã tới thâm tím mặt mày cuối cùng cũng học đi được xe đạp. Nhưng, bây giờ nhà nào nhà nấy đều có xe đưa xe đón, nên anh chưa có cơ hội nếm thử cảm giác “Một túp lều tranh, hai trái tim vàng”.
Nghĩ mãi nghĩ mãi, anh ngẩng đầu muốn nhìn nét mặt của Hình Dục, nhưng Hình Dục chỉ nhìn về phía trước, thêm cảnh đèn đường mờ mờ ảo ảo dưới làn mưa lớn, anh có quay sái cả cổ cũng không nhìn rõ được gì.
“Nếu lần này thi cuối kỳ điểm số của tôi hơn 85, cô có giữ lời không?”
Sống lưng Hình Dục dường như hơi khựng lại, đầu nhoài về phía trước.
Hình Khải tặc tặc lưỡi: “Đừng sợ, tôi hỏi chơi vậy thôi.”

***

Trận mưa lớn đó đã quật ngã Hình Khải, Hình Khải ốm nằm trên giường, mồm ngậm nhiệt kế, lòng than thầm, Hình Dục gầy gò ốm yếu lại không sao, anh cao to vạm vỡ thế này lại gục trước.

“Đôi giày đó là ai tặng cho cô?”

Hình Dục đang ngồi ở đầu giường thay khăn lạnh cho anh, những ngón tay khẽ khựng lại.

“Bố mẹ em. Quê em ở miền núi xa xôi, giao thông đi lại khó khăn, trước khi bố mẹ em đi làm nhiệm vụ, hỏi em muốn được tặng quà gì nhân ngày sinh nhật, em nói em muốn có một đôi giày thể thao màu trắng, bố mẹ liền đồng ý, em mong chờ ngày đêm, nhưng khi đôi giày đó được chuyển đến tay em, còn có cả di ảnh của bố mẹ…”

Có thể nhìn thấy cô đang cố gắng kìm nén những giọt nước mắt, nhưng chúng vẫn lách tách rơi xuống mu bàn tay Hình Khải. Trái tim Hình Khải khẽ thắt lại.

Hình Khải rất muốn nói với cô một câu xin lỗi, Hình Dục lại lấy tay che miệng anh, mỉm cười.

Nhưng nụ cười phảng phất nét đau buồn đó đã giày vò Hình Khải suốt cả đêm không thể chợp mắt.

Sáng sớm hôm sau, Hình Khải mặc dù sốt cao hừng hực vẫn chạy khắp Bắc Kinh, dựa vào trí nhớ tìm mua bằng được một đôi giày thể thao màu trắng giống hệt như đôi cũ. Nhưng anh không vội đưa cho Hình Dục, mà nhân lúc Hình Dục ngủ, một mình ngồi trong phòng tắm lau lau rửa rửa đôi giày đó rất nhiều lần, ít ra thì cũng phải khiến nó có vẻ bề ngoài giống như đôi cũ, nếu có thể che mắt cô vượt qua kiếp nạn lần này thì quá tốt.

Anh chỉ mong, cô đừng khóc nữa...



Chương 05: Bí mật trong bàn học


Một tháng sau, Hình Khải cầm đôi giày đã được anh giặt giặt đánh đánh tới mức thành giày cũ, đứng lặng hồi lâu trước cửa phòng ngủ của Hình Dục, phòng cô ở tầng một ngay bên cạnh phòng đọc, bình thường hay đóng cửa. Hình Khải cứ nghĩ rằng cô khóa cửa theo thói quen, thực ra cửa không khóa. Đây cũng là lần đầu tiên anh bước vào phòng ngủ của cô.

Đẩy cửa bước vào, đồ đạc trong phòng cũng giống như những căn phòng khác, cô rất gọn gàng sạch sẽ, ga giường phẳng phiu, chăn đệm được gấp gọn như bánh đậu phụ, xếp chồng lên nhau. Sách vở ngăn nắp trên bàn. Liếc mắt nhìn quanh phòng, cảm giác không giống với phòng con gái, giống với phòng của một quân nhân hơn. Hình Khải định đặt đôi giày ở đấy rồi đi ra ngay, nhưng lại nhìn thấy một tờ giấy được cuộn tròn nhét trong bình hoa, Hình Khải thuận tay mở ra xem, là một tờ giấy khen đã ngả vàng dành cho người đứng thứ hai trong giải thi đấu võ thuật cấp xã, người chiến thắng là An Diêu.

Anh đoán đấy là tên thật của Hình Dục, từ sau khi Hình Dục bước vào nhà họ Hình một cách đột ngột và kỳ lạ, anh chỉ quan tâm bao giờ thì cô xéo đi, chứ không quan tâm tới quá khứ của cô.

Lòng tò mò trỗi dậy thúc giục anh đi đến trước bàn học, chiếc ngăn kéo to ở giữa bị khóa chặt. Hình Khải kéo ngăn kéo nhỏ bên cạnh ra, thò tay vào khe hở ở giữa ngăn kéo rồi sờ vào trong ngăn kéo giữa, đầu tiên anh sờ thấy hai quyển vở mỏng bọc bìa nhựa bên ngoài, rút ra xem, thì ra đấy là giấy chứng nhận tôn vinh liệt sĩ, nam liệt sĩ tên: An Quốc Lương, nữ liệt sĩ: Diêu Thư Mẫn.

Hình Khải trầm ngâm, chẳng trách bố anh lại đổi tên cho Hình Dục, tên của cô ghép từ họ của bố và mẹ mà thành, bố anh rõ ràng là muốn cô quên đi những chuyện đau buồn đã qua đó.

Từ bức ảnh trên giấy chứng nhận, anh thấy mẹ Hình Dục rất đẹp, Hình Dục giống mẹ, trong những đường nét xinh đẹp dịu dàng còn toát lên sự cương nghị của một quân nhân.

Hình Khải đút hai tờ chứng nhận vào lại ngăn kéo, rồi tiếp tục thò tay lần vào sâu hơn, ngón tay chạm vào một quyển vở rất dày, anh định rút ra, nhưng lại bị kẹp giữa khe ngăn kéo không rút ra được. Đúng lúc ấy, anh nghe thấy tiếng mở cửa, vội vội vàng vàng để vào chỗ cũ, sau đó chạy lẩn sang phòng đọc sách bên cạnh.
“Về… về rồi à…” Hình Khải tay với cuốn sách “Thập đại nguyên soái”, cầm ngược mà cũng không biết. Hình Dục “ừm” một tiếng, mở cửa phòng, đặt cặp sách lên bàn, nhưng cô ở trong phòng chưa đến một phút lại chạy ra ngoài. Hình Khải lo lắng, cắm cúi giở sách, kiên quyết không nhìn vào mắt Hình Dục. Hình Dục lặng lẽ đi đến trước mặt anh, Hình Khải có cảm giác như ngày tận thế sắp đến, ra sức lảng tránh ánh mắt cô. Nhưng đúng lúc ấy, Hình Dục nhảy một bước tới trước mặt Hình Khải, đôi mắt mở to đầy vui sướng, bật ngón tay cái lên: “Hình Khải, anh thật lợi hại. Anh tìm thấy đôi giày ở đâu thế?”
“…” Lúc này Hình Khải mới nhớ ra mục đích anh chạy vào phòng người ta là để trả giày.
Anh lắp ba lắp bắp những lời đã học thuộc lòng từ trước: “Ồ! Chuyện này kể ra cũng thật thần kỳ, người ta khi vứt rác chẳng phải để từng túi từng túi một sao? Anh lính cần vụ đó khi đưa xe rác ra bãi rác đổ đã sót cái túi đựng đôi giày! Sau đó thì mưa to nên anh ta quên không vứt, vừa rồi tôi đi lấy nước nên nhìn thấy cái túi đó vẫn bị vứt lăn lóc trong góc phòng… bỏ qua đi! Làm tôi phải căng mắt lục tung bãi rác cả mấy tiếng liền!”
Nghe xong, đôi mắt Hình Dục cười cong lên như vành trăng khuyết, trong ánh mắt không hề có dù chỉ là một tia nghi ngờ.
“Cảm ơn anh đã tìm lại đôi giày giúp em. Tối nay sẽ nấu đãi anh món tôm chao dầu.” Nói xong cô nhảy chân sáo đi vào nhà bếp, miệng khẽ ngân nga một giai điệu quê hương.
Hình Khải đặt cuốn sách dày cộp xuống, thở phào nhẹ nhõm, lần đầu tiên thấy cô cười ngọt ngào như thế, hơn nữa cô còn không hề tỏ ý nghi ngờ câu chuyện anh sáng tác, cảm giác tội lỗi trong anh bỗng nhẹ đi rất nhiều.
Hình Khải nheo mắt, ngửa cổ lên, siết chặt nắm tay… Từ nhỏ anh đã quen với việc được hầu hạ phục vụ tới tận chân răng kẽ tóc, vậy mà trong một tháng qua, quần áo bẩn tự mình giặt, nửa đêm đói bụng ăn mỳ gói hoặc gặm bánh quy, khát nước tự xuống nhà lấy, đến bước đi cũng phải rón ra rón rén, sợ đánh động đến người đang mang trong mình “vết thương lòng” là Hình Dục. Gái có công chồng chẳng phụ, đôi giày giả đã thành công trong việc che mắt Hình Dục. Thật chẳng dễ dàng gì, chẳng dễ dàng gì, cuối cùng anh lại có thể thản nhiên sai bảo Hình Dục rồi! Ha ha.
Nghĩ đến đây Hình Khải lười biếng thả người xuống ghế sô pha, liếc mắt nhìn điều khiển ti vi và điều hòa trên bàn, quay về phía bếp gọi: “Hình Dục… lấy điều khiển ti vi và điều hòa cho tôi.”
Hình Dục vâng một tiếng, lau lau tay rồi đi ra khỏi bếp, cầm điều khiển ti vi và điều hòa, chỉ cần quay người là có thể đưa tận tay cho Hình Khải.
Hình Khải hai chân gác lên bàn trà, một tay bật điều hòa, một tay day day cổ họng: “Khát quá, khát quá! Nước suối đâu?”
“Lạnh hay không lạnh?”
“Trời nóng thế này, sao cô không hỏi thẳng là tôi có uống nước nóng không cho xong…” Hình Khải ngọ nguậy ngón chân, bất mãn nhướn mày nói. Hình Dục đi đến trước tủ lạnh, lấy ra một chai nước suối và một chiếc cốc thủy tinh đựng đầy đá, mở nắp chai, đổ nước đầy cốc rồi đặt lên bàn trà.
“Được rồi, đi nấu tiếp đi, hôm nay làm thêm mấy món, tôi định gọi anh Dương Minh của cô đến nhà ăn cơm.”
Hình Dục gật gật đầu, quay vào bếp tiếp tục công việc.
Hình Khải nhìn bộ dạng phục tùng vô điều kiện của Hình Dục, trong lòng tràn đầy cảm giác khoan khoái, dễ chịu.
Một lúc sau.
Đặng Dương Minh tay cầm máy chơi game cầm tay đi vào nhà họ Hình (lúc này đang thịnh hành trò chơi xếp gạch), anh vừa bước vào cửa đã nhìn thấy Hình Khải ngồi cười ngất trên ghế sô pha. Đặng Dương Minh tiện tay tắt máy chơi game, đá đá vào chân Hình Khải: “Tiểu tử cậu biến đi đâu thế? Cả tháng trời không đi học, cũng không mở cửa là sao?”
Đúng là họ cùng ở trong đại viện của quân đội, nhưng từ khu này sang khu kia cách nhau một chiếc cổng sắt lớn, chỉ cần đóng cổng là lập tức hai khu trở thành hai thế giới độc lập.
Hình Khải hất hất tóc mái, cảm thán nói: “Ở nhà ôn tập mà, mình thì có thể đi đâu?”
“Trời ạ, mình không tin mặt trời có thể mọc từ hướng tây, chắc chắn bố cậu đã đưa ra chỉ thị thép cho cậu phải không?”
Hình Khải không buồn giải thích, cơ bản là chính anh cũng không biết mình đã phát điên vì chuyện gì?
“Hình Dục! Không thấy anh Dương Minh của cô bước vào cửa hay sao, chẳng có phép tắc gì cả, mau ra chào anh, mang trà lên đây!”
Đặng Dương Minh đấm khẽ Hình Khải: “Cậu điên rồi à, mình tự đi lấy là được.” Anh đứng dậy, đi đến cửa phòng bếp, vừa đúng lúc đón lấy cốc nước từ tay Hình Dục, anh cười nói với cô: “Đừng để ý đến cậu ta, muốn tìm cảm giác làm đại lão gia với em đấy mà.”
Hình Dục mím môi, ba người bọn họ học cùng lớp, cô và Đặng Dương Minh thường xuyên chạm mặt nhau.
Đặng Dương Minh dựa người vào cánh cửa bếp nhìn Hình Dục rửa rau. Anh cảm thấy hình ảnh người phụ nữ bận rộn trong bếp thật sự rất thú vị, cũng có thể coi là một ký ức đẹp được lưu giữ từ thời ấu thơ. Mẹ thường vừa vặt rau vừa kể chuyện cho anh nghe, nhưng sau khi anh vào tiểu học, mẹ không có thời gian để vào bếp nữa, thậm chí muốn gặp mặt mẹ cũng khó.
Đặng Dương Minh vẫn đang hồi tưởng tuổi thơ của mình thì bị Hình Khải hắng giọng gọi vào phòng khách..
“Dương Minh, gần đây trong trường có chuyện gì mới không?” Hình Khải ném cho Đặng Dương Minh một điếu thuốc.
Đặng Dương Minh vừa châm thuốc vừa ngồi xuống, hào hứng nói: “Lớp chúng ta vừa có một nữ sinh chuyển đến…”
“Nhìn thế nào?”
“Cũng được...

Disneyland 1972 Love the old s