Lời thương chưa ngỏ

Posted at 27/09/2015

234 Views


( - Tham gia viết bài cho tập truyện "Ai cũng có một chuyện tình để nhớ")
Ai cũng từng đi qua cảm xúc, cuộc đời vốn dĩ là một chặng đường dài và những ngõ rẽ quanh co, chúng tôi gặp nhau ba tháng ở một ngã ba đời để rồi vẽ lên trong lòng những đường tơ nhè nhẹ, và cũng từ đó rẽ ra những cuộc đời riêng.
***
Chiều thứ tư, vừa bắt đầu tiết năm trời mưa lất phất. Những cơn mưa cuối cùng còn xót lại có chút gì đó hoang mang. Tôi ngồi nhìn bâng quơ ra cửa, nghe trong hơi gió mùi lá dứa thơm nồng từ xe khoai mì của mấy cô bán hàng dưới lầu bốc lên. Một cảm giác thân quen ùa về làm tôi nhớ nhà da diết. Nhớ ngày mới lên Tây Nguyên, những buổi chiều ngồi ngắm mưa rừng từ lớp học lòng tôi luôn nhớ về quê nhà ở đồng bằng. Giờ về đây ngồi giữa lòng quê hương tôi lại nhớ như in hương vị của núi rừng, nhớ đám bạn nơi miền sơn cước. Chợt nhận ra rằng, hai tiếng "Quê hương" chỉ đơn thuần là nơi ta gắn bó trong những tháng ngày lớn khôn với bao kỉ niệm êm đềm mà thôi.

Đang ngồi suy nghĩ vu vơ trống trường đã vang giòn giã dưới sân. Tiếng ồn ào, nhốn nháo, tiếng í ới gọi nhau, tiếng cười đùa ngược xuôi từ các dãy lầu. Tôi lặng lẽ ôm cặp ra khỏi lớp đi thẳng xuống bãi giữ xe.
Bãi xe vắng lặng, từng hàng từng hàng xếp bên nhau đều tăm tắp. Tôi đang dắt xe ra thì nghe tiếng Lợi chạy lại từ xa.
- Chờ đi với.
- Nhanh lên.
Nhìn vẻ mặt hớt ha hớt hải của Lợi chạy theo trông thật buồn cười, nhưng tôi chẳng còn tâm trạng để bông đùa. Trời chiều vẫn còn vài hạt mưa bụi rơi rơi, gió vẫn nặng hơi nước làm lòng tôi thấy trống trải quá, mùi khoai mì hấp lá dứa vẫn cứ men theo gió từ cổng trước chạy ra tận cổng sau và xông thẳng vào mũi làm tôi nhớ hương vị nồi khoai má nấu mỗi chiều.
- Có chuyện gì buồn à? Thấy tôi lủi thủi dắt xe đi Lợi dắt xe lên ngang hỏi.
- Ừ!. - Tôi không buồn quay qua chỉ ậm ừ một tiếng rồi tiếp tục đi.
Hình như Lợi biết lúc ấy yên lặng là cần thiết nên không hỏi gì thêm. Một sự im lặng đôi khi cũng được xem là sự thấu hiểu sẻ chia chăng. Tôi thích Lợi chổ ấy, không thừa, không thiếu, nói khi cần và biết im lặng đúng lúc. Vòng xe lăn đều đều giữa buổi chiều tàn, chỉ có tiếng gió vi vu, tiếng xe cót két, tiếng lòng của tôi và bên cạnh đó có hắn.
Hai đứa cứ thế đạp xe bên nhau, có đôi lần Lợi nhìn qua định hỏi gì đó nhưng thấy tôi buồn buồn lại thôi.
- Về nha!
- Ừ!
Tới ngã tư, tôi chào Lợi một tiếng rồi rẽ trái về nhà, còn hắn đạp tiếp sáu cây số nữa. Bỗng dưng tôi quay lại nhìn Lợi từ sau: cao nghêu, lưng khòm..
- Ê...! - Tôi quay xe chạy theo gọi to.
- Gì...? - Lợi ngơ ngác hỏi.
- Nhìn đằng sau giống "ông quại" tui quá!
Lợi trợn mắt, xô nhẹ tay lái tôi rồi hai đứa cười khì xua đi cái lặng thinh của buổi chiều vì nỗi nhớ nhà bâng quơ của tôi.

***
Tập thể 10A23 là một nồi chè thập cẩm, tôi và tụi bạn vẫn hay bảo thế. Trường tôi là trường điểm của tỉnh chỉ sau trường chuyên, học sinh từ các huyện xét tuyển vào, huyện xã nào đông thì dồn vô một lớp học chung, lớp nào cũng là dân một xã hay một huyện nên thành quen biết nhau cả chỉ có lớp tôi là khác. Cũng có thể ví von 10A23 là nơi hội tụ đủ mọi tinh hoa của các huyện xã nhỏ lẻ. Xã Hàm Cường có bốn người, Hàm Trí có hai người, Hàm Tân có bốn người, Hàm Đức có năm người rồi Mũi Né một người, và tôi - Đắc Lắc. Số còn lại là dân đảo Phú Quý, đây cũng là lực lượng bè phái đông nhất trong lớp. Tôi là dân Hàm Thắng nhưng cấp hai không học ở đó. Nhà tôi chuyển lên Đắc Lắc rồi mới chuyển về lại nên được đưa vào hàng "hiếm" mà thêm vào nồi lẩu thập cẩm này.
Năm học mới, trường mới, bạn mới, chỉ ra vô biết mặt chứ chưa kịp biết hết tên. Quen đầu tiên dĩ nhiên là một đám bạn "hàng xóm ": bạn cùng bàn, bàn trên, bàn dưới và thành viên trong tổ. Tôi không biết ai và lẽ dĩ nhiên cũng không ai biết tôi. Nhưng gì nhỉ! Tôi được mọi người trong lớp biết đến và những lớp cô dạy Văn biết tên vì bài văn nằm trong ba bài hay nhất trong các lớp cô dạy. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác lúc cô đọc bài văn viết về quê hương sau bốn năm xa cách, "Ai cũng có một quê hương để mà nhớ mà thương mỗi khi đi xa và dĩ nhiên tôi cũng có một miền quê để thương để nhớ...". Giọng cô ấm nồng du dương theo từng dòng cảm xúc, lúc ấy tôi sướng rân người, tự thấy mình nổi như Hàn Mặc Tử trong nồi lẩu thập cẩm này.
Từ đó, thần dân 10A23 ai cũng biết tôi, đôi lúc giới thiệu với ai về tôi là cứ cái giọng , "Con quỷ này viết văn hay "gêêễm"... " , cái cách tụi nó kéo dài tiếng "gễm" làm tôi bậc cười, tiếng đặc sản của quê tôi đấy. Bốn năm rồi tôi mới được nghe lại, hay còn hơn tiếng nhạc.
Tôi phát hiện ra Lợi trong một lần quay xuống bàn dưới mượn thước, bất chợt gặp ánh mắt đang nhìn về phía tôi: nhìn chằm chằm, nhìn đăm đăm, nhìn chăm chú như thể nhận dạng tội phạm vậy. Ngay giây phút đó tôi hết hồn quay lên. Rồi tự cười cho cái tật nhát gan của mình, "Mắc gì phải quay lên nhỉ, hắn nhìn trộm tôi mà", nhưng bỗng dưng lại nghe bổi hổi bồi hồi trong tim. Suốt buổi học hôm ấy, cứ mỗi lần có cảm giác ai đó đang nhìn là y như rằng quay xuống hắn đang "tích cực" nhìn lên.
Tiết, ngày, tuần trôi qua trong bâng quơ, Lợi cứ ngồi đó nhìn về phía tôi, một cái nhìn không cần dấu diếm hay che đậy, thích là nhìn mà chẳng cả nể gì ai cả. Từ đó tôi cũng dần hình thành thói quen lâu lâu giả vờ quay xuống bàn dưới mượn tập để xem hắn có nhìn tôi không. Rồi lại thấy một chút bối rối, vui vui khi vô tình bốn mắt chạm nhau. Nhưng biết mặt thế thôi chứ hai đứa vẫn chưa dám làm quen.
Một hôm nhân lúc ra chơi giữa giờ nhỏ Hoa ngồi bên bàn dưới khều lưng tôi "bật mí".
- Thằng quỷ Lợi nó thích mày "gễm".
- Sao mày biết?
- Thì thằng Lợi nó là bạn thằng Hải, mà thằng Hải là bạn thân của tao, nên nó kể.
Giọng nhỏ hồ hởi như phát hiện ra chuyện gì động trời lắm vậy. Cũng đúng, Hàm Đức tụi nó có năm người, bộ sậu ba đứa của hắn, và nhỏ Hòa, nhỏ Hoa, chuyện trong nhà ngoài phố nào mà chả biết. Mà cũng lạ, lớp đông thế mà tôi khoái chơi với nhỏ Hòa, rồi ma xui quỷ khiến thế nào nhỏ này lại là em họ hắn.
Chuyện hắn thích tôi chẳng có gì là lạ, trong nhóm ai cũng biết, và trong lớp cũng có vài đứa biết. Cứ mỗi lần đạp xe về chung là nhỏ Hòa cứ nói vô, nhắc lại cái chuyện xưa như lớp 10A23 của tôi vậy, "Thằng quỷ Lợi nó thích mày lắm đó!". Mỗi lần nghe câu đó tôi cười gạt phăng đi nhưng kỳ thật trong lòng vui lắm.
***
Trường nghỉ thứ năm, chủ nhật, Lợi nhà xa nên ở trọ, chỉ về nhà vào mỗi chiều thứ tư và thứ bảy. Chính những lần đi về đó mà có cơ hội để nói chuyện với nhau và thành quen. Mỗi khi có dịp về chung là cả đám bi bô đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, chạy xe dàn hàng năm hàng bảy trên đường cười giòn tan trong chiều. Và dường như có một sự ghép đôi nào đó, đi một lúc chỉ còn tôi và Lợi phía sau. Hai đứa cũng hợp khẩu, tám thôi là tám, tám xiên lục địa, tám chuyện đông chuyện tây, rồi kéo chuyện về cái đám rau răm nhà hắn rồi qua cái thời ba tôi nuôi vịt đẻ bỏ cho lò trứng lộn xa lắc xa lơ.
- Mai mốt Lợi bỏ rau răm cho nhà bạn.
- Tui bỏ trứng lộn cho Lợi, lỡ có thiếu tiền cho gói đầu một chuyến.
- Vậy thôi hai đứa mình hợp tác làm ăn hen!
- Ừm! Bà bán trứng lộn ông bỏ rau răm, duyệt!
Những câu chuyện vu vơ chẳng đâu vào đâu chỉ là cái cớ để nói chuyện cùng nhau, đi cùng nhau trong những buổi tan trường, để cười sảng khoái, để cho đường về bớt xa, nhưng có đôi lúc cũng cảm thấy có chút tiếc nuối vì câu chuyện còn dang dở nhưng ngã tư đã nằm ngay trước mặt. Tôi rẽ về trong sự tiếc nuối, Lợi đạp thẳng trong nỗi buồn vu vơ ước gì đường xa thêm chút nữa.
Lâu lâu tôi vẫn hay hỏi Lợi vườn rau nhà dạo này có xanh tươi, hắn lại hỏi tôi đã nói nghiệp cha ông chưa và bao giờ vịt mới cho lứa trứng đầu tiên. Cái phi vụ hợp tác đó có bao giờ thành thật?

Disneyland 1972 Love the old s