Hạnh phúc tìm đến

Posted at 27/09/2015

185 Views


( - Tham gia viết bài cho tập truyện "Hay là mình cứ bất chấp hết yêu nhau đi")
Nhưng tôi chợt hiểu ra ngay rằng muốn lấy vợ thì trước tiên tôi cần phải đổi nghề. Tôi đã nói dối nàng nhiều quá và bây giờ nếu thú thực rằng tôi là người khâm liệm người chết thì mọi chuyện sẽ hỏng to.
***
Khi còn là một đứa trẻ nghịch ngợm, tôi thường chơi với bọn bạn đủ các trò chơi và lúc nào tôi cũng muốn mình là người thắng cuộc. Ôi, lòng tự tôn của con người! Ai chả biết ở đời, lòng tự tôn là trên hết. Kẻ nào không hiểu được điều đó thì thật chẳng hiểu đời tí gì. Và cho mãi tới bây giờ tôi vẫn là người lúc nào cũng hi vọng rằng trong cuộc sống chính mình sẽ phải là người thắng cuộc. Nhưng tiếc thay hạnh phúc lại không thường tự tôi tìm thấy, hay đúng hơn là hầu như chẳng bao giờ tôi tự tin vào bản thân mình. Cộng thêm vào cái tính rụt rè, bẽn lẽn của tôi, cách đây không lâu tôi lại nhận làm một công việc mà mọi người hay né tránh: khâm liệm cho người chết.
Thiên hạ thường hay ngại những người làm công việc như tôi. Họ bảo, biết công việc đó là rất tốt nhưng rợn rợn sao ấy. Lẽ tất nhiên, có thể là như thế thực. Nhưng chúng ta cứ thử tưởng tượng xem nếu như hoàn toàn không có một người khâm liệm cho người chết thì rồi cuộc sống sẽ ra sao? Cái đó thấy rõ ngay trong những gia đình có đám tang thì công việc của tôi không thể nào thiếu được.

Và tóm lại là, tôi cứ nghĩ rằng chẳng bao giờ may mắn lại còn đến với tôi nữa. Nó chỉ đến với những kẻ khác, nhất là trong quan hệ với các cô gái. Chỉ cần tôi nói với người con gái mà tôi thích rằng: "Tôi làm nghề khâm liệm cho người chết" là cô ta sẽ sợ hãi lại rồi bỏ đi ngay. Và chắc chắn rằng chẳng bao giờ cô ta còn muốn gặp mặt tôi một lần nữa. Thà tôi cứ bảo: "Tôi là thằng thất nghiệp" lại còn hơn. Đầu tiên tôi chưa nghĩ nhiều đến điều đó, nhưng về sau tôi mới nghiệm ra rằng có lẽ tốt hơn hết là đừng đả động gì đến chuyện nghề nghiệp cả. Cuối cùng, thì bác Hai, một ông già cùng làm việc với chúng tôi, đã mở mắt cho tôi. Một lần, tôi có phàn nàn với bác rằng phụ nữ họ không thích cái nghề của chúng ta. Bác Hai trả lời:
- Chỉ vì cái nghề này hay tiếp xúc với xác chết nên đàn bà họ chẳng thích, vậy thì cậu cứ giấu nó đi là được.
- Nhưng mà họ hỏi về nghề nghiệp, mình biết nói với họ thế nào hở bác?
- Thì cậu cứ bảo rằng cậu là nhân viên của bệnh viện. Điều đó, nói cho cùng, thì cũng là đúng sự thật kia mà... Tất cả chúng ta đều là những nhân viên của bệnh viện cả.
Đến đây, một đồng nghiệp khác trong bọn chúng tôi, cũng trạc tuổi với tôi, tên là Bình, cãi lại:
- Theo cháu thì bác không đúng đâu... việc gì phải giấu giếm nghề nghiệp của mình? Nó chẳng kém những nghề khác! Chúng ta cũng là những người lao động như tất cả mọi người... Nếu như anh phải giấu giếm, thì có nghĩa là anh đã sa vào thành kiến.
- Gớm, cái thằng này nói nghe mới ghê chứ! – Bác Hai xen vào – Ờ, thế thì tôi hỏi cậu: cái thành kiến ấy còn hay hết? Đối với anh bạn này, thì cái gì quan trọng hơn: đấu tranh với những thành kiến hay là làm thế nào để bọn con gái cảm tình với cậu ta? Cứ để ý những người làm những công việc gần giống chúng ta mà xem. Họ cũng là những người lao động, nhưng kẻ thì nhận mình làm nghề này, kẻ lại nói mình làm công việc kia. Số còn lại thì bịa ra đủ các cách gọi khác. Họ đổi cách gọi chứ có đổi nghề nghiệp đâu! Đấy, cũng là do thành kiến mà ra cả thôi.
- Anh hãy nghe tôi. – Bình nói một cách ngang ngạnh – đừng có giấu giếm gì đấy nhé! Nếu như người con gái còn nghĩ nhiều đến thành kiến, thì nghĩa là cái thành kiến ấy đối với họ quan trọng hơn anh rồi, như vậy là họ không yêu anh, vậy thì anh cần gì ở họ?
Chúng tôi tranh cãi với nhau khá lâu, trong lúc Bình đang nghe điện thoại, tôi hỏi bác Hai:
- Bác đã lớn tuổi, từng trãi và hiểu đời, hiểu nghề bác bảo cháu nên làm thế nào nhỉ?
Bác ta rút điếu thuốc đang hút ra khỏi miệng, không cần phải suy nghĩ nhiều và trả lời :
- Cậu Bình lại muốn khoe khoang cái nghề của mình. Nhưng theo tôi, thì đấy chẳng qua cũng chỉ là một cách để che đậy nỗi xấu hổ về nghề nghiệp... Còn tôi chẳng xấu hổ, không khoe khoang mà cũng không giấu giếm, tôi là người khâm liệm người chết thế thôi.
- Vâng, nhưng còn cháu...
- Cậu thì lại là chuyện khác... cậu cứ giấu đi thì hơn, tôi đã nói với cậu rồi: cứ bảo với các cô gái mà cậu muốn làm quen rằng: cậu là một nhân viên làm việc tại Bệnh viện.
Nói thực lòng, tôi cũng không ưa gì lời khuyên đó. Tôi là người khâm liệm người chết, và tôi thấy chả cần phải giấu giếm nó như giấu một điều gì nhục nhã. Nhưng mấy ngày sau, khi ngồi một mình vào một giờ rảnh rỗi, không phải làm việc, tôi lại ngẫm nghĩ về tất cả những việc đã xảy ra và tự bảo rằng, có lẽ cuối cùng thì bác Hai đã nói đúng. Ý nghĩ đó tự nhiên đưa tôi đến với cái cảm giảc mà ta từng gặp trong những giấc mơ, khi ta đi dạo chơi mà chỉ mặc có mỗi cái quần đùi, rồi bất thình lình có ai đó nhắc ta làm ta thấy ngượng ngùng không thể nào tả nổi và ta bừng tỉnh. Như thế có nghĩa là đã hai năm nay tôi làm nghề khâm liệm người chết mà tôi chẳng hề hay biết, nghĩa là cũng tựa như tôi đã đi chơi trong cái quần đùi mà chỉ có mỗi một mình tôi là không hề nhận ra.
Đấy là một ngày tuyệt đẹp của mùa xuân, một ngày ấm áp, sương mù phủ nhẹ trên các cành cây lá đã chớm vàng hoặc hoe đỏ, dưới những rặng cây là các bà mẹ và lũ trẻ ngồi xúm xít bên nhau. Tôi đang đắm chìm trong suy nghĩ đến nỗi không để ý thấy một thiếu nữ cùng với một em gái nhỏ, có lẽ là cô giúp việc, đã ngồi xuống cạnh tôi từ lúc nào. Sau đó tôi nghe thấy giọng nói của cô gái:
- Xu Xu, chơi ở gần đây thôi, em nhé!
Tôi quay lại và nhìn người thiếu nữ. Nàng trông còn trẻ, thân hình chắc chắn, khuôn mặt tròn trĩnh hồng hào. Tôi thích nhất là đôi mắt: đôi mắt đen mướt như nhung và lúc nào cũng như đang mỉm cười. Thiếu nữ xách trên tay một chiếc giỏ con và cầm chiếc áo khoác của em bé gái đang ngồi xổm nghịch cát gần đấy. Thấy tôi đưa mắt nhìn, cô quay mặt lại phía tôi nói một cách thản nhiên:
- Anh chẳng biết tôi đâu, nhưng tôi thì lại rất biết anh.
Lời nói có thể kích động con người đến mức độ nào! Tôi cảm thấy mình đang đỏ dừ cả mặt và chợt nghĩ: "Có lẽ cô ta đã nhìn thấy mình đang khâm liệm người chết chăng ?"Tôi vội trả lời:
- Thưa cô, có lẽ cô nhầm tôi với ai đó thôi. Tôi chưa bao giờ được gặp cô cả.
- Ấy thế mà tôi lại vẫn cứ biết anh đấy!
Đến lúc này thì tôi quyết định phải nói dối:
- Không thể có chuyện ấy được. Có chăng là cô đã nhìn thấy tôi ở bệnh viện, tôi làm việc ở đấy. Ở đấy thường rất đông người...
Lần này thì thiếu nữ không nói gì cả mà chỉ nhìn tôi với một cái nhìn là lạ. Một lúc sau nàng mới hỏi:
- Anh làm việc ở bệnh viện à?
- Vâng... vâng.
- Ở khoa nào kia ạ?
- Ở tất cả các khoa, đâu cần. Ở đấy có rất nhiều khoa mà.
- Nghĩa là – người con gái nói một cách rất rành rọt – chính ở đó tôi đã nhìn thấy anh... Tôi có đến đấy hai hôm trước đây.
- Lẽ dĩ nhiên là như thế rồi.
Trong lúc đó em gái nhỏ chạy ra chơi ở một nơi xa hơn, nó bắt đầu bới nghịch đống rác và lá khô. Thiếu nữ vội mắng:
- Này, Xu Xu, đừng nghịch, rác bẩn đấy! Những em bé ngoan ngoãn là không có nghịch rác đâu nhé, nếu vi rút mà xâm nhập vào người lâu ngày sẽ dẫn đến chết người đấy.
Nghe thấy tiếng "chết" tự nhiên tôi giật mình và lại đỏ mặt lên. Và lúc này, như muốn trêu tức tôi, tiếng kèn trống đám ma vang lên ở ngôi nhà gần đó. Cô gái nói một mình:
- Thật tội nghiệp! Vậy là thêm một người nữa từ giã cõi trần gian. Tiếng kèn trống vang lên như vậy là báo hiệu người chết đã được khâm liệm. Những người làm công việc rửa ráy, khâm liệm cho người chết thật đáng khâm phục.
Mặt tôi càng đỏ bừng thêm và tôi nói với hi vọng sẽ được cô gái đồng tình...

Lamborghini Huracán LP 610-4 t