Cái mụn
Posted at 27/09/2015
315 Views
Diệu ngắm phần cao nhất của cây hoàng lan mà Diệu có thể nhìn được từ cửa sổ. Cây quá im lìm và trơ trọi.
Diệu chịu gia nhập đủ thể loại nhóm hội cũng bởi nghe lời Dương. Dương viết trong email thứ bốn mươi ba rằng Diệu nên hòa nhập hơn, nên ra ngoài nhiều hơn. Email thứ bốn mưa ba của Dương chỉ có năm dòng, bao gồm cả phần chào hỏi và kí tên. Ban đầu Diệu thấy tổn thương, sau thấy Dương đúng - Dương bao giờ cũng đúng. Nếu không có Dương chắc Diệu chẳng bao giờ đi làm mẫu chụp ảnh, uốn éo chống tay ngoẹo đầu xõa tóc lặp lại các tư thế của người khác. Nhưng thật quả cũng vui, để dành được khối chuyện cười ra nước mắt. Diệu không dám làm phiền Dương với những chuyện vặt vãnh này, không đáng để kể.
Diệu thở dài, quay lại màn hình laptop đang chạy tới chạy lui logo Windows XP.
"Chắc phải thêm thắt thêm nhiều" – Diệu thầm nhủ.
Nhân vật mà Diệu định dựng là cô nàng đạt điểm thấp về ngoại hình, tính tình cáu bẳn, tài lẻ không có, chỉ được tiếng rẽ tính, sạch sẽ và chịu khó. Chịu khó và rẽ tính thì dễ hiểu. Còn mục đích cao cả nhất của ăn ở sạch sẽ là để ngừa mụn thì thất bại thảm hại.
Diệu tưởng tượng ra những hố sâu toang hoác chen chúc trên mặt một người con gái, nuốt chửng mọi đường nét của nạn nhân. Người đời dù vô tình hay cố ý, dù nhìn nguyên một phút hay chỉ một phần nghìn của một giây, đều xoáy vào những miệng núi lửa thâm đen ấy, đều làm rát bỏng những miệng núi lửa thâm đen ấy. Mỗi lần như thế, cô gái nhận ra ngay lập tức như thể được gắn ra-đa loại tối tân nhất. Nhưng cô gái cũng chỉ biết cắn răng chịu đựng một mình. Kể với ai? Ích gì? Những người chung cảnh lắm mụn như cô chắc đều ru rú một xó nên không gặp được nhau mà an ủi mà than thở mà chia sẻ cho nhau cho vơi nỗi lòng.
Bản thân cô gái từ lâu đã mệt lả, đã thấy mình chìm dần vào những hố đen ác nghiệt. "Tại ai cũng bận cả, chứ người tốt còn nhiều, chỉ là họ không ở gần thôi, họ chưa biết thôi. Nhưng biết đâu chẳng có một ngày..." Cô gái tự an ủi thế, coi như có một hy vọng, một chỗ bám để không bị các hố sâu tối đen nuốt chửng hoàn toàn. Kết quả tranh đấu giữa lực hút của các hố đen với thứ hy vọng tự tạo kia là cơ thể cô, đầu óc cô bị vặn vẹo, bị kéo dài mãi như ngày xưa người ta kéo kẹo kéo, không rõ lúc nào thì đứt phựt một cái cho xong đời.
Nhưng tới đoạn tâm lý chi tiết đó thì còn lâu. Diệu gượng quay về với vụ phác thảo nhân vật chính.
Cô ta có hai người gọi bạn. Hai người này vừa xấu vừa vô duyên lại có thói dựa dẫm lợi dụng cô gái tội nghiệp. Nói thẳng ra là không hợp nhau nhưng dù gì cũng là bạn học phổ thông. Hơn nữa, ba người chẳng chơi với nhau thì cũng không biết chơi với ai giữa thành phố xa lạ này. Chơi mãi thì thấy cũng thân được, cứ nghĩ như thế cho đời nhẹ.
Diệu bỗng thấy mệt nên với tay mở tủ lạnh, lấy ra chai Lavie mới, rót lưng lưng chiếc cốc thủy tinh lùn. Nước mát làm Diệu thấy tỉnh ra đôi chút. Trời không nóng, phòng có máy lạnh nhưng Diệu vẫn thường xuyên uể oải như người ốm dở, cơ thể cứ như chực vỡ ra, tan thành chất lỏng, rồi đổ xuống sàn, bẹp dí luôn ở đó. Diệu từ chối nghĩ tiếp đoạn vũng chất lỏng kia bị hút vào nền phòng và biến mất vĩnh viễn trong khoảng tối đen thăm thẳm không rõ nào đó.
Diệu bất giác ngẩng nhìn bầu trời còn sáng ở-bên-ngoài-phòng. Cây hoàng lan chẳng hiểu sao giờ lại thêm cái vẻ sầu muộn cô đơn.
"Dương ngày xưa gọi là cây ilang. Lúc Dương nói, lưỡi cong lên rất nghịch."
Diệu thở dài nhìn những mẩu song song của cây hoàng lan. Diệu đã google để biết sao Dương lại gọi nó là ilang. "Nó thành cây si lâu rồi." Diệu vừa rót thêm ít nước vào chiếc cốc trong suốt vừa nhớ đến một truyện ngắn nổi tiếng có cây hoàng lan.
Uống nước và viết truyện là một cách đối phó với những nghĩ ngợi vẩn vơ. Diệu lại hơi nhiều vơ vẩn. Thành ra da Diệu đẹp, chẳng cần như chị Lan chị Lý nhắm mắt nhắm mũi uống cho đủ ngày mấy lít nước. Còn viết truyện ư? Để quên! Quên nhiều thứ, Diệu nhiều lúc còn có cảm giác đã quên cả chính Diệu. Nếu không đúng thế, Diệu sao dám gọi thứ mình viết ra là truyện?
"Dương chắc trợn tròn mắt với thứ truyện của mình mất!"
Màn hình máy vi tính hiện lên một nụ cười méo xệch.
Thằng Tú em Diệu hôm trước khoe tìm được lớp dạy yoga hay lắm. Diệu miệt thẳng vào mặt nó là đã già đâu mà học thứ ấy, nhưng thằng ranh vẫn đặt mẩu giấy ghi địa chỉ lên bàn làm việc của Diệu. Mặt thằng Tú trông ... Diệu chẳng biết phải tả ra làm sao. Ngăn trên cùng của bàn làm việc của Diệu lúc nào cũng có một tấm ảnh cũ, dù Diệu thay bàn làm việc dễ đến sáu lần.
"Mười một năm chứ ít gì!"
Diệu bần thần nhìn màn hình laptop và nhớ về Dương, khuôn mặt của Dương, nụ cười của Dương. Nhiều chuyện đã xảy ra quá, lại đẹp đẽ quá, nên chẳng thể nào quên được. Những chuyện cũ làm Diệu nhận ra mình khác xa mọi người, đẹp và thơ hơn hẳn mọi người. Mười một năm sống như thế, Diệu mang một vẻ khác, ít nhất là kiêu hãnh và bất cần. Những người ở hiện tại và những chuyện ở hiện tại "có vị gì đâu" nên Diệu cần gì phải quan tâm.
Quãng năm hay sáu năm trước Diệu còn băn khoăn về những ảnh hưởng của Dương, về những chuyện cũ, rằng sao mấy thứ không cầm nắm được ấy sao lại tác động mạnh thế đến Diệu. Liệu có quái đản quá không, có ai như Diệu không. Nhưng giờ Diệu thấy không cần nghĩ thêm nữa vì Diệu thấy có gì đáng phàn nàn về cuộc sống của mình. Mà phàn nàn thì được gì kia chứ? Diệu vuốt lại sợi tóc vừa vương ngang mặt.
"Mười một năm chỉ có đúng năm mươi bảy emails. Không chat lần nào. Mỗi lần nhận được email thì lại ..."
Diệu thở dài, nhìn đồng hồ treo tường ngay trên cửa sổ, rồi cố gắng nghĩ đến nhân vật định viết.
Nhân vật chính cần lấy chồng, dĩ nhiên thế, vì cô ta chuẩn bị băm nhát thứ ba đau khổ trong đời, đã thành hình một quả bom khổng lồ trong mắt bố mẹ và cậu em trai thèm cưới. Con bé người yêu suốt ngày cằn nhằn dằn dỗi thằng bé. Lệ làng là phải tuần tự có trên có dưới nên cậu em trai ức lắm. Tháng tháng cậu em sức dài vai rộng thúc bố mẹ gọi điện cho bà chị giục gửi tiền về nhà nhân thể nhắc luôn chuyện bà chị phải lấy chồng ngay; tháng sau thì điện thoại nhiều hơn tháng trước; lời nhắn gửi của cậu em càng ngày càng chêm nhiều từ thô; giọng cậu em ngày càng chua – chua hơn cả bà chủ cho thuê nhà. Nhân vật chính vì thế học được cách tảng lờ những từ đại loại như "gái già", "xấu điên còn ra vẻ cành cao lá dài" hay "voi đú, chuột đú, lợn sề cũng hộc" của cậu em quí hóa.
"Những từ nặng đô hơn chắc phải nhờ chị Lan gợi ý!" – Diệu tủm tỉm khi nhớ đến chị Lan, nhân viên ngân hàng, gần bốn mươi và rất mê văn học. "Thần tượng Mac Levy". May là còn thích Nguyễn Huy Thiệp và từng đọc cả "Đốt". "Nhưng chị Lan kêu Bảo Ninh là khó hiểu." Diệu không nén được, cười lên hinh híc.
Diệu quay lại với tiểu thuyết chưa thành hình của mình.
"Chắc chỉ có về quê mới lấy được chồng? Phải nghĩ ra lý do nào đó cho thuyết phục. Nhưng lý do nào nhỉ? Thành phố cũng đâu thiếu người không có điều kiện để mà kén chọn?" – Diệu lại vặn nút chai Lavie.
Diệu băn khoăn không rõ chuyện một cô nàng bằng cấp, thu nhập tàm tạm, lấy vội một chàng dưới quê chưa tốt nghiệp cấp ba thì gia đình lục đục kiểu gì, những chuyện gì xảy ra tiếp theo để đôi bên có cơ hội hiểu nhau, rồi yêu nhau thật. Mà thế có Hàn có sến quá không? Ai đi đọc cái thứ chảy nước này? Mà hạnh phúc của đôi này là hạnh phúc kiểu gì?
Diệu lại thấy mệt mỏi.
Lần này Diệu đi pha sinh tố. Mãng cầu và ổi chứa nhiều vitamin, nhất là vitamin C. Diệu không cưỡng nổi ham muốn nhìn về chiếc gương lớn ở tủ quần áo. Diệu cúi đầu vào khủy tay vừa đưa lên ngang cổ, hít nhẹ khoan khoái. Diệu nổi tiếng có làn da trắng hồng láng mịn và thơm tự nhiên.
Diệu vuốt nhẹ bờ vai mát rượi như lụa của mình. Bốn người đàn ông đã được chạm vào đấy. Còn Dương thì chưa bao giờ chạm vào, kể cả những phần cơ thể khác, bất kể phần nào.
"Hồi đó ngây ngô và giữ kẽ hơn lũ trẻ bây giờ. Dương lại sắp đi xa."
Diệu bây giờ đã gần ba mươi, đủ trưởng thành để không cau mày khi nghĩ đến chuyện thể xác. Nhưng đôi khi chính Diệu phân vân có thực Diệu từng làm chuyện ấy không, những bốn lần. Sao Diệu chẳng nhớ gì...