Cánh cò trở về
Posted at 27/09/2015
213 Views
.. Không kịp chờ mũi đò chạm bờ, bà Nguyên nhảy ào xuống nước, chạy về phía cây cháy. Tới chân gò đất bà vấp ngã. Không đủ sức đứng dậy, bà cuống quýt cào hai tay vào nền đất còn nóng, bò đến chỗ con Vi. Con Vi đây rồi! Nó nằm nghiêng, khuôn mặt còn nguyên vẹn, nhưng bạc như vôi; Cặp sách, chiếc nón bay đâu mất. Nửa thân người phía dưới cháy đen. Bà Nguyên ôm con, hét lên một tiếng rồi ngất đi.
Ông Nguyên cùng mấy ông bạn thợ cày đi chôn cất con Vi. Vợ ông đang được bà con trong xóm đưa về cấp cứu ở trạm y tế xã. Bà vẫn mê man bất tỉnh. Ông để mộ con ngay trên gò đất cây gạo cũ, nơi thường đứng chờ mẹ những buổi tan trường. Vừa đắp mộ cho con, ông vừa khóc, nước mắt ướt đãm khuôn mặt đầy nếp nhăn. Từ nay đứa con gái yêu quý của ông bà, sẽ nằm lại ở đây lạnh lẽo một mình. Ông bà không còn được nghe con nói, con cười, con gọi bố mẹ. Con ơi! Oan trái quá...! Con nằm xuống khi còn bé dại, khi chưa gặp lại người mẹ khốn khổ đã sinh ra con. Bố mẹ có lỗi khi không giữ được con, nuôi dưỡng con trưởng thành...
Tiếng sét đánh xuống cây gạo bên sông còn làm cho lũ cò trú ngụ trên lũy tre nhà lão Nguyên kinh động. Suốt buổi chiều, chúng nháo nhác bay lên đậu xuống. Đến tối, chúng kéo nhau bay đi hết. Trên ngọn tre chỉ còn lủng lẳng những chiếc tổ rỗng không. Mấy hôm sau, gió to, ném nốt chúng xuống sông Lường.
***
Bảy tám năm nữa đi qua...
Vùng quê hai bên sông Lường đã thay đổi nhiều, đồng ruộng lúa cấy ba vụ, làng xóm nhà ngói san sát; cuộc sống ấm no vui vẻ. Bến Lường vẫn còn đò ngang, lái đò là lão Nguyên, ông đã gần 70 tuổi, nhưng gân cốt còn vững, tay khoát chèo vẫn mềm mại. Khách qua sông bây giờ ít hơn,nhất là cánh bán bánh chưng. Nguyên do, có vài kẻ lừa đảo – chúng không phải ngườ xóm Trại – làm bánh chưng nhân bằng đất bán cho khách lấy tiền. Khách bị lừa một lần, hai lần vừa đói, vừa bực, bảo nhau không ăn bánh chưng nữa, họ ăn bánh mì, thứ này bán đầy ở gà Cẩm Giàng.
Bà Nguyên đã già, lại lẩn thẩn, thấy ai gọi đò, đều bảo đấy là cái Vi, dục chồng sang đón. Bà thường ngồi một minh nơi gốc sung già, ngó sang gò đất bên sông chờ đợi.
***
Một sáng mùa xuân
Có cô gái trẻ đứng bên kia sông gọi đò. Cô mặc chiếc áo sơ mi màu hồng may chít li, ôm sát cơ thể thanh xuân, thon thả, chiếc quần Âu màu sáng, chân đi dép nhựa trắng. Sau lưng, đeo chiếc ba lô nhỏ, mái tóc đen như mun, rất sài kết thành đuôi sam dài tận kheo chân. Hình như có gì vui mà cặp môi đỏ thắm, đôi mắt đen lóng lánh như cười. Lúc ấy trời rất cao và trong. Vầng dương đang lên. Mặt nước sông Lường phía bên kia rực rỡ như vàng chảy, phía bên này, dưới bóng tre lại xanh biếc. Gió ấm áp thổi trên đồng lúa đang thì con gái, lá ướt sương lấp lánh tạo nên những con sóng nhấp nhô, kéo dài ra xa tít. Cô gái không gọi đò, mà kiễng cả hai chân cầm nón vẫy vẫy.
Ông Nguyên cho đò sát vào bờ cát đón khách.
- Bố ơi! Con chào bố!
Giọng nói rất quen, âu yếm vang lên bên tai ông. Ông Nguyên lặng đi, sững sờ. Trước mắt ông là cái Vi. Đúng cái Vi, đứa con gái yêu quý xấu số của ông. Đúng rồi, khuôn mặt ấy, nụ cười ấy...gợi nhớ về người đàn bà ngày xưa.
- Bố! Cô gái áo hồng nũng nịu. Cô bước tới cạnh ông, nắm đôi bàn tay gân guốc. Bố không nhận ra con à? Con là Vân đây ạ!
Ông Nguyên ngỡ mình đang mơ. Bàn tay con đang nắm tay ông, khuôn mặt con sát mặt ông, ông vẫn chưa dám tin. Ông buông rơi mái chèo, dụi mắt lẩm bẩm:
- Con Vân đấy ư? Đúng rồi!... Vân Vi của bố...
Cô Vân đỡ bố ngồi xuống lòng đò, cầm lấy mái chèo, khoan thai đưa đò sang sông, hướng về gốc cây sung già.
Đò cập bến. Cô nhảy lên bờ ôm lấy bà Nguyên. Linh cảm kỳ la của người mẹ, khiến bà Nguyên nhận ngay ra con mình. Bà bám vào vai con gái, mái đầu bạc trắng đổ vào ngực cô. Bà khóc, nhưng không thành tiếng, tấm thân gầy cứ run lên từng đợt rất mạnh, như người bị nấy
Cô Vân xoa lưng mẹ nói dịu dàng:
- Mẹ! mẹ nghe con nói đã! Dì Hòa bảo nay con đã lớn, dì Hòa cho con về ở hẳn với bố mẹ. Bây giờ gia đình mình sẽ mãi mãi sống bên nhau, con sẽ chăm sóc bố mẹ. Dì Hòa khỏe, dì bảo nhớ bố mẹ lắm.
***
Cũng sáng xuân ấy. Những người chờ đò dưới bến, bỗng nghe có tiếng quạt gió rất mạnh trên cao. Nhìn lên, họ thấy mấy cặp vợ chồng nhà cò đang đáp xuống lũy tre nhà lão Nguyên. Có con mỏ ngậm những cọng rơm vàng.
- Cò lại về làm tổ ở đây rồi. Năm nay làng mình làm ăn chắc thuận lắm.
Bùi Quang Nhự
(Những truyện ngắn hay gần đây – NXB Thanh Hóa)
....