The Soda Pop

Cánh cò trở về

Posted at 27/09/2015

199 Views


Ở bến Lường, có vợ chồng lão Nguyên làm nghề chở đò ngang, cả hai tuổi đã ngoài 50 nhưng không có con. Ngôi nhà của họ nằm cô độc trên doi đất đâm ra sông, xung quanh là những lũy tre già xanh biếc. Đấy cũng là nơi cư trú của lũ cò.
***

Về mùa hè, vào chiều tối cơ man nào cò bố, cò mẹ, cò con, với đủ màu sắc: Trắng phau như tuyết, đỏ hồng như lửa, vàng tươi như nắng... tới tấp bay về. Chúng chao liệng gọi nhau, cãi nhau, đánh nhau...náo động cả khúc sông như làng quê vào hội.

Người ta kể rằng: Vợ lão Nguyên người làng kia sông. Thời con gái, cô nổi tiếng khắp vùng vì xinh đẹp, đảm đang; bao nhiêu con trai mê đắm, theo đuổi. Con đường đất dẫn vào ngõ nhà cô, cứ nhẫn thín như đá mài bởi đếm nào cũng có những tốp con trai tụ tập để chờ xem mặt cô và rồi chòng ghẹo tán tỉnh. Ong bướm dập dìu đến hai, ba năm; bỗng nhiên một sớm, cô chao cha mẹ, bước xuống thuyền hoa sang xóm Trại, lấy anh lái đò hiền lành, khỏe mạnh, đen như củ súng, kém cô ba tuổi, là lão Nguyên bây giờ.
Lại nghe kể, vợ chồng nhà ấy hồi trẻ làm khỏe, ăn khỏe và đẻ cũng khỏe. Người xóm Trại chứng kiến không dưới bảy lần, cảnh ông chồng lo lắng, thận trọng dìu chị vợ bụng chửa to vượt mặt, miệng nhăn nhó vì đau đớn, lần từng bước leo qua con đê cao, sang trạm hộ sinh của xã. Rồi cũng bằng con đường ấy, anh chồng chạy đi, chạy về như con thoi, ngã vấp dúi dụi, ôm nào chăn, màn xô, chậu, quần áo, tã lót...phục vụ vợ "vượt cạn".
Nhưng thật bất hạnh, những đứa con của họ sinh ra, trai có, gái có, lành lặn hẳn hoi, cũng chỉ sống trong vòng tay bố mẹ vài ngày đến vài tháng, lại mắc bệnh hiểm nghèo, lần lượt bỏ đi. Mẹ chúng đau đớn gào khóc, vật vã, chết đi sống lại bao lần. Chị kiệt sức, tàn tạ dần như trái mướp thui. Mới ngoài năm mươi tuổi, tóc bà Nguyên đã bac trắng, mặt nhăn nheo như quả táo khô, cặp vú teo tóp bám trên khuôn ngực gầy guộc; đôi mắt lá răm đã ngả màu đùng đục, nó chỉ sáng lên khi bà Nguyên nhìn thấy lũ trẻ con xóm Trại trần truồng, lấm láp đùa nghịch trên bãi cát bờ sông. Lúc ấy đôi gò má của bà chợt ửng hồng, đôi môi chúm lại run rẩy. Khát vọng làm mẹ của người đàn bà luống tuổi này còn cháy bỏng! Bà Nguyên thôi không làm công việc ruộng đồng, bà nhận lấy mái chèo, ngày ngày chở đò đưa khách sang ngang.
Ông Nguyên hiểu và thương vợ lắm, càng thương tính nết ông càng trầm. Cả ngày ông hùng hục làm, hết việc nhà đến việc đồng. Thậm chí, có việc tất cả đàn ông xóm Trại kiêng kỵ, là giặt quần áo cho vợ, ông cũng không từ. Vào tuổi năm mươi, quen lao động, lam lũ từ nhỏ, nên người ông chắc nịch như cây gỗ lim.
Dân xóm Trại ở bến Lường, ngoài trồng lúa, còn có nghề làm bánh chưng, họ làm quanh năm để bán. Bánh chưng có hai loại nhân ngọt và nhân mặn, chiếc bánh nho nhỏ vừa đủ một bữa ăn sáng, hay làm quà cho trẻ. Người ta ngâm gạo, đôc từ sáng; buổi chiều chọn thịt, rửa lá, tước lạt; chập tối gói và xếp vào nồi luộc; Mờ sáng, vớt, ép bánh rồi quẩy lên thị trấn Cẩm Giàng, bán cho các hàng ăn, các người bán quà rong ở ga, ở trên tàu hỏa tuyến Hà Nội-Hải Phòng.
Ông Nguyên gói bánh chưng rất tài. Nhiều gia đình trong xóm thuê ông gói. Cơm tối xong, ông mặc chiếc quần cộc, cởi trần, áo vắt vai sang nhà hàng xóm. Ông lấy khúc tre làm ghế ngồi, thoăn thoắt đặt lạt, xếp lá, xúc gạo, đỗ,... chỉ ước lượng bằng mắt,không cân đong- rồi gói. Nhanh lắm! Bánh ông gói, trăm cái như một, vuông thành sắc cạnh...đều tăm tắp.
Xong việc, ông lững thững theo triển đê về nhà. Bà vợ đợi ông trước hè, ngọn đèn dầu nhỏ, ấm nước vối nóng hãm lá chi chi ngọt lịm.
Hai người ngồi uống nước bên nhau, không ai nói gì, họ cùng im lặng nghe tiếng các gia đình nhà cò đang trò chuyện lao xao trên dặng tre quanh nhà. Gió mát rượi, thơm mùi bánh chưng đang chín. Khuya khuya, vợ chồng ông bà mới đi ngủ, họ nằm ở chiếc giường kê gian ngoài, sát cửa sổ nhìn xuống bến đò. Sớm mai, thoảng có bóng người dưới bến, bà Nguyên đã dậy, không để ai phải gọi. Ông Nguyên đặt mình xuống giường là ngáy, tiếng ngáy đứt đoạn, nhọc nhằn. Bà Nguyên phe phẩy quạt cho chồng, xót xa ngắm nhìn bờ vai, lồng ngực vạm vỡ của ông mờ mờ hiện trong đêm.
***
Cuộc sống của vợ chồng lão Nguyên vẫn cô quạnh như thế cho đến cuối hè. Năm ấy thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng thất thường, lại kéo dài. Con sông Lường nước đục ngầu, đầy ăm ắp. Bến đò phải dịch lên đến gốc cây sung già, đầu vườn nhà lão Nguyên. Giữa chiều, nắng xiên khoai gay gắt, không khí ngột ngạt oi bức. Bà Nguyên cắm đò dưới gốc cây sung, mắt hấp háy nhìn trời lẩm bẩm:
- Trời đất này, chiều tối thảo nào cũng có mưa giông! Có mưa mới ngủ được. Độ này ông lão hơi sọm. Khốn khổ! Suốt ngày đội nắng, chỉ có hai hàm răng là trắng!
Bà vốc nước sông rửa mặt, ngó mông sang bờ bên kia. Bên kia, sát bờ cát là gò đất cao như lưng con rùa khổng lồ. Trên gò có cây gạo già. Cây có từ bao giờ bà Nguyên không biết, ngày bà sang xóm Trại lấy chồng, đã thấy nó rồi. Cạnh cây gạo là con đường đất dẫn lên thị trấn Cẩm Giàng. Hai bên đường, cánh đồng mênh mông, vừa cấy kín lúa mùa sớm. Lúa đã bén rễ, đang nhú nõn xanh non. Xa nữa, là cánh đồng màu của thôn Nguyên Khê, những ruộng bí đao đã tàn chỉ còn trơ giàn. Xa nữa, mờ mờ trong nắng là lũy tre làng La chạy dài như bức thành, ở giữa có chỗ cao vượt lên mâm xôi, hình như đó là cây đa cạnh sân đình làng. Bà Nguyên sinh ra và lớn lên ở làng La. Mấy năm nay bà không về quê, cha mẹ già đã chết, người em gái cũng đã lấy chồng. Dì ấy đông con, chồng lại bệnh tật, nên quanh năm làm ăn vất vả vẫn đói, vẫn rách. Nơi ấy bà có một người thân thiết, ngày xưa họ đã từng yêu thương nhau, thề thốt nặng lời. Bà đã trao cho ông ấy cái quý giá nhất của người con gái. Nhưng cha mẹ bà không bằng lòng để bà lấy ông, chê nhà ông nghèo. Ông phẫn chí bỏ đi. Bà đau đớn, ê chề, bị cha mẹ ép buộc, đành nhắm mắt sang sông ấy chồng. Nghe nói, sau đó ít lâu người ấy trở về làng. Biết bà đã lấy chồng, ông đi biệt tăm.

Miên man nghĩ, bà Nguyên không hay bên kia sông có tiếng gọi đò; tiếng gọi rụt rè , như da diết:
- Đò...ơ.....