Biển đời và chiếc nón lá

Posted at 27/09/2015

144 Views


"Cha con đánh mẹ mấy cái? Mẹ con có đánh lại không?" - "Cha đánh mẹ một cái, mẹ đánh lại ba, bốn cái luôn"
***
Mười mấy năm trời đến lớp cũng là mười mấy năm mẹ lặng lẽ bên tôi. Ngày đầu tiên được đến trường cảm giác vui mừng khôn xiết, vì đó là lần đầu tiên tôi có được nhiều bạn bè đến như vậy. Trên con đường lất phất lá me bay, mẹ dắt tay tôi cười nói luyên huyên, căn dặn đủ điều, nào là vào lớp phải cố gắng học hành, không được ham chơi, nghe lời thầy cô giảng bài, không được đánh nhau,...
Những lời dặn dò với lời lẽ mộc mạc, ngắn củn của một người phụ nữ nông thôn miền Tây nhưng chứa đựng biết bao nhiêu kỳ vọng của bậc sinh thành, nó bao la, rộng mở và dạt dào như dòng sông êm ả, như chiếc nón lá quê mùa, chất phát.

Không biết dùng lời nào để nói chính xác về sự khăng khít của mẹ với chiếc nón lá, đi đâu mẹ cũng tự tin với cái nón lá cùng chiếc áo bà ba, mẹ nói "đó là người bạn đường sẻ nắng che mưa với mẹ từ lúc mẹ còn con gái, dù có xuống biển hay lên rừng mẹ cũng mang theo".
Không phải riêng mẹ, mà tất cả bà con miền Tây đều quen thuộc với nón lá, không có nó người ta như thấy thiếu vắng một cái gì đó thân thương nhất. Riêng mẹ, mẹ khắng khít đến nỗi chỉ cần vừa đội lên đầu là chú cún trong nhà liền vẫy đuôi liên tục vì nó biết mẹ sắp chuẩn bị đi đâu đó để nó có cơ hội đi theo.
Bao nhiêu năm trôi qua, dù có đứng tận đằng xa, hay cuối con đường mòn nơi có rặng trâm bầu quanh năm xanh lá, tôi cũng nhận ra được bóng mẹ lom khom, nhấp nhô ngoài đồng với cái nón quen thuộc, cũ kỹ. Những đêm mưa lạnh lẽo, trong nhà có những chỗ nhỏ nước, mẹ xoắn cái quần đen ống rộng, đội lên đầu cái nón lá bưng từng cái thau hứng nước, sợ mưa dột lên chỗ con nằm, mẹ dùng bao nylon phủ cẩn thận lên nốc mùng, chốc lát lại đi từng tra.
Những ngày vào mùa thi, chị em tôi phải thức khuya học bài, mẹ cũng mắc cái võng nằm kế bên không chịu đi ngủ, mắt cứ lim dim, thỉnh thoảng lại mở ra như để kiểm tra, ba tôi có nói mấy đi nữa mẹ cũng nằm đó đung đưa cái võng do chính tay mẹ kết bằng dây chuối, mặc cho những con muỗi hút máu, mẹ vẫn điềm nhiên đập bộp bộp lên người, gãi xồn xột vì ngứa, thỉnh thoảng nhắc nhở chị em tôi tranh thủ ngủ sớm với cái giọng khàn khàn.
"Cha mẹ thương con như biển trời lai láng", trên đời này tôi chưa từng thấy người mẹ nào thương con "kỳ cục" như mẹ tôi, những ngày đi học thêm về trễ, mẹ bưng chiếc đèn dầu loe loé sáng ngồi đợi ở góc đường, hoặc khi nghe loáng thoáng đứa nào đó thèm ăn món gì, dù có làm cực khổ đến đâu mẹ cũng âm thầm chuẩn bị.
Những ngày không có nắng, sợ quần áo không kịp khô để sáng mai đến trường, mẹ đứng ngồi không yên, hết treo chỗ này lại treo chỗ nọ, chỗ nào có gió là mẹ tranh thủ ngay, vì chị em tôi không có nhiều quần áo nên lắm lúc cũng phải mặc quần áo còn ẩm ướt mà đến trường, thằng út hôm qua bất cẩn, té vào bờ rào rách cái cặp, mẹ lại thức khuya, cắt cái bao nylon may cặp mới cho nó, nó vui mừng ngủ gục bên cạnh mẹ mà chờ đợi. Đôi mắt mẹ nheo nheo, vầng trán mẹ xuất hiện nhiều nếp nhăn hơn trước.
Mẹ hay trách móc bà nội vội vàng, gắt gỏng, nhưng hình như trời đã sắp đặt mẹ về làm vợ ba, làm dâu bà nội để thừa hưởng cái tính nóng nảy đó. Nghe tin thằng Tèo đánh nhau với thằng Bi xóm trên, mẹ thằng Bi bênh vực con mắng thằng Tèo vài câu, mẹ ngoe nguẩy nón lá trên tay, vừa đi vừa lầm bầm "dám ăn hiếp con tao, dù có lên trời tao cũng đến".
Tôi chỉ biết nhún vai và thầm nhủ "giá như có bậc thang lên trời chắc mẹ cũng leo, huống chi lên rừng hay xuống biển".

Ngày tiễn chị tôi lên Sài Gòn học, mẹ cũng quảy cái nón lá, ôm theo giỏ gạo và mấy con cá khô vào tận ký túc xá, đôi dép lào cứng ngắt trên đôi chân nhuộm màu phèn, màu bùn cùng mẹ đi khắp thành đô. Đôi dép đó mẹ mua hôm gả chị Hai lấy chồng, tính đến nay cũng được hai năm, hết tiễn đứa này đi lấy chồng đến đứa kia đi học, hễ đứa nào về nhà rồi đi, mẹ cũng tiễn chân đến tận cuối đường và đứng nhìn cho đến khi nào khuất dạng.
Thằng út năm nay lên lớp tám, tôi chuẩn bị lên Sài Gòn thi Đại Học, mẹ cũng khăn gối đòi đi theo, tôi trấn an mẹ "có chị ba trên đó, chỉ đưa con đi thi, mẹ lên đó làm gì cho mất công".
Không cho mẹ đi mẹ giận hờn, trách móc, tôi viện cớ đường xá xa xôi để ngăn mẹ lại, mẹ liền trích dẫn chứng "hồi ba mày còn đi lính, mẹ ẵm chị hai mày mới mấy tháng tuổi đến tận chỗ tìm ba, đường xá còn xa vạn lần, xe cộ sang tới sang lui chứ đâu phải đi một mạch như bây giờ, ba mày dời đi đâu mẹ cũng đi đến tận đó".
Thấy ba cười lắc đầu, tôi cũng đành bó tay, thế là bao nhiêu ngày tôi thi trường học cũng là bấy nhiêu ngày mẹ dặm thêm trường đời, hậu phương thì vững chắc mà tiền tuyến như tôi chưa biết ra sao! Một lần nữa cái nón lá và đôi dép lào theo mẹ đến đất Sài thành.
Mẹ khẳng định khi nào mẹ chết thì thôi, chứ nếu còn sống thì dù con cái có lập gia đình, thậm chí có con, có cháu thì đối với mẹ chị em tôi lúc nào cũng còn nhỏ lắm.
Một lần, nghe thằng cháu ngoại 5 tuổi  (con của chị Hai) vô tư kể lại "hôm qua cha con đánh mẹ", tính Trương Phi nổi dậy trong lòng mẹ và muốn đi đến tận nhà để hỏi lý do, ba và cả nhà thuyết phục mãi mẹ mới chịu thôi, cũng chẳng phải mẹ dễ dàng bỏ qua như vậy đâu mà khi hỏi cặn kẽ thằng cháu mới biết : "Cha con đánh mẹ mấy cái? Mẹ con có đánh lại không?". "Cha đánh mẹ một cái, mẹ đánh lại ba, bốn cái luôn"
Đối diện với mẹ, tôi thấy mình nhỏ dại vô cùng, không biết sau này, trong cuộc đời của mình, tôi có thể làm tròn bổn phận như mẹ bây giờ hay không!

Mẹ tôi là như vậy đấy, dù có đi đâu mẹ cũng tình nguyện đi theo, dù có làm gì mẹ cũng tình nguyện làm thay, cho dù đường đi có gập ghềnh, chông chênh, dẫu mẹ chỉ là hòn sỏi giữa non cao hay chỉ là giọt nước giữa đại dương muôn trùng, mẹ vẫn có thể làm tất cả vì con, chỉ với một chiếc nón lá.






....

Polly po-cket