Old school Easter eggs.

Bố và nó

Posted at 27/09/2015

153 Views


Cuộc sống ngày nay như một chiếc tàu điện, người ta đi qua nhau mà chẳng có thể để lại bất kì ấn tượng nào. Đến cả những người cùng một gia đình có lẽ cũng như thế, vì có đôi lúc, người ta quên mất rằng gia đình chính là nơi duy nhất để họ có thể ở lại sau chuyến tàu tốc hành mang tên cuộc đời.
***
Quan hệ của hai bố con nó rất tốt. Đúng hơn là một phía, vì bố nó rất thương con nhưng nó lại chẳng hiểu được điều đấy. Bố con nó có thể ngồi cạnh nhau rất lâu, nó sẽ hát cho bố nghe và bố sẽ ngâm nga theo câu hát của nó. Bố con nó có thể đi với nhau đến công trường, nó sẽ chạy tíu tít và bố sẽ hài lòng nhìn nó ngây thơ. Bố con nó có thể đi qua những khu phố, nó sẽ kể cho bố nghe hôm nay nó học bảng cửu chương ra sao và bố sẽ nhắc nó rằng hình như nó quên bảy nhân ba bằng hai mốt. Bố con nó có thể nghe nhạc cùng nhau, nó sẽ huyên thuyên chuyện ở trường và bố sẽ nhắc khéo nó không được quậy phá.
Đấy là chuyện lúc nó còn nhỏ.
Có ai mà không lớn lên?

Nó dần xa cách với bố cũng như tất cả những người khác trong gia đình khi nó bắt đầu cấp ba. Có những lúc nó với bố chẳng nói với nhau được câu nào, bố quá mệt mỏi với công việc còn nó bận rộn với những cuộc chè chén bạn bè. Nó càng lớn, thời gian dành cho gia đình càng ít đi một cách đáng thương và thời gian với bố lại càng tiết kiệm. Suy cho cùng, bố nó là người ít nói ít thể hiện cảm xúc, mà nó lại thích được chiều một cách công khai. Nó đã không còn hát cho bố nghe nữa. Nó đã đặt một chân lên chuyến tàu tốc hành vô cảm.
Rồi ngày nó vào đại học cũng đến.
Cuộc sống sinh viên trở thành tấm vé cho chuyến tàu đầu tiên của nó, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Từ đó nó gần như cắt đứt liên lạc với bố, nếu bố không chủ động gọi nó tự cho mình cái quyền không cần gọi điện hỏi thăm. Cái lý thuyết muốn tỏ ra mình quan trọng của nó mới đáng chế nhạo làm sao, vậy mà đó là cái nó đã thực hành chuyên tâm những ngày đầu tiên vào đại học. Nó chẳng nhận ra từ lúc nào bố đã mắc bệnh trầm cảm ở thể nặng. Khi nó nhận ra, thay vì thương bố vất vả công việc mà còn bệnh tật, khó chịu là cái duy nhất nó tỏ ra khi ở gần bố. Mặc dù bố vẫn thương nó như thế, lúc nào nó về tủ lạnh cũng có đủ thứ nó thích, loa máy tính vẫn được bảo dưỡng để nó có thể bật vang nhà, và bố sẽ gọi nó xuống khi có bộ phim nó thích. Nó đã không còn huyên thuyên kể chuyện cho bố nghe nữa. Nó đã ở trên con tàu rồi.
Chứng bệnh trầm cảm đánh gục bố.
Nó nhận được cuộc gọi của người chị họ giữa lúc đang ngồi tán chuyện với mấy đứa bạn trên giảng đường, lúc đó nó chỉ lạ sao chị ấy lại khẩn thiết đến thế. Chuyện sau đó như một cơn ác mộng. Nó lờ mờ nhận ra mọi việc khi bị tống lên chiếc xe taxi, đút vội cho hai cái bánh rồi lăn lên băng ghế sau. Đó là lần duy nhất nó đi taxi về nhà. Nhanh hơn tàu nhiều lắm.
Bố tự sát.
Như một cái kết thường thấy cho bất kì người nào mắc chứng bệnh trầm cảm. Mẹ khóc đến ngất đi, anh nó đang ở nước ngoài, nó không thể khóc. Nếu nó khóc thì mẹ nó sẽ ra sao đây, ai có thể cho mẹ nó dựa vào? Nghĩ như vậy, nó cố gắng giữ một khuôn mặt tuyệt đối vô cảm để đối mặt với cơn ác mộng không thể thật hơn này. Ôm bát hương đã lạnh ngắt, nó thật muốn đánh thức bố dậy. Một lần nữa thôi, hãy nghe nó kể chuyện. Một lần nữa thôi, hãy nghe nó hát. Một lần nữa thôi, hãy nghe nó đọc bảng cửu chương. Một lần nữa thôi, hãy đem nó đi chơi. Tất cả chỉ còn là ký ức đẹp. Đến lúc này nó mới hối hận, mới tiếc nuối, mới tổn thương biết bao khi nhận ra rằng bố đã ra đi vĩnh viễn, rằng chuyến tàu của bố đã kết thúc. Nó thậm chí không thể nói lời tạm biệt.
Đã rất nhiều lần, nó hy vọng biết bao đó chỉ là một giấc mơ dài. Khi nó tỉnh dậy bố vẫn ở đây, mỉm cười với nó và sẵn sàng nghe nó thêm lần nữa. Nó níu giữ một cách vô vọng cử chỉ, hình dáng, nét cười và giọng nói của bố. Nhưng cũng chỉ là níu giữ.
Nếu được cho một cơ hội nữa, nó sẽ không bao giờ bước lên chuyến tàu mà sẽ ở lại với bố. Hai bố con sẽ trở lại ngày xưa, khi nó vẫn còn vô tư hồn nhiên và yêu thương bố bằng cả tấm lòng ngây thơ.
Cái gì đã qua sẽ không bao giờ có thể lấy lại được, những người ta yêu thương cũng sẽ có lúc rời khỏi thế giới này. Nếu không thể đừng bản thân không sống vội, vậy thì ít nhất, hãy cố gắng để không phải có lúc hối tiếc vì thời gian dành cho họ không đủ. Nếu chuyến tàu không thể dừng, chúng ta vẫn có thể làm nó chậm lại. Nếu nó không có điểm đến, hãy tìm lại điểm bắt đầu. Hãy để cho điểm đến cuối cùng của bạn là gia đình.







....