Teya Salat

Cha

Posted at 27/09/2015

163 Views


20h30phút, nó vừa kết thúc một cuộc gọi về nhà, và cũng như những lần khác sau khi nói chuyện với mẹ nó muốn được chuyển máy cho cha, nhưng cũng như bao lần trước đó cuộc gọi luôn kết thúc khi nó vừa tạm biệt mẹ.
Nó đã gần 23 tuổi rồi, chưa lần nào nó thực sự gọi một tiếng " cha ơi", 22 năm trôi qua chưa một lần trò chuyện cùng người cha, chưa từng được cha động viên, an ủi hay trách mắng. 22 năm nay, nó không hề được chứng kiến bất cứ cuộc nói chuyện nào giữa cha và mẹ. Gia đình nó không có tiếng nói của người đàn ông.
Nhưng nó luôn có cha bên cạnh mình suốt 23 năm nay, người cha mà nó vô cùng yêu thương, tôn trọng và tự hào. Nó có một người cha đặc biệt.
***

Mẹ lấy cha khi cả hai người đã ở cái tuổi quá lứa lỡ thì. Cha cưới mẹ về khi cha đã 43 tuổi, và mẹ cũng đã ở cái tuổi 33. Hai người không yêu đương thắm thiết, không ân nghĩa nợ nần, chỉ đơn giản hai người xa lạ qua một lần gặp mặt rồi đồng ý cùng nhau dựng gia đình. Mẹ, người con gái nghèo ít nhan sắc nhưng tốt nết, biết chăm sóc nhà cửa được cô nó cưới về cho cha.
Nó lớn lên luôn có cha mẹ bên cạnh, nó có quá nhiều tình thương để quên đi gia đình nó "là hạng cùng đinh" trong làng quê đó, nó có quá nhiều tình thương để trải qua một tuổi thơ hạnh phúc, tình thương cho 3 chị em nó quá dạt dào cho nên chị em nó lớn lên chỉ biết ngẩng mặt nhìn đời mà chưa lần nào phải cúi xuống, tình thương ấy đã giúp 3 chị em nó được " đua đòi đi học" cùng bạn bè từ mẫu giáo, hết cấp 1, cấp 2 và cố bước qua cấp 3, để hôm nay chị nó đã là một kĩ thuật viên xét nghiệm, nó và em gái trở thành sinh viên.
Thế tại sao chưa một lần nào 3 chị em nó thực sự gọi hai tiếng " cha ơi". Nó rất muốn . Thực sự rất muốn một lần đứng trước mặt cha và gọi ông như thế. Một lần gọi " Cha ơi" và cha trả lời nó.
Cha nó khi vừa ra đời bị một căn bệnh hiểm nghèo, để cứu cha, để cha được sống cho nên người ta đã châm vào một huyệt của ông, và từ đó, cha của nó không thể nghe thấy, không thể nói được. Người ta nói ông là một người tàn tật, ông bị "câm điếc".
Không biết từ nào trong gia đình nó luôn tồn tại một thứ ngôn ngữ riêng, ngôn ngữ " kí hiệu". Nó không nhớ là mình đã học những kí hiệu đó bằng cách nào, vào lúc nào, nhưng khi bắt đầu ghi nhận kí ức của cuộc sống xung quanh thì nó đã giao tiếp với cha như thế. Nó sẽ không bao giờ quên, mãi mãi không thể quên những kí hiệu đó, kí hiệu chỉ riêng 5 người trong gia đình nó có thể biết và trao đổi với nhau: Dùng tay thể hiện động tác mái tóc uốn xoăn là đang chỉ về mẹ nó – mẹ có mái tóc xoăn, dùng tay chỉ hành động bị tiêm vào bắp tay là nói về chị nó – chị là kĩ thuật viên xét nghiệm, dùng hai tay nắm lại áp vào hai má là nói về nó – nó là người có đôi má phụng phịnh, dùng tay trái thể hiện điệu bộ bị cong cong là em gái nó – em gái nó năm học lớp 4 bị gãy tay trái và người ta đã cố nắn nhưng cánh tay đó không còn thẳng như trước nữa, những kí hiệu này thay đổi theo thời gian vì những thành viên trong gia đình nó đã trưởng thành và thay đổi. Trước đây, để nói về ba chị em cha nó chỉ cần đưa tay lên ngang ngực tức là chị gái nó, đưa tay ngang thắt lưng chính là nó và em nó nhỏ hơn chỉ cao đến đầu gối, thế còn muốn nói về cha của nó thì dùng kí hiệu gì đây? Không có kí hiệu nào để chỉ cha nó cả, bởi vì những kí hiệu đó là do cha nó đã nhìn thấy, ghi nhận đặc điểm riêng của từng người trong gia đình để cha nó có thể giao tiếp với mọi người, cho nên ông không cần nghĩ ra những kí hiệu để nói về ông. Nó không phải học kí hiệu bởi vì khi cha nó đưa ra kí hiệu của riêng ông thì nó và cha đều biết ông đang nói đến điều gì bởi vì họ là một gia đình chung sống cùng nhau – hiểu nhau, kí hiệu của cha đưa ra với chị em nó cũng chính ra những hành động chị em nó dùng để truyền đạt với cha điều chúng muốn nói. Bởi điều đặc biệt này nên không một ai trên thế giới này có thể hiểu người cha ấy như gia đình ông hiểu về ông.
Cha của nó đối với nó rất đặc biệt. Cha đi làm việc vào những ngày trời mưa gió, cho nên ngày nào gia đình nó cũng hi vọng trời sẽ có mưa. Cha của nó trở về lúc mọi người đã ngủ ngon giấc. Mỗi đêm khi trông ngóng cha đi làm về nó im lặng lắng nghe trong đêm mưa, nó chỉ chờ tiếng chó trong làng sủa là cha nó đang trở về, nó đợi nghe tiếng chiếc xe đạp rung lên khi bước qua cái mương nước đầu ngõ là cha đã đến nhà, bao nhiêu năm nay chưa một lần thay đổi thói quen đó. Một mình cha với chiếc xe đạp cũ kĩ đi về trong đêm mưa, lạnh, sấm chớp, cha chỉ một mình trên con đường ấy bao nhiêu năm nay kể từ khi chúng nó ra đời, cha làm thuê ở một quán bán thịt chó để kiếm tiền nuôi chúng nó đi học. Trong kí ức của nó, khi còn bé mỗi lần chờ cha về để đi ngủ nó luôn chứng kiến cha ngồi ăn cơm một mình, tiếng nhai cơm trệu trạo khó khăn, bóng cha gầy đổ dài trên bức tường đất của căn nhà ọp ẹp. Cha nó có một mùi riêng mà không người cha nào có, cha có mùi của hơi men hòa lẫn mùi thịt chó nấu giả cầy – cha có mùi của công việc. Mỗi đêm khi nó cuộn mình trong chăn bên cạnh cha, áo cha thật lạnh, tay chân cha cũng rất lạnh có lẽ vì ông trở về trong những đêm mưa, nhưng ngực cha rất nóng, ở đó có một trái tim rất ấm áp. Trong đêm tối, nó lắng nghe tiếng cha thở, tiếng thở dồn dập như cuộc đời của ông, một cuộc đời vất vả xô bồ. Nó ngủ quên khi đang cố thở theo nhịp của cha nó. Cha nó không nghiện rượu, không biết bài bạc nhưng cha nó nghiện thuốc lá, có lẽ vì những ưu tư trong cuộc đời cha không thể nào nói ra nhưng không thể biến mất cho nên ông nghiện thuốc lá. Cha luôn ngồi một góc trước hiên nhà hút điếu thuốc của ông lặng lẽ để con gái ông, vợ ông không phải ngửi cái mùi khói ấy. Mẹ nó đã từng một thời mỗi lần đi chợ đều mua sợi thuốc lào về cho cha để ông vấn vào những đầu giấy hút qua mỗi ngày khi mà cuộc sống chưa đủ tiền mua thuốc lá đầu lọc. Rồi mẹ nó cũng khuyện cha bỏ thuốc, bởi tiếng ho của cha hằng đêm làm mẹ lo lắng, bởi thân hình cha quá gầy gò. Nhưng cha nó chỉ xa thuốc được một tháng trời vì đợt đấy ông bị ốm, rồi ông cũng lại tìm về với khói thuốc của ông. Ba chị em nó chưa bao giờ phản đối việc cha hút thuốc, không phải vì không biết thuốc sẽ cướp dần cha nó khỏi bọn nó, nhưng cha nó không nghiện gì cả, cha nó không đòi hỏi gì cả, cha nó chỉ duy nhất thích hút thuốc lá, cha không hút thuốc đắt tiền, cha chỉ hút " cò xanh" " cò đỏ" chỉ 2000đ/ gói thôi, cái sở thích nhỏ đó là nguồn vui mỗi ngày của cha cho nên dù đến mức nào đi nữa ba chị em nó vẫn muốn và tìm mọi cách để mỗi ngày trong túi cha có một gói " cò xanh".
Khi còn bé mỗi dịp tết về cha luôn dẫn chị em nó đi chúc tết các gia đình mà ông quen biết. Bởi vì là gia đình mà cha quen biết nên cũng chỉ là gia đình nghèo, gia đình khá một chút chứ không phải gia đình giàu có. Nhưng tết nào cũng thế hết buổi sáng mồng một là chị em nó lại diện bộ đồ mới nhất mà mẹ đã bán đi vật gì đó để mua cho chúng nó, rồi chúng nó xếp hàng rồng rắn đi theo cha đến nhà những người trong xóm, cha nó không nói câu chúc tết đầu năm mà chỉ đến rồi cười cười và bắt tay những người trong xóm, rồi ông chỉ vào những đứa con đi cùng và ra kí hiệu khoe rằng ông có 3 người con đây là đứa lớn nhất, đây là đứa thứ hai, và đứa cuối cùng đang ở nhà, ông ở lại mỗi nhà một lát chờ đợi họ lì xì cho con của ông. Quà lì xì ngày đó của chị em nó có thể là một bát cốm, một cái bánh chưng, 2 trăm đồng, 5 trăm đồng có nhà hào phóng thì được hẳn 1000 đồng. Chị em nó vì bé và ngây thơ cho nên chỉ thực sự hào hứng khi được nhận tiền lì xì, nhưng cha nó thì khác ông chỉ cười nhẹ nhành khi con gái ông được lì xì, ông trầm ngâm khi bước ra khỏi nhà nào đó mà trên mặt con của ông đưa nào cũng ỉu xìu. Không phải ai cũng vui mừng khi cha con nó đến nhà chúc tết, nhưng không sao cả, vì con ông còn bé quá chúng không để ý điều này, và ông thì quá quen với sự khinh khi của mọi người. Nhưng nó và cha đều thích những ngày tết bởi vì cuối ngày khi trở về nhà, cha và con luôn có chiến lợi phẩm mang về cho mẹ, mẹ cầm những cái bánh chưng cất vào một cái thúng để ăn dần. Nó và chị luôn ngồi đếm tiền lì xì trước bếp than, tiền càng đếm càng thấy ít đi vì chúng nó mải mê quá quên mất than đang cháy rất hồng. Chúng nó nghèo cho nên ngày tết mới có dịp được ngồi đếm tiền riêng, những đồng tiền do chúng mang về nhưng tiền đó sẽ được dùng vào học phí của chị em nó – đó như quy ước không ai đặt ra, không ai thắc mắc, mọi người đều hiểu phải là như thế. Nhưng tháng năm ấy không thể còn mãi mãi bởi con gái ông đã lớn lên, chúng đã bắt đầu hiểu vì sao tết chúng nó lại đi đến nhà người ta chúc tết, chúng nó đã biết suy nghĩ cho nên không còn những ngày đi " xin" tiền lì xì nữa. Bây giờ tết về cha nó buồn, vì con gái cha không còn lẽo đẻo theo cha nữa.
Thật may mắn bởi mẹ nó cứ mặc kể lời chê cười mà kiên trì cho chúng nó đến trường, bà cho con đến trường bởi cuộc đời của bà và chồng bà đều thất học cho nên mới vất vả. Mẹ nó cho chúng nó đi học chỉ với ước muốn nhỏ thôi là biết cộng trừ nhân chia để không bị cuộc đời lừa gạt, biết đọc biết viết để đôi khi ở xa nhau có thể viết cho nhau những bức thư thăm hỏi. Chỉ là bà không thể ngờ con của bà càng học càng khiến bà " tham lam", con bà quá ham chữ nghĩa cho nên bà tham lam muốn nó không chỉ hết cấp 1, mà còn muốn nó qua được cấp 2, rồi lại muốn chúng nó được vào cấp 3 và muốn chúng nó đi đại học. Chị em nó cứ đi học như một lẽ tự nhiên rằng bạn bè mình được đi học thì mình cũng đi học thôi, chị em nó không biết rằng " mình cũng đi học" những từ đó đã đem lại cho cha mẹ cuộc sống khó khăn hơn, vất vả hơn. Nó từng nhìn thấy mỗi lần mẹ bán lợn cầm tiền trên tay, cha đều muốn cả nhà có một bữa ăn ngon, nhưng không lần nào cả nhà ăn ngon cả, bởi số tiền đó đã " đi học" cùng con gái của cha rồi. Nó học khá, cho nên cuối năm học nào cũng mang về nhà giấy khen, giấy khen của nó được dán trên tường nhà nơi cha con nó nằm ngủ, khói bếp đã nhuộm đen vào những tờ giấy đó, 22 năm rồi nó vẫn còn nhìn thấy mờ mờ nét chữ " đạt học sinh tiên tiến – lớp 1A". Cha luôn làm nhiệm vụ gián giấy khen của nó, cha nó thích thú với công việc đó, cho nên có năm nó quên đi tờ giấy khen của mình ở đâu đó, và cha đã tìm tất cả mọi nơi để kiếm lại và dán lên tường, nó nhớ có lần vì thành tích của nó tốt mà nó được rất nhiều giấy khen, nó không muốn dan chúng lên tường nữa việc được giấy khen quá bình thường rồi, ngày hôm đó nó và cha đã tranh cãi vì cha nhất định phải dán hết những giấy khen đó lên tường. Cha nó không biết chữ nhưng cha nó biết tờ giấy đó là điều mà ông nên tự hào về con của ông, vì thế mà mỗi lần có khách vào nhà ông luôn kéo tay họ vào xem bức tường đó, bức tường có niềm tự hào của ông. Cha không biết chữ nên không đọc được hai chữ " giấy khen" bởi thế đối với ông tất cả giấy tờ con gái ông mang về nếu có dấu tròn màu đỏ ở cuối góc bên phải thì đều là giấy khen, nó biết cha định nghĩa giấy khen như thế cho nên không biết bao lần nó phải dấu đi những tờ thông báo.
Ngày nó đỗ đại học, nó vui mừng – mẹ nó vui mừng – cả nhà nó vui mừng, nhưng cha nó không vui mừng, bởi vì nó không biết phải ra kí hiệu với cha như thế nào về những chữ " con đã đỗ đại học". Nó mừng nhưng nó thương cha nó, tại sao cha không thể có được cái quyền tự hào về nó, tại sao cha không thể khoe với mọi người rằng con gái ông đỗ đại học, tại sao không ai có thể giúp cha hiểu rằng " cha ơi, điều này còn hơn cả bức tường đầy giấy khen kia nữa". Ngày nó sắp đi, nó đã ra kí hiệu với cha rằng nó sẽ đi xa, nó đi xa để học, đó là tất cả những thông tin mà nó có thể nói với cha mà nó biết cha sẽ hiểu. Cha nó hiểu cho nên, ngày nó đi cha dúi vào tay nó một trăm ngàn, cha nó cùng chị đưa nó đi bắt xe khách và đứng ở ngoài nhìn nó đang chen chúc trên chuyến xe của những ngày nhập học đầu năm, xe lăn bánh đi, cha đứng nhìn... cha chỉ nhìn... ánh mắt ấy nói rằng ông nhớ nó, ánh mắt ấy nói rằng từ bây giờ ông bắt đầu lại mong chờ đến ngày tết không phải để đưa nó đi chúc tết, mà để nhìn thấy nó trở về. Trên chuyến xe ấy, nó mang đi một nỗi mong chờ, một niềm tự hào, và cả lòng hi vọng. Trên chuyến xe ấy, nó đã khóc, nó khóc không phải vì lần đầu nó xa nhà, nó khóc vì nó đã không thể thi tốt hơn, nó khóc vì nó không thể nói một lời nào với cha, nó khóc vì đến bây giờ nó đã ra khỏi vòng tay cha mẹ, nó khóc vì biết ở nơi ấy, trong căn nhà tranh liêu xiêu ấy cha mẹ nó cũng như nó họ đang khóc vì đứa con ấy đã trưởng thành.
Nó thương cha bởi vì mỗi lần nó gọi điện về nhà nói chuyện, nó chỉ có thể gặp mẹ, gặp chị, gặp em nhưng không bao giờ gặp cha. Nó biết cha nó có ở đó, cha nó đang ngồi ở đó nhìn mẹ nghe điện thoại, cha nó biết nó đang gọi về, chắc chắn cha nó cũng muốn cầm lấy điện thoại và nói với nó – nghe nó hỏi thăm, nhưng đó là điện thoại ông không có cách nào ra kí hiệu cho con gái ông hiểu qua chiếc điện thoại đó, cho nên ông luôn ngồi nhìn những người trong gia đình nghe điện thoại, và nắm hai tay đưa lên đôi má rồi chỉ vào điện thoại, cha đang hỏi có phải nó gọi điện về không? Cha đưa tay ra không trung ra kí hiệu rằng sắp đến ngày nổ pháo hoa rồi, còn 3 lần đưa ra 10 ngón tay nữa là ngày con gái cha trở về. Nó bước vào năm thứ 5 đại học thì cha nó cũng bước qua 5 năm ngồi nhìn điện thoại và đếm ngày nổ pháo hoa.
"Cha ơi! Con tự hào về cha, con kính trọng cha bởi vì cha là cha. Bao nhiêu lần con tự hỏi làm sao mà cha có thể biết được rằng mỗi lần đi làm về nên đưa tiền cho mẹ? làm sao mà cha biết được không bao giờ được đánh mẹ và con? Làm sao cha cứ cố nhường những món ngon trong bữa ăn cho bọn con? Cha luôn về nhà ăn cơm mẹ nấu dù mẹ nấu không ngon. Cha thỉnh thoảng lại dấu mẹ một khoản tiền nho nhỏ để mua về một món ăn và nói dối rằng của người quen nào đó cho. Người ta nói rằng đó là truyền thống của những ông bố, nhưng cha khác những ông bố khác, cha không thể đọc, cha không thể nghe thì làm sao cha biết những truyền thống ấy, ai đã dạy cha và họ phải dùng những kí hiệu gì để diễn tả những điều ấy? Không ai cả, không ai có thể dạy cha điều đó. Tất cả là tấm lòng người cha, một tấm lòng thương vợ con, một tấm lòng muốn che chở, bảo vệ và lo lắng cho gia đình. Tấm lòng đó không phải được dạy bảo, không phải bắt chước theo xã hội, không phải là tiếp nối truyền thống của ông những ông bố, đó làm " bản năng của một người cha".






....