Snack's 1967

Người anh hùng

Posted at 27/09/2015

208 Views


Anh chỉ là một thằng hèn, vô tích sự. Mẹ anh đã dành trọn cả tấm lòng tha thiết để nuôi nấng anh trưởng thành, lại phải lo cho đứa cháu nửa đời còn lại. Một người mẹ nghèo nhưng luôn chứa chan tình cảm, vẫn luôn hướng về con ; còn anh đã làm được gì theo đúng đạo làm con ngoài sự trách cứ, làm tổn thương, đau khổ cho mẹ mình.
***
Cái ngày mà hắn chìm trong tâm trạng trầm lắng nhất, vắt tay lên trán nhìn ra ô cửa nhỏ như tầm tay, ánh trăng phản chiếu một luồng thẳng tắp qua gương mặt đang u sầu. Đưa tâm hồn ra khỏi phòng trại giam, giương ánh mắt long lanh giọt lệ muốn rớt rơi nhưng không thể tuôn chảy. Nghĩ đến một thời tung hoành trên giang hồ trong dĩ vãng, để giờ lại co rúm trong buồng tối, nỗi nhớ da diết người yêu đã chia xa khi phải nghe theo lời cha mẹ, để tìm một hạnh phúc thực sự hơn là một thằng côn đồ như nó. Rồi những thằng anh em một thời luôn coi như là 'homie' quay đi khi đời hắn sa cơ. Đủ chuyện buồn là thế, thằng đại ca một thời cũng có lúc phải để cho lệ rơi trong màn đêm u tịch, nhưng tuyệt nhiên không có chỗ cho hai đấng sinh thành bởi chữ hận quá lớn, lấn át cả lí trí lẫn con tim.

Sài Gòn trong tiết trời mùa thu...
- Sắp đến dịp 2-9 rồi, tụi mày có dự định gì không? – Đứa nhìn có vẻ bặm trợn nhất trong đám "lâu la" cất tiếng hỏi.
Từ tốn nhấm nháp giọt cà phê đắng bên vỉa hè phố, Thất Ca đáp lại trong giọng ồ đặc:
- Đi xuống miền tây chọi gà kiếm tiền nhậu chơi đi!
Cả đám có vẻ khoái trí cười đùa làm huyên náo cả quán, bỗng lắng lại khi có một người góa phụ đã ngấp nghé tuổi thất tuần tiến lại mời chào.
- Mấy chú mua giùm cho lão tờ số, chiều nay chắc trúng to! - Giọng bà vừa nhỏ vừa run run trong tiếng còi xe qua lại bên đường.
- Số siết gì bà ơi? Bữa qua trật cả chục tờ vẫn còn ấm ức đây nè, nghĩ lại mà phát bực cả lên.
Rồi cả đám lại trở về cuộc tám chuyện khi nãy sau lời cằn nhằn của Thất Ca, không thèm đếm xỉa tới mặc cho bà lủi thủi quay đi. Được mấy bước thì ngoảnh lại nơi dưới chân họ, sau một hồi nhìn chầm chầm vào đấy bà lại tiến đến gần làm bọn chúng phải gắt lên.
- Cái bà già này, mời gì mà nhiệt tình thế? Phiền quá rồi đấy.
Nhưng bà vẫn cố nở nụ cười đầy hiền hòa, bờ môi nhạt đã bắt đầu có nếp không thể che đi được hàm răng nhuộm màu trầu. Lúc này bà mới bắt đầu cất lời sau khi tên ấy đã mắng xong.
- Lão chỉ muốn lượm cái vỏ lon nước ngọt ở dưới chân mấy cậu thôi, xong sẽ đi ngay.
Rồi nhẹ nhàng cúi xuống nhặt lấy bỏ vào chiếc túi ni lông đã đựng sẵn dăm ba chai nhựa, tấm lưng còng đã hao mòn theo thời gian làm cho động tác ấy thật khổ sở. Xong lại lặng lẽ bước đi, dáng người lụm khụm rời khỏi nơi ấy sau tiếng xì gió của bọn họ, đi đến những nơi khác để bán vé số, đồng thời tranh thủ lượm thêm ve chai để bán. Văng vẳng bên những tiếng cười đùa của bọn thanh niên ấy là tiếng rao hàng của bà với xấp vé số trên tay đong đưa qua lại vẫy mời khách, tựa như vòng tay từ biệt kí ức đẹp đẽ mà ít nhiều một đời người từng bước qua, lãng quên đi bao dấu yêu xa vời.
- A! Bà về rồi. Chiều nay bà có mua cơm hộp cho cháu không?
Đứa cháu vội chạy ra khỏi gầm cầu mừng bà nội trở về khi bóng hoàng hôn vừa kịp dứt.
- Bữa nay cháu ở nhà chơi với các bạn có ngoan không?
- Dạ ngoan. Mà bà có mua cơm không ạ?
Phải để đứa cháu nhắc lại lần hai thì bà mới sực nhớ đến túm đồ ăn để lẫn trong bao ve chai. Chưa kịp nói thì đứa cháu mới lên năm đã chạy đến lục lọi và móc ra một bọc đồ ăn ít ỏi của cả hai bà cháu.
- Ôi! Lại là bánh mì nữa. Cháu ngán lắm rồi. - Nó nhăn mặt lại khi bị mất hứng.
- Cháu ngoan của bà, rồi ngày mai bà đem đống ve chai này đến vựa đổi lấy tiền sẽ mua cơm cho mà. - Bà nói trong vẻ không chắc chắn, nhưng vẫn cố tỏ ra lạc quan cho đứa cháu thơ được an tâm.
- Bà hứa rồi đó nha.
Rồi đưa ngón tay nhỏ bé đen rám nắng ra để ngoéo tay với bà. Quay mặt ra ngoài kia, nơi dòng sông hắt ánh đèn sang từ trên cầu tấp nập dòng xe cộ nườm nượp qua lại. Mắt bà nhíu lại làm dồn dập những nếp nhăn, đôi môi khô nẻ mếu máo với một sắc mặt buồn tẻ đầy lo toan. Bỗng có tiếng ai đó cất lên gọi, nhìn ra bên ngoài lờ mờ không rõ nhân ảnh, nhưng cũng kịp nhận ra được đó là cô Tư ở khu trọ xóm ổ chuột gần đó sang thăm.
- Cô đến chơi đấy à? Quý hóa quá.
- Dạ, thím mới đi làm về luôn à, sao trễ vậy ? Còn bé Ni sao nhìn mặt ủ rũ thế kia? - Cô Tư bước đến ân cần hỏi han.
Thấy thế, bà ghé tai khe khẽ : 'Nó giận vì tôi không mua quà cho nó đó mà, không sao đâu'.
- Tội nghiệp chưa ! Mới hồi chiều đây còn đùa giỡn với bé Thanh nhà cô giờ đã bí xị thế này rồi. Lại đây cô bảo này !
- Ồ ! Gì đây cô ? - Ni reo lên trong vui sướng.
- Bánh trung thu người quen tặng đó, nhiều quá bé Thanh ở nhà lại ăn không bao nhiêu nên bảo đem chia bớt cho bạn Ni.
- Dạ, con cảm ơn cô, cả bạn Thanh nữa.
Nhìn điệu bộ hạnh phúc ấy của bé Ni mà bà cảm thấy yên lòng. Đi cùng cô Tư ra phía ngoài trò chuyện cho mát mẻ, bà cảm mến vô cùng vì được cô ấy đặc biệt quan tâm đến đứa cháu.
- Bữa nay bán được chứ thím Sáu ?
- Cũng tàm tạm thôi cô à. Lãnh có trăm vé mà đến chiều trả lại cho đại lí đến hơn phân nửa.
Thấy ánh mắt cô Tư như đang đồng cảm với cảnh ngộ và lắng nghe, bà Sáu như muốn xua đi cái không được vui đó, cũng làm vẻ như ổn hơn.
- Tôi thì vừa bán vé số vừa lượm ve chai nên cũng kiếm được chút ít phần thu nhập.
- Thím như vậy là phấn đấu lắm rồi. Con cũng thấy mừng cho thím.
- Giờ còn một chút sức lực thì phải cố gắng chứ, kiếm được đồng nào hay đồng đó. Nhưng không biết đến khi nào mới có đủ tiền để ra Móng Cái mà thăm "nó".
Đến đây, cả hai như lặng đi cùng cảnh đêm khi nghĩ đến Long, con trai bà Sáu. Ngày ấy Long sống buông thả, mới mười lăm tuổi đầu đã bỏ nhà đi bạt để thỏa mãn cái tuổi trẻ. Bao năm lăn lộn ngoài giang hồ để được làm đệ người ta, đua đòi thích tạo dựng tiếng tăm rồi vươn lên làm đại ca sau những cuộc thanh trừng lẫn nhau với các băng đảng cộm cán. Và cái kết là nó đã đánh trọng thương người ta để rồi phải ngồi tù. Bỏ lại cha mẹ già cùng đứa con thơ dại, người vợ hờ đã đem trả lại con cho bà Sáu nuôi rồi theo "tiếng gọi lạ" khi Long đang thụ án. Trước kia nhà bà Sáu cũng không đến nỗi khổ, nhưng phải lo chạy án cho Long, rồi sau vụ xét xử phải bồi thường một khoản tiền không nhỏ cho bên bị hại. Và thế là nhà tan cửa nát bởi cái giang hồ xưng bá của Long (tự Long Cưu).
- Thôi! Chuyện đã lùi về quá khứ rồi còn nhắc đến mà làm chi? - Bà Sáu cố xua đi cái không vui ấy.
- Vâng, cháu hiểu mà.
Như thấu được nỗi lòng người mẹ, ánh mắt cô Tư rười rượi trong nỗi buồn. Rồi bà Sáu lặng lẽ quay trở vào gầm cầu sau khi chào biệt cô hàng xóm.
. . . .
Ngày 2-9 qua đi, những tù nhân được chủ tịch nước ân xá trở về với xã hội trong niềm hân hoan của thân nhân, bạn bè. Nhưng Long lại không nằm trong số đó, sự tức tối lẫn ganh tị hừng hực, dù năm tháng qua đã cố gắng cải tạo tốt nhưng lại chẳng được gì. Ôm hận, để rồi vào một ngày nọ hắn cùng với mấy tên bạn tù giam cùng buồng bàn bạc vượt ngục. Sau vài ngày lên kế hoạch, nhưng bọn họ vẫn thụ động, mãi dậm chân một chỗ trong tù vì chưa có được hướng đi. Nhưng điều đó không làm nản sự khao khát bầu trời ngoài kia của chúng, kế hoạch đào tẩu vẫn luôn âm ỉ cháy trong tâm trí, đợi một ngày cơn gió vô tình đi ngang qua làm bùng lên.
Trong một đợt lao động ngoài trời, đang đào xới đât trồng cây xanh thì Long phát hiện một chiếc lưỡi lam cũ ẩn dưới lớp đất đá, hắn vội lanh tay cho vào túi đem về. Ngày này qua ngày khác chúng thay nhau cưa mòn thanh sắt chắn cửa bằng lưỡi lam đã gỉ séc ấy. Được một thời gian thì bị gãy do hao mòn khi đang trong quá trình cưa dở, tưởng chừng toàn bộ kế hoạch phải chuyển sang hướng khác nhưng Long Cưu đã nghĩ đến việc xin lưỡi lam khác để cạo râu.
- Được không anh Long? Nội quy ở đây nghiêm ngặt lắm, chỉ e bọn quản giáo sẽ không cho đâu.
- Tao cũng nghĩ đến điều đó, nhưng cứ thử xem sao. Một vật dụng cá nhân thường nhật như vậy chắc cũng không vấn đề gì mấy.
Rồi hắn giao nhiệm vụ này cho Tống "đất cảng", một tên râu ria bồm xồm, tưởng chừng khó khăn nhưng cuối cùng tên ấy cũng thuyết phục được.
- Rắc! Rắc!
Rồi tiếng cót két lại vang lên sau một lúc. Tiếng gì đấy nghe như vật bị gãy. Khẽ khàng, tiếng động như cố không muốn vang bật, phải một hồi lâu mới vọng lên lại. Đêm khuya hòa với tiếng dế gáy vang ngoài kia làm nên nét rất riêng của kẻ thức trong đêm dài. Và rồi âm thanh lạ ấy không nghe nữa sau hồi lâu, mà lại nghe tiếng rón rén của những kẻ vượt ngục. Thanh sắt cửa tù đã bị gãy đoạn qua nhiều ngày cưa cắt của đám tù nhân do Long cầm đầu, khoảng chừng đâu bốn tên.
Cứ thế, chúng phân công cho nhau cưa cắt cho đến khi sắp đứt lìa chỉ còn lại một chút kết dính thì bắt đầu cuộc đào tẩu. Đó là thời điểm chin muồi và đêm nay bầu trời không trăng không sao như một điều thuận lợi...