Snack's 1967

Bệnh viện u ám

Posted at 28/09/2015

246 Views

Lấy hết can đảm, tôi nhấn nút điện thoại, màn hình sáng quắc ...
Tim tôi lần này vỡ toang thật rồi!
Ánh sáng phát ra từ màn hình điện thoại khiến tôi nhận ra, không có ai trốn hay núp dưới chân giường của mình cả, nhưng có một thứ khác.
Là một chiếc áo blouse trắng rơi ngay dưới chân giường!
Dù vẫn may mắn chán khi không phải là một ai đó trốn ở đây, nhưng cảnh tượng này cũng đủ tôi đau tim phát khiếp!
Tôi rọi điện thoại khắp xuống phía dưới các giường bệnh nhân khác, không có gì, cũng chẳng có ai cả. Cả căn phòng vẫn im lìm như không có điều gì xảy ra, tiếng ngáy vẫn kêu khe khẽ như hòa nhạc. Mọi người đều chìm vào một giấc ngủ say, chẳng một ai hay biết cái thằng bệnh nhân mới nhập viện này chuẩn bị đột tử vì hoảng sợ!
Tôi chẳng dám sờ hay nhìn thêm một lần nữa vào cái áo đấy, vội vàng xoay lại người, trở về tư thế nằm thẳng cẳng trên giường, lần này mắt mở thao láo, không dám nhắm lại. Tất cả những chuyện này là sao? Sao lại có nhiều điều xảy ra với tôi chỉ trong một buổi tối vậy?
Nào là nhìn thấy bóng áo trắng như hồn ma lởn vởn ngoài cửa sổ.
Nào là bị ai bóp cổ trong khi chân tay không tài nào cử động được, cũng may có tiếng ồn của khung cửa sổ giúp tôi choàng tình.
Rồi bây giờ là một cái áo blouse trắng vứt ngay dưới giường mình?
Có phải, tất cả những điều vừa xảy ra, đều là do cô y tá đã tự tử kia gây ra? Là cô ta đi lại trong sân bệnh viện? Cô ta bóp cổ tôi? Áo của cô ta?

Buổi sáng, khi mặt trời vừa mới ló rạng, ánh nắng xuyên qua những đường chớp cửa sổ đánh thức cả phòng bệnh. Tôi tỉnh dậy, không ngờ đêm qua rốt cuộc mình vẫn chợp mắt được một lúc. Vội vàng nhìn quanh, đã thấy bác gái nói chuyện với tôi hôm qua đã ở ngồi bên cạnh giường, đang lau mặt mũi cho cậu con trai. Nhìn thấy tôi đang nhìn bác, bác tươi cười nói:
- Cháu dậy rồi đấy à? Miệng thì bớt sưng rồi mà sao mặt mũi xanh thế? Không khí bệnh viện khó chịu lắm đúng không? Thằng con bác ở được hai tuần mà người ngợm sụt đi mấy cân, xót đứt cả ruột.
Thấy bác gái hay hỏi han, quan tâm đến mình, tôi tỏ ra vô cùng biết ơn, trong lòng chỉ mong ngay lập tức được kể chuyện rùng rợn đêm qua cho bác. Như đọc thấy ánh mắt tôi có tâm sự, bác nghiêm mặt lại, ân cần hỏi han:
- Có chuyện gì thế cháu? Đêm qua cháu không ngủ được à?
- Bác, có chuyện này cháu muốn kể với bác ... Cháu ...
- Cháu làm sao, cứ kể cho bác nghe.
- Hình như đêm qua cháu gặp ma. Hình như có người bóp cổ cháu, muốn cháu chết bác ạ.
- Hả, cái gì cơ, thằng này lần đầu nằm viện nên sợ quá đâm ra lú lẫn hả cháu? – Bác ngạc nhiên rồi bỗng dưng cười lớn – Hay là cháu bị bóng đè rồi, hồi bé thằng con nhà bác hay nghịch ngợm rồi tối về cũng bị y như thế đấy, cứ tưởng tượng mình bị ai bóp cổ mà không chống cự được. Cái này nhiều người gặp rồi mà, can tội ban ngày hay nghĩ ngợi sợ sệt cho lắm vào!
Nghe bác nói mà tôi ngớ người. Hay có thể là vì tôi bị bóng đè thật? Lần đầu nhập viện, lại bị nghe câu chuyện của cô y tá tự tử, rồi thấy bóng ma thoăn thoắt ngoài cửa sổ, phải chăng tôi thần hồn nát thần tính rồi? Nhưng còn cái áo blouse trắng thì sao? Tôi ngó xuống giường, nó đã biến mất.
- Cháu còn nhìn thấy một cái áo trắng ở dưới giường cháu cơ bác à, nhưng giờ thì đã không thấy đâu rồi bác ạ.
- Ôi dào, chắc là mấy cái áo các cô y tá để quên thôi mà. Chiều qua lúc cháu ngáy khò khò, bao nhiêu bác sỹ y tá vào đây hỏi han xem bệnh tình cả phòng như thế nào. Thấy cháu vừa mới ngủ được, bác bảo để yên, thằng bé này vừa mới chợp được mắt nên họ không lay cháu dậy hỏi thăm. Chắc là đông quá có người để quên áo thôi.
Tôi nghe bác nói mà trong lòng thở phào nhẹ nhõm. Hóa ra là vậy, nếu xét việc bị bóng đè là một loại bệnh dân gian, có thể hiểu được thì cái vụ áo blouse trắng kia là sự việc hiển nhiên rồi, không phải có ma ám gì ở đây cả. Phải chăng vì ngay khi nhập viện đã nghe thấy chuyện có người tự tử mà tôi đã áp đặt nó vào mọi điều khó hiểu đã xảy ra không? Tôi thần hồn nát thần tính quá rồi. Nhưng còn bóng áo trắng, cái bóng đó thì sao? Chắc chắn vụ này thì bác gái không thể giải thích được, bác lúc đó đã về rồi còn đâu!

***
Mẹ gọi điện bảo hôm nay không thể vào thăm tôi được, cả ngày hết làm lụng vất vả, chăm lo cơm nước cho cả nhà, đến chiều tối còn phải dắt em gái tôi xin nhập học thêm. Mẹ dặn tôi ở trong đó phải nằm nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, nghe lời bác sỹ y tá, ăn uống đầy đủ thì mới chóng khỏe được. Gớm, mẹ nói cứ như tôi vẫn là con nít không bằng! Tôi dặn mẹ không cần phải báo cho bạn bè rằng tôi đang nhập viện.
Tôi chơi không thân lắm với bạn học, trường hiện đang theo học là trường dân lập, toàn những đứa giàu có, có đứa còn chảnh chọe khó chịu, khiến tôi không tài nào chơi nổi. Còn bọn bạn cũ đã tha hương tứ xứ, đứa đã đi làm, đứa vào Nam học, nhưng nhìn chung đứa nào cũng vất vả lăn lộn để sống. Phố nhà tôi nghèo, được gia đình tạo điều kiện học hành tử tế mà không phải nhúng tay vào việc kiếm tiền, vậy mà giờ còn ốm yếu bệnh tật tốn không biết bao nhiêu viện phí, tôi càng thương càng xót cho bố mẹ hơn bao giờ hết.
Nghe lời mẹ dặn, tôi ngoan ngoãn ăn đủ các bữa, tiêm thuốc tử tế, nằm dài cổ chờ truyền cho hết một chai nước, cả ngày chỉ biết nằm quẩn quanh trên giường với đủ mọi tư thế, đọc nát cả số sách báo mẹ mang vào. Tôi vẫn không quên ngắm các cô y tá ra ra vào vào phòng bệnh, nhưng mãi mà chẳng thấy cái cô xinh đẹp lần đầu tiên đến đọc bệnh án cho tôi đâu cả. Thật thất vọng. Trong bệnh viện mà có người như thế hỏi thăm bệnh nhân, chẳng phải là tinh thần người bệnh nào cũng rất vui vẻ phơi phới, ngoan ngoãn nghe lời cán bộ hay sao?
Thế rồi cũng đến đêm, và đêm nay vẫn có bóng đá. Tôi sực nhớ đêm qua mình đã bỏ lỡ, hôm nay tôi quyết tâm phục thù. Nhưng đến lúc 1h đêm, khi các bệnh nhân khác đã nằm yên một chỗ, đắp chăn ngủ ngon lành, tôi rón rén chạy ra nhấn nút bật TV, thì ôi thôi, bệnh viện đã rút phích hay giật cầu dao ổ điện cắm TV ra rồi.
Vẫn không muốn phải bỏ lỡ những trận đấu đêm nay, tôi quyết tâm ra khỏi phòng tìm bằng được chỗ xem bóng. Bác sỹ thì cũng là người, chẳng lẽ không ai có đam mê với môn thể thao vua hay sao?
Nhẹ nhàng nhón chân mở cửa phòng, tim tôi bắt đầu đập nhanh hơn khi hành lang dài hun hút chỉ có vài bóng đèn bật sáng lờ mờ. Bệnh viện gì mà tiết kiệm điện tối đa, bệnh nhân nào mà đi tiểu nửa đêm chắc cũng cố nhịn đến sáng mất, tôi thầm nghĩ. Tôi không xỏ dép, đi chân trần cho đỡ gây tiếng động, đang bước được vài bước thì trước mặt, cảnh tượng cũ lại hiện ra ...
Một bóng áo trắng lướt rất nhanh ở phía cuối hành lang, ẩn hiện trong ánh đèn u ám ...
Hình như bóng ma ấy,
Cũng nhìn thấy tôi??!
Bóng ma dừng lại, nhìn tôi một, hai giây. Trong khoảnh khắc đó, chắc chắn là tim tôi đã ngừng đập, đến cả hơi thở của mình mà tôi còn không nhận ra nổi. Bàn chân trần lạnh toát trên nền hành lang, tôi đứng phỗng không hiểu phen này mình sẽ phải giải thích như thế nào trong câu chuyện đêm nay.

Ngay sau đó, bóng ma lại tiếp tục lướt đi tiếp, bỏ mặc tôi vẫn đứng đó trăn trối. Phải đến một lúc sau, tôi mới định thần lại, vội vàng tháo chạy về phòng.
Vừa mới sờ tay vào nắm cửa, cửa đã tức thì mở khiến tôi đổ nhào về trước, má đập vào sàn đau điếng. Lồm cồm bỏ dậy, nhìn thấy một bóng người cao lớn bệ vệ, mặt chằng chịt những vết thương, mặt biến dạng toàn tập, mắt sưng húp đến nỗi trông chỉ như một viền kẻ, tóc râu ria lởm chởm, trông khiếp sợ hơn cả tử thần, tôi bụm chặt miệng ngăn không cho mình hét lên.
Nhìn thấy gương mặt tôi khiếp đảm, bóng người mở miệng giận dữ:
- Đi đứng cho cẩn thận vào chứ, đi vệ sinh mà cũng không yên.
Nói rồi anh ta khó khăn bước đi, để lại tôi vẫn chết đứng như vậy tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra. Lúc bước về giường, thấy giường bên cạnh trống, mới phát hiện ra người mà tôi vừa đụng độ là anh chàng có bà mẹ hay nói chuyện với tôi. Bình thường anh ta hay nằm im, chẳng lần nào tôi dám nhìn rõ mặt, nên trong đêm nhìn thấy gương mặt chi chít vết thương của y, không khiến tôi khỏi ghê sợ.
Tôi nằm lên giường, giả vờ ngủ, một lúc sau nghe thấy tiếng mở cửa và bước chân, đoán là anh ta đã trở vào. Tôi định mở miệng hỏi xem anh ta có thấy bóng áo trắng nào ở ngoài đấy không, nhưng nhớ lại vẻ mặt trông như ác quỷ cộng với giọng nói hằn học vừa nãy, tôi lại co rúm người, nghĩ mình im lặng cho lành.
Vậy là, không bóng bánh, không giải trí buổi đêm, đã thế còn lần thứ hai gặp ma. Đêm nay, nếu còn bị bóng đè lần nữa, có lẽ bằng mọi cách tôi sẽ xin mẹ xuất viện ngay lập tức, dù là gọi điện thoại trong đêm.
***
Sáng hôm sau, tôi mới biết mình ngủ say đến mức cô y tá lay dậy mấy lần ăn cháo mới thèm tỉnh dậy. Ở giường bên cạnh, cái môi phồng rộp của chị đang mang thai vẫn không có gì biến chuyển, nhưng xem ra bà bầu này không hề hấn gì, ăn cháo mà húp sồn sột không chút đau đớn.
Bên tay phải, bác gái đã đút cháo cho anh con trai, tay cầm thìa tay cầm giấy ăn, cứ hết một thìa lại lau quanh miệng cho con, trông thật tảo tần. Còn tôi, nhìn thấy cốc cháo chẳng khác gì hai ngày qua mà ngán ngẩm, định bụng nhịn hẳn còn ngon hơn. Tuy nhiên, cứ tưởng tượng ra mũi tiêm đau điếng của các cô y tá lại thấy bản thân nếu không ăn chắc sẽ chết ngất ngay trên giường mất.
Nghĩ vậy, mở ba lô vật dụng ra, tôi lục tìm cái ví, quyết định đi mua bánh trái hay hộp sữa ăn cho có sức mà chống cự với bệnh tật.
Đi đến hành lang, tôi cúi thấp đầu để các cô y tá ở bàn trực không nhìn thấy mình (bệnh nhân mà ra khỏi khu chữa bệnh là bị hỏi han ghê lắm). Ai dè mấy bà cô này cũng đang mải tán chuyện, chẳng để ý ai với ai. Đang định lủi nhanh, bỗng dưng có một cô cất giọng nói làm tôi đứng hình:
- Em mới vào làm nên không biết đó thôi, bệnh viện mình vừa có một cô y tá treo cổ tự tử, nghe đâu trông thảm thương lắm, nên chỗ mình bây giờ mới u ám như thế. Chứ như hồi xưa, mọi người vui vẻ hòa nhã hơn nhiều.
- À thế hả chị? Nhưng sao cô y tá kia lại chết ạ? Mà có chắc là tự tử không chị, nhỡ có người hãm hại thì sao, em thấy ...
- Suỵt, be bé cái miệng thôi. Vụ đấy các bác sỹ bảo thế thì biết thế, chứ ai mà chả đàm tiếu này nọ...