Insane

Từng có một người yêu tôi như sinh mệnh

Posted at 27/09/2015

736 Views

Bây giờ cậu vẫn nghe rõ nhìn rõ, tứ chi đầy đủ." Tôi chỉ cau mày, không lên tiếng.

Bành Duy Duy là bạn học của tôi ở trường trung học âm nhạc. Lúc đó tôi học piano, còn cô ấy học thanh nhạc. Duy Duy vốn là một cô gái thanh tú tao nhã, không ngờ đến Ukraine chưa đầy một năm, cô mở miệng là phun ra những lời thô lỗ.

Khoan đã, đụng phải xã hội đen? Toàn bộ ký ức quay về trong giây lát. Tôi nhìn Duy Duy rồi từ từ cuộn chặt người và khóc nức nở: "Mẹ ơi...". Tôi vẫn vô dụng như hồi nhỏ, mỗi khi gặp chuyện tồi tệ, phản ứng đầu tiên của tôi là tìm mẹ.

"Bác sỹ! Bác sỹ!". Duy Duy ôm chặt lấy tôi, cất cao giọng gọi bác sỹ.

Cánh tay bị người giữ chặt, toàn thân lúc thì lạnh toát, rồi lại đau buốt khôn cùng, tôi dần dần khóc không ra tiếng nhưng vẫn tiếp tục sụt sịt. Sau đó tôi chìm vào giấc ngủ, có lẽ do công hiệu của thuốc an thần.

———————

Vài ngày sau, báo chí địa phương đăng tin ảnh về vụ án mạng. Hóa ra không chỉ một mình tôi mà cũng có người khác chứng kiến cảnh bạo lực trăm năm hiếm thấy này. Mấy chục chiếc xe cảnh sát bao vây cả tòa nhà, vô số cơ quan báo chí tụ tập ở gần chợ của người Trung Quốc. Người dân Odessa tương đối chất phác thật thà, bao nhiêu năm qua họ chưa từng gặp một vụ án nào ghê rợn như vậy.

Phía cảnh sát nghi ngờ đây là vụ trả thù của các băng nhóm xã hội đen. Nhưng có một chuyện khá nực cười là một nửa lực lượng cảnh sát của thành phố Odessa bao vây và kiểm tra kỹ lưỡng cả tòa nhà mười hai tầng nhưng không bắt được một kẻ tình nghi nào. Sau đó họ đành phải tạm giữ mười mấy người là nhân chứng ở hiện trường.

Nghe nói, tôi và một người đàn ông Trung Quốc khác là hai nhân chứng ở gần hiện trường gây án nhất. Điều đó có thể giải thích lý do tại sao cảnh sát Odessa lại cố moi tin từ tôi. Nhưng trong lúc hôn mê, tôi đã bỏ lỡ thời khắc náo nhiệt nhất, kịch tính và có tính lịch sử nhất của Odessa.

Tôi kể lại cho Duy Duy nghe toàn bộ chuyện xảy ra ở hiện trường. Duy Duy ngẫm nghĩ một lúc rồi nói, người đàn ông đó có ý tốt nên mới dặn tôi làm vậy. Nếu tôi không biết giữ mồm giữ miệng khai hết với cảnh sát, nhỡ gây thù chuốc oán với xã hội đen hậu quả sẽ rất khó lường.

Mấy ngày sau đó tôi hay ngồi ngây ra, trong đầu hồi tưởng giọng nói trầm ấm của người đàn ông, đồng thời rất hiếu kỳ không biết anh ta là người thế nào.

Một tuần sau tôi được xuất viện, tôi ở nhà nghỉ ngơi thêm một ngày. Sau khi thu dọn sách vở và bản nhạc, tôi đột nhiên nhớ đến vụ gia hạn visa. Tôi bất giác cảm thấy nặng nề, bởi vì tôi buộc phải đến cục cảnh sát, nơi gợi nhớ đến cơn ác mộng đáng sợ.

Từ văn phòng di dân đi ra, tâm trạng tôi tệ đến mức khó có thể hình dung. Trên đường đi tôi đá bay không biết bao nhiêu chiếc lá vàng rơi, tôi chỉ muốn hét thật to để giải tỏa ấm ức. Tôi thật sự không ngờ, một phút vô ý và khinh suất lại tạo thành hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Ba năm trước, tôi tốt nghiệp ở một trường trung học âm nhạc nổi tiếng của thủ đô Bắc Kinh. Thành tích học tập của tôi vốn rất tốt, lúc thi đại học chỉ vì tham ăn một bát canh vị cay, tôi bị đi ngoài ba ngày liền, thành ra lúc đi thi tôi làm bài chẳng ra sao, kết quả là giấc mơ vào Học viện âm nhạc Trung ương đứt gánh giữa đường.

Tôi không đồng ý với sự phân bổ, lại không muốn quay về thời ôn thi vất vả của năm cuối cấp, vì vậy tôi trở thành thiếu nữ có vấn đề và kẻ thất nghiệp trong con mắt bố mẹ tôi. Sau nửa năm nhàn rỗi ở nhà, bạn học giới thiệu việc làm cho tôi, mỗi buổi chiều tôi chơi đàn piano tại một khách sạn bốn sao, thu nhập gọi là tạm đủ nuôi sống bản thân.

Hai năm trôi qua trong chớp mắt, tôi chán ngấy cuộc sống mua vui cho những kẻ chẳng hiểu gì về nghệ thuật. Giấc mơ của tôi là gia nhập Học viện nghệ thuật của nước Áo hay nước Pháp. Nhưng bố mẹ tôi chỉ là kỹ sư bình thường ở một Viện thiết kế, gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, nên đối với những trường có khoản tiền học phí cao ngất trời, tôi chỉ có thể "kính nhi viễn chi". (Kính nhi viễn chi: đứng nhìn từ xa)

Cho đến khi Bành Duy Duy gửi một email từ Ukraine, hết lời khen ngợi thành phố Odessa và thêm vào đó là điều kiện ưu việt dành cho du học sinh, cuối cùng tôi cũng động lòng. Dựa vào khoản tiết kiệm có hạn của bố mẹ, tôi tới Ukraine với visa có thời hạn ba tháng và trở thành sinh viên dự bị của Học viện âm nhạc quốc lập Odessa.

Trước khi xuất phát, tôi nằm bò lên bản đồ thế giới tìm kiếm vị trí của Odessa. Về đất nước Ukraine, tôi chỉ biết mỗi Pavel Korchagin (nhân vật chính trong tác phẩm văn học kinh điển "Thép đã tôi thế đấy") và Nguyên soái Hồng quân Liên Xô trong thế chiến thứ hai Zhukov đều là người Ukraine.

Odessa nằm ở miền nam Ukraine, giáp Biển Đen, nơi này từng là một trong những thành phố hải cảng quan trọng nhất của Liên Xô cũ. Thành phố được xây dựng từ thời Hy Lạp cổ đại, từ đây có tuyến đường biển đi tới Romania, Pháp, Hy Lạp, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngôn ngữ địa phương là tiếng Ukraine, ngôn ngữ thịnh hành trên đường phố là tiếng Nga.

Học viện âm nhạc quốc lập Odessa là một trong những trường dạy nhạc cổ xưa nhất Ukraine, cũng là thành viên của Hiệp hội Học viện âm nhạc châu Âu. Mục đích của tôi là dùng nơi này làm bàn đạp, hai ba năm sau tôi hy vọng thông qua học viện âm nhạc này có thể tìm ra cơ hội tới các nước EU.

Vậy mà giấc mơ của tôi vừa bị một nhân viên mặt sắt đen sì của văn phòng di dân phá vỡ. Anh ta lạnh lùng nói với tôi, địa chỉ trong tài liệu xin visa gốc và địa chỉ nơi ở hiện tại không thống nhất, nếu tôi muốn gia hạn visa, tôi phải nộp giấy xác nhận sống ở ký túc xá trường học.

Tôi nói: "Tôi xin lỗi, tôi đã rời khỏi ký túc xá rồi."

"Thế thì hết cách." Anh ta nhún vai: "Luật pháp quy định, cô phải cung cấp giấy xác nhận khớp với tài liệu xin visa đầu tiên".

"Đây là quy định ngốc nghếch gì vậy?" Tôi cảm thấy khó hiểu, lẽ nào một người nước ngoài sống ở Ukraine mười năm phải quay về nơi ở từ mười năm trước mới có thể xin gia hạn visa?

"Cô có thể chuyển về ký túc xá". Anh ta quả nhiên đưa ra một kiến nghị chán ngắt.

Chuyển cái đầu anh! Tôi tức đến mức không chịu nổi nên chửi bậy bằng tiếng Trung, dù sao anh ta cũng không hiểu. Tác phong quan liêu của đất nước từng thuộc khối xã hội chủ nghĩa đúng là chẳng khác gì ở trong nước.

Anh ta lạnh lùng vô cảm trả lại giấy tờ cho tôi và nói với giọng nghiêm túc: "Nếu không, cô chỉ có thể quay về đất nước của cô".

Tôi hận đến mức muốn bay qua cái bàn siết chết anh ta. Lúc này chỉ còn mười ngày nữa visa của tôi sẽ hết hạn. Ký túc xá lại đông người như vậy, làm gì còn chỗ trống cho tôi chen vào.

Hậu quả của việc không gia hạn visa kịp thời, anh ta cũng nói rất rõ ràng, tôi sẽ trở thành di dân nhập cảnh trái phép, tiếng lóng gọi là "người đen". Từ "người đen" trở thành cư dân hợp pháp gần như phải dựa vào vận may, trước đó cũng từng có tiền lệ nhưng cần tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc.

Tôi vội vàng quay về trường học, trình bày với ban quản lý ký túc xá suốt cả buổi chiều mà không có kết quả. Cuối cùng, tôi thẫn thờ đi bộ về chỗ ở.

Trong lúc vật vờ ở trên đường như người mộng du, tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc đến hậu sự. Nếu tôi không thể gia hạn visa thì phải làm thế nào.

Đi đến giữa ngã ba, tôi mải suy nghĩ nên không để ý đến một chiếc xe thể thao đột nhiên lao tới. Khi tôi ý thức được nguy hiểm thì đã không kịp né tránh. Tôi chỉ biết đứng ngây người ở đó, đầu óc hoàn toàn trống rỗng.

Tiếng xe phanh kít nhức tai, đầu xe ô tô dừng sát bên trái người tôi. Tôi đứng đờ ra ở giữa đường, hai chân quên mất phải di chuyển như thế nào.

Người lái xe có lẽ cũng bị bất ngờ như tôi, một lúc lâu sau anh ta mới xuống xe và xông đến chỗ tôi. Anh ta chỉ tay lên mũi tôi, hỏi bằng tiếng Nga: "Cô...cô làm sao vậy?"

Tôi ngẩng đầu, bắt gặp một gương mặt rất điển trai và phóng túng, là gương mặt của người phương Đông.

Sự ức chế kìm nén trong một ngày đột nhiên bùng phát, tôi cầm balo đập mạnh vào người anh ta và mắng bằng tiếng Trung: "Mẹ nó, anh đâm người mà còn ngang ngược thế. Anh là ai hả? Có BMW thì giỏi lắm sao? Có bản lĩnh thì anh về Trung Quốc giở trò đi, lên mặt ở lãnh địa của người khác thì có gì là ghê gớm."

Người đó hiển nhiên giật mình trước hành động hung hãn của tôi, anh ta lùi lại phía sau tránh đồ bay ra từ chiếc balo của tôi. Anh ta đáp lại bằng tiếng Trung: "Ôi trời, một cô gái trông có vẻ dịu dàng mà sao hung dữ thế? Đi không nhìn đường, cô có nói lý lẽ không đấy? Còn đánh người nữa, cô có tin tôi sẽ đánh lại cô không?"

Tôi đang điên nên bất chấp tất cả, tôi xông đến trước mặt anh ta: "Được thôi, bây giờ anh đánh đi, không đánh anh là cháu tôi".

Anh ta nhìn tôi chăm chú, ánh mắt anh ta lóe lên một tia kỳ quái, giống như kinh ngạc, giống như bừng tỉnh. Sau đó anh ta bật cười: "Ok, coi như cô lợi hại. Hôm nay tôi được mở rộng tầm mắt."

Anh ta túm lấy balo của tôi, tôi ra sức giật lại nhưng không thành công. Tôi trừng mắt với anh ta, còn anh ta chỉ cười cười, ánh mắt đảo đi đảo lại trên mặt tôi.

Cửa bên kia chiếc xe mở ra, một cô gái bản xứ có thân hình bốc lửa xuống xe. Cô ta đứng ở cửa xe gọi người đàn ông: "Mark, lên xe đi!". Giọng nói cô ta nhão nhoẹt như chảy nước mật đến nơi.

Odessa vào tháng 10 nhiệt độ tương đối thấp. Vậy mà người phụ nữ kia vẫn mặc bộ váy da báo hở ngực ngắn cũn. Bộ ngực đầy đặn và đôi chân dài đong đưa trong tiết thu giá lạnh. Cô ta cũng không sợ bị đông cứng, tôi bĩu môi khinh bỉ.

Phụ nữ ăn mặc kiểu này có thể bắt gặp ở bất cứ nơi nào trên đường phố Odessa. Bọn họ đều rất xinh đẹp, mười sáu mười bảy tuổi bắt đầu ra đường kiếm tiền, mục tiêu của bọn họ thường là thương nhân người Hoa và người Ả Rập làm ăn ở Odessa. Bọn họ đang ở độ tuổi thiếu nữ đẹp nhất, đều có gương mặt xinh xắn, làn da trắng mịn như sữa bò, đôi môi đỏ như cánh hoa, vậy mà giá rẻ đến không ngờ, chỉ hai mươi đô la Mỹ cho một đêm.

Đám thương nhân Trung Quốc chìm đắm trong hoan lạc quên cả đất trời...