Những ngày đợi nắng
Posted at 25/09/2015
451 Views
Đăng khi đó chỉ là một đứa trẻ tiểu học, ngoài khóc và làm theo lời mẹ thì chẳng biết làm gì hơn.
Mãi đến khi tiếng khóc quá lớn và kéo dài khiến hàng xóm chú ý mới có người đến và phát hiện ra mẹ anh đã chết cách đó vài phút. Bà mất ngay trong căn nhà mà bà tỉ mỉ chăm chút, mất trong khi đợi người chồng mà bà dành cả cuộc đời để yêu thương, mất trong sự bất lực của anh. Nếu không phải vì cuộc họp chia địa bàn của các băng nhóm thì ba anh đã không để điện thoại chế độ im lặng, nếu khi đó anh chạy ra ngoài kêu cứu, nếu anh lớn hơn một chút và biết cách sơ cứu, nếu anh biết số gọi cho bệnh viện, nếu những điều đó xảy ra thì mẹ anh đã không mất. Suốt những năm tháng qua, anh đã sống và gánh trên vai sự dằn vặt chính mình cùng với nỗi hận người cha ruột. Đây cũng chính là lý do duy nhất khiến anh theo ngành y.
Mải miết chìm trong ký ức đau đớn, đôi mắt Đăng nhòa đi lúc nào không hay. Chỉ đến khi bàn tay gân guốc của ông Bách vụng về vươn đến lau nước mắt cho anh, Đăng mới giật mình nhưng lại không gạt tay ông ra, cũng không tránh khỏi bàn tay ấy.
“Ba không có lời nào biện minh cho sai lầm của mình. Ba đã sai. Ba có lỗi với con và cả với mẹ con. Ba không muốn lại tiếp tục để ai đó vì mình mà chết.” - Nước mắt ông Bách cũng bắt đầu rơi. Từng giọt chất chứa theo tháng năm trượt dài trên gò má hốc hác.
Suốt những năm tháng qua, ông chưa một ngày thanh thản, chưa bao giờ ngừng trách mình vì những sai lầm trong quá khứ, và ông biết Đăng cũng vậy. Con trai ông vẫn luôn tin rằng sự bất lực và ngốc nghếch ngày đó của nó là một phần làm mẹ mất. Trong họ, có lẽ nỗi nhớ đã không còn giày vò triền miên, nhưng sự ân hận thì không bao giờ nhạt nhòa.
Nỗi đau ấy giống như một hình xăm, khi mới có sẽ luôn chú ý đến nó, nhưng dần rồi cũng sẽ không còn thường xuyên ngó ngàng. Thế nhưng nó vẫn còn ở đó. Dù có nói với cả thế giới này rằng trên người chẳng có hình xăm nào và tất cả bọn họ đều tin thì nó cũng vẫn rành rành ở đó, chỉ chờ một ngày nhìn đến. Mỗi trái tim đều được kết nối với nhau bằng yêu thương và nặn thành hình từ những tổn thương. Yêu thương thì mong manh vô hình mà sao tổn thương rõ ràng quá!
Chương 18:
Người ta không còn thấy hình ảnh một cô gái gầy đến đau lòng, miệng ngậm điếu thuốc, ngồi bên hồ sen nữa, thay vào đó là một cô gái hơi mảnh khảnh, miệng cắn hộp sữa, ngồi bên hồ sen, mắt thơ thẩn nhìn bầu trời cao tít tắp.
Từ ngày nghe lời Đăng bỏ hết những thứ độc hại, lại nghe lời Vương dặn “uống sữa cho khỏe”, Winner có da có thịt hẳn lên. Trông cô không còn uể oải và xanh xao như trước. Sẵn nước da trắng, bây giờ hồng hào thêm nên trông đã có chút sức sống. Điều này càng giúp người làm trong nhà khẳng định cô rất hạnh phúc khi được kế thừa công việc của Bạch Hồ. Ai cũng tin rằng từ trên trời rơi xuống một cơ nghiệp, không thể không hạnh phúc.
Winner cũng nửa mập nửa mờ hiểu được suy nghĩ của họ, nhưng cô đâu có rỗi hơi mà đi giải thích với từng người.
Cùng với sự thay đổi của Winner, thái độ của mọi người trong nhà cũng thay đổi rất nhiều. Bạch Hồ là người duy nhất trước sau vẫn giữ dáng vẻ nhàn nhạt xa cách. Còn Kim thì sau khi mang siêu xe tặng Winner, suốt ngày léo nhéo bắt cô chở đi mua sắm, có khi còn mua áo cặp mặc cùng cô. Điều này khiến ý định mang vải phủ xe tan tành mây khói. Tiếp đến là Vương, đều đặn một tháng ba thùng sữa mang đến phòng cô, âm thầm thu dọn vỏ hộp cô vất lại trên bàn. Cuối cùng là Nhi, rất hào phóng mua ba chiếc nhẫn đá quý giống nhau mang tặng cho Winner và Kim, còn nhấn mạnh phải đeo vì đây là “nhẫn chị em”. Quả thật ba con người ấy rất biết cách làm cô cảm thấy bất an. Thái độ của họ, cô chẳng biết có phải vì lạ lẫm hay không mà có đôi chút cảm giác sợ hãi.
“Sao lại mặc áo cặp và đeo nhẫn cặp với con gái?” - Đăng cau có đứng dựa người vào tường, mắt gườm gườm nhìn chiếc nhẫn đá quý sáng bóng trong chiếc hộp cầu kỳ.
“Em đã đeo đâu, áo cũng chưa mặc qua.” - Winner uể oải nằm trên giường, hai chân để dưới sàn sau khi vừa uống hết một hộp sữa.
Nghe tiếng cô cố tình hút sữa trong chiếc hộp hết, Đăng lại tiếp tục cau có: “Bữa sau anh sẽ mua sữa mang cho em.” - Chẳng biết từ lúc nào anh đã cho mình thoải mái ghen công khai.
“Anh thích xài tiền như vậy cơ à?” - Winner cũng rất tự nhiên đón nhận thái độ ghen tuông đó.
“Một thùng sữa đâu có đáng bao nhiêu.” - Đăng bất mãn.
“Thế anh mua bao nhiêu cái một thùng?” - Winner không chịu thua.
Thôi được rồi! Chuyện này anh sẽ nhường cô. Ai mua sữa không quan trọng, quan trọng là cô chịu uống và tốt cho cô là được. Nhưng chuyện chiếc nhẫn và áo cặp thì nhất quyết không.
“Thế nếu anh mua nhẫn và áo cặp thì em có dùng không?” - Giả vờ như hỏi vu vơ, Đăng đi đến nằm xuống cạnh Winner, hai chân để dưới sàn.
“Nếu đẹp.” - Winner trả lời nhẹ tênh, học theo Đăng, ra vẻ không quá chú tâm vào chủ đề.
“Là nhẫn cặp và áo cặp đó.” - Đăng giả vờ cảnh báo.
“Thì cặp chứ sao.” - Winner kiểu như chẳng thèm cãi, xua tay rồi ngồi bật dậy, để Đăng nằm đó còn mình đi lấy một hộp sữa khác để uống. Lúc trước cô đâu có cảm thấy sữa ngon như thế, uống chỉ là để cầm hơi, bản thân không chút thích thú. Sao dạo này cảm thấy ngon và béo đến thế nhỉ? Cứ muốn uống mãi không ngừng, uống thay nước càng tốt. Hôm nọ Đăng còn trêu rằng “sữa Vương mua nên thấy ngon chứ gì?”, thế nhưng hôm qua cô ra ngoài làm việc, tiện ghé mua hộp sữa để uống trong lúc đi đường, cũng cảm thấy hương vị ngon giống như thế mà.
Nếu là mọi khi thấy cô đi lấy sữa, anh lại sẽ tiếp tục nửa đùa nửa thật cái câu ấy, nhưng lúc này thì không. Cô đồng ý đeo nhẫn cặp và mặc áo cặp với anh, chẳng khác nào ngầm đồng ý anh với cô là một cặp. Cứ cho là anh đang tự mình tưởng tượng, đầu óc Winner chẳng hề nghĩ nhiều như thế, nhưng anh thích cảm giác lúc này quá. Thích đến mức cứ muốn ảo tưởng mãi thế này cả đời cũng được.
Thật ra thì không phải bản thân Đăng ảo tưởng. Sự thật là Winner đang ngầm thừa nhận quan hệ giữa hai người. Càng lúc khao khát được sống hạnh phúc trong cô càng lớn lên. Bản thân cô đã hiểu ra mình hoàn toàn có quyền được sống hạnh phúc nếu biết cách buông bỏ những ký ức. Nắm tay lâu quá sẽ mỏi, tay cô đã nắm quá lâu rồi. Cô sẽ tiếp tục ở lại đây giúp Bạch Hồ như một sự trả ơn vì bà đã cứu vớt khi cô khốn đốn trốn hỏi “đấu trường người”, nhưng khi Đăng ngỏ lời, cô sẽ cùng anh rời khỏi đây và sống một cuộc sống khác.
Vốn chỉ có một lần để sống, cô hay bất cứ ai đều có quyền hạnh phúc. Đây mới chính là động lực khiến cô từ bỏ hết những thứ không tốt cho cơ thể, lời nói của Đăng chỉ tác động một phần mà thôi.
Bên cạnh suy nghĩ tích cực, tâm trạng Winner gần đây cũng rất tốt. Cô nhận ra cảm giác được người khác quan tâm rất ấm. Đương nhiên người làm cô thấy ấm lòng không phải là Kim, Vương hay Nhi mà là Đăng và bà Thủy. Đối với Winner, bà Thủy quan tâm rất thật lòng. Bà thường làm bữa sáng cho cả nhà, không quên phần cô. Ban đầu cô chỉ nghĩ là tiện thể, nhưng sau khi hỏi cô thích ăn gì, bà đã lần lượt nấu những món ăn đó, còn nhớ rất rõ cô không thích tiêu và không ăn được hành. Nếu không thật lòng để tâm, sẽ chẳng ai có thể nhớ những điều nhỏ nhặt ấy. Thỉnh thoảng bà còn làm sinh tố hoặc nước ép, đặc biệt chọn những loại trái cây Winner thích và tận tâm mang đến phòng cho cô. Winner sống đến từng tuổi này chưa bao giờ cảm thấy ấm lòng đến thế. Cảm giác thân thương như bà là mẹ và cô là đứa con gái được yêu thương. Hơi ấm ấy thật dễ gây nghiện.
“Đang làm gì đấy Winner ơi?” - Cô vừa nghĩ đến thì tiếng bà đã vang lên bên ngoài.
Winner lập tức bật dậy khỏi giường, đi nhanh ra mở cửa. Gương mặt phúc hậu và thanh tú của bà Thủy xuất hiện ngay sau đó.
“Cháu đang nằm không vậy thôi.” - Cô cười hì hì. Cảm giác đứng trước bà, cô như một đứa trẻ nhỏ.
“Cô mới xem tivi, người ta dạy búi tóc đẹp lắm. Tóc cháu dài thế này có thể búi được đó.” - Trong khi nói, bà Thủy đưa tay vuốt nhẹ mái tóc hơi rối và có phần hoang dã của Winner.
Búi tóc? Cô cả đời thậm chí còn không đụng vào lược. Tóc cô từ khi gội xong cho đến khi khô đều được “có sao để vậy”, lược không thể chạm đến một sợi. Cô là đứa con gái không bao giờ chải đầu.
Ngay khi Winner còn ngơ ngác chưa kịp định thần, bà Thủy kéo cô vào phòng, ấn cô ngồi xuống sàn, dựa lưng vào giường, còn bà ngồi trên giường chải tóc cho cô. Xem ra đã chuẩn bị từ trước rồi, bà còn mang theo cả một hộp kẹp tăm, lược và thun cột tóc.
Winner còn nhớ hồi còn bé, em gái cô mỗi ngày đều có một kiểu tóc mới rất xinh, nhìn gương mặt non nớt với mái tóc thưa cột đủ kiểu, chẳng đẹp đẽ gì nhưng cũng đủ làm cô chạnh lòng. Mẹ chưa bao giờ chải tóc cho cô, chưa bao giờ xoa đầu cô. Hình như, mẹ chưa bao giờ chạm vào cô.
Ngay từ khi còn bé Winner đã không có thói quen chải đầu, tóc luôn rối xù theo cách của nó và có lúc còn dính bết mồ hôi. Sau này lớn lên, tóc luôn sạch sẽ nhưng cũng tuyệt nhiên không chạm vào lược...