Disneyland 1972 Love the old s

Gặp em dưới mưa xuân

Posted at 27/09/2015

300 Views



Phạm Triết Lạc cầu xin: “Để em cùng đi với anh, khi nào về em sẽ quỳ”.

Phạm Triết Thiên gầm lên: “Em mà còn nói thêm câu nào, sau này anh sẽ không cho em chơi với Tiểu Đa nữa!”.

Phạm Triết Lạc lập tức chấp hành gia pháp, quỳ ngay xuống trước ban công. Mấy người anh, bất kể là ai, sau khi về nhà hỏi rõ tình hình xong đều vội vàng chạy đi. Phạm Triết Lạc quỳ một mình ở ban công không nén được bèn khóc thút thít. Cậu rất muốn chạy đi xem em gái thế nào nhưng không dám.

Đến khi mấy anh em bế Tiểu Đa về nhà, ngồi xuống bàn ăn cơm, Phạm Triết Thiên vẫn không bảo Phạm Triết Lạc đứng dậy. Tiểu Đa thấy thế, trèo xuống khỏi ghế, kéo anh trai lên.

Đây là lần đầu tiên một người trong nhà họ Phạm bất chấp gia pháp tỏ sự đồng cảm với người chịu phạt, nhưng không có ai lên tiếng phản đối.

Phạm Triết Cầm mong mãi mới thấy có người thách thức với quyền uy của Phạm Triết Thiên nên cứ im lặng quan sát.

Phạm Triết Thiên không nỡ lòng quở trách Tiểu Đa, Phạm Triết Địa, Phạm Triết Nhân, Phạm Triết Hòa thì cứ đưa mắt nhìn nhau, ánh mắt đều toát lên câu nói: Lần này Tiểu Đa ra tay nên không bị làm sao, nếu sau này hễ mắc lỗi đã có Tiểu Đa là kim bài miễn chết cho rồi.

Như vậy, Tiểu Đa kéo Phạm Triết Lạc đến bàn ăn cơm. Cô bé gắp thức ăn cho anh trai với vẻ sợ sệt, Phạm Triết Lạc cảm động tới mức trong bụng thề suốt đời này sẽ không bao giờ để em gái bị tổn thương. Thực ra, Tiểu Đa sợ rằng anh trai bị phạt, lần sau sẽ không dám đưa mình đi chơi nữa.

Nhìn thấy ánh mắt lạ lùng của mấy người anh khác, Tiểu Đa thông minh gắp cho mỗi anh một miếng thức ăn.

Tiếng cười đã trở lại với bàn ăn cơm. Vị trí của Tiểu Đa trong gia đình một lần nữa được củng cố thêm.

Phạm Tiểu Đa đã lớn lên thuận lợi trong sự che chở của các anh chị trong gia đình như vậy. Đi làm chưa được hai tháng, Phạm Triết Thiên và Phạm Triết Cầm theo thánh chỉ của thái thượng hoàng giúp Phạm Tiểu Đa tìm bạn trai.

Anh Cả và chị Hai thấy rằng, bây giờ Phạm Tiểu Đa đã đi làm, đã đến lúc có bạn trai. Nhưng tìm đâu ra người xứng với Phạm Tiểu Đa bây giờ?

Trong mắt của Phạm Triết Thiên, thì tướng mạo bạn trai của Phạm Tiểu Đa ít nhất cũng không được kém mình và bốn người em trai.

Trong con mắt của Phạm Triết Cầm, bạn trai của Phạm Tiểu Đa phải là người dịu dàng, cẩn thận như mình.

Hai người đã vẽ ra khuôn mặt của một chàng trai, rồi điền nội dung vào đó: Hình thức đẹp trai, tính tình tốt, gia đình trong sạch, sự nghiệp phải có thành tích.

Sau khi vẽ xong, hai người thấy rất khó khăn.

Phạm Triết Thiên từ tốn nói: “Người nhiều thì thêm sức mạnh, gọi mấy đứa nhóc đến để cùng bàn bạc”.

Đến khi có mặt đủ sáu người, trên bức vẽ bạn trai của Phạm Tiểu Đa có thêm mấy nội dung: Phải hài hước, dí dỏm, phải biết nấu ăn ngon. Và điều quan trọng nhất là người ấy phải yêu Tiểu Đa, tình cảm không được ít hơn những người trong gia đình họ Phạm.

Cuối cùng, Phạm Triết Cầm quyết định: “Từ bây giờ, các cậu phải phát động các đồng nghiệp, bạn bè của mình cùng tìm. Bất cứ một ai phù hợp cũng không bỏ qua”.

Phạm Triết Thiên đồng ý: “Đúng, phải giăng lưới khắp nơi, bắt bằng được cá”.

Tất cả đều bỏ phiếu thông qua.

Nhưng, họ đã quên mất một điều là: Không hỏi ý kiến của Phạm Tiểu Đa.



Chương 2:



Không ngờ, trong lúc cô vẫn đang nức nở thì có một tiếng nói vang lên: “Gặp phải chuyện gì à? Sao khóc đau lòng thế?”.

Tiểu Đa nhìn lại, đáp với vẻ rất kiên cường: “Liên quan gì đến anh? Tôi đâu có quen anh”.

Trong lúc cả nhà họp để vắt óc và quyết định tìm bạn trai cho Tiểu Đa ở khắp nơi thì cô đang ngồi khóc một mình trong lùm cây ở công viên. Cô vừa vào làm ở đài truyền hình được hai tháng, nên gặp phải rất nhiều vấn đề phức tạp trong quan hệ giao tiếp mà từ trước tới nay cô chưa biết đến bao giờ.

Phạm Tiểu Đa vừa mới tới làm việc, vốn dĩ chỉ có thể đảm đương được chân sai vặt của sinh viên thực tập. Nhưng biết làm sao được, cô có sáu anh chị là cán bộ trung, cao cấp ở các ngành nghề khác nhau. Người anh Cả làm việc trong chính quyền gọi một cú điện thoại đến nhờ giám đốc đài quan tâm đến cô một chút, còn người chị Hai làm việc tại ban Tuyên truyền thì cứ một mực đòi đưa cô tới đài trong ngày đầu tiên đi làm.

Tiểu Đa không biết anh Cả đã dùng các mối quan hệ để đưa cô vào làm ở đài, cũng không thể từ chối trước quyết định đưa cô tới ra mắt cơ quan của chị gái. Dường như bây giờ chị Hai – Phạm Triết Cầm mới chợt phát hiện rằng đã ít giáo dục cho cô về quan hệ xã hội. Vì thế, dọc đường chị cứ nói mãi không thôi: “Tiểu Đa à, đến cơ quan thì bớt nói mà làm nhiều đấy nhé, đừng có nói xấu ai sau lưng, trong cơ quan, tối kỵ nhất là việc nói xấu, làm hại lẫn nhau. Em không thích ai cũng đừng thể hiện ra ngoài. Bây giờ trong các cơ quan rất phức tạp, những người bề ngoài thì nói nói cười cười, nhưng sau lưng lại bới móc, chọc gậy bánh xe rất nhiều… Tiểu Đa à, đến cơ quan rồi, em là người mới, cần phải chăm chỉ, nhanh nhẹn một chút, có như vậy người ta mới không thấy chướng mắt, nếu em mệt, chị sẽ mua đồ ăn ngon cho em!”.

Phạm Tiểu Đa nghe chị nói mà thấy buồn cười, trong con mắt của chị, cô như một đứa trẻ chưa lớn, bây giờ cô đã hai mươi mốt tuổi rồi, vậy mà còn lấy việc mua quà ra để dỗ dành. Thấy chị vẫn có ý định nói tiếp, cô bèn khoác tay chị, nũng nịu: “Em biết rồi, chị, em sẽ làm tốt mà”.

Đến cổng đài truyền hình, Phạm Tiểu Đa nhất định không cho chị vào cùng: “Chị, nếu người ta nhìn thấy em lớn thế này rồi mà vẫn cần có người nhà đi cùng, người ta sẽ cười cho. Chị cứ về đi, em tự vào là được rồi”.

Chị Hai thấy nói mãi không được, đành nói với Tiểu Đa: “Chị cũng có việc phải vào đài của em, chúng ta cùng đi chứ đâu phải chị đưa em đến”.

Tiểu Đa chẳng còn cách nào khác, đành để chị đi vào cùng. Vừa vào tới cổng đã gặp người quen: “Ôi, có phải chị Phạm ở ban Tuyên truyền không? Sao chị xuống đài mà không báo trước một tiếng?”.

Phạm Triết Cầm cười tít mắt: “Không sao, không sao. Hôm nay tôi đưa em gái đến nhận công tác, sau này nhờ anh quan tâm nhiều đến Tiểu Đa nhà tôi”.

Người quen cũng cười: “Em gái của chị à? Đến làm việc ở đài chúng tôi? Là cô em thứ bảy trong nhà phải không? Loáng một cái đã lớn và trở thành cô gái xinh đẹp thế này rồi, vừa trẻ vừa có tài!”.

Tiểu Đa xấu hổ đỏ bừng cả mặt. Cái gì mà vừa trẻ vừa có tài, mới nhìn thấy mà đã biết như vậy? Trong bụng cảm thấy buồn cười thay, sao người ta lại có thể nói bừa như thế, nhưng cô chỉ cúi đầu không nói gì.

Đợi khi người kia đi khuất, chị cô mới nói: “Đây là chủ nhiệm Lâm, Tổng biên tập của đài, em nhớ nhé”.

Khi vào đến tòa nhà lớn, Tiểu Đa mới biết mình đã mắc lừa chị. Chị không có việc ở đài mà chỉ là đưa cô đi. Vì thế, chị đã đưa cô tới gặp trực tiếp những người quen chào hết một lượt, sau đó lôi cô vào phòng làm việc của Giám đốc đài: “Chào giám đốc Lưu, hôm nay tôi đưa em gái đến nhận công tác đây. Từ nay về sau nhờ anh quan tâm, giúp đỡ”.

Sau khi nói chuyện một lúc, chị ra về, để lại Phạm Tiểu Đa ở trong phòng làm việc của Giám đốc đài. Giám đốc Lưu mới xấp xỉ bốn mươi tuổi, người gầy guộc, nhìn qua thì thấy không phải là người dữ dằn, Tiểu Đa vừa quan sát vừa thầm nghĩ. Nhưng hồi lâu mà giám đốc Lưu vẫn không bảo cô ngồi xuống, Tiểu Đa đứng một lúc, cảm thấy tay chân thừa thãi, bụng thấy hối hận, lẽ ra không nên để chị Hai đưa cô đi, như vậy cô chỉ việc cầm bộ hồ sơ tới phòng làm việc thì nhẹ nhõm biết bao.

Đang nghĩ như vậy thì thấy Giám đốc đài gọi điện thoại bảo một người phụ nữ chừng ba mươi tuổi tới. Giám đốc Lưu chỉ vào Tiểu Đa nói: “Đây là nhân viên mới, trước tiên cứ làm việc ở ban Tin tức các cô”.

Người phụ nữ kia thoạt nhìn đã biết ngay là người của công việc, đảm đang, tháo vát. Dường như biết trước được lý lịch của cô, chị ta nở nụ cười hòa nhã: “Cô là Phạm Tiểu Đa phải không? Không cần gọi tôi là chủ nhiệm Trương đâu, gọi chị Trương là được rồi. Đi nào, về chỗ làm việc của chúng ta”.

Thế là Tiểu Đa vào làm việc ở ban Tin tức. Ban Tin tức không có nhiều người, hai Phó chủ nhiệm, một thầy giáo Lăng, một cô gái trẻ khác và Phạm Tiểu Đa.

Tiểu Đa ngồi trong phòng làm việc mà không biết nên làm việc gì. Chị Trương đưa cho cô một tập bản thảo các đài tuyến dưới gửi lên, chỉ có lời mà không có hình, nói: “Tiểu Đa, cô đem những bài viết này sửa thành các bản tin phát bằng lời, không cần hình ảnh. Có gì không hiểu thì hỏi thầy Lăng hoặc hỏi tôi là được”.

Tiểu Đa vô cùng cảm kích, cảm thấy chị Trương rất dễ gần.

Kể từ hôm đó, Tiểu Đa phụ trách việc sửa bài ở ban Tin tức.

Cô gái trẻ cùng ban nhìn thấy Phạm Tiểu Đa ngồi ở bàn làm việc đối diện với cô, bèn tự giới thiệu mình là Trương Lệ. Tiểu Đa thấy có người bắt chuyện cũng hoạt bát hơn hẳn. Hai cô gái trẻ nhanh chóng trở nên thân thiết.

Tiểu Đa đang lấy làm lạ là tại sao ban Tin tức không có trưởng ban chính thức, thì Trương Lệ đã hé lộ bí mật với vẻ bí hiểm. Thì ra, Trưởng ban Tin tức đã được thăng chức lên làm Phó giám đốc đài, nên khuyết chức Trưởng ban, hai Phó trưởng ban, một người họ Trương, một người họ Mã đang ngấm ngầm đấu đá với nhau để tìm cách ngồi vào vị trí đó.

Tiểu Đa nhớ lời của chị gái, chỉ nghe mà không nói lại.

Cả Phó trưởng ban Trương và Phó trưởng ban Mã đối với Tiểu Đa đều tương đối khách sáo. Hôm đó, Phó trưởng ban Mã đưa một tập bản thảo cho Tiểu Đa, nói: “Tiểu Đa, cô sửa những bài viết này đi”.

Tiểu Đa đáp lại rõ ràng, hai tháng qua, việc sửa bài của cô rất thuận lợi, bài phía dưới gửi lên dài mấy trang, cô vung bút sửa thành bản tin chỉ có mấy dòng ngắn gọn.

Vì vừa mới tới làm việc tại đài truyền hình, còn lạ lẫm nên ngày nào Tiểu Đa cũng xem các bản tin của đài. Mặc dù không có hình ảnh, nhưng cô vẫn ngồi ngây ra xem người dẫn chương trình đọc bài mà cô đã sửa, cho dù là phát lại cô cũng không bỏ qua, trong lòng dâng lên cảm giác thành công nho nhỏ.

Cô rất thích công việc này và vẫn mơ ước trở thành một phóng viên. Nhưng cô biết, hiện tại cô chưa đủ năng lực, công việc sửa bài ở ban Tin tức là bước rèn luyện cần thiết cho cô.

Tiểu Đa cầm tập bài viết mà Phó trưởng ban Mã đưa cho rồi sửa rất cẩn thận. Để bài sửa được rõ ràng thì phải dùng đến bút đỏ. Tiểu Đa đọc đến một bài viết về việc nuôi lợn làm giàu ở một địa phương. Bài viết này có kèm theo cả hình ảnh, nhưng không dài, chỉ trong một trang giấy, có điều Tiểu Đa đã khoanh ra bảy, tám lỗi sai cần phải sửa. Sau đó, cô cảm thấy trật tự bài viết không phù hợp nên dùng bút đỏ vạch ra chỗ cần chuyển vị trí, vì thế, trang giấy có bài viết dưới tay cô trở nên chẳng khác gì một khuôn mặt nham nhở.

Phạm Tiểu Đa không ngờ rằng, chính bài viết ấy đã mang đến tai họa lớn



Chương 3:



Giáo viên dạy máy tính chân thấp lông xoăn và háo sắc, để cho cả lớp toàn là học sinh nữ qua được kỳ thi, Tiểu Đa đã dũng cảm trong vai một nữ hiệp, gửi cho người lông xoăn một lá thư đầy nhiệt huyết…

Phạm Tiểu Đa sợ bóng tối, sợ sấm sét, sợ đi một mình trong đêm tối, đến bây giờ ông anh thứ Sáu – Phạm Triết Lạc vẫn nhớ những điều đó. Hồi còn bé xem bộ phim Đôi giày thêu hoa, mấy đứa trẻ vừa xem vừa hồi hộp, tới mức không dám thở mạnh, xem xong mới thấy Tiểu Đa ngồi ngây người không hề nhúc nhích. Phạm Triết Lạc động vào người Tiểu Đa, không ngờ cô em kêu ré lên, rồi bật khóc. Thấy vậy, cả bọn đều sợ đến sững người, một lúc sau mới nghe thấy Tiểu Đa nói cô sợ quá.

Tối hôm ấy, Tiểu Đa nằm ngủ cùng giường với chị Hai, nhưng mãi vẫn không sao ngủ được, anh Cả đón cô sang giường, cô vẫn không ngủ được, bốn người anh kế sau lần lượt bế cô ru ngủ, thế mà cô vẫn cứ thức. Cứ như vậy, mãi tới khi trời sáng cô mệt quá mới thiếp đi...